
![]() |
Quất cảnh Tứ Liên khoe sắc với đủ kiểu dáng, kích cỡ cho dịp Tết Nguyên đán - Ảnh: M.K |
Chia sẻ với phóng viên Cuộc sống an toàn, ông Dũng - người có trên 40 năm làm nghề trồng quất cảnh tại làng Tứ Liên nói: "Làm cây này vất vả quanh năm. Gọi là cây lo, lo đủ thứ. Trồng xong không biết có ra hoa kết quả được hay không. Ra được rồi thì lo có bán được hay không. Vốn bỏ ra cũng nhiều, mỗi năm 500 - 700 triệu, có nhà đến tiền tỷ. Có những năm hỏng, cây bị lỗi, xấu, là lỗ vốn".
Ông Dũng cho biết, nếu như trước kia những người làm quất thường chỉ làm cây dáng thông đơn giản thì khoảng 10 năm trở lại đây để đáp ứng thị hiếu của khách hàng, họ sáng tạo ra nhiều kiểu dáng bonsai trồng trong bình, chum, hoặc ghép lũa, ghép tượng...
Hàng năm, cứ vào tháng Giêng sau khi ăn Tết xong, người làng Tứ Liên lại đi Văn Lâm (Hưng Yên) hoặc ra bãi giữa chọn mua giống quất về trồng trong các chum, chậu. Trước đó, họ đã phải ủ sẵn đất phù sa và trộn phân bón lót, đỗ tương... Khi cây được đưa vào trồng khoảng 1 tuần thì bắt đầu công đoạn tạo dáng, cắt tỉa những cành thừa và chăm sóc để tạo lớp lá mới. Để giữ được cây quất phát triển ổn định, buộc người làm cây phải chăm sóc một cách kỹ lưỡng trong cả năm.
![]() |
Để có được những chậu quất cảnh đẹp đẽ ngày Tết, những người lao động phải vất vả chăm sóc trong suốt một năm trời - Ảnh: M.K |
Theo nhiều người làng Tứ Liên, quy trình trồng quất tưởng chừng đơn giản nhưng không ai có thể dám chắc rằng chất lượng năm nào cũng giống nhau. Bởi lẽ, quất đẹp hay không còn phụ thuộc vào thời tiết, cây giống và quy trình chăm sóc. Đôi khi chỉ chậm phun thuốc một vài ngày thì sẽ làm ảnh hưởng đến cả mùa vụ.
"Trồng đúng quy trình nhưng nhiều người vẫn không tính được vì nó còn phụ thuộc vào thời tiết. Mùa hè phải tưới nước 3-4 lần một ngày. Thường thì tháng 6 âm lịch cây sẽ ra hoa, đến khi quả sai quá thì mình lại phải tỉa bớt quả cho nó thoáng, cây nuôi quả đều, to mọng. Bạn tưởng tượng trời nắng như rang mà phải đứng tỉa từng quả nhỏ xíu cho hàng trăm cây thì vất vả thế nào" - ông Dũng tâm sự.
Ông Đàm Quế (67 tuổi) chia sẻ: "Vất vả nhất là quá trình phun thuốc. Phun thuốc sâu thuốc bệnh cứ 7 ngày phun một lần, nếu không biết trang bị các trang phục bảo hộ thì rất có hại cho sức khỏe. Để ra được một cây quất tứ quý (quả chín, quả xanh, hoa, lộc) thì đòi hỏi phải rất tỉ mỉ, khó làm. Có những người chưa đến 50 tuổi mà bạc cả đầu".
Tuy vậy, những người như ông Quế, ông Dũng ở làng Tứ Liên vẫn luôn xác định cả cuộc đời gắn bó với nghề làm quất. Công việc này không chỉ đem lại cho gia đình họ nguồn thu nhập hàng năm, mà còn đem đến niềm vui vì góp phần duy trì sự phát triển của làng nghề truyền thống đã có từ lâu đời.
![]() |
![]() |
![]() |