|
Việt Nam bắt đầu trồng điều từ những năm 1980, khi cây điều được xem như một “giải pháp sinh kế” cho vùng đất khô cằn miền Đông Nam Bộ. Lúc ấy, hạt điều chủ yếu được xuất thô, giá trị thấp, và hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Nhưng chỉ sau hơn 40 năm, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới – chiếm trên 80% thị phần toàn cầu về điều nhân xuất khẩu. Trong số đó, Bình Phước được xem là “thủ phủ điều” của Việt Nam với diện tích hơn 152.000 ha, chiếm gần 50% diện tích điều của cả nước. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu điều nhân của tỉnh Bình Phước ước đạt 1,743 triệu USD, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. Sự tăng trưởng của ngành không phải chỉ dựa vào máy móc hay công nghệ nhập khẩu, mà còn nhờ vào lao động lành nghề, chịu khó. Ở nhiều vùng đất đỏ như Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Lắk…, không hiếm những gia đình mà cả ba thế hệ đều sống nhờ cây điều.
Chị Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi) lớn lên trong cảnh nghèo khó, tuổi thơ gắn với ruộng rẫy và những bữa cơm đạm bạc. Học hết lớp 7, chị nghỉ học, vào Bình Dương làm thuê ở xưởng chế biến điều. Những ngày đầu, tay phồng rộp vì chẻ, bóc vỏ, xông hơi hạt điều, nhưng nhờ siêng năng, chị nhanh chóng thành thạo và được chủ xưởng tin tưởng.
Mang trong mình khát vọng làm chủ, chị mạnh dạn đề xuất được thu mua điều thô bán lại cho xưởng. Được ủng hộ và cho mượn 30 triệu đồng, chị bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Rong ruổi mua điều, từng thua lỗ vì thiếu kinh nghiệm, nhưng càng vấp ngã, chị càng kiên cường. Năm 2000, chị trở về quê thu mua điều, dần mở rộng quy mô, đầu tư máy móc, thuê nhân công. Năm 2004, chị cùng bạn bè xuất khẩu điều ra nước ngoài. Thành công chưa lâu, một lô hàng trị giá 10 tỷ đồng bị trả lại khiến chị rơi vào khủng hoảng. Nhưng bằng ý chí kiên cường, chị vượt qua, gây dựng lại từ đầu. Năm 2016, chị đưa thương hiệu “Hạt điều Nhân Sang Bình Phước” lên Facebook, kể câu chuyện thật bằng hình ảnh lao động và nông sản quê hương. Sự chân thành giúp sản phẩm được ưa chuộng, đặc biệt tại miền Bắc và miền Trung. Các dòng sản phẩm như hạt điều rang muối, bánh điều đồng tiền, điều tím than sấy thăng hoa… được yêu thích, có ngày bán đến 800 đơn, doanh thu gần 90 triệu đồng. |
|
Năm 2022, sản phẩm của chị đạt chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh. Hiện chị điều hành doanh nghiệp hơn 20 lao động, lương 6–12 triệu đồng/người/tháng, trong đó có 5 người chuyên phụ trách kênh Facebook. “Quan trọng không phải mình xuất thân thế nào, mà là dám nghĩ, dám làm, dám đứng dậy sau vấp ngã”, chị Loan chia sẻ. Bình Phước hiện có khoảng 1.400 cơ sở chế biến hạt điều, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 50.000 lao động. Từ hành trình vươn lên của chị Loan, có thể thấy đằng sau mỗi hạt điều xuất khẩu là biết bao giọt mồ hôi âm thầm của người lao động. Từ những người phụ nữ ngày ngày lột vỏ điều bằng tay, hứng chịu nhựa cay xé da, đến đội ngũ công nhân trong nhà máy túc trực bên dây chuyền hấp, rang, đóng gói… tất cả đều là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất. Họ không chỉ cần mẫn với từng công đoạn mà còn liên tục học hỏi kỹ thuật mới, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính những đôi tay thô ráp ấy đã tạo nên những hạt điều thơm ngon, đậm đà hương vị Việt, chinh phục thị trường trong và ngoài nước. |
Bà Nguyễn Thị Tám, 54 tuổi, đã gắn bó với nghề lột vỏ điều hơn 20 năm. Mỗi ngày, bà cùng các chị em trong tổ xử lý hàng trăm ký hạt điều thô. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra đòi hỏi sự khéo léo và bền bỉ – mỗi hạt điều phải được cạy lớp vỏ cứng bằng tay, tránh làm vỡ nhân. Bàn tay bà Tám sần sùi, nhiều vết chai và thậm chí bị ăn mòn nhẹ bởi nhựa điều. “Nghề này không làm giàu được, nhưng giúp nuôi con ăn học, sống ổn định. Hồi trước, người ta coi nhẹ, nhưng giờ tôi thấy tự hào, vì mình là người đầu tiên chạm tay vào hạt điều trước khi nó đi khắp thế giới,” bà Tám cười hiền. Bà là một trong hàng chục nghìn lao động nữ đang làm công việc sơ chế hạt điều – công đoạn đòi hỏi nhiều nhân công nhất trong chuỗi sản xuất. Không có họ, những dây chuyền hiện đại phía sau cũng không thể vận hành trơn tru. |
Bên cạnh những công đoạn chính, còn vô số việc âm thầm khác như kiểm định chất lượng, đóng gói, vệ sinh máy móc, vận chuyển nội bộ… mà người lao động nữ đảm trách phần lớn. Chị Lê Thị Hằng, tổ trưởng tổ đóng gói của một công ty chế biến điều tại Long An, tâm sự: “Mỗi hộp điều đóng đi là một lời cam kết chất lượng. Chỉ cần sai lệch vài gram, hay có một hạt bị hỏng lọt vào, là ảnh hưởng cả lô hàng xuất khẩu.” Chị Hằng cũng là người truyền cảm hứng cho nhiều lao động nữ tại nhà máy: “Chúng tôi không làm ra thương hiệu, không ký hợp đồng lớn, nhưng chúng tôi giữ cho từng hạt điều được sạch, đẹp, đúng chuẩn – đó là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào".
Ngành điều hiện nay đang tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động trực tiếp và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp, chủ yếu là phụ nữ và người lao động ở nông thôn. Nhờ nghề điều, nhiều vùng quê ở Bình Phước, Đồng Nai, Long An… thay da đổi thịt. Người lao động có thu nhập ổn định, được đóng bảo hiểm xã hội, được công đoàn chăm lo đời sống. Trong hành trình vươn ra thế giới của hạt điều Việt, không thể thiếu vai trò bền bỉ của tổ chức Công đoàn. Từ các vùng nguyên liệu đến nhà máy chế biến, Công đoàn các cấp đã nỗ lực tạo dựng môi trường làm việc ổn định, an toàn và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Tại một số doanh nghiệp lớn ở Bình Phước và Long An, công nhân ngành điều được bố trí ký túc xá miễn phí, xe đưa đón và bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng. Công đoàn phối hợp cùng chủ doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ, thăm hỏi công nhân khó khăn, trao học bổng cho con em công nhân học giỏi... Những phúc lợi ấy không chỉ giữ chân lao động lành nghề mà còn tạo thêm động lực để họ yên tâm gắn bó lâu dài. Chị Lê Thị Thương – công nhân lột vỏ điều ở huyện Bù Gia Mập – không quên được lần chồng chị bị tai nạn giao thông trên đường về quê ăn Tết. Chị kể: “Lúc đó hoang mang lắm, chồng nằm viện, hai đứa nhỏ thì còn nhỏ xíu, tiền bạc trong nhà không có bao nhiêu. Tôi báo với công đoàn, mấy chị trong ban chấp hành xuống tận nhà hỏi thăm, rồi hỗ trợ ngay 5 triệu đồng và làm hồ sơ vay Quỹ trợ vốn công đoàn để tôi có tiền xoay xở". Sự giúp đỡ kịp thời, đúng lúc như chiếc phao giữa dòng nước xiết. “Tôi nghĩ nếu không có công đoàn lúc đó, chắc tôi gãy gánh luôn rồi,” chị Thương xúc động nói. Sau lần đó, chị càng thêm gắn bó với tổ chức công đoàn, tích cực tham gia các hoạt động và còn vận động anh chị em cùng tổ vào đoàn, để “có nơi nương tựa lúc hoạn nạn”. Đồng chí Nguyễn Thị Hương Giang, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Phước, cho biết: “Trong sự phát triển của ngành điều và các ngành kinh tế khác, người lao động chính là nền tảng. Họ không chỉ đóng góp sức lực mà còn góp phần làm nên thương hiệu, chất lượng sản phẩm Việt. LĐLĐ tỉnh luôn xác định việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động là nhiệm vụ trọng tâm. Chúng tôi đẩy mạnh thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, hỗ trợ nhà ở, học bổng cho con công nhân… Qua đó, giúp người lao động an tâm gắn bó, cùng doanh nghiệp phát triển bền vững”. |
|
|
Bài viết: HOÀNG LAN Thiết kế: TRƯỜNG SƠN |