“Đầu tư cho người lao động chính là đầu tư cho doanh nghiệp” |
Công đoàn Nghệ An: "Bảo đảm an toàn cho đoàn viên, người lao động là trên hết" |
Giúp công nhân lao động thoát nghèo |
Công ty CP Lương thực vật tư nông nghiệp Nghệ An |
Công ty như gia đình
Tại nhà máy của Công ty CP Lương thực vật tư nông nghiệp Nghệ An trực thuộc Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An, công nhân làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng nên mồ hôi nhễ nhại. Dẫn tôi vào khu vực đóng hàng, anh Cao Văn Thiệp – Phó Giám đốc kỹ thuật nói với anh em công nhân: “Có phóng viên muốn hỏi các anh về việc vay tiền của công ty để trang trải cuộc sống, anh em trò chuyện chút nhé”. Mọi người vui vẻ trả lời: “Ở đây ai cũng từng vay tiền công ty cả, em hỏi anh nào cũng trúng nhé”.
Và rồi, họ kể câu chuyện của chính mình và câu chuyện của những người khác được công ty giúp đỡ.
Anh Hà Văn Dũng, người gắn bó với công ty hơn 10 năm qua chia sẻ: “Năm 2015, hai vợ chồng mình quyết định mua một căn hộ ở chung cư Vinh Plaza, phường Quán Bàu, thành phố Vinh để ở. Căn hộ có giá 700 triệu đồng nhưng vợ chồng mình chỉ mới tích góp được một nửa số tiền đó. Hai vợ chồng vay mượn thêm người thân và bạn bè vẫn chưa đủ và mình quyết định vay tiền của công ty. Lúc đề xuất công ty cho vay 70 triệu đồng, mình cũng hơi e ngại bởi số tiền không nhỏ trong khi công ty lại không tính lãi suất. Thế nhưng, công ty đã ký duyệt cho mình vay nhanh chóng. Lúc đó, lương của mình được gần 10 triệu đồng/tháng, mình đã đề xuất công ty cho trả nợ bằng cách mỗi tháng trừ qua lương 2 triệu đồng. Cứ như vậy, gần 4 năm, mình đã trả hết nợ cho công ty".
Còn anh Nguyễn Bá Dũng kể, trong 5 năm qua, anh không nhớ hết những lần vay tiền của công ty. Lúc thì vay 10 triệu, lúc 20 triệu, rồi 50 triệu để làm nhà, mua xe máy hay mua thêm con bò cho vợ chăn nuôi. Anh nói, "Quy trình vay mặc dù không cần phải trực tiếp lên gặp Ban Giám đốc nhưng mình vẫn lên gặp để chia sẻ với các anh lý do vay tiền, Tổng Giám đốc luôn vui vẻ trò chuyện và động viên mình cố gắng rồi ký duyệt cho vay nhanh gọn. Mình hiểu, anh ấy vừa tin tưởng, vừa muốn giúp đỡ mình. Thế nên, tâm lý mình cũng thấy thoải mái và vui vẻ. Ai cũng vậy thôi, cứ nghĩ đến lúc mình khó khăn, túng thiếu, có nơi sẵn sàng giúp đỡ thì cảm thấy ấm lòng và yên tâm lắm".
Anh Nguyễn Bá Dũng kể chuyện vay tiền của công ty |
Không như hai người đàn ông trên vui vẻ khi kể chuyện, chị Lê Thị Nam lại xúc động trong từng lời kể và đôi lúc chị muốn rơi nước mắt. Chị kể, chị về làm việc tại công ty đã 16 năm qua, năm 2016, con trai của chị thi đại học, cháu mong muốn được vào học ở Trường Đại học FPT thành phố Hồ Chí Minh. Khi nghe cháu chia sẻ về nguyện vọng thi vào trường đó, anh chị cũng vui nhưng phải nói với con là gia đình không có đủ điều kiện. Thế nhưng, nhìn đôi mắt long lanh, đầy hy vọng của con khi nói về công nghệ thông tin, về mong muốn trở thành một lập trình viên, vợ chồng chị áy náy và trong một khoảnh khắc, anh chị quyết định chấp nhận vay mượn cho con được học nghề yêu thích.
