Mức độ thực hiện an toàn lao động của NLĐ ngành Dịch vụ viễn thông
An toàn, vệ sinh lao động - 03/09/2022 17:00 TS. MAI THỊ THU THẢO - ThS. VÕ THỊ KIM HÂN, Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Điều này không chỉ thể hiện qua cam kết bằng văn bản giữa NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ), mà còn là những hành vi thể hiện ra bên ngoài và nhận thức cụ thể từ sâu bên trong về vấn đề ATVSLĐ của NLĐ. Do đó, cần có một tiêu chí nhất định phù hợp với đặc thù loại hình công việc, qua đó phản ánh được mức độ thực hiện các vấn đề về ATVSLĐ của NLĐ; từ đó rút ra được cái nhìn khách quan, chân thực nhất về thực trạng này. Kết quả nghiên cứu trong bài viết dưới đây gó phần điều chỉnh, hoàn thiện bộ tiêu chí, đồng thời đưa ra những đánh giá khách quan nhằm xây dựng biện pháp cải thiện mức độ thực hiện ATVSLĐ của NLĐ tại doanh nghiệp.
Nghiên cứu này tập trung vào nhóm NLĐ trong ngành dịch vụ viễn thông, cụ thể là Viễn thông Bình Phước. Kết quả nghiên cứu 71 NLĐ làm việc trong ngành dịch vụ tại đây cho thấy mức độ thực hiện của NLĐ đạt ở mức Tốt (Mức 3) ở tất cả các tiêu chí, chiếm 81,1% số người trả lời Mức 3 ở tất cả các tiêu chí được hỏi.
Đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy ý thức cũng như nhận thức về vấn đề ATVSLĐ của NLĐ trong nhóm ngành nghề này, đồng thời cho thấy trình độ chuyên môn và tổ chức đóng vai trò quan trọng trong mức độ tham gia của NLĐ về vấn đề ATVSLĐ.
Mức độ thực hiện của người lao động ngành Dịch vụ viễn thông trong công tác an toàn, vệ sinh lao động. Ảnh minh họa. |
Đặt vấn đề
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn đang còn nhiều vấn đề đáng lưu ý trong chấp hành pháp luật về ATVSLĐ. Ý thức của các chủ thể trong quan hệ lao động chưa cao; công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ mặc dù có nhiều dấu hiệu khả quan nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; hệ thống quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật về ATVSLĐ của một số ngành, lĩnh vực còn chưa phù hợp với thực tế, cần phải điều chỉnh, bổ sung; đặc biệt là chưa có hệ thống tiêu chí chính thức để đánh giá hiệu quả khi áp dụng hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ theo quy định của pháp luật tại các doanh nghiệp.
Thực tế chung diễn ra ở các doanh nghiệp là công tác ATVSLĐ chưa được đề cao, đẩy mạnh và thực hiện một cách nghiêm túc. Hầu hết công tác ATVSLĐ chỉ dừng lại ở quy định chung mà chưa có quy định riêng cho từng lĩnh vực hoạt động cũng như cho từng yếu tố có hại, yếu tố nguy hiểm. Một số doanh nghiệp đã xây dựng được quy trình quản lý công tác ATVSLĐ nhưng việc thi hành, thực hiện, giám sát và kiểm tra còn chưa nghiêm túc, chưa đánh giá được mức độ thực hiện của các chủ thể và NLĐ, dẫn đến công tác triển khai còn mang tính chung chung, không có sự tập trung để phát triển, cải thiện hay nâng cao theo thời gian để gia tăng mức độ thực hiện.
Bởi vậy, cần có những tiêu chí cụ thể để có thể đánh giá rõ ràng việc thực hiện công tác ATVSLĐ của NLĐ đạt ở mức độ nào, từ đó doanh nghiệp có thể áp dụng để đánh giá mức độ thực hiện, đánh giá tính hiệu quả của việc thực hiện nhằm cải thiện việc thực thi công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp. Đây là điều hết sức cần thiết.
Nghiên cứu này dựa trên cơ sở thực trạng công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp và mức độ thực hiện của NLĐ trong công tác ATVSLĐ thông qua công cụ là bộ tiêu chí đánh giá mức độ thực hiện của NLĐ trong công tác ATVSLĐ.
Khảo sát đánh giá mức độ thực hiện ATVSLĐ của NLĐ tại VNPT Bình Phước. Ảnh: THU THẢO |
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện trong khối ngành Dịch vụ - Dịch vụ viễn thông, tại đơn vị Viễn thông Bình Phước.
