Nỗi lòng sau những bản nhạc
Kinh tế - Xã hội - 02/02/2022 09:03 MỸ ANH
Hình ảnh trong MV “Đi về nhà” của nhạc sĩ Đen Vâu. Nguồn: Vnexpress.net |
Hai bài hát, hai thân phận khác nhau, nhưng điểm chung là đã chạm được vào trái tim công chúng, đặc biệt là NLĐ tha hương hay hồi hương. Thú vị, các bài hát này đều hướng tới nhiều đối tượng khác nhau, song, sự nổi tiếng của ca khúc lại do tình hình thời sự trong năm dẫn tới những trái tim đồng điệu.
Dưới mỗi bài hát là cả vạn bình luận về hành trình tha hương cầu thực cũng là đường về nhà giữa “bão tố Covid”. Ở đó, những lời chia sẻ không phải là những khổ cực vật chất của những người xa xứ, cũng không phải là cái bụng đói cồn cào trên con đường thiên lý hồi hương. Mà ở các dòng bình luận, thường là những lát cắt tâm lý, cảm xúc giấu kín khi những bài hát rung động từ sâu thẳm con người, ở đây là NLĐ.
“Chỉ mong bớt lo tương lai”
“Nước ngoài” là ca khúc của nhạc sĩ, ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh. Lời bài hát là nỗi lòng của những người tha hương kiếm sống để “chỉ mong bớt lo tương lai”- như lời bài hát. Quê Phan Mạnh Quỳnh ở Diễn Châu, Nghệ An, nơi có số lượng không nhỏ những người xuất khẩu lao động.
Quỳnh chia sẻ, bài hát anh viết tặng cho những người bạn, những người anh em, những đồng bào đang xa quê làm ăn. Anh đã phải mất hai năm với những cuộc trò chuyện liên tục với bạn bè xa xứ để viết nên ca khúc. Đề tài ca khúc độc đáo, hướng tới nhóm đối tượng thường ít được chú ý trong nhạc Việt. Nên từ khi mới ra đời, ca khúc đã được những NLĐ xa quê hưởng ứng nhiệt thành. Năm 2020, khi Đài truyền hình Việt Nam dùng ca khúc làm điểm nhấn, đông đảo công chúng ở các tầng lớp mới biết đến và tìm nghe.
Bài hát nói tiếng nói của ngôi thứ nhất, tiếng nói của người con xa xứ: “Mẹ ơi con mới xong việc, đã lâu con chưa gọi về/ Nhà ta thế nào? Cha có đỡ đau ốm hơn không?/ Mùa đông đã sang rồi, mẹ nhóm than ấm cha ngồi/ Để vơi gió rét bên trời/ Mẹ, bên đây tuyết rơi nhiều, lê chân về sau ca chiều/ Ở nơi xứ người cũng may sống chung mấy anh em/ Chỉ lúc chẳng yên bình bạn con nó khóc một mình/Làm ai cũng nhớ gia đình”.
Và bên dưới bài hát chục triệu lượt nghe là cả vạn bình luận của những người con xa xứ: người xuất khẩu lao động ở nước ngoài có, NLĐ xa xứ trong nước có. Với những tên tài khoản, họ gần như ẩn danh nên những dòng chia sẻ chân thành, sâu kín. Đó là những câu chuyện đêm đông nước Nga hay ngày Tết ở Trung Đông. Nhiều nội dung, nhiều câu chuyện, nhưng tựu chung lại là nhớ nhà và cô đơn, nhớ nhà nhưng đôi khi gọi điện về nhà cũng không muốn bố mẹ buồn nên không nói.
Một vài bình luận điển hình: Tài khoản Phiêu Bạt: Bên này đắng cay lắm mẹ à! Lại đang dịch Covid nữa mẹ điện sang bảo con đi về. Bao năm bon chen mà con vẫn chưa làm được việc gì. Số con sao nó cứ lận đận ý mẹ à. Mỗi lần điện về con cố tỏ vẻ cười vui sau tắt máy mắt con cứ rưng rưng. Hàn Quốc 13/3/2020.
Tài khoản Thùy Linh: Nhật Bản những ngày đông lạnh. Con nhớ nhà, nhớ mọi người. Giờ đây còn mấy tiếng nữa thôi là sang năm mới. Và con đang khóc bố mẹ ạ. Nước mắt không ngừng rơi. Bố mẹ không phải lo lắng cho con đâu. Con bên này vẫn sống tốt thôi. Bố mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe. Chỉ cần thấy bố mẹ khỏe mạnh là lòng con vui rồi.
