Kỳ 5: Làm gì với hậu quả vấn nạn lao động trẻ em, chưa thành niên?

Kỳ 5: Làm gì với hậu quả vấn nạn lao động trẻ em, chưa thành niên?

Thông báo của ILO và UNICEF vào tháng 6 năm 2021, nhân ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12/6) cho biết: con số lao động trẻ em trên toàn thế giới đã tăng lên 160 triệu, tăng thêm 8,4 triệu trẻ em trong vòng bốn năm kể từ 2016 đến nay và hàng triệu trẻ em khác đang đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em do tác động của đại dịch Covid-19 và tranh chấp cũng như các vấn đề nóng khác của thế giới. Theo bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF: “Chúng ta đang mất thế đứng trong trận chiến chống lại lao động trẻ em”.

Vấn nạn trục lợi lao động chưa thành niên trong thời gian vừa qua mà chúng tôi điều tra trong các khu công nghiệp có thể chứng minh cho ý kiến này.

Một số con số thống kê khác của báo cáo đáng ghi nhận như sau:

- 70% lao động trẻ em hiện làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (112 triệu trẻ), 20% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ (31,4 triệu trẻ) và 10% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp (16,5 triệu trẻ).

- Gần 28% trẻ trong độ tuổi 5-11 và 35% trẻ trong độ tuổi 12-14 là lao động trẻ em và không được đi học.

- Lao động trẻ em là các trẻ em trai phổ biến hơn trẻ em gái ở mọi lứa tuổi. Nếu tính đến các công việc gia đình phải làm mất ít nhất 21 giờ mỗi tuần thì khoảng cách giới trong lao động trẻ em thu hẹp hơn.

- Tỷ lệ lao động trẻ em ở khu vực nông thôn (14%) cao gần gấp ba lần khu vực thành thị (5%).

Nhân dịp UNICEF và ILO đồng công bố khảo sát toàn cầu “Lao động trẻ em - con số ước tính toàn cầu 2020, xu hướng và con đường phía trước”, bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em UNICEF đã trả lời phóng viên Thời Nay: ở Việt Nam, theo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em lần thứ 2 được tiến hành bởi ILO, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê thực hiện, năm 2018, có 5,4% số trẻ em trong độ tuổi 5-17, tương đương 1,1 triệu là lao động trẻ em, trong đó có một nửa đang làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Theo kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 do Tổng cục Thống kê và UNICEF phối hợp thực hiện cho thấy có tới 6,6% số trẻ em từ 5-17 tuổi tham gia vào cả công việc gia đình và các hoạt động kinh tế (được coi là lao động trẻ em).

Vấn đề rất đáng báo động ở đây là nhận thức về lao động chưa thành niên. Vào tháng 6 năm 2021, chúng tôi có chuyến đi công tác tại xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Khi đến thăm một gia đình có con nhỏ bị viêm phổi nặng, thấy bệnh nặng, tôi khuyên họ đưa cháu lên bệnh huyện để chữa trị.

Người chồng còn khá trẻ, chỉ chưa đầy 40 tuổi trả lời hết sức tự nhiên, thậm chí là ngây ngô: “Chắc không sao đâu, tôi nuôi mấy đứa anh, chị nó cũng vậy, nó sẽ mau khỏi thôi mà...”. Tôi hỏi: “Vậy mấy anh, chị của nó đâu rồi?”. Ông bố trẻ trả lời: “Thằng anh lớn đi công ty rồi, hai đứa chị thì đi học”. Tôi hỏi: “Nó mấy tuổi rồi mà đi công ty?”. Ông bố trẻ trả lời: “Nó 16 tuổi rồi, bằng tuổi nó đầy đứa lấy vợ, mấy đứa khác cũng đi làm xa kiếm tiền về cho bố mẹ rồi”.