Phương pháp khảo sát đánh giá mức độ thực hiện của NLĐ trong công tác ATVSLĐ
Nhằm đánh giá mức độ thực hiện của NLĐ trong công tác ATVSLĐ, nhóm tác giả đã xây dựng phiếu khảo sát gồm 30 câu hỏi thuộc 5 nhóm tiêu chí cụ thể gồm: NLĐ thực hiện các quy định về ATVSLĐ tại doanh nghiệp; NLĐ tham gia các lớp huấn luyện về ATVSLĐ tại doanh nghiệp; NLĐ tham gia chế độ về quản lý và chăm sóc sức khỏe tại doanh nghiệp; NLĐ thực hiện việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) đã được doanh nghiệp trang cấp; NLĐ thực hiện báo cáo sự cố hoặc mâu thuẫn phát sinh về ATVSLĐ tại doanh nghiệp.
Các tiêu chí được đánh giá ở 3 mức độ: Mức 1 - Kém: Không thực hiện hoặc thực hiện khi nhắc nhở; Mức 2 - Trung bình: Thực hiện có phần chưa đúng; Mức 3 - Tốt: Thực hiện tốt và đúng. Đối tượng thực hiện khảo sát gồm: công nhân viên các tổ đội, khối hành chính, chăm sóc khách hàng và kỹ thuật viên viễn thông với tổng số lượng khảo sát thu thập được là 71 phiếu khảo sát tại Viễn thông Bình Phước.
Việc đánh giá các tiêu chí này được thực hiện bởi cán bộ an toàn có chuyên môn, quản lý và có năng lực đánh giá các tiêu chí ở mỗi người được khảo sát. Do vậy, yếu tố chủ quan cá nhân khi tự đánh giá về bản thân đã được giảm bớt, tăng tính khách quan và chuyên sâu cho khảo sát này.
Kết quả khảo sát mức độ thực hiện của NLĐ trong công tác ATVSLĐ
Nhóm Tiêu chí I. NLĐ thực hiện các quy định về ATVSLĐ tại doanh nghiệp, ở tiêu chí này ghi nhận các tiêu chí số 1 về “NLĐ đang được làm việc trong môi trường đảm bảo điều kiện về ATVSLĐ”, tiêu chí số 2 về “NLĐ đang được làm việc trong môi trường có thực hiện các giải pháp về ATVSLĐ” và tiêu chí số 4 về “NLĐ đã được hướng dẫn về các giải pháp an toàn khi thực hiện công việc” không có phiếu nào, nhiều nhất chỉ chiếm 4% (09 phiếu) ở tiêu chí số 8 về “NLĐ được huấn luyện và diễn tập hằng năm về an toàn phòng cháy, chữa cháy và sơ cấp cứu”. Điều này thể hiện một thực trạng rất rõ ràng tại doanh nghiệp dịch vụ viễn thông, khối ngành này chủ yếu nhân viên đã ở trình độ nhất định, sự tương tác cũng như cam kết với tổ chức cao, do đó mức độ thực hiện của họ đạt ở mức tốt; cụ thể, Mức 3 chiếm từ 76 đến 85%.
Huấn luyện ATVSLĐ cho các học viên do VNPT Bình Phước tổ chức. Ảnh: HOÀNG MINH |
Kết quả này lặp lại ở nhóm tiêu chí số II. NLĐ tham gia các lớp huấn luyện về ATVSLĐ tại doanh nghiệp. Tiêu chí số 13 về “NLĐ tham gia lớp huấn luyện an toàn chung cho nhân viên mới”, tiêu chí số 14 về “NLĐ tham gia lớp huấn luyện an toàn theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP” ghi nhận 0 phiếu, tiêu chí số 15 về “Huấn luyện an toàn tại nơi làm việc, nội quy an toàn khi làm việc với máy và thiết bị đặc thù” ghi nhận 01 phiếu, tỷ lệ này xét chung luôn nhỏ hơn 1%, có sự tương đồng với nhóm tiêu chí số 1. Kết quả này cũng nhấn mạnh rằng các quy định về huấn luyện thường được ban hành và hướng dẫn đầu vào cho NLĐ ngay từ khi phổ biến các quy định của doanh nghiệp. Điều này cũng đúng với thực trạng cơ cấu tuyển dụng và tổ chức của doanh nghiệp ngành dịch vụ.
