Để đáp ứng đơn hàng cho đối tác là doanh nghiệp sản xuất, các đơn vị cung ứng lao động bằng mọi cách tuyển dụng công nhân thời vụ càng nhiều càng tốt, kể cả trẻ em. Lúc này, tuổi tác không phải là vấn đề bởi mọi việc đều có thể giải quyết dễ dàng. |
Đầu tháng 9/2023, các công ty cung ứng lao động tại Bắc Ninh đang vào “mùa” tuyển công nhân thời vụ. Mục đích là cho đối tác – các công ty sản xuất linh kiện điện tử thuê lại lực lượng này để chạy đơn hàng. Nhiều người ví đây là thời điểm “hốt bạc” của các công ty cung ứng lao động. Các công ty này tận dụng tối đa cơ hội thiết lập mạng lưới chân rết phủ sóng ở nhiều địa phương với mục đích đưa thật nhiều lao động đến làm việc. Lực lượng môi giới đông đảo, chạy đôn chạy đáo tìm nguồn lao động. Nhiều công nhân cũng trở thành cộng tác viên của các công ty này. Còn trên mạng xã hội Facebook, Zalo, tần suất quảng cáo tuyển lao động thời vụ xuất hiện dày đặc. “Tuyển gấp nam, nữ đi làm luôn (chấp nhận thiếu tuổi)” – lần theo thông tin tuyển dụng này, PV tìm gặp một người tên Nguyễn Đăng K. K. hiện đang làm chủ một văn phòng cung ứng lao động có tên KKT Vina (địa chỉ tại thôn Đại Sơn, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Tiếp chúng tôi tại văn phòng của mình, K. nói: “Đợt này đang lấy rất nhiều lao động thời vụ. Chủ yếu đi làm điện tử ở VSIP”. Khi được hỏi về thủ tục, hồ sơ, giấy tờ cần thiết, K. nói thẳng: “Chỉ cần căn cước công dân thôi. Thiếu tuổi cũng được. Chả có gì khó cả, chỉ sợ không có người”. “14 - 15 tuổi thì sao?”, PV hỏi. “Được hết! Anh cứ đưa người, em làm hết, việc em lo hết. Còn làm cách nào là việc của em”, K. khẳng định chắc nịch. |
Bản tin tuyển dụng kèm thông báo "chấp nhận thiếu tháng, thiếu tuổi" - Ảnh chụp màn hình. |
Theo K., dù lao động là trẻ em nhưng chỉ cần không xăm trổ, không nhuộm tóc, không quá thấp bé, và có khả năng làm được các phép tính đơn giản là chắc chắn đủ điều kiện làm công ty điện tử. Trò chuyện sâu hơn, K. tiết lộ trước đây có một số nhà cung ứng thường làm giả căn cước công dân để đưa lao động thiếu tuổi vào làm việc trong nhà máy. Tuy nhiên cách này vừa tốn kém (700 nghìn đồng/chiếc – theo K.), lại nguy hiểm nếu bị phát hiện. K. bảo có cách đơn giản hơn, đó là dùng phần mềm sửa năm sinh trên căn cước công dân rồi photocopy nộp vào cho công ty sản xuất. Thế là đủ! Tìm hiểu rộng hơn thông qua nhiều nhân viên cung ứng và các công ty cung ứng lao động có tiếng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi nhận thấy hầu hết họ đều sử dụng thủ thuật trên. |
Chiều 17/9, ông Đặng Văn B. - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đức Minh Bắc Ninh tiếp chúng tôi tại nhà riêng, cũng là trụ sở doanh nghiệp (trong khu biệt thự liền kề Centa Diamond VSip, phường Phù Chẩn, Từ Sơn). Công ty này là một trong số hơn 30 doanh nghiệp được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động. Để chứng minh uy tín của doanh nghiệp, ông B. cho chúng tôi xem đầy đủ các giấy tờ gốc liên quan, gồm cả giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động (2 tỷ đồng)… Vị này cho biết: “Bên em ký chính, giấy tờ đầy đủ nên anh yên tâm. Vấn đề đàm phán quan hệ, kể cả quan hệ với nhân sự (các công ty sản xuất – PV) đều ok hết”. Bằng uy tín của mình, vị Giám đốc