"Lúc đó, nơi đầu tiên chị nghĩ đến khi vay tiền là công ty. Chị lên gặp bác Hiền - Tổng Giám đốc để chia sẻ với bác việc học của con. Bác nói, cháu học tốt và mong muốn được học ngành khó như vậy cũng rất tốt. Bố mẹ dù vất vả cũng phải cố gắng cho con được học hành tử tế, đàng hoàng. Bác nói chị làm đề xuất và bác cho vay 150 triệu đồng. Lúc đó, chị cảm động vô cùng, trên đường về nghĩ đến con sẽ rất vui khi biết rằng được vào Sài Gòn để học, chị bật khóc", chị Nam nói.
Công nhân nữ luôn được công ty quan tâm và ưu tiên cho vay để chăm lo cuộc sống gia đình |
Khoản tiền được công ty cho vay, chị trả dần qua lương hằng tháng. Thế nhưng, chị cũng không hình dung được là tiền học của con ở trường nhiều hơn những dự tính ban đầu của vợ chồng chị. Đến năm thứ ba, tiền ăn ở, học phí của con ở trường lại gần 100 triệu đồng. Hai vợ chồng chị lại "nhìn trước ngó sau" cũng không biết vay được tiền của ai. Một lần nữa chị lại quyết định lên gặp Tổng Giám đốc.
"Bác Hiền lại động viên chị yên tâm, đừng lo nghĩ nhiều, con học xong được năm nào thì vui năm đó. Quan trọng nhất là sức khỏe, cứ mạnh khỏe làm việc rồi trả dần cho bác. Rồi bác lại cho chị vay thêm 65 triệu đồng để nộp học phí cho con", chị Nam nói.
Khuôn mặt lại hiện rõ niềm vui, chị Nam kể, con trai chị đã ra trường đi làm, cháu đang thử việc cho một công ty ở Sài Gòn, mức lương thử việc là 10,5 triệu đồng/tháng. Cháu bảo sẽ góp tiền để giúp mẹ trả hết nợ cho công ty. Nhưng nói đến đây, chị lại muốn khóc khi nghĩ đến mối ân tình mà công ty đã dành cho gia đình chị.
"Sao người ta có thể tốt như vậy em nhỉ? Công ty như một gia đình vậy. Chị đã trải qua những năm tháng khó khăn, thiếu thốn, đôi lúc tủi thân đến bật khóc nên khi được Ban Giám đốc công ty quan tâm, giúp đỡ như vậy, chị cảm thấy mình được tôn trọng, được vỗ về, chia sẻ", chị Nam nói.
Trong tổ NPK của chị Nam hiện có 16 người thì có đến 13 người đã và đang vay tiền của công ty. Có người giống chị Nam là vay tiền cho con ăn học, có người vay tiền để làm nhà và có người vay tiền để chữa bệnh cho bản thân và những người trong gia đình. Như trường hợp anh Đậu Sỹ Sung, có hoàn cảnh hết sức khó khăn, trong nhà nhiều người bị bệnh nên công ty đã nhiều lần cho anh vay tiền để chữa bệnh cho người thân trong gia đình. Và, tổ NPK cũng như các tổ khác, công nhân lao động cứ vay rồi trả, trả rồi lại vay khi có nhu cầu.
Anh Cao Văn Thiệp – Phó Giám đốc kỹ thuật (giữa) dẫn phóng viên tham quan nhà máy và trò chuyện về chính sách cho công nhân lao động vay tiền để trang trải cuộc sống |
Anh Cao Văn Thiệp – Phó Giám đốc kỹ thuật, chia sẻ: "Công ty cũng quy định về điều kiện cho vay, trong đó, ưu tiên người đã làm việc lâu năm ở công ty, mức vay cũng được xem xét cao hơn, sau đó là những người làm việc chính thức ở công ty từ 3 năm trở lên. Còn dưới 3 năm, công ty sẽ xem xét thêm các yếu tố khác.Thực sự, chính sách cho người lao động vay tiền để trang trải cuộc sống đã giúp ích rất nhiều cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Anh em công nhân đi làm luôn mong mỏi có được ngôi nhà nhỏ để ở, có nhà ổn định rồi mới toàn tâm làm việc. Khi xây nhà thiếu thốn, ai cho vay được 3-5 triệu đồng cũng quý, trong khi công ty cho vay từ 10 đến 100 triệu, tùy có người, có thể cho vay nhiều hơn như thế'.
Điều đặc biệt là khi công nhân khó khăn vay để trang trải cuộc sống hay khi bớt khó khăn vay để nâng cao đời sống, công ty đều xem xét cho vay. Từ đó, đã tiếp sức cho công nhân từng bước vươn lên để có cuộc sống ổn định và khá giả hơn.
