Đơn hàng sụt giảm, công nhân lo lắng thiếu việc làm
Việc làm - tuyển dụng - 27/10/2022 14:49 NGUYỄN NAM
Đại diện nhiều ngành hàng xuất khẩu bắt đầu lo lắng Lao động bị cắt giảm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng Vốn FDI liên tiếp sụt giảm: Nhà đầu tư thận trọng? |
Lượng đơn hàng giảm mạnh
“Đã gần 2 tháng nay, chúng tôi chỉ đi làm giờ hành chính chứ không tăng ca như trước; thậm chí cuối tuần (thứ 7) cũng nghỉ”, anh Nguyễn Văn Hoàng, công nhân làm việc tại Công ty Việt Nam Paiho, thuộc Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ và cho biết, thu nhập của anh giảm nhiều nên phải “thắt lưng buộc bụng” để đủ chi trả tiền nhà trọ, tiền sữa cho con và trang trải gia đình.
Lượng đơn hàng sụt giảm khiến đội ngũ công nhân chỉ làm việc giờ hành chính, không tăng ca. Ảnh: IT |
Cũng phải chịu cảnh “thắt lưng buộc bụng” vì lượng đơn hàng giảm, anh Nguyễn Xuân Long, công nhân Công ty TNHH Sản xuất cân Nhơn Hòa cho biết thêm, trong suốt khoảng 3 tuần qua, mỗi tuần chỉ làm việc 3 ngày. “Làm công nhân, ngoài mức lương cố định, nhờ nhiều vào tiền tăng ca, phụ cấp… nhưng vừa rồi ngay cả giờ hành chính còn ‘phải cắt giảm 50%’ nên ảnh hưởng lớn đến thu nhập”, anh Long nói và cho biết, mức thu nhập giảm khoảng 40% trong khi chi phí ở TP.HCM “không hề rẻ” nhưng vẫn phải chấp nhận vì “đó là tình hình chung của các công ty hiện nay”, anh Long nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Công ty Linestyle - doanh nghiệp chuyên may gia công hàng xuất khẩu, ở huyện Hóc Môn, TP.HCM cho biết thêm, gần như các doanh nghiệp may chuyên gia công hàng xuất khẩu đều không có hàng cho công nhân làm. “Đơn hàng chỉ còn khoảng 50% và ngày càng ít đi. Tình hình này đã kéo dài gần 2 tháng nay và chưa có tín hiệu cho thấy sự khả quan vào năm sau”, ông Chiến nói và cho biết, hiện tại công nhân làm việc tại doanh nghiệp của ông đang phải “tuần làm tuần nghỉ”.
“Dù khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì, đảm bảo thu nhập tối thiểu từ 8 triệu đồng/công nhân/tháng cho đội ngũ 120 công nhân của công ty”, ông Chiến nói và cho biết, doanh nghiệp ông chuyên may gia công hàng xuất khẩu Nhật Bản nên “khó khăn kép” khi đồng yên giảm khoảng 20% so với tỷ giá USD.
Chia sẻ thêm về điều này, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony, khẳng định hiện ngành may gia công đang đối diện tình trạng thiếu đơn hàng trầm trọng nên phải cắt giảm lực lượng lao động. “Từ khoảng tháng 8/2022 đến nay, lượng đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành may gia công sụt giảm nghiêm trọng, khoảng hơn 70%. Nhiều doanh nghiệp không có đơn để cho công nhân làm việc”, ông Quang Anh khẳng định.
Ngành may mặc, đặc biệt may gia công là một trong những ngành chịu nhiều ảnh hưởng về sự sụt giảm đơn hàng vì nguyên phụ liệu phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và các tập đoàn lớn dừng đơn hàng do lượng tồn kho còn nhiều. Ảnh: IT |
Tình trạng này xảy ra cả với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng trang trí nội thất, đồ gỗ, da giày, logistics, lắp ráp thiết bị điện tử... Đại diện một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Long Giang (Tiền Giang) cho biết, đơn hàng của công ty bị sụt giảm khoảng 35 - 40%. “Công nhân lúc trước tăng ca khoảng 4 tiếng/ngày thì nay giảm thời gian tăng ca xuống 50% hoặc không còn tăng ca”, vị này nói và cho biết, nguyên nhân do lượng hàng tồn kho còn nhiều.
Đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cuộn cảm điện tử ở Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng cũng cho biết, đơn hàng sụt giảm khoảng 30%. Trong khi đó, bà Ngô Thị Liên - đại diện một doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics đi các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc khẳng định, đơn hàng vận chuyển của doanh nghiệp bà đi xuất khẩu sụt giảm khoảng 60-70% so với năm ngoái.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động tại các khu chế xuất – khu công nghiệp ở TP.HCM cũng thừa nhận đang đối diện nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng. Đơn cử như Công ty TNHH Juki Việt Nam (Q.7, TP.HCM), chuyên sản xuất, lắp ráp cụm linh kiện cho máy công nghiệp và các mặt hàng xuất khẩu... do khan hiếm đơn hàng nên có một xưởng với khoảng 300 lao động chỉ đi làm đủ 8 giờ/ngày chứ không tăng ca. Thậm chí, do tình hình đơn hàng giảm trầm trọng, nhiều công ty gỗ nội thất, may mặc... phải tạm đóng cửa hoặc dừng hợp đồng với những nhân viên hết thời hạn hợp đồng.
Doanh nghiệp tìm cách xoay xở
Theo ông Chiến, với tình hình các doanh nghiệp may mặc đều chung tình cảnh “khan hàng” thì duy trì thời gian làm việc cho công nhân là một thử thách. “Thực tế là hiện chúng tôi cũng không có giải pháp nào để vượt qua tình cảnh này vì đây đang là tình hình chung của ngành may gia công xuất khẩu”, ông Chiến nói và cho biết thêm, doanh nghiệp chỉ mong có thể tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi trong bối cảnh ngân hàng cũng dần cạn room.
Công nhân làm việc tại một phân xưởng trong khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: IT |
Còn với ông Trần Chí Dũng, chủ một doanh nghiệp (xin giấu tên) chuyên gia công hàng may mặc xuất khẩu có trụ sở tại Q.12, TP.HCM lại thê thảm hơn khi suốt cả tháng qua, ông phải “chạy đôn chạy đáo”, tìm mọi cách liên hệ với các doanh nghiệp may gia công khác để hỏi thăm nguồn hàng, thậm chí chấp nhận lấy hàng với giá rẻ để về cho công nhân có việc làm “cầm cự” nhưng cũng tìm không ra. Lòng ông “như lửa đốt” vì chưa biết sẽ phải xoay xở ra sao trong tình hình hiện tại.
Khả quan hơn các doanh nghiệp khác, với Công ty Dony, theo chia sẻ của ông Quang Anh – Giám đốc, DN này ổn hơn vì khởi nghiệp bằng con đường sản xuất hàng may mặc nội địa. “Chính nhờ nội địa nên nó cân bằng công việc cho nhân sự của mình”, ông Quang Anh bộc bạch và cho biết thêm, ngành may mặc phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc trong khi quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn áp dụng chính sách zero Covid.
Trong khi đó, với dịch vụ vận chuyển logistics đi nước ngoài, bà Liên cho biết, doanh nghiệp bà đang thay đổi chính sách bán hàng để có thể lấy được nhiều hàng hơn từ các công ty cần vận chuyển. “Logistics là ngành đặc thù, vận chuyển hàng hóa từ nơi này đến nơi khác theo yêu cầu của khách hàng và ăn chênh lệch. Trước đây, các doanh nghiệp có khi phải ‘cầu cạnh’ công ty logistics miễn sao đơn hàng đi an toàn, đúng kỳ hạn giao cho đối tác. Bây giờ, miễn sao có lời là nhận vận chuyển”, bà Liên nói và cho biết, ngoài ra để có vốn lưu động, doanh nghiệp bà sẽ phải thực hiện giảm thời gian công nợ cho khách.
Để duy trì việc làm cho công nhân, các doanh nghiệp luôn tìm mọi cách để đảm bảo có nguồn hàng. Ảnh: IT |
Trong khi đó, đại diện Công ty Bảo Hưng (Bình Dương), chuyên về gỗ nội thất, cho biết thời gian gần đây, doanh nghiệp đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu nội thất sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi ít bị ảnh hưởng của lạm phát hơn các nước khác. “Riêng với thị trường Mỹ, dù bị sụt giảm mạnh về đơn hàng, doanh nghiệp sẽ tập trung vào thị trường ngách, những nhóm hàng ít bị cạnh tranh hơn”, vị này nói và cho biết, đây là giải pháp để đối phó với tình hình sụt giảm sức mua ở thị trường châu Âu, Mỹ thời gian gần đây của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, nguyên nhân khiến đơn hàng sụt giảm là do tình hình bất ổn của chiến tranh, lạm phát và dịch bệnh như hiện nay khiến công việc làm của người dân toàn cầu không ổn định, sức tiêu thụ trên toàn cầu cũng vì thế giảm sút. “Cùng với đó là dự báo tương lai bất ổn nên các tập đoàn, doanh nghiệp tạm ngưng đơn để xử lý cho hết hàng tồn kho”, một chuyên gia kinh tế cho biết.
