Những vấn đề đặt ra trong quản lý hoạt động thuê và cho thuê lại lao động
Phóng sự điều tra - 22/01/2024 07:09 NHÓM PHÓNG VIÊN
Sau loạt phóng sự “Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên” của Tạp chí Lao động và Công đoàn, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành công văn chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động cho thuê lại lao động, nhằm đảm bảo thị trường lao động linh hoạt, đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định thanh tra đột xuất tại gần 50 doanh nghiệp thuê và cho thuê lại lao động (gồm cả các chi nhánh cho thuê lại lao động). Không quá bất ngờ khi tất cả các doanh nghiệp, đơn vị đều vi phạm quy định pháp luật liên quan đến lao động trẻ em, dưới thành niên, tổng mức xử phạt gần 300 triệu đồng – theo báo cáo từ Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh.
Một lao động trẻ em mà nhóm phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn từng phỏng vấn hồi tháng 9/2023, khi thực hiện loạt bài - Ảnh: LĐ&CĐ |
Cần tháo “nghẽn” quy định về lao động trẻ em, chưa thành niên
Hoạt động cho thuê lại lao động có nhiều điểm tích cực. Một mặt, giúp các doanh nghiệp giải quyết bài toán nhân lực, tháo gỡ khó khăn về lực lượng gia công trong những thời điểm cần đáp ứng đơn hàng lớn một cách nhanh chóng. Mặc khác, hoạt động này có tác động rất lớn trong khơi thông nguồn lao động, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, giúp xóa đói, giảm nghèo, đưa người dân tiếp cận với môi trường công nghiệp và có thu nhập từ đó.
Vấn đề ở chỗ, không ít người sử dụng lao động lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật lao động và sự “khát việc” của người lao động, trong đó có lao động trẻ em, chưa thành niên để thực hiện các hành vi vi phạm. Ngoài hành vi làm giả giấy tờ, khai man tuổi để đưa lao động trẻ em, chưa thành niên vào nhà máy, nhiều doanh nghiệp còn áp đặt các điều khoản về tăng ca, làm thêm giờ, không trả đủ lương theo mức quy định… Đây có thể coi là các hành vi cưỡng bức lao động.
Một thực tế mà lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh từng chia sẻ với Tạp chí Lao động và Công đoàn, rằng “có một số thời điểm trong năm, nhu cầu lao động thời vụ tăng” và lượng người có nhu cầu đi làm thời vụ cũng rất đông. Trong đó có nhiều lao động chưa thành niên nhưng đã nghỉ học, muốn được đi làm để có thu nhập.
Nhiều ý kiến cho rằng, các lao động mặc dù chưa thành niên nhưng có sức khỏe tốt, hoàn toàn có thể làm việc, kiếm tiền. Điều này hợp lý, và đã, đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Song, thực tế qua quá trình thu thập tài liệu thực hiện loạt bài này, chúng tôi nhận thấy người sử dụng đều bỏ qua các nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên: từ việc bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, “đảm bảo sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách”; đến việc lập sổ theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ, và có sự đồng ý của cha mẹ, hoặc người giám hộ - theo Điều 144 Bộ luật Lao động năm 2019. Quy định thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi và người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi theo Điều 146 của Bộ luật trên cũng bị phớt lờ hòng trục lợi sức lao động của các em.
Lao động chưa thành niên được đưa vào nhà máy từ các đơn vị cho thuê lại lao động, tháng 9/2023 - Ảnh: LĐ&CĐ |
Nhưng dù doanh nghiệp thuê, cho thuê lại lao động có thực hiện đúng quy định trên của Bộ luật Lao động, thì vẫn sai khi soi chiếu quy định tại Điều 14, Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, cụ thể: “Người lao động thuê lại là người lao động có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được doanh nghiệp cho thuê lại tuyển dụng và giao kết hợp đồng lao động, sau đó chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của bên thuê lại lao động”. Nghĩa là người thành niên, từ đủ 18 tuổi trở lên mới được phép trở thành lao động cho thuê.
Theo quy định trên, nhiều ngành nghề có thể sử dụng lao động trẻ em, người chưa thành niên sẽ gặp khó trong tuyển dụng. Ở chiều ngược lại, đối tượng chưa đủ 18 tuổi thì phải trong tình trạng chờ đủ tuổi mới được đi làm.
Đây là một bất cập cần được sửa đổi, nhằm tạo điều kiện cho cả phía doanh nghiệp và người lao động (cụ thể là lao động trẻ em, chưa thành niên), đảm bảo đúng quy định pháp luật lao động (có bảo lãnh của cha, mẹ, người bảo hộ; tuân thủ quy định thời giờ làm việc…). Như vậy sẽ hạn chế được những vi phạm, lách luật của người sử dụng lao động.