Tài khoản Đoàn Tiến Đạt: Bây giờ là 3h30 phút sáng ngày 13/12/2017 tại Mỹ. Tình cờ nghe lại bài này mà nước mắt không còn rơi được như những lần đầu nghe. Cuộc sống hiện tại đang vô cùng bế tắc. Lẽ ra giờ đã có tấm vé Tết trong tay để về với bố mẹ rồi, nhưng tiếc thay mọi dự định tan vỡ, công ty làm ăn thất bại... phá sản. Cuộc sống bên này có lẽ chưa bao giờ là ổn…
Phàm đã lao động kiếm sống, không ở đâu là dễ dàng. Song, lao động xa xứ còn gặp nhiều khó khăn gấp bội. Chúng ta có nhiều hình ảnh, nhiều thông tin, nhiều số liệu để thấy được những khó khăn về vật chất, những hiểm nguy sức khỏe rình rập NLĐ. Nhưng những tâm tình rất con người chất chứa đằng sau những cuộc tha hương thật chẳng thể nào đong đếm. Và lượt nghe ca khúc “Nước ngoài” cũng như những dòng bình luận phía dưới ca khúc, phần nào làm chúng ta hiểu hơn về nỗi lòng những người xa xứ. Hiểu để thấu cảm. Hiểu để trân trọng những nỗ lực lao động của họ cho tương lai bản thân và gia đình.
Nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh. Nguồn: vnexpress.net |
“Thất bát - vang danh, nhà vẫn luôn chờ ta”
“Đường về nhà” là ca khúc của Đen và JustaTee phát hành trước Tết Nguyên Đán 2021. Ca khúc được tài trợ bởi một hãng xe nên trong phần hình ảnh, hai ca sỹ thực hiện cuộc hành trình trên chiếc xe máy về nhà qua nhiều cung đường của Tổ quốc. Ca khúc hướng tới đối tượng trẻ, thông điệp rõ ràng là hãy trở về trong Tết đoàn viên thay vì “Tết đi phượt” như trào lưu các năm trước đó.
“Đi về nhà” nhanh chóng cán hàng loạt cột mốc về lượng người xem, xu hướng thịnh hành trên YouTube… ngay khi bài hát phát hành. Sản phẩm này cũng giành giải Video âm nhạc của năm của Giải âm nhạc Cống hiến năm vừa rồi. Đó là những thành công rất vang dội của “Đi về nhà”: thương mại tốt, âm nhạc - hình ảnh đều xuất sắc.
Nhưng, trong năm, bài hát đã được nhắc lại rất nhiều lần trong một bối cảnh không thể ngờ tới. Thay vì hình ảnh trong video là hai cậu thanh niên trên chiếc xe máy mới đi xuyên các cung đường trên gấm vóc quê hương lại là hình ảnh những đoàn NLĐ trên các chiếc xe cà tàng ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc “đi về nhà”.
Bài hát trở thành bài hát nền của rất nhiều video trên nền tảng mạng xã hội video TikTok khi quay cảnh đồng bào từ các thành phố lớn hồi hương. Đặt tương quan với “Nước ngoài” năm trước, “Đi về nhà” cũng có thể coi là bài hát chủ đề của năm nay với tần suất xuất hiện trên các nền tảng. Từ thông điệp nhắn nhủ giới trẻ, bài hát như nỗi lòng của những NLĐ từ khắp nẻo quê hương về nhà. Từ cảm xúc hân hoan, rạo rực khi chuẩn bị về nhà Tết gần kề, trong năm, bài hát vang lên với những hình ảnh đầy xót xa.
Lời bài hát cũng có những tiếng đồng vọng với những thân phận vượt đường thiên lý về nhà: Đường về nhà là vào tim ta/ Dẫu nắng mưa gần xa/ Thất bát, vang danh/ Nhà vẫn luôn chờ ta/ Đường về nhà là vào tim ta/ Dẫu có muôn trùng qua/ Vật đổi, sao dời/Nhà vẫn luôn là nhà…
Không còn là hình tượng, năm vừa qua đúng là một năm “vật đổi, sao dời”. Những thứ đã từng đương nhiên là đúng, không còn đúng nữa. Công ty làm việc cả mấy chục năm nay bỗng phá sản. Cửa tiệm cả chục năm không đóng cửa một ngày phải đóng liền mấy tháng. Những công việc dù đơn giản nhất cũng không còn tuyển dụng được do đại dịch.
Những ca từ của Đen không còn là những ví von, những đạo lý suông mà nó được thực chứng. Và ngay dưới ca khúc, rất nhiều người đã chia sẻ về những chuyến “đi về nhà” đặc biệt khi dòng người hồi hương từ các thành phố lớn.
