PGS. TS. Trần Đình Bình: “Thời điểm Covid-19 như một bệnh đặc hữu đang cận kề…”
Sức khỏe - 03/02/2022 10:08 LÂM CHÍ CÔNG
PGS. TS. Trần Đình Bình. Ảnh: S.V. |
Nhân viên y tế là điểm tựa, là niềm tự hào của Nhân dân
PV: Thưa PGS. TS. Trần Đình Bình, vậy là chúng ta đón cái Tết thứ 2 cùng Covid-19. Giữa bộn bề lo toan với công cuộc phòng chống dịch bệnh, mùa Xuân vẫn luôn mang lại niềm vui, may mắn, sự lạc quan tin tưởng. Xin PGS chia sẻ với độc giả Tạp chí LĐ&CĐ những suy nghĩ, cảm xúc của PGS nói riêng và đội ngũ “chiến binh blouse trắng” nói chung về Tết Nhâm Dần 2022...
PGS. TS. Trần Đình Bình: Nhanh thật, một năm nữa đã trôi qua, đã gần hai năm cả thế giới và Việt Nam quay cuồng trong phòng, chống Covid-19. Dịch bệnh đã làm thay đổi thế giới nói chung và Việt Nam của chúng ta rất nhiều. Sự lên ngôi của công nghệ 4.0, chuyển đổi số, viễn thông, dạy và học online, làm việc tại nhà, làm việc từ xa… nhiều thuật ngữ mà chỉ vài năm trước là hoàn toàn xa lạ nhưng nay đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày; nhiều thuật ngữ chuyên môn y tế nay đã trở thành ngôn ngữ sinh hoạt bình thường trong cuộc sống như 5K, khẩu trang, vắc xin, tiêm chủng, nồng độ oxy máu… Trước đại dịch Covid-19, khi nhắc tới từ khóa Corona, chỉ có các nhà vi sinh vật học và một số thầy thuốc còn nhớ đến dịch SARS năm 2002, nhưng giờ đây, Corona đã trở thành ngôn ngữ chung trên toàn thế giới là một loài vi rút gây Covid-19.
Là nhân viên y tế, tham gia phòng, chống dịch ngay những ngày đầu từ tháng 3/2020, cho đến nay chúng tôi đều nhận thức rằng Covid-19 đã trở thành một trong những đại dịch được cho là đã làm thay đổi cả thế giới. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vấn đề phòng bệnh là chủ yếu, nó được xem như là một chiến lược mang tính toàn cầu với sự tham gia của toàn dân, với mục đích là khống chế và đẩy lùi dịch bệnh. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh, nhiều thầy thuốc đã nhiễm bệnh và hy sinh vì công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Nhưng hơn ai hết, đội ngũ nhân lực y tế là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến này, dù chịu nhiều áp lực, dù còn khó khăn trong cuộc sống, vẫn vững vàng trên tuyến đầu chống lại Covid-19.
Sinh viên Đại học Y dược Huế (Đại học Huế) xung phong lên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: P.V. |
PV: Các nhà chuyên môn về dịch tễ, y tế cho rằng, Covid-19 là đại dịch có nhiều cái nhất, nhiều cái lần đầu tiên nhất trong lịch sử y văn nhân loại. Chúng tôi muốn nghe PGS. TS. đưa ra “góc nhìn riêng” với tư cách là một người có nghiên cứu sâu về lĩnh vực vi rút?
PGS. TS. Trần Đình Bình: Đúng như vậy, với góc nhìn về chuyên môn thì Covid-19 là đại dịch có nhiều cái nhất, nhiều cái lần đầu tiên nhất trong lịch sử y văn nhân loại. Đó là:
Covid-19 là đại dịch bao phủ gần như toàn cầu, chỉ còn một, hai quốc gia chưa có những con số báo cáo về dịch bệnh, trong lịch sử nhân loại chưa có một đại dịch nào lây lan rộng và nhanh như vậy.
Covid-19 là đại dịch có số người mắc nhiều nhất so với các đại dịch khác như cúm Tây Ban Nha (1918), dịch hạch châu Âu (thế kỷ XV).