Hơn nữa, lao động dưới 18 tuổi với sức trẻ, sự nhanh nhạy - là lực lượng có lợi thế ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, nếu sử dụng (thuê và cho thuê lại) theo đúng quy định của pháp luật lao động, sẽ đem lại giá trị cho xã hội, gia đình và bản thân lao động đó.
Cần bổ sung “sản xuất linh kiện điện tử” vào danh mục công việc được phép được thực hiện hoạt động thuê lại lao động
Theo phản ánh của Tạp chí Lao động và Công đoàn trong loạt bài “bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên”, những công ty mà các lao động trẻ em, chưa thành niên làm việc đều thuộc ngành sản xuất linh kiện điện tử. Theo quy định tại Phụ lục II Nghị định 145/2020/NĐ-CP, các ngành nghề được phép thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động, có hai ngành nghề “gần gũi”, bao gồm: Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông và vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất.
Theo quy định tại Phụ lục I Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg về ban hành hệ thống ngành kinh tế, sản xuất linh kiện điện tử và sản xuất thiết bị truyền thông dẫu thuộc nhóm ngành Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (mã ngành 26) nhưng hai mã khác nhau: sản xuất linh kiện điện tử là mã ngành 261 – 2610 – 26100, sản xuất thiết bị truyền thông mã 263 – 2630 – 26300.
Trong danh mục các ngành nghề được thực hiện hoạt động thuê lại lao động theo quy định tại Phụ lục II Nghị định 145/2020/NĐ-CP chỉ bao gồm sản xuất lắp đặt thiết bị truyền hình, truyền thông. Việc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử thuê lại lao động phục vụ sản xuất trong các dây chuyền đặc thù của ngành nghề đều vi phạm quy định.
Video: Hô biến trẻ em thành người lớn
Do đó, nếu tuân thủ đúng quy định trên thì trước hết các doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực điện tử gặp khó về nguồn lao động thời vụ được thuê lại để chạy đơn hàng trong năm, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI – vender của các thương hiệu lớn trên toàn cầu (Samsung, Apple…). Điều này có thể ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư nước ngoài. Sau cùng, người lao động Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi cơ hội việc làm ít đi, không khơi thông được thị trường lao động. Bởi, ngành Điện tử luôn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, có tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác.
Trên thực tế, cơ quan quản lý nhà nước về lao động dù thừa nhận ngành “sản xuất lắp đặt thiết bị truyền hình, truyền thông” và “sản xuất linh kiện điện tử” hoàn toàn khác nhau, song vẫn thường “tặc lưỡi cho qua”, ngầm quy ước là một ngành bởi sự gần gũi, liên quan của nó. Tuy nhiên, việc hiểu thế nào cũng “hợp/có lý”, sẽ rất dễ tạo ra những tiêu cực trong việc phát hiện, xử lý vi phạm. Trong khi làm đúng quy định, sẽ gây hệ quả to lớn: hàng loạt doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử nguy cơ thiếu lao động thời vụ, nhiều lao động mất đi cơ hội việc làm.
Giải pháp gỡ vướng cho vấn đề này là cần bổ sung “sản xuất linh kiện điện tử” vào danh mục công việc được phép thực hiện hoạt động thuê lại lao động. Tuy nhiên, với những ảnh hưởng không tốt từ môi trường lao động ngành này đối với sự phát triển thể lực của lao động trẻ em, người chưa thành niên, chúng ta nên đưa thêm quy định đối tượng lao động độ tuổi này không được phép làm việc.
Nhìn lại toàn bộ vụ việc, với những vấn đề liên quan đến hoạt động “thuê và cho thuê lại lao động”, “lao động trẻ em”, “lao động chưa thành niên” ở một địa phương được coi là điểm sáng thu hút đầu tư, chúng ta nhận thấy nhiều tồn tại, bất cập cần được giải quyết rốt ráo từ những người làm chính sách, cơ quan quản lý đến doanh nghiệp và người lao động. Cùng với đó là hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật lao động cho người lao động, từng địa phương và gia đình.
Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên: Góc khuất ở “thủ phủ" thu hút đầu tư Rất nhiều đơn vị cung ứng đưa lao động trẻ em vào nhà máy làm công nhân sản xuất với thù lao giá rẻ. Và ... |
Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên - Kỳ 2: “Hô biến” trẻ em thành... người lớn Để đáp ứng đơn hàng cho đối tác là doanh nghiệp sản xuất, các đơn vị cung ứng lao động bằng mọi cách tuyển dụng ... |
Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên - Kỳ 3: Ông chủ giàu lên, trẻ rầu thêm… Các đơn vị cung ứng và nhân viên môi giới tìm mọi cách giữ chân lao động chưa thành niên, đặc biệt là trẻ em. ... |
Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên - Kỳ 4: Vì sao vi phạm pháp luật dễ dàng? Pháp luật quy định rất chặt chẽ về việc sử dụng lao động trẻ em, chưa thành niên. Nhưng tại sao lại có một khoảng ... |
Kỳ 5: Làm gì với hậu quả vấn nạn lao động trẻ em, chưa thành niên? Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) định nghĩa lao động trẻ em là “công việc tước đi tuổi thơ, tiềm năng và phẩm giá ... |
Tin cùng chuyên mục
Pháp luật lao động - 24/10/2024 17:59
Vụ điều động bác sĩ bị bệnh ở Thừa Thiên Huế: Phải chủ động rà soát quy hoạch, kiện toàn tổ chức
Đại diện Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có chỉ đạo Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phú Lộc phải chủ động rà soát công tác quy hoạch, kiện toàn tổ chức mà không phụ thuộc vào thời gian chữa bệnh của bác sĩ Lê Khắc Thu.
Phóng sự điều tra - 23/10/2024 09:24
Vụ bác sĩ đang ốm bị điều động ở Thừa Thiên Huế: "Loay hoay" phương án nhân sự thay bác sĩ đang trị bệnh
Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế thừa nhận đến thời điểm này vẫn chưa có phương án chính thức trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm lãnh đạo Trạm Y tế xã Lộc Thủy khi mà bác sĩ Lê Khắc Thu - người được điều động, bổ nhiệm trước đó - tiên lượng còn phải điều trị bệnh lâu dài.
Phóng sự điều tra - 18/10/2024 19:05
Vụ điều động bác sĩ ở Thừa Thiên Huế: 14.000 dân không có cán bộ để duyệt cấp thuốc bảo hiểm y tế
Một năm nay Trạm Y tế xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) gặp khó khăn trong điều hành do khuyết trạm phó, vừa qua lại khuyết cả trạm trưởng khiến công tác khám, cấp phát thuốc cho bà con nhân dân bộc lộ nhiều bất cập.
Phóng sự điều tra - 17/10/2024 10:52
Vụ điều động bác sĩ ở Thừa Thiên Huế: Dù đang nằm viện, bác sĩ Thu vẫn đề nghị làm việc "về việc bị điều động"
Sau khi được Bệnh viện Trung ương Huế cho xuất viện tình trạng sức khỏe bác sĩ Lê Khắc Thu tiếp tục có diễn biến xấu. Hiện bác sĩ Thu phải nhập viện trở lại do có dấu hiệu nhiễm trùng ở khớp gối sau mổ. Dù vậy, bác sĩ Thu vẫn tha thiết đề nghị các cấp hữu quan sắp xếp cuộc làm việc để giải quyết dứt điểm, rốt ráo việc bị Giám đốc TTYT huyện Phú Lộc điều động đi tuyến cơ sở.
Phóng sự điều tra - 11/10/2024 17:05
Vụ điều động bác sĩ ở Thừa Thiên Huế: Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo xem xét lại vụ việc
Liên quan đến quyết định điều động và bổ nhiệm viên chức quản lý của Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc vừa qua, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Sở Y tế tỉnh và cơ quan liên quan cần chú ý đến nguyện vọng và tình hình thực tế của cán bộ.
Phóng sự điều tra - 10/10/2024 13:13
Những tháng năm gian nan bám cơ sở của vị bác sĩ nhiệt huyết
Bác sĩ Lê Khắc Thu, người mà TTYT huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế vừa điều động, bổ nhiệm về trạm y tế xã khi còn 2 năm tuổi hưu và bệnh nặng, từng có nhiều năm tháng xông pha, bám cơ sở trong gian khó vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giảng về chuyển đổi số cho cán bộ công đoàn
- Doanh nghiệp “khát” lao động cuối năm: Người lao động đề phòng rủi ro lừa đảo tuyển dụng
- Bàn giao công đoàn cơ sở về Công đoàn Dầu khí Việt Nam
- Công đoàn giúp anh Nguyễn Văn Viên vượt qua khó khăn, an tâm công tác
- Các bước hòa giải viên hòa giải tranh chấp lao động cá nhân