
Bài 2: Chị Đỗ Thị Thúy- người gieo tình yêu nghề cho thế hệ trẻ |
Tháng 5 đến, mang theo những tia nắng vàng ươm trải dài thênh thang khắp các con phố; trên cành cây, từng chùm phượng đỏ rực, nô nức khoe sắc làm bừng sáng cả không gian.
Nhưng giữa bức tranh tươi sáng ấy, trái tim của cô Trần Thị Huế – giáo viên hợp đồng môn Ngữ văn tại Trường THCS Châu Thành – lại bị bao phủ bởi một màn đêm u tối, vì cô vừa nhận được tin dữ: đứa con gái bé bỏng mới bốn tuổi của cô - bé Đàm Như Nguyệt mắc bệnh hiểm nghèo "u nguyên bào thần kinh trung thất", cuộc sống của con mong manh như cánh hoa mỏng trước gió, giờ chỉ còn hy vọng vào một ca phẫu thuật thành công.
![]() |
Cô Huế (áo dài tím) dẫn học sinh thăm quan Viện Bảo tàng Bà Rịa- Vũng Tàu. Ảnh: ĐVCC |
Bản bệnh án của con gái nhỏ cứ lơ lửng trong tâm trí cô Huế tựa như có một bàn tay mạnh mẽ đang bóp chặt trái tim người mẹ, khiến cô nghẹt thở trong từng nhịp đập. Vợ chồng cô trước đây vốn công tác ở Lạng Sơn- chốn sơn thủy thơ mộng hữu tình, nơi mây núi trập trùng hòa cùng biển lúa, quanh năm mát mẻ, nhưng hai con nhỏ không hợp với khí hậu nên đau ốm liên miên.
Vì thương con, vợ chồng cô đành nói lời chia tay với công việc ổn định khăn gói vào miền Nam nắng ấm, hy vọng các con sẽ được khỏe mạnh, bình an. Mới chân ướt chân ráo vào Vũng Tàu tìm kiếm cuộc sống mới bằng đồng lương giáo viên hợp đồng ít ỏi - chưa đầy 6 triệu đồng mỗi tháng, cả nhà chỉ có thể chật vật sống qua ngày.
Trong căn phòng trọ chật hẹp, cô bàng hoàng khi nhận hung tin. Căn nhà thuê nhỏ bé vốn đã chật chội nay lại trở nên ngột ngạt hơn bởi nỗi lo âu, sợ hãi về số phận mong manh của đứa con gái bé bỏng. Cầm bệnh án của con, lòng cô đau như ai xé ruột gan. Mỗi phút giây trôi qua là câu hỏi "Mình phải làm sao để cứu con đây?" hiện lên, dày vò tâm trí và trái tim của cô Huế.
Tâm trí lo lắng, rối bời khiến đôi khi cô muốn gục ngã. Nhưng mỗi lần nghe tiếng con gái thều thào "Mẹ ơi! Con đau quá!" với hơi thở yếu ớt, đôi môi tím bầm và những ngón tay lạnh ngắt, cô lại không thể cho phép mình đầu hàng. Ôm chặt con gái vào lòng, cô vỗ về con "Đừng lo nhé con, có mẹ đây, nay mai bác sĩ mổ xong là con hết đau ngay". Cô lén lau giọt nước mắt xót xa, tự nhủ, vì con, cô sẽ không bao giờ bỏ cuộc, dù có khó khăn đến đâu.
Trên đôi chân thất thểu trĩu nặng lo âu, cô Huế bước vào phòng cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Khánh với lá đơn xin nghỉ dạy một tuần để lo liệu cho con. Khi nhìn thấy ánh mắt rưng rưng của cô Huế, với tấm lòng của một người mẹ - cô hiệu trưởng đồng cảm sâu sắc, nhẹ nhàng nắm lấy tay cô, ánh mắt đầy sẻ chia, nói: "Em cứ yên tâm nghỉ để lo cho con, công việc ở trường cô sẽ sắp xếp ổn thỏa, khi nào con ổn định, cô sẽ thu xếp cho em đứng lớp lại, đừng lo lắng quá về công việc, điều quan trọng nhất bây giờ là con của em”. Cái ôm ấm áp và lời hứa của cô hiệu trưởng như ngọn lửa xua tan bớt nỗi lạnh lẽo, ủ ấm trái tim cô Huế, khiến cô cảm nhận được niềm an ủi, dẫu cho khó khăn vẫn còn phía trước.
