Lời toà soạn: Sau loạt bài điều tra “Học sinh bị làm công nhân” đăng tải hồi tháng 8/2023, chúng tôi luôn đau đáu một câu hỏi: Tại sao từ nhà trường đến doanh nghiệp lại có thể vi phạm một cách dễ dàng những quy định về lao động chưa thành niên như vậy? Đi tìm câu trả lời bằng cách thâm nhập vào thị trường cung ứng lao động ở một địa phương được coi là “điểm sáng”, thủ phủ“ trong thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp, chúng tôi phát hiện những “góc tối” của thị trường này – nơi mà rất nhiều trẻ em, người chưa thành niên đang được đưa vào nhà máy bằng những thủ đoạn gian dối, vi phạm pháp luật. Các em đang từng ngày, từng giờ bị vắt kiệt sức để làm giàu cho… “ai đó”. Hệ lụy trông thấy là những tổn hại cả về thể chất, tinh thần và phẩm cách trên thân thể và gương mặt trẻ thơ nhưng già trước tuổi. Tạp chí Lao động và Công đoàn giới thiệu cùng bạn đọc loạt phóng sự điều tra “Bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên: Góc khuất ở “thủ phủ thu hút đầu tư”. |
Trong âm thanh chói tai của hàng chục cỗ máy CNC chạy hết công suất, Lim Quốc T. (16 tuổi) - lao động chưa thành niên đang rất tập trung với công việc. Cậu liên tục di chuyển qua các cỗ máy, vừa điều khiển, vừa kiểm tra và làm sạch sản phẩm bằng súng xịt khí nén. Đó là thời điểm bắt đầu ngày làm việc của T. tại Công ty H.Y.T Vina (KCN Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Không đồ bảo hộ, không găng tay, cũng chẳng có nút tai chống ồn…, cậu bé thừa hiểu những rủi ro có thể xảy đến với mình. Điều duy nhất khiến T. cảm thấy dễ chịu là thỉnh thoảng được “chạy đi chạy lại” trên lối đi rộng chừng 1 mét kẹp giữa những cỗ máy ồn ào đặt san sát hai bên. |
“Đợt trước em làm ở Khu công nghiệp VSIP, phải đứng yên một chỗ làm việc. Mệt lắm! Đau lưng, đau chân. Em làm được tháng rưỡi, không trụ được nên vừa mới xin chuyển sang đây, qua “nhà” Viet Work (Công ty TNHH Viet Work, một Công ty cung ứng lao động ở Bắc Ninh – PV). Hôm nay là buổi thứ tư”, cậu bé quê huyện Quỳ Châu, Nghệ An nói sáng 28/9/2023. Trong buổi sáng hôm đó, ở khu vực làm việc của mình, phóng viên (nhập vai làm công nhân) ghi nhận thêm 2 trường hợp lao động 15 tuổi và 17 tuổi đang làm việc tại xưởng CNC của Công ty H.Y.T Vina. Những cậu bé này khi được hỏi đều nói rằng bị mỏi chân, đau lưng và cơ thể mệt mỏi. Đặc biệt, môi trường lao động ồn ào khiến ai cũng bị ù tai. Đây cũng là vấn đề mà phóng viên cảm nhận rõ rệt chỉ sau nửa buổi làm việc tại xưởng CNC. Lúc nghỉ trưa, có thời gian trò chuyện, T. giơ hai bàn tay nhiều vết sẹo, nói: “Tay em đây. Có chỗ nào đẹp đâu? Có chỗ nào nguyên vẹn đâu? Cả đây nữa. Trước em làm ở công ty chuyên mài vỏ điện thoại nên nó hay bị đứt ý. Nó còn vào sâu lắm. Hồi đầu đi làm về không tắm rửa gì cả. Đau tay. Quần áo cũng không giặt được luôn. Có hôm đi ăn đụng vào nước mắm xót quá kêu than luôn. Giờ em sang bên này mới đỡ đỡ tí”. “Nhưng giờ chạy máy CNC em vẫn sợ. Không có đồ bảo hộ. Em chạy máy toàn phải né thế này này. Chỉ sợ mảnh kim loại bay vào mặt. Có lúc mình lắp sai nó còn bay cả hàng ra ngoài”, T. vừa kể, vừa diễn lại động tác né khi làm việc, thêm một lần than phiền rằng Công ty không cấp đồ bảo hộ, găng tay… |
|
Giữa tháng 9/2023, Hoàng Ngọc T., 14 tuổi, quê huyện Như Xuân, Thanh Hoá được đưa vào làm việc tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử trong Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh dạng lao động thời vụ. Ngày đầu tiên, cậu phải làm ca đêm trong tình trạng đứng một chỗ để kiểm tra hàng. “Cháu kiểm hàng điện tử ở tầng 2. Vì phải làm đứng nên mỏi chân, đau lưng với cả buồn ngủ nữa. Đêm chỉ được nghỉ mấy chục phút giữa ca để đi ăn”, T. kể lại. Những ngày sau đó, T. được chuyển sang làm ca ngày nhưng hôm nào cũng tăng ca 3 tiếng. Tan làm, cậu bé với gương mặt bơ phờ thường ngồi nép bên tường rào tối om ngay phía cổng nhà máy để chờ dì của mình chở về phòng trọ. Gặp chúng tôi, lần nào cậu cũng nở nụ cười hiền lành: “Cháu cũng đang quen dần chú ạ. Mới đầu mỏi chân với buồn ngủ thôi!”. Trở về phòng trọ, cậu thường tắm rửa qua loa, chơi vài ván game trên điện thoại trước khi hai mí mắt sụp xuống, ngủ thiếp đi. |