Covid-19 là đại dịch được nghiên cứu nhanh nhất, nhiều nhất và đưa ra nhiều giải pháp về khám, chữa, phòng bệnh sớm nhất, dễ được chấp nhận nhất trên toàn cầu so với những dịch bệnh khác như kít xét nghiệm, giải trình tự gen của vi rút, các phương pháp xét nghiệm, các phương pháp chẩn đoán, các thuốc điều trị… Covid-19 là đại dịch gây nhiều mâu thuẫn nhất, mâu thuẫn về nguồn gốc dịch bệnh, về phương pháp kiểm soát dịch bệnh, thuốc điều trị vi rút… giữa các đơn vị nghiên cứu, các quốc gia, các khu vực khác nhau trên thế giới.
Covid-19 là đại dịch tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động chung trên thế giới mạnh mẽ nhất, từ các tổ chức chuyên môn, các thể chế chính trị, các quốc gia, đảng phái khác nhau… đều chung nhận định và kết luận về các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Covid-19 là đại dịch làm thay đổi cuộc sống bình thường của con người trên thế giới nhiều nhất, không tụ tập, giãn cách, làm việc từ xa, hạn chế du lịch, giao lưu, giảm thu nhập, sống chậm…
Covid-19 là đại dịch đã làm thay đổi nhanh nhất, nhiều nhất về nhận thức của cộng đồng nói chung về bệnh tật và sức khỏe, về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, về áp lực của ngành Y tế… Vẫn còn nhiều cái nhất, nhưng tôi chỉ muốn nói những cái nhất gắn với sự xuất hiện và lây lan của dịch bệnh nói chung mà thôi.
Tập huấn xét nghiệm Covid-19 do sinh viên Đại học Y dược Huế (Đại học Huế) thực hiện. Ảnh: T.L |
Bài học số một: Phải đầu tư mạnh hơn cho y tế cơ sở, tuyến đầu
PV: Loài người đã, đang và sẽ chung sống với Covid-19 cùng những biến thể mới, lạ khác. Có thể còn hơi sớm để rút ra những bài học từ việc phòng, chống đại dịch Covid-19. Nhưng, với tư cách cá nhân, PGS. TS. có thể mạnh dạn nêu lên một số bài học “nóng nhất” từ thực tiễn phòng, chống dịch bệnh thời gian qua?
PGS. TS. Trần Đình Bình: Trải qua gần 2 năm chống chọi với Covid-19, thế giới và Việt Nam cũng đã đưa ra được nhiều bài học, nhiều giải pháp, nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng, chống hiệu quả dịch bệnh. Một số bài học quan trọng được rút ra, có thể là:
Công cuộc phòng, chống đại dịch ở nước ta đã có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, nhiều bệnh viện dã chiến đã được thành lập và đi vào hoạt động, hàng ngàn cán bộ y tế, lực lượng vũ trang đã được huy động vào những điểm nóng để hỗ trợ chống dịch, có nhiều sáng kiến đã được đưa ra, nhiều kỹ thuật hiện đại đã được áp dụng… Trong dịch bệnh mới thấy hết vai trò của y tế cơ sở, cần đầu tư mạnh hơn cho mạng lưới y tế cơ sở cả về nhân lực và vật lực để đảm nhiệm công tác tuyến đầu hiệu quả từ phát hiện, truy vết, theo dõi, chăm sóc, tiêm chủng, chuyển tuyến… đều có thể thực hiện nhịp nhàng thì sẽ không gây nên tình trạng quá tải ở bệnh viện, chờ đợi ở tuyến trên…
Trong bối cảnh mà việc loại trừ vi rút SARS-CoV-2 có thể là bất khả thi, thì phải xem nó như là một “hiện tượng” hay một “phần tất yếu” của thế giới hiện đại, và phương án phải sống chung với đại dịch này đang dần được chấp nhận. Đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch, an toàn cho cộng đồng là tiền đề để kiểm soát dịch hiệu quả. Là cuộc chiến của cả cộng đồng, nhưng nhân viên y tế vẫn là lực lượng chủ đạo trong phòng, chống dịch bệnh.