Xót xa trước hoàn cảnh của cô Huế, lãnh đạo Trường THCS Châu Thành, cô Khánh, đã ngay lập tức gọi cho cô Phạm Thị Thu– Chủ tịch Công đoàn trường – vận động sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp. Công đoàn tổ chức một cuộc họp khẩn đến các tổ trưởng công đoàn để triển khai cuộc vận động hỗ trợ giúp đỡ cho hoàn cảnh của cô Huế đến đoàn viên.
Sau hai ngày kêu gọi, số tiền mười triệu đồng đã được quyên góp, trao tận tay cô Huế. Mười triệu đồng – con số có thể chưa phải là lớn, nhưng lại mang một giá trị tinh thần vô cùng lớn lao, như một lời động viên, khích lệ: "Cố lên nhé, cô Huế ơi!". Chính sức mạnh của lòng nhân ái và những tấm lòng sẻ chia đã tiếp thêm sức mạnh, giúp cô Huế vững bước hơn trong hành trình khó khăn đầy gian nan để giành lại sự sống cho đứa con gái bé bỏng của mình.
Những tưởng nỗi đau bệnh tật nghiệt ngã của cô con gái út đã là quá đủ đối với gia đình cô Huế. Thế nhưng, bi kịch vẫn chưa dừng lại ở đó. Khi đứa con gái của cô đang nằm viện chờ ngày phẫu thuật, thì con trai đầu lòng lại liên tục ngất xỉu ở nhà. Bác sĩ tuyến tỉnh khuyên gia đình chuyển viện cho cháu lên thành phố lớn để có thể chẩn đoán chính xác hơn.
Một lần nữa, trái tim người mẹ như vỡ vụn khi bác sĩ kết luận rằng con trai cô – bé Đàm Nhật Minh tám tuổi bị hở van tim ba lá. Nếu không phẫu thuật kịp thời, tính mạng của cháu sẽ khó mà giữ được. Trái tim người mẹ vốn đã tan nát, giờ lại thêm một lần nữa nát vụn. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Cô khụyu xuống, chỉ muốn hét lên rằng "Ông trời ơi, sao ông nỡ đối xử bất công với con vậy?"
Chồng lên trực thay cô, trông bé út; cô lại tất tả về nhà xem tình hình con trai và thu xếp công việc. Một lần nữa cô lại gạt nước mắt, cầm lá đơn xin thôi việc nộp cho cô Khánh, lòng đau đớn không biết phải làm sao khi hai đứa con đều mang bệnh. Cô sợ mình không thể thu xếp để quay lại trường dạy, nên đành báo tin cho cô Khánh hay.
![]() |
Cô Huế luôn dạy các con học hành tử tế - đó là một cách thể hiện lòng biết ơn. Cháu Đàm Nhật Minh (bên trái) đạt huy chương đồng môn toán vòng quốc gia giải toán qua mạng các năm học lớp 5,6,7,8. Năm 2024 cháu tham gia thi Khoa học Kĩ thuật cấp thành phố đạt giải 4. Ảnh: ĐVCC |
Cầm lá đơn từ tay cô Huế, cô Khánh không thể kìm nén cảm xúc, ôm chặt cô Huế vào lòng, vỗ về: "Cô thương em quá, Huế ơi!".
Cô Khánh lại vội vàng gọi cho cô Thu. Lần này, Công đoàn nhà trường đã họp khẩn và triển khai kế hoạch “Viết một bức thư ngỏ, kêu gọi sự ủng hộ từ các thầy cô, phụ huynh và học sinh”. Các giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm chia sẻ hoàn cảnh của cô Huế vào tiết sinh hoạt lớp và chuyển thư ngỏ đến Hội phụ huynh của lớp.
Công đoàn muốn tạo nên một vòng tay vững chắc, tiếp lửa chiến đấu để nâng đỡ cô Huế vượt qua cơn hoạn nạn. Lần thứ hai, số tiền vận động vượt xa mong đợi, chỉ trong vòng một tuần. Công đoàn nhà trường đã quyên góp được bảy mươi sáu triệu đồng – minh chứng cho tình yêu thương vô bờ bến của tập thể giáo viên, phụ huynh và học sinh Trường THCS Châu Thành. Sự hỗ trợ ấy như một chiếc phao cứu sinh kịp thời đưa cô Huế ra khỏi bão tố cuộc đời, tiếp thêm sức mạnh cho cô trong hành trình cứu con.
Nhờ sự giúp đỡ kịp thời, cả hai đứa con bé nhỏ của cô đã trải qua phẫu thuật thành công. Những đôi môi từng tái nhợt, giờ đây dần nhuốm sắc hồng của sự sống. Trong trái tim người mẹ, niềm vui vỡ òa khi đã giành được con thơ ra khỏi lưỡi hái tử thần. Cô lại tiếp tục trở lại với công việc tại Trường THCS Châu Thành, như một cây non vươn lên sau cơn giông bão, mạnh mẽ và kiên cường hơn bao giờ hết.