Cùng xóm trọ của T. có em Nguyễn Văn M., quê ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Mặc dù mới 15 tuổi nhưng M. đã có kinh nghiệm gần 1 năm làm công nhân thời vụ ở Bắc Ninh. M. liên tục nhảy việc. Cứ làm được một thời gian cậu lại được nhà thầu cung ứng lao động chuyển sang công ty khác. Lý do được cậu chia sẻ là: có khi doanh nghiệp hết đơn hàng, lại cũng có khi do quá mệt mỏi, áp lực mà xin chuyển. Thời gian M. làm việc lâu nhất tại một công ty là khoảng 2-3 tháng. Đó là doanh nghiệp chuyên mạ linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Đại Đồng. M. thừa nhận môi trường làm việc ở đó nặng nhọc, độc hại. Mặc dù vậy, chỉ đến khi bị một loại chất lỏng mà cậu nói giống như acid văng vào bả vai dẫn tới bị bỏng thì mới xin chuyển việc khác. Thời điểm chúng tôi quen M., cậu đang làm ca đêm trong dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Vina Y. S. (Khu công nghiệp Đại Đồng). M. kể: “Cứ 2-3 giờ sáng là cháu ngủ gật. Quản lý nhắc nhở thì mới tỉnh”. Để chạy đơn hàng, có hôm sau 8 tiếng ca đêm, cậu còn phải tăng ca vài tiếng. “Mệt! nhưng biết làm sao được hả chú?”, M. nói. |
9 giờ sáng, xóm trọ hơn 20 phòng thuộc phường Phù Chẩn, thành phố Từ Sơn vẫn im lìm. M. nằm dài trên tấm phản trong căn phòng trọ tối om, hôi rình. Cửa ngoài khép hờ. Ngày nào cũng vậy, mỗi khi tan ca đêm, M. vùi mình vào giấc ngủ để đến tối lại tiếp tục công việc trong nhà máy. Chúng tôi đến, M. giật mình tỉnh giấc. Đôi mắt cậu đỏ hoe, gương mặt xanh xao, phờ phạc. Cậu cởi trần đứng trước cửa phòng liên tục dụi mắt. Dáng M. cao lêu đêu, cái bụng xẹp lép, lộ rõ từng dải xương sườn. Cậu nói sẽ trải qua 2 tuần làm đêm rồi đến 2 tuần làm ngày, “full tăng ca”. M. tự hào khoe rằng “cháu đi làm ít khi bảo mẹ gửi tiền, mẹ chỉ cho tiền đi, còn cháu cuối tháng gửi tiền về cho mẹ”. Nhưng, để có tiền gửi về cho mẹ, M. và nhiều lao động trẻ em khác hằng ngày phải làm việc 12 tiếng trong nhà máy. Thời gian còn lại, chúng buộc phải chìm vào trong giấc ngủ. Trong suy nghĩ của bọn trẻ, chẳng có cách nào lấy lại sức hiệu quả bằng một giấc ngủ li bì. Thậm chí, không ăn sáng, cũng chẳng cần dậy ăn trưa. |
“Làm đêm về khoảng 8-9 giờ sáng, em ngủ một mạch đến 5 – 6 giờ chiều. Trưa không dậy ăn cơm. Em ngủ say quá không tỉnh dậy được. Mà đến chiều tối, có báo thức em mới dậy được, người cứ mê man. Buổi trưa em không tỉnh nên không ăn. Chiều tối dậy đi mua đồ ăn sẵn rồi cắm cơm ăn, có lúc thì ăn mì tôm”, Vàng Mí D., 17 tuổi, quê huyện Quản Bạ, Hà Giang chia sẻ về thói quen của mình. Xuống Bắc Ninh hôm 17/8, D. nhanh chóng được một công ty cung ứng lao động đưa vào làm công nhân thời vụ sản xuất điện tử tại Công ty TNHH ITM S.V. (Khu công nghiệp VSIP). Tuổi ít nhưng thâm niên lao động thời vụ cũng được 2-3 năm, D. nói việc trở lại Bắc Ninh lần này không có gì bỡ ngỡ. Quả thực, với những cậu bé như Vàng Mí D. hay Nguyễn Văn M., mỗi ngày trôi qua là một sự lặp lại tuần tự và đơn điệu của những hoạt động: làm việc, ngủ, rồi lại vùi đầu trong nhà máy để làm việc. Ngay cả việc ăn cũng được tiết giảm hết sức. Tối ấy, trong căn phòng trọ tuềnh toàng, dưới ánh sáng tù mù của bóng đèn, M. cùng hai cậu bạn chụm đầu vào cái xoong nhôm gắp nốt những sợi mì tôm cho vào miệng trước khi tới nhà máy. |
|
|
Học sinh thực tập làm công nhân – Kỳ 1: Chạy sản lượng, tăng ca đến kiệt sức
Dù được Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn (Thanh Hoá) cử đi thực tập trải nghiệm nghề, song trên thực tế các ... |
Học sinh thực tập làm công nhân – Kỳ 2: Ám ảnh ca đêm triền miên
Không những phải làm việc quá thời giờ quy định đối với lao động chưa thành niên, các cháu học sinh còn bị yêu cầu ... |
Học sinh làm công nhân – Kỳ 3: Điểm bất hợp lý của hợp đồng nhận sinh viên thực tập
Trước khi đưa học sinh đi thực tập, lãnh đạo Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn và Công ty TNHH Hợp tác lao động Toàn ... |