Nhiều người cùng chia sẻ, trải qua 4 tháng dịch, thành phố đã mở cửa lại, nhà máy đã mở cửa lại. Những thiếu thốn vật chất cũng chóng qua. Nhưng họ vẫn muốn “đi về nhà” bởi qua đoạn hiểm nguy của phận người, họ muốn về bên gia đình. Về nhà là cảm giác gặp người thân, cảm giác nói cười, hoặc đơn giản, chỉ cần nhìn thấy nhau trực tiếp mà mỉm cười khi qua cơn hoạn nạn. Và rồi chí ít, sẻ chia cùng nhau những tháng ngày ấm cúng tiếp theo, rồi tính tiếp.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường (Đen Vâu). Nguồn: Vnexpress.net |
Và bài hát của năm mới…
Trong cả bài viết này, người viết không đánh giá tốt xấu chuyện tha hương và hồi hương tới bức tranh kinh tế tổng thể. Bài viết chỉ những mong, chúng ta hiểu hơn những NLĐ xa xứ hay tâm trạng của họ khi dứt áo về quê. Hai năm đại biến động đã làm thay đổi rất nhiều suy nghĩ, tâm tư của chúng ta.
Đặc biệt, chúng ta đã nhận chân giá trị tưởng chừng như giản đơn song cuộc sống vội vã làm khuất lấp. Trước đó hai năm, ai hình dung được ca từ “hạnh phúc chỉ đơn giản, là còn được về nhà” thấm thía thế nào. Chúng ta chỉ thấy giai điệu đèm đẹp, ngôn từ hay hay. Nhưng chúng ta không thể cảm một cách sâu sắc. Và dịch bệnh phần nào làm chúng ta trở nên hiểu hơn những điều thiết thân với mình, những điều thường trực tới độ ta quên luôn sự tồn tại.
Người tha hương kiếm tiền là chính đáng. Người trở về theo tiếng gọi sâu thẳm của trái tim cũng là dễ hiểu. Mà người trở về rồi ra Tết lại lên phố kiếm việc cũng không có gì lạ. Những cuộc ngược xuôi mưu sinh của phận người miễn là đúng luật còn lại, không có tốt xấu. Lao động chân chính để mưu cầu hạnh phúc đều đáng được trân trọng.
Nhiều chuyên gia dự báo, dịch bệnh năm nay sẽ kết thúc.
Song, những gì đã trải qua với Covid-19, chúng ta đủ tỉnh táo để hiểu, dự báo cũng chỉ là những chỉ dấu tham khảo. Tuy nhiên, nếu được cầu mong một bài hát sẽ trở thành chủ đề trong năm mới, người viết mong đó là bài “Mùa xuân đầu tiên” của cố nhạc sĩ Văn Cao.
Còn gì tuyệt vời hơn với hình ảnh hàng quán mở trở lại, công xưởng hoạt động hết công suất, NLĐ trán nhễ mồ hôi với giai điệu vang vang “mùa bình thường, mùa vui nay đã về…”.
Chưa bao giờ, ba chữ “mùa bình thường” lại có sức nặng ngàn cân như lúc này.
Hãy nhấc máy lên gọi, để cứu con trẻ! Việc bé N.T.V.A ở phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM nghi bị chính người sống trong gia đình là bạn tình của bố đẻ hành ... |
Câu chuyện về "Đội xe phản ứng nhanh" làm ấm lòng người kết nối Trong tháng 7/2021, dịch bệnh Covid -19 đã bùng phát ở huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Sự đóng góp tích cực của ... |
Nhà công vụ của những tấm lòng Mỗi lần đi qua dãy nhà công vụ của giáo viên Trường Tiểu học Yên Hòa 2 đều gợi lại trong tôi những cảm xúc ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 14:42
Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) để giảm thiểu tối đa rủi ro, bảo vệ môi trường và tài sản.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 11:30
Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới
Trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường địa ốc Đà Nẵng năm 2024, ghi nhận dấu ấn và vai trò lực đẩy của những tổ hợp bất động sản đẳng cấp ven sông Hàn với quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích cao cấp theo mô hình “all-in-one” tiên phong.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 21:00
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ được thực hiện thông qua ứng dụng VNeID (tài khoản định danh điện từ) cài đặt trên điện thoại di động.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 20:00
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy, do đâu?
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy không phải hiếm gặp. Nguyên nhân do đâu, cách xử lý như thế nào, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 13:23
Ford Việt Nam tạo dấu ấn mạnh mẽ tại PVOIL VOC 2024
Bạn đã bao giờ tưởng tượng mình sẽ lái một chiếc Ford Ranger chinh phục những địa hình hiểm trở? PVOIL VOC 2024 đã biến điều đó thành hiện thực cho hàng trăm người đam mê off-road tại Việt Nam.
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng