Vấn nạn trục lợi lao động chưa thành niên - Kỳ 4: Vì sao vi phạm pháp luật dễ dàng?

Pháp luật quy định rất chặt chẽ về việc sử dụng lao động trẻ em, chưa thành niên. Nhưng tại sao lại có một khoảng cách lớn giữa Bộ luật Lao động, Luật Trẻ em hiện hành với thực trạng điều tra của chúng tôi đã nêu lên trong 3 kỳ trước?

Cuộc điều tra quốc gia về lao động trẻ em lần thứ hai ở Việt Nam vào năm 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổng cục Thống kê, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, có 5,4% số trẻ em trong độ tuổi 5-17, tương đương 1,1 triệu là lao động trẻ em, trong đó có một nửa đang làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Chúng tôi đặt câu hỏi rằng, liệu trong số liệu thống kê 1,1 triệu lao động trẻ em này có những đứa trẻ kiệt sức như những em mà chúng tôi đã gặp trong khu công nghiệp trong những tháng vừa qua không? Nếu có, bằng chứng vi phạm này đã được giải quyết một cách triệt để chưa? Nếu không có, rõ ràng, một cuộc điều tra như thế chưa nói lên được bức tranh thực tế của tình trạng vi phạm pháp luật lao động trẻ em, chưa thành niên.

Điều tra quốc gia về lao động trẻ em cũng cho thấy tỉ lệ lao động trẻ em Việt Nam giảm từ 15,5% ở năm 2012 xuống còn 9,1% ở năm 2018 và lao động trẻ em chủ yếu ở trong khu vực phi chính thức. Xu hướng giảm đó liệu có là tín hiệu đáng mừng khi tỷ lệ giảm chỉ phản ánh đơn thuần về số lượng, trong lúc, có hàng trăm trẻ em được đưa vào nhà máy, bị vắt kiệt sức, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần ngay trong các khu công nghiệp (KCN) trọng điểm, nơi được xem là điểm sáng thu hút đầu tư như: KCN VSIP, KCN Đại Đồng, KCN Quế Võ,… (Bắc Ninh)?

Con số đó lại được nhấn mạnh chủ yếu trong khu vực phi chính thức, trong lúc đó, theo điều tra của chúng tôi, những nhãn hàng, tập đoàn lớn, các doanh nghiệp FDI lại đang sử dụng lao động trẻ em, chưa thành niên với số lượng không hề nhỏ.

Vấn nạn trục lợi lao động chưa thành niên - Kỳ 4: Vì sao vi phạm pháp luật dễ dàng?

Trong danh sách trẻ em, chưa thành niên bị bóc lột lao động mà chúng tôi tiếp cận, có những địa phương tiêu biểu về số lượng như: huyện Quỳ Hợp, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), huyện Như Thanh, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), huyện Quản Bạ (Hà Giang)…

Thực tế đó cho thấy lao động trẻ em, chưa thành niên có mối quan hệ với các yếu tố đặc trưng cá nhân và gia đình. Cũng như kết quả nhiều cuộc khảo sát, trẻ em trai và dân tộc thiểu số tham gia lao động trẻ em nhiều hơn. Song, những yếu tố đó, cũng như tình trạng khu vực nông thôn khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội hoàn toàn không phải là lý do để chúng ta bỏ qua những vi phạm về luật pháp.

Liên hệ với một số ban chuyên môn (Phòng LĐ-TB&XH) của các địa phương này, chúng tôi đều nhận được câu trả lời là họ không biết gì về tình trạng lao động trẻ em, chưa thành niên có hộ khẩu thường trú tại địa phương đã di cư kiếm sống và trở đi trở về không biết bao nhiêu lần.

“Hằng năm, chúng tôi có yêu cầu UBND các xã điều tra, báo cáo. Nhưng không có và nếu có cũng rất khó” - ông Nguyễn Quang Thọ, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) trả lời phóng viên.

Vấn nạn trục lợi lao động chưa thành niên - Kỳ 4: Vì sao vi phạm pháp luật dễ dàng?

Liệu chúng ta có thể mặc nhiên chấp nhận thực tế này, xem những đứa trẻ này thiếu ăn thì phải đi kiếm sống. Khi không đủ sức hoặc không có cơ hội kiếm sống nữa thì trở về. Nhưng trở về không có công việc để tồn tại rồi lại đi. Vòng luẩn quẩn của những lao động trẻ em, chưa thành niên đã, đang và sẽ như thế.

Trong cuộc phỏng vấn về vấn đề này của phóng viên với một vị chủ tịch xã của một trong các địa phương trên, nơi có nhiều trẻ em, trẻ chưa thành niên đang lao động ở Bắc Ninh, ông cho rằng không có lao động trẻ em, chưa thành niên trong KCN, và nếu có, thì có thể do các cháu đua đòi theo bạn bè mà thôi.