Có thể nói lao động trẻ em đang hiện hữu như một lẽ tự nhiên của cây cỏ tại các vùng khó khăn ở nước ta, nhất là tại các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, nơi mà chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người sinh sống. Lao động trẻ em nặng nhọc không những tồn tại ở nhà mà nghiêm trọng hơn là ở trong các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp trọng điểm. Chúng làm tất cả những công việc mà đáng lẽ ra đó là của người lớn. Chúng "được" những ông chủ cung ứng lao động coi là người lớn hoặc hô biến thành người lớn.

Kỳ 5: Làm gì với hậu quả vấn nạn lao động trẻ em, chưa thành niên?

Lao động khi cơ thể chưa trưởng thành đầy đủ khiến cho trẻ có nguy cơ bị tổn thương, chậm phát triển cả về sức khỏe thể chất và tinh thần. Lao động trẻ em tước đi cơ hội học tập, hạn chế quyền và những cơ hội tương lai của trẻ.

Vấn đề của xã hội đang tồn tại lao động trẻ em, lao động nặng nhọc khi cơ thể chưa trưởng thành đó là vòng luẩn quẩn giữa nghèo đói và bóc lột sức lao động của trẻ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Lao động trẻ em thường gặp là các em trong độ tuổi vị thành niên – từ 10 đến dưới 18 tuổi. Nếu lao động nặng nhọc, độc hại ở lứa tuổi càng nhỏ, tác hại càng nhiều. Những đứa trẻ gầy trơ xương, ngủ triền miên mà chúng tôi đã gặp trong những tháng vừa qua tại các khu công nghiệp chứng minh cho điều đó.

Đây là thời kỳ phát triển đặc biệt, thời kỳ xảy ra đồng thời hàng loạt những biến đổi nhanh chóng cả về cấu trúc cơ thể cũng như sự biến đổi tâm sinh lý và các mối quan hệ xã hội. Đây là lứa tuổi đáng lẽ cần được chăm sóc về dinh dưỡng và hoạt động thể lực cũng như tinh thần thì lại đang bị bóc lột sức lao động.

Chúng tôi cho rằng, để xảy ra vấn nạn này, người sử dụng lao động thường không hiểu rõ hoặc cố tình không hiểu rõ vấn đề. Đối với họ, lợi nhuận là cơ bản, các vấn đề khác đều là thứ yếu. Khi chúng ta không quan tâm đến các đặc điểm giải phẫu, tâm sinh lý và những thay đổi liên quan trong độ tuổi này thì không thể tiếp cận, tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách khoa học.

Kỳ 5: Làm gì với hậu quả vấn nạn lao động trẻ em, chưa thành niên?

Những trẻ chưa thành niên bị bóc lột sức lao động ở trong các khu công nghiệp vẫn đang ở giai đoạn đang phát triển, lớn lên về mọi mặt. Đây là lúc mà cơ thể của trẻ bắt đầu có sự phát triển và thay đổi nhanh chóng về nội tiết tố và trưởng thành dần dần. Hầu hết các cơ quan, bộ phận của cơ thể đều chưa hoàn thiện, đang phát triển nhanh, và chỉ chậm lại khi trẻ đến tuổi trưởng thành. Bé gái vừa tăng chiều cao vừa phát triển phần ngực (vòng một) và bắt đầu có kinh nguyệt. Bé trai tăng nhanh chiều cao so với độ tuổi trước đó, giọng trầm hơn và lông mặt sẽ bắt đầu xuất hiện.

Cấu trúc xương của trẻ vị thành niên phát triển, có độ cốt hóa nhanh, lắng đọng can xi nhiều hơn nhưng vẫn còn non. Do vậy sức chịu đựng còn hạn chế, nhu cầu cung cấp các chất dinh dưỡng và đặc biệt là canxi và các vitamin, muối khoáng khác tăng cao. Cụ thể là độ cứng của xương trẻ 15 tuổi mới đạt được 50% so với tuổi trưởng thành. Ví dụ như, khả năng mang vác so với tuổi trưởng thành không những kém hơn mà còn dễ bị tổn thương hơn. Nếu giai đoạn này, các em phải lao động nặng nhọc sẽ bị ảnh hưởng, chậm sự phát triển hệ thống cơ, xương cũng như các bộ phận liên quan của cơ thể.