Ở nhóm tiêu chí số III. NLĐ tham gia chế độ về quản lý và chăm sóc sức khỏe tại doanh nghiệp, kết quả cho thấy ở Mức 1 có tiêu chí đã đạt 7% (Tiêu chí số 19 về “NLĐ có hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật tại nơi làm việc: bữa ăn, sữa, nước uống...”). Ghi nhận này cho thấy hai điểm, một là NLĐ chưa quan tâm và có nhận thức sâu sắc về đặc thù công việc của mình có được hưởng trợ cấp hay không; hai là vấn đề bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật khó được thực hiện với điều kiện đặc thù của nhân viên kỹ thuật viễn thông (thường đi hiện trường bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thiết bị viễn thông. Nơi làm việc ngoài trời và thường thay đổi địa điểm nên việc tổ chức thực hiện bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho NLĐ gần như không thể thực hiện được), đây là điểm khó của rất nhiều ngành nghề có điều kiện lao động tương tự.
Ở nhóm tiêu chí số IV. NLĐ thực hiện việc sử dụng PTBVCN đã được doanh nghiệp trang cấp và V. NLĐ thực hiện báo cáo sự cố hoặc mâu thuẫn phát sinh về ATVSLĐ tại doanh nghiệp Mức 3 đạt trung bình khoảng 82%, cho thấy vấn đề PTBVCN và việc báo cáo, liên hệ với các cấp quản lý đang rất được chú trọng. Tuy nhiên, cũng phải kể đến đặc thù loại PTBVCN cho nhóm ngành nghề này chưa yêu cầu nhiều loại và công tác báo cáo quản lý nằm trong quy trình, quy định làm việc của doanh nghiệp, khiến việc này trở nên dễ dàng kiểm soát hơn. Song song với những nguyên nhân đó chúng ta thấy những kết quả tích cực ở nhóm tiêu chí này.
Nhìn chung, các tiêu chí đều có mức phổ điểm từ trung bình đến cao, cụ thể ở Mức 2, từ 13-21% cho kết quả ở tất cả 30 tiêu chí.
Biểu đồ kết khảo sát tỷ lệ thực hiện 5 nhóm tiêu chí về ATVSLĐ của NLĐ tại VNPT Bình Phước. |
Biểu đồ kết quả khảo sát mức độ thực hiện 30 tiêu chí về ATVSLĐ của NLĐ tại VNPT Bình Phước. |
Kết quả khảo sát cho thấy tín hiệu đáng mừng khi câu trả lời ở Mức 3 chiếm đa số trong 71 phiếu khảo sát thu thập được. Nhưng cũng không vì thế mà chủ quan lơ là, bởi lẽ đặc thù nguồn lao động tri thức và những điều kiện làm việc của ngành dịch vụ viễn thông là khác biệt so với các ngành nghề mà nguồn nhân lực còn hạn chế về điều kiện làm việc cũng như trình độ chuyên môn khác. Điều này cũng rút ra một điểm đáng chú ý: chúng ta có thể áp dụng cho các ngành nghề khác mang tính chất tạm thời trong một số trường hợp như ngành xây dựng. Đó là lồng ghép khéo léo những quy định ATVSLĐ vào nội quy lao động chính thức của công ty, ban hành quy trình vận hành giữa các bộ phận mà ở đó các quy định về ATVSLĐ được tuân thủ chặt chẽ.
Kết luận
Khảo sát này bước đầu đã thực hiện trong NLĐ đang làm việc tại một công ty đặc thù về dịch vụ viễn thông, phân tích kết quả thu được để đánh giá sơ bộ các mức độ về nhận thức và sự tham gia công tác ATVSLĐ của NLĐ tại doanh nghiệp. Nhóm tác giả tiến hành xác định các nguyên nhân cơ bản và mục đích là hướng đến việc hoàn thiện hơn nữa bộ tiêu chí phản ánh đúng, toàn diện và chính xác mức độ thực hiện của NLĐ về ATVSLĐ tại doanh nghiệp; làm tiền đề cho việc xây dựng các biện pháp đúng hướng trong việc cải thiện và nâng cao mức độ tuân thủ ATVSLĐ của NLĐ, không chỉ cho riêng khối ngành dịch vụ mà còn hướng đến những ngành nghề khác nói chung.