Nếu chúng ta không ý thức vấn đề lao động trẻ em, chưa thành niên thì câu hỏi “tại sao” và “như thế nào” trong việc bóc lột sức lao động của đối tượng này đã khó, sẽ càng khó trả lời hơn khi mà địa phương hoặc không biết gì về tình trạng này, hoặc biết mà cho đó là chuyện thường.

Vấn nạn trục lợi lao động chưa thành niên - Kỳ 4: Vì sao vi phạm pháp luật dễ dàng?

Sự lỏng lẻo về quy trình tuyển dụng, làm giả giấy tờ, vi phạm pháp luật trẻ em và lao động chưa thành niên bằng các bằng chứng cụ thể như đã được chúng tôi chỉ ra cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Công ty HY Tech Vina (KCN Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) sử dụng lao động trẻ em, chưa thành niên; đặc biệt không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, sức khỏe cho lao động. Công ty TNHH Vina Yong Seong (KCN Đại Đồng, Bắc Ninh), Công ty TNHH ITM Semiconductor Vietnam (KCN VSIP Bắc Ninh) có sử dụng lao động trẻ em, chưa thành niên để sản xuất các linh kiện điện tử.

Trục lợi sức lao động trẻ em - Kỳ 4: Tại sao có thể vi phạm pháp luật một cách dễ dàng?

KCN VSIP Bắc Ninh - nơi nhiều doanh nghiệp đang sử dụng lao động trẻ em, chưa thành niên - Ảnh: PV LĐ&CĐ

Cũng cần phải nêu lên trách nhiệm của cơ quan quản lý địa bàn địa phương trong việc buông lỏng công tác đăng ký tạm trú. Một trường hợp trẻ em hoặc trẻ chưa thành niên đến cư trú tại địa phương, làm việc trong nhà máy dù không đủ tuổi nhưng cơ quan này không biết.

Việc sử dụng bản căn cước giả đăng ký tạm trú hoặc sử dụng bản căn cước thật không đủ tuổi khai báo tạm trú để làm việc trong nhà máy đều phải được cơ quan quản lý địa phương chấn chỉnh. Đáng báo động hơn, những đường dây làm giả thông tin bản căn cước công dân đã diễn ra phổ biến trên địa bàn các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh phải được điều tra, xử phạt.

37 doanh nghiệp cung ứng lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được UBND tỉnh cấp phép, có được cơ quan chức năng đưa ra các cam kết không vi phạm Bộ luật Lao động một cách chặt chẽ và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên không?

Nếu có, vì sao những sai phạm này không được liệt kê, xử phạt, chấn chỉnh? Nếu không, việc chỉnh sửa hồ sơ lao động của các công ty cung ứng đã qua mắt được cơ quan chức năng là tình trạng rất đáng báo động.

Trục lợi sức lao động trẻ em - Kỳ 4: Tại sao có thể vi phạm pháp luật một cách dễ dàng?

Một trong số 37 doanh nghiệp cung ứng lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được UBND tỉnh cấp phép - Ảnh: PV LĐ&CĐ

Trong các doanh nghiệp việc sử dụng lao động trẻ em, chưa thành niên rõ ràng như thế, nhưng người sử dụng lao động không biết hay là nhắm mắt làm ngơ và chỉ quan tâm đến kế hoạch, chất lượng sản xuất, bất chấp những vi phạm?

Có phải đơn giản việc vi phạm pháp luật lao động trẻ em, chưa thành niên trong các KCN chỉ là do các nhà cung ứng? Để xây dựng được lộ trình chính sách dựa trên bằng chứng, trước hết, chúng ta phải quy trách nhiệm cụ thể để triệt để xử lý vi phạm của các bên liên quan chứ không chỉ phạt xong rồi một thời gian sau mọi việc... “đâu lại vào đấy”.

Vấn nạn trục lợi lao động chưa thành niên - Kỳ 4: Vì sao vi phạm pháp luật dễ dàng?

Một câu hỏi khác đặt ra là tại sao các tập đoàn, nhãn hàng lớn vẫn sử dụng lao động trẻ em, chưa thành niên? Điều tra của chúng tôi cho thấy, các công ty được nêu tên trên đây sản xuất các mặt hàng điện tử. Cuộc thâm nhập của phóng viên cũng cho thấy các công ty đang sử dụng lao động trái phép trong lĩnh vực ngành nghề.

Sử dụng lao động trẻ em, chưa thành niên trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên đây không những làm ảnh hưởng sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ em, người chưa thành niên mà còn mang lại nhiều hệ lụy khác cho xã hội.

Đó cũng chính là lý do mà Bộ luật Lao động và Luật Trẻ em đã quy định rất rõ ràng và chi tiết về vấn đề này. Chỉ có việc thực hiện pháp luật và giám sát chặt chẽ việc thực hiện pháp luật đang bị lơi là.

Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên - Kỳ 4: Vì sao vi phạm pháp luật dễ dàng?

Vấn nạn trục lợi lao động chưa thành niên - Kỳ 4: Vì sao vi phạm pháp luật dễ dàng?

THỰC HIỆN: NHÓM PV TẠP CHÍ LAO ĐỘNG VÀ CÔNG ĐOÀN