Ưu tiên chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, bảo đảm điều trị hiệu quả bệnh nền ở nhóm những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, diễn tiến nặng, hoặc nguy cơ tử vong là biện pháp linh hoạt và hiệu quả để vừa giảm tải việc bệnh nhân nặng nhập viện, vừa giảm được tỷ lệ tử vong.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh là bài học quan trọng nhất. Khi diện bao phủ vắc xin vượt quá 80% cộng đồng thì dịch bệnh sẽ chỉ ở mức tản phát, người mắc vẫn còn nhưng các dấu hiệu nhẹ nhàng hơn, nguy cơ diễn tiến nặng sẽ ít đi, nguy cơ tử vong cũng sẽ giảm nhiều. Ngoài ra, thường xuyên tập thể dục, rèn luyện thân thể, vệ sinh môi trường sống, bảo vệ môi trường xanh sạch… sẽ giúp chúng ta có cơ thể khỏe mạnh hơn, có khả năng chống chịu với bệnh tật nói chung và Covid-19 nói riêng.
Xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Y dược Huế. Ảnh: P.V. |
Không xét nghiệm rộng rãi trong cộng đồng, mở cơ sở điều trị Covid-19 từ tuyến huyện
PV: Dù gì đi nữa thì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Lao động sản xuất vẫn không được phép ngưng trệ. Các nhà máy, xí nghiệp, công trường với hàng nghìn, chục nghìn CNLĐ vẫn đang tích cực vừa phòng, chống dịch bệnh vừa thi đua sản xuất, tạo ra sản phẩm, giá trị để phục vụ nền kinh tế và sự phát triển của đất nước. Xin PGS. TS. “hiến kế” những giải pháp để vừa phòng, chống dịch an toàn, bảo đảm không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trong các KCN, nhưng tiết kiệm, ít tốn kém, đặc biệt là đừng để phải làm những việc không cần thiết gây tốn kém, lãng phí nguồn lực.
PGS. TS. Trần Đình Bình: Trong tình hình hiện nay, khi các ca nhiễm đã xuất hiện nhiều trong cộng đồng, với tính chất dễ lây như Covid-19, mà biến thể mới Omicron còn lây mạnh hơn thì việc xét nghiệm rộng rãi, tầm soát hàng loạt trong cộng đồng có thể sẽ làm tăng số ca nhiễm mà không hề thay đổi tính chất và nguy cơ của dịch. Để sống chung với Covid-19 an toàn, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội thì đối với bất kỳ quốc gia nào, chiến lược hàng đầu là kết hợp tiêm chủng, xét nghiệm có chọn lọc để truy vết cùng với giãn cách an toàn nhờ hệ thống y tế cơ sở hoạt động hiệu quả, và chuẩn bị cơ sở điều trị Covid-19 ngay tại các bệnh viện.
Trong thời điểm hiện nay, khi chúng ta đã tiêm chủng đạt gần 80% dân số, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao thì việc tổ chức tiêm chủng nên chuyển hoàn toàn cho trạm y tế, tổ y tế cơ quan xí nghiệp đảm nhận. Chỉ xét nghiệm sàng lọc cho những người có triệu chứng hô hấp hoặc những triệu chứng liên quan. Xét nghiệm định kỳ cho nhân viên y tế và bệnh nhân tại các bệnh viện. Xét nghiệm bổ sung cho người có tiếp xúc gần với người nhiễm. Không xét nghiệm rộng rãi trong cộng đồng. Trạm y tế địa phương, tổ y tế trong cơ quan, xí nghiệp là đơn vị quản lý người dân tại địa bàn về y tế, chịu trách nhiệm khám sàng lọc cho người dân, cho công nhân khi có triệu chứng, xét nghiệm nhanh những đối tượng này. Không để người dân đến các phòng khám hoặc bệnh viện làm tăng nguy cơ lây lan.
Những người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như cảm lạnh, cảm cúm thông thường nên được theo dõi tại nhà, tại cơ quan, xí nghiệp, không đưa vào các khu cách ly tập trung, cơ sở thu dung, quản lý bệnh nhân nhiễm Covid-19. Hiện nay, hơn 90% ca mắc không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên chưa cần phải chăm sóc y tế, không nên đưa vào các khu cách ly tập trung để giảm gánh nặng cho y tế, giảm thiểu nguy cơ lây lan trong khu vực này.