Tóm lại, để đảm bảo mỗi ngày NLĐ đều được làm việc an toàn, cần rất nhiều sự chung tay góp sức từ nhiều nhân tố, nguồn lực. Điều quan trọng là, mỗi người trước hết cần hiểu rằng bản thân mình là người chịu trách nhiệm cho sự an toàn của chính mình. Vì vậy, việc tuân thủ theo các quy định ATVSLĐ phải trở thành một điều tất yếu, như cách mỗi người tự bảo vệ chính mình. Mô hình nghiên cứu sẽ được tiếp tục triển khai ở các khối ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác như xây dựng, sản xuất may mặc, giày da, dệt nhuộm; ở cả các đối tượng NLĐ có và cả không có hợp đồng lao động, để có được kết quả so sánh, bàn luận rõ hơn góp phần hoàn thiện các tiêu chí và nhóm tiêu chí đánh giá.
NLĐ của VNPT Bình Phước luôn được bảo đảm an toàn trong quá trình lao động. Trong ảnh: Nhân viên kỹ thuật lắp đặt loa truyền thanh thông minh trên đường Lý Thường Kiệt, thành phố Đồng Xoài (Bình Phước). Ảnh: KIM PHỤNG |
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2015), Luật ATVSLĐ số 84/2015/QH13, Hà Nội.
2. Cấn Thùy Dung (2013), An toàn lao động và Vệ sinh lao động theo pháp luật Lao động Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. Nguyễn Thị Hà (2020), Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá ATVSLĐ cho nhân viên phòng thí nghiệm, Luận văn Thạc sĩ Bảo hộ Lao động, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Nguyễn Thị Thùy Linh (2020), Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hệ thống quản lý ATVSLĐ ngành vật liệu xây dựng, nghiên cứu điển hình tại Nhà máy sản xuất tấm calcium silicate, Luận văn Thạc sĩ Bảo hộ Lao động, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Tổng Cục Thống kê Việt Nam, Website: https://www.gso.gov.vn/
Giải pháp cải thiện công tác an toàn vệ sinh lao động tại các mỏ đá Khai thác, chế biến đá (KTCBĐ) ở Việt Nam phát triển tương đối mạnh. Đến cuối 2019, gần 2.400 giấy phép khai thác đá (KTĐ) ... |
Văn hóa an toàn tác động đến người lao động như thế nào? Văn hóa rất khó định lượng và vẫn là một khía cạnh quan trọng của công tác an toàn tại nơi làm việc. Hầu hết ... |
Đắk Lắk: Lan tỏa công tác an toàn, vệ sinh lao động Đến nay, Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở 80% số doanh nghiệp có ... |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 30/10/2024 08:06
Những hình ảnh ấn tượng tại Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Dầu khí
Những hình ảnh ấn tượng tại Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Dầu khí lần thứ X năm 2024 đã cho thấy sự quan tâm của chuyên môn và công đoàn các cấp trong ngành về ATVSLĐ.
An toàn, vệ sinh lao động - 29/10/2024 18:31
Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi - hình thức tuyên truyền thiết thực của Công đoàn
Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành Dầu khí lần thứ X năm 2024 không chỉ là sân chơi dành cho người làm công tác ATVSLĐ trong ngành mà còn là hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, hấp dẫn cho người sử dụng lao động và người lao động.
An toàn, vệ sinh lao động - 29/10/2024 10:44
"Cuộc thi trực tuyến giúp tôi nhận ra nơi làm việc là ngôi nhà thứ hai"
Anh Nguyễn Minh Phương - CĐCS Công ty TNHH Phân tích thời gian thực (RTA) chia sẻ cảm nhận về cuộc thi trực tuyến "CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ".
Người lao động - 17/10/2024 14:00
Đánh giá cao cuộc thi tìm hiểu về công tác an toàn, vệ sinh lao động
Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương đánh giá cao cuộc thi trực tuyến “CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ” năm 2024 do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức.
Người lao động - 16/10/2024 18:42
Siết chặt quản lý quan trắc môi trường tại cơ sở lao động
Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động. Theo đó, đề xuất quy định quản lý hoạt động quan trắc môi trường lao động tại cơ sở lao động.
Người lao động - 10/10/2024 13:43
Công nhân Công ty CP Phân lân Ninh Bình tử vong khi sửa máy: Cần nâng cao ý thức an toàn lao động
Mới đây, công nhân Đào Sỹ T. của Công ty CP Phân lân Ninh Bình đã gặp tai nạn nghiêm trọng khi sửa chữa máy nghiền xích. Dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, anh T. không qua khỏi.
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, người lao động có thể tự ngừng đóng để nhận trợ cấp?
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025