Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; cho rằng, việc tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là cần thiết.
Đặc biệt, nhiệm vụ thể chế hóa nội dung về công tác cứu nạn, cứu hộ và xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho đến nay còn hết sức hạn chế, chưa khuyến khích được doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội tham gia.
Về phạm vi điều chỉnh của dự luật, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nhất trí với việc bổ sung quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ với 1 chương gồm 7 điều. Đây là nội dung mới so với Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành.
Thực tế cho thấy, hoạt động phòng cháy, chữa cháy luôn gắn liền với các hoạt động cứu nạn, cứu hộ. Do đó, việc sửa đổi Luật lần này có bổ sung thêm nội dung về cứu nạn, cứu hộ là hết sức cần thiết.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Cần Thơ), thời gian qua, tình hình cháy, nổ diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều vụ cháy đã xảy ra tại các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư, gây ra những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đời sống xã hội, đến nền kinh tế… của đất nước.
Dẫn vụ cháy tại nhà dân ở ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội làm 14 người chết, nhiều tài sản bị thiệt hại, đại biểu đề nghị cần có các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cho phù hợp với yêu cầu công tác thực tiễn.
Phòng cháy hơn chữa cháy
Nhấn mạnh quan điểm "phòng là chính" để không xảy ra hoặc hạn chế xảy ra, bởi nếu để xảy ra cháy hậu quả sẽ khôn lường, đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để ban hành được tiêu chuẩn kỹ thuật phòng cháy, bảo đảm an toàn với từng loại hình cơ sở.
Cùng quan điểm với đại biểu Lê Kim Toàn về chú trọng công tác phòng cháy, cho ý kiến về chính sách của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Điều 4, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) nhấn mạnh, cần quan tâm ưu tiên đặc biệt chính sách đưa công tác giáo dục, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào trường học.
Theo đại biểu, đây là các chính sách đúng đắn, phù hợp và vô cùng cần thiết. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét quy định theo hướng các trường có thể thiết kế đưa vào chương trình học các nội dung về kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để học sinh có thêm kiến thức áp dụng trong thực tiễn.
Bởi theo đánh giá của các chuyên gia, học sinh, sinh viên Việt Nam hiện đang thiếu nhiều kỹ năng mềm so với các nước khác như: Kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng xử lý các tình huống.
Cũng cho ý kiến về Điều 4, đại biểu Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa) cho rằng, nội dung này mới quy định việc đảm bảo về nguồn ngân sách, về cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện khác đảm bảo cho lực lượng chuyên trách thực hiện phòng cháy, chữa cháy mà chưa quy định việc bố trí kinh phí, điều kiện khác để phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho người dân, nhất là phổ biến kiến thức này trong học sinh, sinh viên; cũng như chưa có chính sách để huy động các tầng lớp nhân dân, các nguồn lực trong xã hội tham gia phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung này vào trong Điều 4.
Một số vụ cháy kinh hoàng gần đâyCháy nhà ở 6 tầng tại Định Công Hạ, Hà Nội, làm 4 người tử vong ngày 16/06/2024. Cháy nhà trọ trong ngõ 119 Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội, làm 14 người tử vong ngày 24/05/2024. Cháy chung cư mini 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, 56 người tử vong ngày 12/9/2023. Cháy lớn ở quán Karaoke đường Trần Thái Tông, Hà Nội, 13 người chết ngày 01/11/2016. Cháy xưởng sản xuất bánh kẹo ở Hoài Đức, Hà Nội, 8 người chết ngày 29/7/2017. Cháy chung cư Carina Plaza, TP.HCM, 13 người chết ngày 23/3/2018. 32 người thiệt mạng trong vụ cháy quán karaoke An Phú ở Bình Dương ngày 6/9/2022. |
Hiệu quả từ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”
Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), trong thời gian qua, nhiều vụ cháy nhà, cháy cơ sở kinh doanh… trong khu dân cư đã được các Tổ liên gia an toàn Phòng cháy chữa cháy kịp thời khống chế ở “thời điểm vàng”, góp phần giảm thiểu những rủi ro từ các sự cố cháy, nổ.
Mới đây nhất, vào lúc 21h15 ngày 2-6, người dân phát hiện khói đen bốc ra tại một căn hộ tầng 8 của chung cư CT1 Bắc Hà, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Được biết, khói xuất phát từ cục nóng điều hoà bên ngoài của căn hộ này. Ngay sau khi phát hiện, Ban Quản lý cùng người dân của chung cư này đã báo Công an phường Trung Văn, đồng thời gọi số máy 114.
