Vấn nạn trục lợi lao động chưa thành niên - Kỳ 3: Ông chủ giàu lên, trẻ rầu thêm…

Các đơn vị cung ứng và nhân viên môi giới tìm mọi cách giữ chân lao động chưa thành niên, đặc biệt là trẻ em. Chúng dễ bảo, lại được việc. Song, điều quan trọng hơn cả là tiền cứ thế đổ về túi các ông chủ sau mỗi giờ làm việc của các em.

Vấn nạn trục lợi lao động chưa thành niên - Kỳ 3: Ông chủ giàu lên, trẻ rầu thêm…

Trong vai một người đang có nguồn lao động trẻ em số lượng lớn, phóng viên được các công ty cung ứng lao động tiếp đón rất nhiệt tình. Hồng – Kế toán trưởng Công ty TNHH Đức Minh Bắc Ninh vồn vã mời chúng tôi lên tầng 2, nơi có phòng tiếp khách, có bàn ghế gỗ quý chạm trổ tứ linh, có điều hòa mát lạnh... để bàn chuyện hợp tác.

Có vẻ như Hồng đã quá quen với những cuộc đàm phán kiểu này. Cô vào thẳng vấn đề: “Có hai hình thức hợp tác: Một là tính đầu người, 400 – 500 nghìn một đầu người. Nhưng họ phải làm trên 20 ngày công thì anh mới nhận tiền. Mua đứt luôn, tháng sau không trả gì nữa, mất luôn người. Hai là... có hình thức này hay hơn, chỉ khi nào lao động nghỉ thì mình mới hết lợi nhuận”.

Nói xong, Hồng bảo nhân viên in bảng lương của một lao động thời vụ để làm ví dụ cho đối tác dễ hiểu. “Đây nhé! Đơn giá em đang trả cho công nhân là 4,2 triệu cho 26 ngày công, mỗi ngày 8 tiếng, tức là khoảng hơn 20 nghìn đồng/giờ. Đấy là chưa tính tăng ca, làm đêm, làm vào ngày nghỉ... Nếu anh đưa người qua bên em, em tính cho anh giá 26 nghìn đồng/giờ lao động. Phần chênh lệch 6 nghìn đó là phần lãi của anh. Bây giờ mình tính qua nhé, xem “bán đầu người” lãi hơn hay “ăn” trên giờ công lãi hơn nhé!”

Trục lợi sức lao động trẻ em - Kỳ 3: Ông chủ giàu lên, trẻ em rầu thêm…

Hồng – Kế toán trưởng Công ty TNHH Đức Minh Bắc Ninh trong buổi trò chuyện với PV (nhập vai) - Ảnh: LĐ&CĐ

Hồng lấy bút đặt phép tính. Theo đó, nếu một lao động làm đủ 26 ngày công/tháng, mỗi ngày làm 8 giờ (tổng 208 giờ) thì mỗi tháng, người môi giới sẽ được lợi nhuận khoảng 1,2 triệu đồng.

Nhưng đó là còn chưa tính trường hợp lao động tăng ca, làm đêm, hoặc làm ngày Chủ nhật, ngày lễ... Lúc này hệ số lương sẽ tăng từ 150% đến 330%. Và lợi nhuận của người môi giới cũng tỷ lệ thuận với mức tăng đó của lao động.

Dựa trên danh sách lương thực tế mà Công ty của Hồng và nhiều đơn vị cung ứng cung cấp, chúng tôi nhận thấy lao động thời vụ mỗi tháng thường làm đủ 26 ngày công.

Tổng số thời gian làm việc trên 270 giờ, trong đó thời gian làm ca ngày từ 104 đến 127 giờ; tăng ca ngày (từ 30 đến 48 giờ); ca đêm từ 80 đến 104 giờ; tăng ca đêm 18 giờ; người lao động cũng làm cả Chủ nhật với số giờ công từ 8 đến 22 giờ.

Vấn nạn trục lợi lao động chưa thành niên - Kỳ 3: Ông chủ giàu lên, trẻ rầu thêm…

“Một vendor (người cung ứng – PV) bình thường có 20 công nhân làm đều đặn, thu nhập hằng tháng phải đến mấy chục triệu dù không phải làm. Anh chỉ cần chăm sóc tốt, cứ thế, tiền vào túi anh”, Hồng quả quyết.