Các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên đều thiết lập khu cách ly điều trị như một bệnh truyền nhiễm, giảm các bệnh viện dã chiến và các khu cách ly tập trung. Đến một thời điểm, chúng ta cần chấp nhận Covid-19 như một bệnh đặc hữu, như cảm lạnh, cúm mùa, sốt xuất huyết, tay chân miệng… vậy. Cần thiết thì nhập viện điều trị, nhẹ thì chăm sóc tại các trạm y tế và tại nhà. Có như vậy cuộc sống của chúng ta sẽ bình thường, song hành với dịch bệnh mà chắc chắn trong tương lai gần chúng ta khó mà loại bỏ dứt điểm được.
PV: Xin cảm ơn PGS. TS. Trần Đình Bình!
LĐLĐ Thừa Thiên Huế thăm, tặng quà cho công nhân lao động làm việc trong đêm giao thừa Trước thời khắc giao thừa, tối ngày 31/01 (nhằm ngày 29/12 AL), lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến ... |
LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ hơn 500 NLĐ có hoàn cảnh khó khăn Những ngày này, tỉnh Thừa Thiên Huế đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19, các hoạt động hưởng ứng Tháng công nhân bị tạm ... |
Thừa Thiên Huế: Thí điểm dạy môn Nữ công gia chánh trong trường học Được sự thống nhất của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trường THPT Hai Bà Trưng thí điểm phục hồi môn nữ công gia chánh vào ... |
Tin cùng chuyên mục
Sức khỏe - 04/08/2024 07:10
Vì sao nuôi con bằng sữa mẹ vẫn là lựa chọn tốt nhất?
Trong bối cảnh thị trường sữa công thức ngày càng mở rộng với những quảng cáo đầy hấp dẫn, nhiều bà mẹ đang đối mặt với sự hoài nghi về lợi ích của sữa mẹ. Tuy nhiên, hàng triệu nghiên cứu và khuyến nghị từ các tổ chức y tế quốc tế vẫn khẳng định sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho trẻ sơ sinh.
Sức khỏe - 14/06/2024 16:20
Hiến máu như thắp ngọn đèn trong lòng, mang ấm áp cho cả người cho và người nhận
14/6 là Ngày Quốc tế Người hiến máu. Ngày này giống như một lễ hội của tình nhân ái, nơi những người hùng thầm lặng – những người hiến máu tình nguyện – được tôn vinh và tri ân.
Kinh tế - Xã hội - 03/06/2024 10:32
Ngày Xe đạp Thế giới 3-6: Đạp xe vì bản thân chúng ta và Trái đất
Hãy tưởng tượng một ngày mà tất cả các con đường quanh nơi bạn sống không còn bóng ô tô, xe máy, tất cả thay bằng những chiếc xe đạp đủ màu sắc.
Sức khỏe - 23/05/2024 19:47
Pearl Global Việt Nam và "Bữa cơm Công đoàn - Cảm ơn người lao động"
Hôm nay (23/5/2024), gần 1.300 công nhân lao động của Công ty Pearl Global Việt Nam đã được cùng lãnh đạo nhà máy, cán bộ công đoàn thưởng thức "Bữa cơm Công đoàn" an toàn, đầm ấm trong Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024.
Người lao động - 27/03/2024 14:50
Công đoàn giám sát chất lượng bữa ăn ca cho người lao động
Tại Công ty SCAVI Huế, công đoàn và chuyên môn cùng giám sát an toàn, vệ sinh thực phẩm, đảm bảo bữa ăn ca an toàn, bổ dưỡng.
Sức khỏe - 26/02/2024 15:29
Dấn thân vì người bệnh
Kíp bác sỹ đầu tiên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vượt 15 hải lý trong điều kiện thời tiết rất xấu ra đảo Cồn Cỏ để thực hiện ca phẫu thuật cấp cứu người bệnh viêm ruột thừa vào ngày 13/1/2021 gồm TS.BS Phan Khánh Việt, bác sỹ gây mê Trần Thanh Hoài và Nguyễn Chí Thanh.
- Hành trình lấy lại niềm tin sống của cô giáo mắc bệnh trầm cảm sau sinh
- Trên 90% bệnh nhân hài lòng: Thành quả từ sự đồng lòng của cán bộ, viên chức ngành Y
- 06 cách giúp công nhân lao động thêm việc thêm tiền
- Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?
- Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy, do đâu?