khẳng định: “Lao động không đủ tiêu chuẩn em xử lý. Già quá (ngoài 40 tuổi) thì không được thôi. Ở đây người ta tuyển từ 18 tuổi đến 38 tuổi. Nhưng thiếu tuổi thì em xử lý được, kể cả 14-15 tuổi đều được”. Theo ông B., ngay cả doanh nghiệp nổi tiếng khắt khe ở KCN VSIP nhưng cũng có thời điểm chấp nhận việc lao động thời vụ vào làm việc chỉ với bản căn cước công dân photocopy. Và hiện tại đang là thời điểm như vậy. “Có lúc họ nhận căn cước công dân photocopy thì mình có thể xử lý được. Sửa thế nào thì sửa”, ông B. nói. |
ÔÔng Đặng Văn B. - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đức Minh Bắc Ninh - Ảnh: PV LĐ&CĐ |
Bà H. - vợ ông B., hiện làm Kế toán trưởng Công ty TNHH Đức Minh Bắc Ninh chia sẻ thêm rằng: “Nhà em hiện tại các đơn hàng đang vào rất nhiều. Em đang có cái đơn lấy hơn 1.000 người. Các bạn đi sorting (kiểm tra, phân loại hàng điện tử - PV) thì không phải phỏng vấn. Chỉ cần có căn cước công dân. Mượn cũng được, thiếu tuổi thì mượn căn cước công dân để qua cổng”. |
Trong vai một đối tác có nguồn lao động dồi dào tại các tỉnh miền núi phía Bắc, chúng tôi gặp Toàn – Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại TC Vina, doanh nghiệp chuyên cho thuê lại lao động. Toàn nói say sưa về cách ăn chia lợi nhuận, cách bàn giao “đầu người” và cách làm thế nào để giữ chân lao động lâu dài… Cũng như đại diện các doanh nghiệp cung ứng lao động khác, Toàn tỏ ra sốt sắng muốn “nhận hàng” ngay bởi nhu cầu của các công ty sản xuất hiện tại rất lớn. Tất nhiên, vị này không quên nhấn mạnh về việc sẵn sàng nhận lao động chưa thành niên. |
Vàng Mí D. dù mới 17 tuổi nhưng đã đi làm công nhân thời vụ được 2 năm - Ảnh: PV LĐ&CĐ |
Để chứng minh điều mình đã nói là đáng tin, Toàn cho chúng tôi xem gần 30 căn cước công dân của các lao động thời vụ thuộc “biên chế” Công ty mình. Trong đó có tới 6 lao động chưa thành niên. Chưa dừng lại ở đó, sáng 23/9, Toàn còn bố trí cho chúng tôi gặp “người thật, việc thật”. Đó là Vàng Mí D. (17 tuổi). Chúng tôi hẹn nhau tại một quán cà phê khi D. vừa tan ca đêm. Đôi mắt D. đỏ ngầu và gần như sụp xuống. Cậu nói cần một giấc ngủ dài để có sức đêm nay vào ca. Sau mấy phút đầu giới thiệu, Toàn gợi ý cho chúng tôi tách D. sang bàn khác, tha hồ hỏi chuyện, thậm chí kiểm tra căn cước công dân bản gốc để cho thật khách quan. Căn cước công dân của D. ghi rõ, em sinh ngày 20/3/2006 tại xã Thái An, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. D. cho biết, để vào làm việc tại Công ty TNHH ITM S. V. , thông tin năm sinh trên căn cước của em đã được sửa, sau đó đem photocopy nộp cho bộ phận nhân sự. Trong máy điện thoại của em còn lưu file ảnh căn cước công dân mà năm sinh bị sửa thành năm 2002. Qua đối chiếu, chúng tôi còn phát hiện ra số căn cước công dân của D. cũng bị sửa. Nếu không có bản gốc để so sánh mà chỉ nhìn bằng mắt thường thì không thể nào phát hiện ra các chi tiết bị sửa, bởi nó quá hoàn hảo. Toàn thì chẳng hề giấu diếm chúng tôi về việc anh ta dùng phần mềm trên máy tính để sửa các thông tin này. Vẻ mặt đầy tự hào, Toàn khoe rằng mình chỉ làm 5 phút là xong. Đấy là bao gồm cả việc làm giả các con dấu đỏ “chứng thực bản sao đúng với bản chính” của một văn phòng công chứng trước khi đem in màu. Chiều hôm ấy, Toàn