Còn Công, đại diện văn phòng cung ứng lao động HR Partner thì nói rằng “ăn nhau là ở giờ tăng ca ấy, chứ làm hành chính thôi thì chết, công nhân cũng chết chứ đừng nói là mình”.

“Mình ngồi hưởng trên mỗi giờ lao động, thế có sướng anh không! Trong nhà máy các bạn cứ làm, ở ngoài mình cứ hưởng” - Công cười khoái trá.

Chính vì mức lợi nhuận hấp dẫn trên đã khiến hoạt động cho thuê lại lao động tại Bắc Ninh diễn ra rất sôi động và bát nháo. Môi giới sẵn sàng lôi kéo trẻ em từ các vùng quê tới làm việc. Thậm chí, họ tạo lập các mối quan hệ với công nhân trong nhà máy, trả thù lao để mời gọi bạn bè, người quen đi làm, trong đó có không ít trẻ em.

Trục lợi sức lao động trẻ em - Kỳ 3: Ông chủ giàu lên, trẻ em rầu thêm…Công - đại diện văn phòng cung ứng lao động HR Partner.

Vấn nạn trục lợi lao động chưa thành niên - Kỳ 3: Ông chủ giàu lên, trẻ rầu thêm…

Dẫn chúng tôi về tham quan văn phòng đặt tại xã Đại Trung, huyện Tiên Du, Công – người phụ trách đơn vị cung ứng HR Partner cho biết trụ sở chính của Công ty ở trên Phú Thọ. Tuy nhiên, Công ty hoạt động ở Bắc Ninh được 5 năm rồi, hiện đang cấp đơn cho một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử lớn ở KCN VSIP với giá 26 nghìn đồng/giờ lao động.

Công nói, có được đơn hàng này là nhờ một nhân vật người nước ngoài. Anh ta có vẻ khó định nghĩa người này là ai, nhưng đại thể là: “Ông ấy chuyên đứng ra nhận đơn cho công ty. Mấy ông nước ngoài bắt mối với nhau. Mà phần lớn ở đây người nước ngoài làm việc với người nước ngoài, chứ họ không bao giờ làm việc với người Việt. Thế thì phải qua cầu của người nước ngoài, nhờ người ta chốt đơn, nhận việc về, mình trả tiền cho người ta”.

Có một thực tế là các công ty sản xuất đều ký hợp đồng thuê lại lao động với nhiều đơn vị cung ứng, dẫn đến sự cạnh tranh lẫn nhau. Bên nào cũng muốn nhận được ưu ái thông qua các đơn hàng. Và để làm được điều đó thì năng lực, uy tín thôi chưa đủ. Các nhà thầu tìm cách quan hệ với những nhân vật có ảnh hưởng trong công ty để được ưu tiên nhận đơn; tiếp đến là bộ phận nhân sự.

Vấn nạn trục lợi lao động chưa thành niên - Kỳ 3: Ông chủ giàu lên, trẻ rầu thêm…

Nơi ở cũng những lao động trẻ chưa thành niên- Ảnh: PV LĐ&CĐ

“Không cắt phí thì mình khó làm việc lắm! Nói chung là 2 lượt tiền. Hơi vất vả một tí nhưng bù lại mình làm việc dễ dàng hơn. Lao động thiếu tuổi đẩy vào thoải mái, đó là lượng người quan trọng chứ anh. Vì có mấy ai tuyển được đủ tuổi đâu?”, Công khẳng định.

Thời điểm chúng tôi tiếp cận tìm hiểu, công ty vừa ký đơn với nhà thầu của Công đang cần tuyển 2.000 lao động thời vụ. Họ sẽ ký với một số nhà thầu cấp lao động để chạy đơn hàng. Người này tiết lộ, mỗi hoá đơn với nhà thầu lên tới cả tỷ đồng.

“Mỗi tháng, lương ông người nước ngoài bèo cũng được cả trăm triệu chứ có ít đâu. Mấy ông chỉ có đi ăn với chơi thôi”, Công xuýt xoa.

Vấn nạn trục lợi lao động chưa thành niên - Kỳ 3: Ông chủ giàu lên, trẻ rầu thêm…

Để thu hút người làm, các nhà thầu sẵn sàng hỗ trợ lao động trẻ em bằng cách trả tiền xe di chuyển tới Bắc Ninh, tìm nhà trọ, ứng trước tiền phòng, hoặc cho vay tiền để chi tiêu hằng ngày khi chưa có lương… Thậm chí hằng ngày đưa đón các em tới công ty làm việc.

Tuy nhiên, nhiều nhà thầu cũng nhanh chóng xử phạt các em (100 nghìn đồng) nếu nghỉ ngày mà không báo trước.

“Một số nhà thầu phạt rất nặng. Họ yêu cầu lao động phải làm trên 3 tháng, nếu làm dưới 3 tháng thì phạt 7 ngày công tăng ca, là anh hình dung bao nhiêu tiền rồi, khoảng 2 triệu” - Hoa, nhân viên môi giới Công ty TNHH Thương mại TC Vina nói.

Theo giải thích của nhân viên môi giới, một lao động nghỉ không báo trước hoặc không trả lại trang phục sẽ bị phạt và giữ lại số tiền lương. Việc này được nhiều nhà cung ứng quy định trong bảng lương và áp dụng triệt để.

Chúng tôi không quên hình ảnh 3 cậu bé quê Quỳ Hợp, Nghệ An khi cả bọn đang ngồi vạ vật ở góc tối vỉa hè gần vòng xuyến KCN VSIP Bắc Ninh, tối 23/9/2023. Ôm khư khư chiếc ba lô bên cạnh, một cậu bé cho biết đã làm ở Công ty TNHH ITM S. V. (KCN VSIP Bắc Ninh) được một tháng rưỡi, bây giờ buộc phải về quê.

Trục lợi sức lao động trẻ em - Kỳ 3: Ông chủ giàu lên, trẻ em rầu thêm…Những cậu bé bắt xe về quê tối 23/9/2023 - Ảnh: LĐ&CĐ

Gương mặt mệt mỏi, cậu kể, cả bọn làm linh kiện điện tử, 2 tuần ca ngày, 2 tuần ca đêm. Làm đứng nên mỏi người, chân tay bủn rủn. “Làm đêm thì ngon (lương cao – PV) hơn làm ngày, nhưng mệt, mỏi. Mà anh bên tuyển dụng hay bên mô đó?”. Trong ánh đèn xe lấp loáng, những gương mặt nhìn tôi như dò xét, có vẻ như đề phòng.

“Bọn em về nhưng vẫn chưa được trả hết lương. Vẫn còn bị nhà thầu giữ lại 500 nghìn anh ạ. Họ giữ để mình ở lại làm đó. Nhưng bọn em phải về thôi!”, cậu ngậm ngùi bộc bạch.

Ba cậu bé là điển hình trong nhiều gương mặt mà chúng tôi đã từng gặp, từng trò chuyện khi thực hiện tuyến bài này. Những đứa trẻ rời quê đi kiếm tiền nơi đất khách giờ đây vì quá mệt mỏi, không thể tiếp tục trụ lại mà ngậm ngùi trở về bám đất, bám đồng. Chúng về hẳn hay chỉ về một thời gian cho “kịp lớn” để làm công nhân chính thức, thoát cảnh làm thời vụ với một lý lịch giả mạo và luôn nơm nớp lo sợ bị phát hiện?

Công bằng mà nói thì việc làm đem đến cho người lao động, trong đó có những đứa trẻ chưa thành niên cơ hội kiếm tiền. Và nếu chịu khó, gắng sức làm việc, họ cũng có thu nhập đủ tốt để trang trải cuộc sống, thậm chí có tích lũy gửi về cho gia đình. Tuy nhiên, để làm ra những đồng tiền ấy, các em phải đánh đổi bằng những hệ lụy về sức khỏe.

Đó là lý do mà Bộ luật Lao động quy định rất chi tiết về nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên, nhằm đảm bảo sự phát triển cả về thể lực, trí lực và nhân cách... Đó cũng là lý do mà trong danh mục cho phép người chưa thành niên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, không có ngành sản xuất linh kiện điện tử.

Trở lại với tỉnh Bắc Ninh – điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với gần 2.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư trên 24 tỷ USD. Với những gì đang diễn ra, việc thắt chặt quản lý hoạt động cho thuê lại lao động là điều rất cần thiết mà các cơ quan chức năng phải làm.

Mời độc giả đón đọc kỳ 4: Vì sao vi phạm pháp luật một cách dễ dàng?

THỰC HIỆN: NHÓM PV TẠP CHÍ LAO ĐỘNG VÀ CÔNG ĐOÀN

Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên: Góc khuất ở “thủ phủ" thu hút đầu tư - Kỳ 1: Vét kiệt sức trong nhà máy

Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên - Kỳ 2: “Hô biến” trẻ em thành... người lớn