Đặc biệt là trẻ phải sống độc lập, không được ăn uống đầy đủ, không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho nhu phát triển của cơ thể. Hậu quả là các em bị còi cọc, thấp bé, nhẹ cân, gia tăng các nguy cơ xấu cho sức khỏe, giống nòi về sau này.

Theo các nhà sinh lý lao động, lao động nặng nhọc dễ làm tổn thương hệ thống cơ quan, trong đó xương đang non yếu dễ tổn thương nhất. Nếu lao động quá sức, không được nghỉ ngơi đầy đủ, quá trình tái tạo tế bào, sức lao động không được kịp thời, sẽ dẫn đến khá nhiều hệ lụy xấu, giảm thiểu khả năng phát triển nhiều bộ phận, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nói chung của cả cơ thể về lâu dài.

Những lao động nặng nhọc, miễn dịch cơ thể thường kém hơn, sức đề kháng không đáp ứng đầy đủ đối với khả năng phòng, chống bệnh tật của cơ thể. Lao động thể lực nặng, nhu cầu cung cấp ôxy cao, trong khi cơ thể các em còn nhỏ, bộ máy hô hấp, tim mạch chưa hoàn chỉnh sẽ là nguy cơ cao đối với các cơ quan này ở trẻ em. Lao động nặng nhọc sớm sẽ là nguy cơ thoái hóa nhiều bộ phận của cơ thể sớm hơn bình thường.

Các nghiên cứu về sức khỏe người lao động nông nghiệp của chúng tôi trong 10 năm trở lại đây, cho thấy tỷ lệ thoái hóa xương, đặc biệt là cột sống ở những người thường phải mang, vác nặng cao và sớm hơn các đối tượng khác hàng chục năm. Có tới gần một nửa số người lao động được nghiên cứu bị thoái hóa các đốt sống từ sau tuổi 30, đặc biệt là phụ nữ (38,5%).

Vào năm 2014, trong một chuyến đi công tác ở Đà Nẵng, chúng tôi được một đồng nghiệp đưa đến thăm và khám cho một bé trai 16 tuổi vì cháu ốm, yếu, da xanh tái, đặc biệt là cơ thể thấp, bé như đứa trẻ 10 tuổi.

Sau khi xem các kết quả khám nghiệm X-Q phổi, kết hợp với hỏi bệnh sử, cùng với việc cháu đã phải tham gia vào dây chuyền sản xuất gia công đá mỹ nghệ cùng cha mẹ từ khi lên 6 tuổi, tôi đã nghĩ đến căn bệnh làm cho cháu ốm yếu, không lớn được có thể là xơ hóa phổi.

Quan sát các xưởng chế tác mỹ nghệ, tôi không khỏi chạnh lòng vì có khá nhiều trẻ em tham gia các công việc ở môi trường ô nhiễm bụi, với trang bị bảo vệ cá nhân hết sức thô sơ, không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Trong sản xuất, người lao động không thể tránh khỏi phơi nhiễm với các hóa chất độc. Các hóa chất độc trong sản xuất luôn tồn tại trong môi trường sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và ngành nghề khác với mức độ khác nhau, thậm chí nhiều khi ở mức độc hại. Một đặc điểm chung là: trẻ em khá nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi các chất độc hóa học. Nếu cùng một liều chất độc như nhau thì trẻ em dễ mắc bệnh hơn.

Chính vì vậy phụ nữ có thai, trẻ em thường không được bố trí làm việc ở môi trường bị ô nhiễm chất độc. Một vấn đề cần lưu ý là: không phải chỉ những nơi mà chất độc tồn tại trong môi trường vượt tiêu chuẩn quy định mới có nguy cơ gây độc. Cơ thể người là một thực thể sinh học nên nhiều khi hàm lượng chất độc môi trường thấp vẫn có thể gây nhiễm độc, đặc biệt là trẻ em.