Để người lao động yên tâm làm việc
5 năm thực hiện chính sách cho người lao động vay tiền để trang trải cuộc sống, đến nay, mỗi năm có khoảng 20 - 30 công nhân vay mới và cũng có khoảng chừng ấy công nhân trả hết nợ cho công ty, số tiền lũy kế cho vay khoảng 1 tỷ đồng.
Nói về chính sách này, ông Trương Văn Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An chia sẻ: "Trước những nhu cầu thiết thực, cấp bách của người lao động, công ty đã có chính sách cho họ vay tiền nhằm hỗ trợ giải quyết những công việc trước mắt. Tùy từng trường hợp cụ thể, công ty cho vay theo các mức khác nhau. Tôn chỉ công ty đặt ra là nguồn vay phải phục vụ các nhu cầu thực tế, thiết yếu của người lao động, không lãng phí nguồn vay, tiếp đó, là khi cho người lao động vay rồi phải làm sao để giúp họ có thể trả được nợ. Mục tiêu của chính sách này là động viên tinh thần để người lao động yên tâm sản xuất, gắn bó với công ty; giúp họ ổn định, nâng cao đời sống gia đình và khi đó diện mạo công ty cũng sẽ nâng cao".
Ông Trương Văn Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An |
Hỏi ông Trương Văn Hùng về 5 năm qua, chắc sẽ có trường hợp người lao động vay tiền nhưng không thể trả. Ông mỉm cười: "Có chứ, cũng có một số trường hợp nhưng do họ quá khó khăn nên mới không thể trả. Công ty có công đoàn là cầu nối để Ban Giám đốc biết được các hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ và cũng là công đoàn đề xuất các trường hợp quá khó khăn, không thể thu hồi tiền nợ".
Những năm qua, Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An là đơn vị thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người lao động; 100% người lao động được đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN. Đi cùng với mức thu nhập khá, người lao động cũng được quan tâm nâng cao điều kiện làm việc và đời sống tinh thần. Công ty duy trì bài bản quy định thưởng lễ, Tết cho người lao động và tổ chức đều đặn các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn; kêu gọi người lao động đoàn kết, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau".
Bà Trình Thị Thủy - Chủ tịch Công đoàn công ty chia sẻ: "Công ty luôn quan tâm, chăm lo cho người lao động nên hoạt động công đoàn ở công ty rất thuận lợi. Ban Giám đốc công ty luôn khuyến khích công đoàn tổ chức các chương trình hay, các hoạt động thiết thực, ý nghĩa để tạo niềm vui cho người lao động. Công ty cũng luôn tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động của công đoàn. Khi người lao động thấy thoải mái, trân quý công việc và công ty thì họ sẽ làm việc trách nhiệm và gắn bó".
Không chỉ cho người lao động vay tiền để làm nhà và trang trải cuộc sống, Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An còn thực hiện chính sách cho các đơn vị trực thuộc vay tiền mua xe ô tô để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Công ty cho mỗi đơn vị vay 500 triệu đồng để mua xe, số tiền này được cho vay trong 3 năm và không tính lãi suất.
Anh Nguyễn Văn Thọ - Giám đốc Công ty Vật tư nông nghiệp huyện Yên Thành chia sẻ: "Để cán bộ, nhân viên công ty đi cơ sở làm việc thuận tiện hơn, Tổng Công ty đã cho chúng tôi vay 500 triệu đồng để mua xe. Anh em trong công ty vui lắm, mọi người được tiếp thêm động lực để hoàn thành tốt kế hoạch đề ra. Không chỉ đơn vị chúng tôi mà các đơn vị khác thuộc Tổng Công ty cũng được cho vay mua xe".
Những năm qua, bên cạnh việc phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 200 người lao động, Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội trên địa bàn với số tiền hàng tỷ đồng. Công ty đã từng bước xây dựng bản sắc doanh nghiệp qua sự ổn định, phát triển, đồng hành với người lao động, với địa phương và cộng đồng.
Miễn đóng BHYT cho công nhân lao động bị mất việc do dịch Covid-19 Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới đây thống nhất với nội dung đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc miễn đóng |
"Cán bộ công đoàn phải biết đau nỗi đau của công nhân lao động" Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, cán bộ công đoàn muốn làm tròn vai trò thủ lĩnh, phải biết đau nỗi đau của công nhân lao ...
|