Khi lực lượng chức năng đến nơi, căn hộ này không có người bên trong, Công an phường cùng Ban Quản lý toà nhà đập cửa vào. Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Nam Từ Liêm triển khai 3 xe cứu hoả có mặt tại hiện trường. Công an thành phố Hà Nội cũng nhanh chóng chi viện thêm 2 xe cứu hoả có mặt chữa cháy.
Cùng lúc này, chuông báo cháy toà nhà đã vang lên, nhiều người dân đổ xô xuống đường hỗ trợ lực lượng chức năng. Tổ liên gia an toàn PCCC của Tổ dân phố số 16 phường Trung Văn cùng lực lượng Dân phòng của phường có mặt kịp thời ngay phối hợp CAP xử lý đám cháy. Nhờ đó, chỉ sau 10 phút, đám cháy đã kịp thời dập tắt. Lửa chỉ mới bén được vào 1 phòng ngủ diện tích khoảng 10m2. Thiệt hại không đáng kể.
Trước đó, khoảng 22h48 đêm 30-5, một vụ cháy khác tại quán lẩu trên có địa chỉ tại số 37 Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy cũng tương tự. Đám cháy xuất phát từ khu vực bếp nấu ăn của quán, chủ quán phát hiện. Nhận được tin báo, Đội Dân quân thường trực của phường và Công an phường Dịch Vọng Hậu đã ngay lập tức xuống hiện trường. Với sự nỗ lực của lực lượng chức năng và người dân, chỉ sau 10 phút, với sự nỗ lực của lực lượng chữa cháy cơ sở cùng các tổ liên gia, đám cháy đã nhanh chóng được khống chế.
Theo chia sẻ của ông Tống Xuân Duy - Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu, bản thân chủ quán lẩu đã tham gia tập huấn chữa cháy, thêm vào đó là sự hỗ trợ kịp thời của các tổ liên gia, nhân viên Công ty Dstore và lực lượng chữa cháy cơ sở, tận dụng tối đa “giờ vàng” chữa cháy nên đám cháy mới nhanh chóng được kiềm chế.
Các sự cố trên cũng cho thấy việc tập huấn PCCC và CNCH là rất quan trọng. Các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” cũng phát huy được hiệu quả khi có cháy xảy ra, không để cháy lớn, cháy lan gây nguy cơ thiệt hại về người và tài sản.
50% số vụ được lực lượng tại chỗ dập tắt ngay từ khi mới phát sinh
Trung tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng CAP Trung Văn cho biết, ngay sau khi thành lập các tổ liên gia trên địa bàn, UBND phường đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, thường xuyên kiểm tra quá trình hoạt động và duy trì của các tổ liên gia, để từ đó, các thành viên của các tổ liên gia cũng như người dân đều được tăng khả năng “thường trực chiến đấu” với “giặc lửa”, phản xạ nhanh mỗi khi sự cố xảy ra.
“Các tổ liên gia an toàn về PCCC được xây dựng là nòng cốt trong phong trào toàn dân PCCC ở cơ sở, tổ chức vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt công tác PCCC tại địa phương. Tổ liên gia an toàn PCCC được ví như những cánh tay nối dài của các lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, nhằm mục tiêu thực hiện hiệu quả công tác PCCC”, Trung tá Nguyễn Văn Quyền cho biết thêm.
Trong thời gian vừa qua, TP Hà Nội luôn duy trì và phát huy hiệu quả mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC và CNCH trên địa bàn nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, cứu người, cứu tài sản cho mọi tầng lớp nhân dân, đưa hoạt động của các Tổ liên gia tại các địa bàn đi vào thực chất; phát huy có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” trong PCCC tại các khu dân cư.
Theo số liệu thống kê của Công an thành phố, trong 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 487 vụ cháy, trong đó có 283 vụ cháy xảy ra đối với loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, chiếm 58% tổng số vụ cháy.
Đáng lưu ý có có khoảng 80% số vụ cháy được các lực lượng tại chỗ như người dân, tổ liên gia an toàn PCCC, lực lượng dân phòng, cơ sở, Công an cấp xã tham gia xử lý ngay từ giai đoạn ban đầu; trong đó khoảng 50% số vụ cháy được các lực lượng tại chỗ tự dập tắt bằng chính các phương tiện chữa cháy tự trang bị và tại các điểm chữa cháy công cộng, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH không phải triển khai cứu chữa.
Điều đó cho thấy sự chuyển biến rất tích cực về nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong công tác PCCC và CNCH.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội, hai Mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” là giải pháp thiết thực nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh về công tác PCCC; góp phần chủ động công tác phòng ngừa, không để xảy ra cháy, nổ đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án để xử lý nhanh chóng, kịp thời, giảm thiệt hại khi có sự cố xảy ra.
Video: Đẩy mạnh tuyên truyền phòng cháy chữa cháy trong dân cư