Trải qua gần 10 năm theo dõi sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho hàng chục nghìn công nhân sản xuất linh kiện và máy liên quan đến điện tử, chúng tôi nhận thấy trong cơ thể họ luôn tồn tại một lượng dẫn xuất chuyển hóa của các dung môi hữu cơ độc hại.

Tại một doanh nghiệp sản xuất, lắp ghép linh kiện điện tử, kết quả xét nghiệm nước tiểu vào tháng 8 năm 2023 có 01/14 trường hợp hàm lượng mangan ở ngưỡng cao, cần kiểm tra đánh giá thêm về lâm sàng xem có khả năng nhiễm độc hay không.

Cũng tại một doanh nghiệp sản xuất, lắp ghép linh kiện điện tử khác cùng chung Tập đoàn này, kết quả xét nghiệm nước tiểu vào tháng 9 năm 2023 có 02/58 trường hợp hàm lượng chất độc là dung môi hữu cơ ở ngưỡng cao, cần kiểm tra đánh thêm về khả năng nhiễm độc. Một số dẫn xuất từ dung môi hữu cơ tại các cơ sở sản xuất điện tử có thể gây độc toàn thân, cấp hoặc mạn tính, đặc biệt là não bộ và hệ thống tạo máu.

Như vậy, trẻ em đang phát triển, chưa hoàn thiện cả thể chất lẫn tinh thần có nguy cơ tổn hại não bộ và các cơ quan khác hơn người lớn rất nhiều.

Vào những năm 2000, chúng tôi đã đến các mỏ khai thác vàng ở Cao Bằng và Bắc Kạn. Môi trường lao động tại các mỏ khai thác vàng thực sự bị ô nhiễm nặng bởi nhiều hóa chất độc hại như các kim loại nặng: thủy ngân, asen, cadmium,…

Tại các mỏ có khá nhiều lao động trẻ em. Cả người lớn và trẻ em đều phải lao động nặng nhọc cùng với chế độ dinh dưỡng không đầy đủ. Tuy nhiên tác hại đối với trẻ em sẽ nặng nề hơn rất nhiều.

Năm 2007, phòng khám bệnh nghề nghiệp của Hội y học lao động Thái Nguyên đã phát hiện được 07 trường hợp nhiễm kim loại nặng từ các mỏ khai thác khoáng sản đến khám, trong đó có 02 trẻ em 14 và 17 tuổi, phải điều trị giải độc và phục hồi chức năng nhiều ngày.

Qua đó, cho thấy, không có gì để bảo đảm những trẻ chưa thành niên đang bị bóc lột sức lao động trong các khu công nghiệp, tiêu biểu như ở Bắc Ninh sẽ không mắc phải những hậu quả về sức khỏe như trên.

Kỳ 5: Làm gì với hậu quả vấn nạn lao động trẻ em, chưa thành niên?

Ở độ tuổi vị thành niên, trẻ luôn muốn khẳng định mình, có xu hướng tách ra khỏi sự kiểm soát của gia đình. Sự phát triển kỹ năng phân tích gia tăng cùng với phát triển tư duy trừu tượng. Nhìn chung tính ổn định về tâm sinh lý chưa cao.

Nếu trẻ phải nhập vào guồng máy công nghệ, không được gia đình và xã hội tiếp tục dạy dỗ, đặc biệt là không được đi học, phải tham gia lao động sớm, tư duy sẽ bị áp đặt quá ngưỡng có thể định hướng sai, không có lợi về tâm sinh lý, giảm trí sáng tạo của trẻ.

Tháng 9 năm 2011, chúng tôi đã khám cho một cháu trai 14 tuổi do uống một cốc thủy ngân (khoảng 50 CC), tự tử chỉ vì bố không cho chơi bài cùng mọi người ở bãi vàng. Cháu trai này theo bố đi khai thác quặng vàng ở Bắc Kạn, tự coi mình là người lớn vì đã làm ra tiền mà vẫn bị bố quản lý, mất tự do.

Hầu hết lao động trẻ em bị người sử dụng lao động bóc lột, trả lượng ít. Tuy nhiên, cứ có ít tiền để tiêu và gửi về nhà là trẻ đã mãn nguyện và tự coi mình là người có ích, không nghĩ gì đến tương lai. Không học hành đầy đủ, dòng đời cuốn hút sẽ làm cho tâm sinh lý của trẻ trở nên cằn cỗi. Nhiều trẻ em không còn tính độc lập, không dám đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình. Lao động nặng nhọc, không có thời gian nghỉ ngơi sẽ là nguy cơ còi cọc về thể chất, xói mòn về tinh thần của trẻ.

Hầu hết lao động trẻ em đều ở trọ trong những nơi không đảm bảo vệ sinh, không được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ để bù lại những gì đã tiêu hao trong lao động. Đây chính là những nguy cơ còi cọc, khả năng phát triển cơ thể chậm, khả năng lao động không cao ở trẻ vị thành niên nếu phải lao động nặng nhọc sớm tại các khu công nghiệp.

Vòng luẩn quẩn của các yếu tố nguy cơ: Lương thấp – Lao động nặng nhọc, độc hại – Dinh dưỡng không đầy đủ - Nơi ở không đảm bảo vệ sinh, đang là vấn đề cần sự quan tâm, vào cuộc của các ngành, các cấp ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Kỳ 5: Làm gì với hậu quả vấn nạn lao động trẻ em, chưa thành niên?

Chúng ta có thể tham khảo các giải pháp được định hướng bởi các tổ chức quốc tế, qua đó có thể áp dụng tại Việt Nam. Đại hội đồng Liên hiệp quốc (UNGA) đã nhất trí thông qua nghị quyết, tuyên bố năm 2021 là năm quốc tế xóa bỏ lao động trẻ em và đã yêu cầu ILO đi đầu trong việc thực hiện.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh cam kết của các quốc gia thành viên: “Thực hiện các biện pháp tức thời và hiệu quả để xóa bỏ lao động cưỡng bức, chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại và buôn bán người, đồng thời đảm bảo việc cấm và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, và năm 2025 chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức”.

Để chống lại xu hướng gia tăng lao động trẻ em, ILO và UNICEF kêu gọi:

- Cung cấp an sinh xã hội đầy đủ cho tất cả mọi người, bao gồm phổ cập phúc lợi cho trẻ em.

- Tăng mức chi cho giáo dục có chất lượng và cho mọi trẻ em được đi học trở lại, bao gồm cả những em đã phải nghỉ học trước đại dịch Covid-19.

- Thúc đẩy việc làm thỏa đáng cho người trưởng thành để các gia đình không phải sử dụng trẻ em để bổ sung thêm thu nhập.

- Chấm dứt những quy tắc về giới có ảnh hưởng tiêu cực và tình trạng phân biệt đối xử có liên quan đến lao động trẻ em.

- Đầu tư vào các hệ thống bảo vệ trẻ em, phát triển nông nghiệp, các dịch vụ nông thôn công, cơ sở hạ tầng và sinh kế.

Liên minh đối tác toàn cầu (UNICEF và ILO là cơ quan đối tác) khuyến khích các quốc gia thành viên, các doanh nghiệp, các tổ chức công đoàn, xã hội dân sự và các tổ chức khu vực và quốc tế nỗ lực gấp đôi trong cuộc chiến toàn cầu chống lại lao động trẻ em với những cam kết hành động cụ thể.

Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, cho biết. “An sinh xã hội toàn diện cho phép các gia đình tiếp tục cho trẻ em đến trường ngay cả khi kinh tế khó khăn. Cần thiết phải tăng mức đầu tư vào phát triển nông thôn và việc làm thỏa đáng trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng ta đang đứng trước một thời điểm then chốt, phụ thuộc rất lớn vào cách mà chúng ta ứng phó như thế nào. Đây là thời điểm cần có những cam kết và hành động mới để xoay chuyển tình thế và phá vỡ vòng luẩn quẩn của nghèo đói và lao động trẻ em”.

Ở nước ta, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều quyết sách nhằm giải quyết vấn đề lao động trẻ em theo xu hướng chung của thế giới. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.

Việt Nam cũng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ tham gia phòng ngừa lao động trẻ em thông qua việc ban hành hệ thống luật pháp và chính sách liên quan như Bộ Luật lao động năm 2012; Luật trẻ em năm 2016.

Năm 2013, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành thông tư quy định danh mục các công việc và nơi làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên, một công cụ quan trọng trong công tác phòng ngừa lao động trẻ em.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chấm dứt mọi hình thức lao động trẻ em vào năm 2025 và xóa bỏ nạn buôn người và nô lệ hiện đại vào năm 2030, chắc còn rất nhiều việc phải làm. Trên cơ sở các quyết sách nhằm giải quyết vấn đề lao động trẻ em theo xu hướng chung của thế giới và Việt Nam hiện nay, chúng tôi cho rằng có 04 nhóm giải pháp cần được ưu tiên và cần có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp:

Một là, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Điều 164 Luật Lao động năm 2012 về sử dụng lao động trẻ em. Theo đó phải có những chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật.

Hai là, phải tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm và ngăn ngừa kịp thời, có chế tài nghiêm khắc đối với việc sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật.

Ba là, phòng, chống lao động trẻ em phải gắn liền với xóa đói giảm nghèo tại các khu vực khó khăn, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng dân tộc ít người của đất nước.

Bốn là, tiếp tục công tác tuyên truyền các nội dung, luật pháp liên quan đến bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Đồng thời cũng phải tạo môi trường an toàn, thân thiện, giảm thiểu đến mức thấp nhất các nguy cơ xấu đối với sức khỏe trẻ em.

Đây là những giải pháp vĩ mô, cần sự vào cuộc của nhiều ngành, cấp. Điều cần làm ngay là từ những bằng chứng điều tra của phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn nêu lên trong các kỳ trước, các bên liên quan phải hành động để cứu những trẻ chưa thành niên đang hàng ngày, hàng giờ bị bóc lột. Không thể để chúng bị người khác "ăn" trên sức lao động và mang lấy những hậu quả cho bản thân không thể cứu vãn.

Kỳ 5: Làm gì với hậu quả vấn nạn lao động trẻ em, chưa thành niên?

Ở nước ta, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều quyết sách nhằm giải quyết vấn đề lao động trẻ em theo xu hướng chung của thế giới.

Bài viết: GS.TS ĐỖ VĂN HÀM - Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên

Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên: Góc khuất ở “thủ phủ" thu hút đầu tư Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên: Góc khuất ở “thủ phủ" thu hút đầu tư

Rất nhiều đơn vị cung ứng đưa lao động trẻ em vào nhà máy làm công nhân sản xuất với thù lao giá rẻ. Và ...

Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên - Kỳ 2: “Hô biến” trẻ em thành... người lớn Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên - Kỳ 2: “Hô biến” trẻ em thành... người lớn

Để đáp ứng đơn hàng cho đối tác là doanh nghiệp sản xuất, các đơn vị cung ứng lao động bằng mọi cách tuyển dụng ...

Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên - Kỳ 3: Ông chủ giàu lên, trẻ rầu thêm… Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên - Kỳ 3: Ông chủ giàu lên, trẻ rầu thêm…

Các đơn vị cung ứng và nhân viên môi giới tìm mọi cách giữ chân lao động chưa thành niên, đặc biệt là trẻ em. ...

Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên - Kỳ 4: Vì sao vi phạm pháp luật dễ dàng? Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên - Kỳ 4: Vì sao vi phạm pháp luật dễ dàng?

Pháp luật quy định rất chặt chẽ về việc sử dụng lao động trẻ em, chưa thành niên. Nhưng tại sao lại có một khoảng ...