Với những gì đang diễn ra, các doanh nghiệp khẳng định, rất khó để duy trì hoạt động và đảm bảo nguồn hàng cho công nhân đủ việc làm trong bối cảnh hiện nay. “Vì thế, doanh nghiệp có thể phá sản bất cứ lúc nào”, ông Chiến buồn rầu chia sẻ.
Công nhân lao động Bình Dương lo lắng việc làm chưa ổn định, thu nhập còn thấp Thực hiện Công văn số 4130/TLĐ-TG ngày16/5/2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tổng hợp kiến nghị của công nhân lao ... |
Công đoàn tỉnh Bình Dương chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động Trong 6 tháng đầu năm năm 2022, Công đoàn tỉnh Bình Dương đã tiếp tục bám sát chủ đề “Chăm lo việc làm, đời sống ... |
Doanh nghiệp thiếu đơn hàng: Công nhân điêu đứng Do ảnh hưởng từ thị trường thế giới, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước thiếu đơn hàng nên gặp khó khăn trong xuất khẩu, từ ... |
Tin cùng chuyên mục
Việc làm - tuyển dụng - 17/11/2024 12:17
Doanh nghiệp sản xuất gỗ ván ép ở Quảng Bình tuyển hàng trăm lao động phổ thông
Hoạt động trong lĩnh lực sản xuất gỗ ván ép công nghiệp, Công ty CP Gỗ Quảng Phát (Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đang có nhu cầu tuyển nhiều vị trí việc làm, với hơn 100 lao động.
Việc làm - tuyển dụng - 16/11/2024 16:36
Sơn Hà SSP Việt Nam tuyển nhiều công nhân và kỹ sư: thu nhập hấp dẫn, phúc lợi vượt trội
Để đáp ứng tiến độ sản xuất cuối năm và mở rộng quy mô hoạt động, Công ty TNHH MTV Sơn Hà SSP Việt Nam hiện đang tuyển dụng nhiều vị trí, bao gồm công nhân, kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện và nhân viên kiểm tra chất lượng (QC).
Việc làm - tuyển dụng - 09/11/2024 07:00
1.337 vị trí việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
Ngày 8/11/2024, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội diễn ra Hội chợ việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan trở về từ Hàn Quốc và Nhật Bản, thu hút 45 doanh nghiệp với 1.337 vị trí việc làm.
Việc làm - tuyển dụng - 22/10/2024 16:49
Công ty CP Xi măng Sông Gianh tuyển 55 lao động có chuyên môn
Để mở rộng hoạt động kinh doanh sản xuất, Công ty Cổ phần Xi măng Sông Gianh vừa có thông báo tuyển dụng 07 vị trí việc làm, với 55 lao động có chuyên môn.
Việc làm - tuyển dụng - 19/10/2024 17:53
Nhất Tín Logistics tuyển hơn 100 nhân sự làm việc tại Hà Nội, mức lương từ 12-16 triệu/tháng
Nhất Tín Logistics, một trong những đơn vị vận chuyển uy tín hàng đầu tại Việt Nam, đang mở rộng quy mô tuyển dụng với nhu cầu hơn 100 nhân sự làm việc tại Hà Nội, mức lương từ 12-16 triệu đồng/tháng.
Việc làm - tuyển dụng - 11/10/2024 18:27
Tuyển hơn 300 công nhân cao su tại Quảng Bình
Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại và Đoàn Kinh tế quốc phòng 79 vừa có thông báo tuyển dụng 330 công nhân cao su tại Quảng Bình.
- Những điểm trường bị bỏ hoang
- Vĩnh Phúc: Điểm sáng thu hút đầu tư với 15 dự án lớn, trọng điểm
- Giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
- Nhà xưởng cháy lớn, công nhân phải nghỉ việc được hỗ trợ thế nào?
- Chủ tịch Công đoàn luôn trăn trở cùng công nhân, người lao động