Hai năm sau biến cố các con bị bệnh hiểm nghèo - năm 2020, Phòng Giáo dục Thành phố Vũng Tàu tổ chức đợt tuyển viên chức giáo viên. Là một giáo viên còn non trẻ lại vừa mới được hồi sinh sau trận bão tố phong ba của cuộc đời, cô bước vào kì thi với bao bỡ ngỡ, lo âu. Nhưng với tinh thần học tập, vươn lên không mệt mỏi cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình từ các thầy cô Trường THCS Châu Thành trong suốt quá trình soạn bài thi, cô Huế đã xuất sắc hoàn thành phần thi viên chức.
Từ một giáo viên hợp đồng bấp bênh, cô Trần Thị Huế chính thức trở thành giáo viên của Trường THCS Phước Thắng. Hôm nay, khi đứng vững trên bục giảng trong tà áo dài tươi thắm, cô không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy cho học trò bài học về lòng nhân ái, về sự sẻ chia và sức mạnh của tình người. Hai đứa con của cô giờ đây đã khỏe mạnh, ngoan ngoãn và học giỏi. Nhìn vào nụ cười của các con, cô càng thấm thía hơn giá trị cao cả của tình yêu thương.
Câu chuyện của cô Huế không chỉ là bài học về sự kiên cường của một người mẹ, mà còn là minh chứng sâu sắc cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tình yêu thương và lòng nhân ái từ vòng tay công đoàn – cái nôi sản sinh ra bao giá trị nhân văn cao đẹp đã giúp cô vững bước vượt qua bão giông, để cuối cùng nhìn thấy cầu vồng sau cơn mưa.
Chớp mắt, đã gần sáu năm, nhưng mỗi khi nhắc lại câu chuyện ấm áp về vòng tay công đoàn yêu thương của Trường THCS Châu Thành, cô Huế vẫn không khỏi bồi hổi xúc động, như thể mọi thứ vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Cô Huế nghẹn ngào nói: "Cả cuộc đời này, tôi không biết làm sao để trả hết ân tình của tập thể giáo viên, phụ huynh và học sinh Trường THCS Châu Thành. Chính vòng tay yêu thương ấy đã giữ tôi và các con lại với cuộc đời này. Vòng tay công đoàn không chỉ là điểm tựa tinh thần, mà còn là bàn tay vững chãi dìu dắt mọi người vượt qua bao cơn bão giông. Xin cảm ơn cuộc đời, cảm ơn những trái tim nhân hậu đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi”.
Vòng tay Công đoàn Trường THCS Châu Thành ấm áp và đầy yêu thương, đã giúp cô Huế viết nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, nơi tình người và lòng nhân ái tỏa sáng. Chính nhờ vào sự sẻ chia và hỗ trợ ấy, cô đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt, tìm lại ánh sáng hy vọng và hạnh phúc cho mình và gia đình. Câu chuyện của cô không chỉ khẳng định cho sức mạnh của tình yêu thương mà còn là lời nhắc nhở về giá trị vô giá của sự đoàn kết, đồng lòng trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời của con người.
Mong sao công đoàn nhà trường sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình, sẽ viết thêm được nhiều, thật nhiều hơn nữa những giai điệu nhân văn ngọt ngào, cho cuộc sống thêm phần lung linh, tươi đẹp.
Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ V do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức. Cuộc thi nhằm tuyên truyền, cổ vũ những trường hợp đoàn viên, người lao động được tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn chăm lo, bảo vệ thiết thực, hiệu quả; nhờ đó có sự thay đổi tích cực trong cuộc sống. Thông qua bài viết nêu bật nỗ lực của tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi đại diện bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động; góp phần khẳng định Công đoàn Việt Nam đã, đang và sẽ mãi là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin của đoàn viên, người lao động. Mời độc giả xem thêm TẠI ĐÂY Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: vongtaycongdoan.ldcd@gmail.com |
![]() Đến với miền núi phía Tây huyện hướng Hóa, dưới chân núi Trường Sơn hùng vĩ, có một ngôi trường mang tên Trường Tiểu học ... |
![]() Bão Yagi đổ bộ, người dân, hộ gia đình, cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần cẩn trọng, chủ động phòng ngừa ... |
![]() Cuộc đời thầy Đào Văn Quang - đoàn viên Công đoàn Trường THCS Thủy Phù (phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) ... |