gửi cho chúng tôi 2 bản photocopy giống như đã được công chứng của 2 lao động chưa thành niên. Năm sinh của một người được sửa từ 2009 thành 2001; người còn lại được sửa từ 2006 thành 2003. Điều đáng nói, hai bản này có dấu đỏ của Văn phòng công chứng Công Thành, có địa chỉ tại TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. “Chúng em yêu cầu bọn trẻ thuộc nằm lòng năm sinh khai khống của mình. Cấm đứa nào mở mồm nói năm sinh thật. Em dặn đi dặn lại là dù có thân đến mấy cũng không được nói ra”, một người quản lý trong công ty của Toàn cho biết. |
Hình ảnh căn cước công dân gốc và bản sao đã được chỉnh sửa năm sinh tăng thêm 4 tuổi - Ảnh: NVCC
Sáng 15/9/2023, tại cổng một công ty trong KCN VSIP, Bắc Ninh, bầu không khí huyên náo với từng tốp lao động thời vụ tập trung ở hai bên cổng ra vào”. Rất dễ nhận thấy đây đều là những lao động lần đầu tiên được đưa tới Công ty. Họ là lao động của các đơn vị cung ứng, bây giờ được bàn giao cho Công ty sản xuất điện tử thuê lại để đáp ứng nhu cầu chạy đơn hàng. Chỉ ít phút nữa, những lao động này sẽ chính thức bước vào cổng nhà máy để làm việc. Mỗi tốp có khoảng 5-10 người. Trong đó, rất nhiều gương mặt non choẹt, ngơ ngác và đôi lúc căng thẳng. Họ tập trung thành khu vực để nhận đồng phục, thẻ ra vào, chụp ảnh nhận diện và nghe phổ biến thông tin trước khi được đưa qua cổng bảo vệ. Thông tin quan trọng nhất là ghi nhớ năm sinh đã được đơn vị cung ứng khai khống. Lang Quang N., sinh năm 2008, vừa từ Quỳ Hợp, Nghệ An ra Bắc Ninh chiều hôm trước cùng với một người bạn thì ngay sáng hôm sau đã được bố trí công việc thông qua một công ty cung ứng có tên là HR Partner Việt Nam. |
Lang Quang N. (SN 2008, bên phải), đang được trang bị để vào nhà máy làm việc, sáng 15/9/2023 - Ảnh: PV LĐ&CĐ |
“Không tính tuổi tác. Nếu muốn vào thì chụp ảnh căn cước công dân hai mặt, với lại chụp ảnh chân dung cho nhà thầu làm thẻ vào công ty. Không phải hồ sơ, không phải khám sức khỏe, không phải ký hợp đồng... Có đứa chưa đủ tuổi vẫn làm thời vụ được 3 năm”, Đ. – người giới thiệu Lang Quang N. ra đây làm việc, cho biết. Sau khi được nhân viên của công ty cung ứng phát đồng phục, giày phòng sạch, thẻ ra vào, đồng thời dặn dò việc trả lời phỏng vấn cho khớp trên giấy tờ, N. cùng người bạn của mình bước qua cửa bảo vệ để vào trong Công ty. Ghi nhận của chúng tôi, chỉ trong buổi sáng, rất nhiều trường hợp chưa đủ tuổi lao động vẫn nườm nượp xếp hàng vào Công ty làm việc. Các em, hoặc là được chỉnh sửa căn cước công dân như đã đề cập ở trên; hoặc cũng có khi được đăng ký bằng thông tin căn cước công dân của người khác đủ tuổi nhưng có gương mặt na ná. Quang cảnh trước khi bắt đầu ca đêm thậm chí còn sôi động hơn. Vẫn những là lao động trẻ em được tập hợp, dặn dò để vượt qua vòng phỏng vấn bằng việc nhớ họ, tên, ngày tháng năm sinh cho khớp với thông tin khai man. Hoàng Ngọc T., 14 tuổi, kể lại: “Các chú dặn nếu tại cổng, an ninh có hỏi thì nhớ nói đúng tên trên thẻ - Đỗ Như Chung, không ấp a ấp úng”. Làm theo đúng yêu cầu đó, cậu bé đã vượt qua các cửa an ninh và làm việc trong nhà máy cho tới sáng hôm sau. |
|
Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên: Góc khuất ở “thủ phủ" thu hút đầu tư - Kỳ 1: Vét kiệt sức trong nhà máy |