Mái ấm Công đoàn Trường Đại học Sài Gòn – ngôi nhà thân yêu của tôi! |
Hạnh phúc đến từ những điều giản dị
Người ta thường nói “nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc cực mà là nơi thiếu vắng tình yêu thương” nhưng ở đây chúng tôi hạnh phúc, ấm áp trong tình đồng chí, đồng nghiệp. Mặc dù xa nhà, xa quê, không có người thân bên cạnh nhưng tôi lại có “người nhà” khác đúng với nghĩa của nó.
Năm 2020, vì hoàn cảnh gia đình, tôi phải nghỉ việc rời Sài Gòn về công tác tại một ngôi trường mới - Trường THCS&THPT Lộc Bắc. Ngôi trường được thành lập từ năm 2007, đóng ở một nơi thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Bảo Lâm. Nó thật khác hoàn toàn so với trường cũ tôi làm việc, một ngôi trường quốc tế với đầy đủ tiện nghi, hiện đại nằm ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh xa hoa, tráng lệ.
Lãnh đạo Công đoàn trường tặng hoa chúc mừng cho nữ nhà giáo nhân ngày 20/10. Ảnh: ĐVCC |
Những ngày đầu về công tác tại trường, tôi mang theo những cảm xúc không mấy vui vẻ về ngôi trường mới. Tôi nhớ Sài Gòn hoa lệ, Sài Gòn đông đúc, nhộn nhịp. Tôi nhớ ngôi trường mình đã từng làm việc, là trường tư, nhưng đồng nghiệp hết lòng thương yêu, hỗ trợ lẫn nhau, vẫn luyến tiếc tình cảm của học sinh, phụ huynh cũng như các anh chị em trong trường khi xa rồi vẫn gửi những thứ mà ở “vùng sâu, vùng xa” của tôi không có.
Thế nhưng tất cả cũng qua đi khi tôi được tiếp xúc và gần gũi với mọi người. Ở đơn vị mới, các anh chị công đoàn viên của Trường THCS&THPT Lộc Bắc luôn quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ những thiếu thốn trong đời sống cũng như trong công tác. Tôi còn nhớ như in những lời hỏi thăm của đồng chí chủ tịch công đoàn lúc tôi mới vào trường. Một loạt câu hỏi mà tôi chưa kịp trả lời: nào là chỗ ăn, ở, máy tính đã có chưa, thời khoá biểu có hợp lý không… làm cho tôi đi từ ngạc nhiên đến xúc động “ở đâu lại có sự quan tâm đến thế!”.
Vào đây tôi mới được biết giáo viên được ở nhà công vụ nếu như không có chỗ ở. Tôi được giới thiệu về khu tập thể của trường mới được công đoàn ngành Giáo dục hỗ trợ sơn sửa lại rất khang trang và đẹp đẽ. Thời gian ở trong khu tập thể của nhà trường là khoảng thời gian không dài nhưng có lẽ là một phần kỉ niệm đáng nhớ của cuộc đời tôi.
Khi mới dọn vào tôi chưa kịp mua sắm đầy đủ mọi thứ, thế là những cái móc quần áo, chậu nước, máy sấy tóc, cây phơi quần áo được mang sang. Chị đồng nghiệp bảo: “Dùng đi em, không thôi lạnh lắm. Không phải ngại”. Rồi đến cái gối, cái chăn, cái mùng và cả bát cơm trứng, thịt… khi tôi chưa có gì để nấu, chưa kịp mua thì đã có để ăn. Tối đến, các em đồng nghiệp đi ăn lại mang về cho tôi hộp cơm để đó. Như vậy thôi nhưng đối với tôi hai chữ “người nhà” hiện lên thật đẹp đẽ và rõ ràng.
Có những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống, tôi không muốn tiếp tục nhưng những cánh tay đã kéo tôi dậy, động viên tôi đứng lên và giúp tôi đi về phía trước. Tôi đã từng đọc một cuốn sách nói về định nghĩa của chữ yêu rằng: “Yêu không chỉ là một danh từ mà là một động từ, đó có nghĩa là yêu không chỉ là một khái niệm trừu tượng, mà là một hành động, một hoạt động. Yêu không chỉ đơn thuần là cảm xúc, mà thể hiện sự quan tâm, chia sẻ với người khác”. Thế đấy! Và ngay chính tại nơi đây, tôi nhận được “yêu thương” theo đúng nghĩa đầy đủ của nó.
Đơn vị tôi đa phần là giáo viên ở xa đến công tác, những dịp lễ, tết là những lúc nhớ nhà, nhớ quê nhất. Những lúc đó, Công đoàn nhà trường lại tổ chức những hoạt động đầy ý nghĩa. Đó những đêm hội trăng rằm quây quần bên mâm cỗ Trung thu mỗi độ tháng 8; những ngày xuân chia sẻ yêu thương lúc Tết đến, xuân về; những đoá hoa, món qùa nhỏ nhắn kèm những lời chúc dễ thương vào ngày 8/3, 20/10, 20/11.
Và cả những lúc vui vẻ ngồi bên nhau để ăn miếng bánh kem trong ngày sinh nhật được Công đoàn nhà trường tổ chức đều làm cho tôi không thể quên. Những điều giản dị nhưng lại vô cùng có ý nghĩa làm cho chúng tôi cảm thấy ấm lòng và bớt đi nỗi cô đơn, là động lực để tôi cố gắng và hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: ĐVCC |
“Nhà” và “người nhà” đó không chỉ cho tôi tình yêu thương mà còn dạy tôi biết thế nào là tình yêu thương. Ở đây, tôi được tham gia hoạt động thiện nguyện do Công đoàn ngành cũng như Công đoàn nhà trường phát động. Đó là những chuyến xe yêu thương hướng về vùng dịch khi Covid-19 diễn ra mà chúng tôi vẫn đang nằm trong vùng xanh an toàn; những lần chung tay góp sức ủng hộ miền Trung lũ lụt; khi miền Bắc chịu ảnh hưởng của bão. Hay khi có giáo viên mắc bệnh hiểm nghèo dù trường ta hay trường bạn thì tất cả giáo viên chúng tôi đều chung tay một lòng với ý nghĩa “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách đùm lá rách nát”.
Đóng trong địa bàn vùng khó, có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, đời sống các em còn nhiều khó khăn, Công đoàn nhà trường đã phát động phong trào “Đỡ đầu học sinh”. Các thầy, cô giáo, những đồng nghiệp của tôi dù hoàn cảnh không mấy khá giả cũng sẵn sàng giúp đỡ học sinh của mình. Sự giúp đỡ có khi là tiền, là gạo hay đôi khi đơn thuần chỉ là cây bút, quyển sách, đôi dép, bộ quần áo cũng được các thầy cô trao tận tay đến các em.
Không chỉ có thế, ngoài giờ dạy thầy cô hằng ngày còn lặn lội đến tận nhà để vận động học sinh đi học. Tôi đã từng được chứng kiến và cùng với đồng nghiệp đi hàng chục cây số để vận động học sinh. Từng thấy sự tận tuỵ của đồng nghiệp khi ba lần bảy lượt đến khuyên nhủ mà các em không chịu đến trường nhưng không nản lòng, bỏ cuộc, vẫn quyết tâm đến cùng khi học sinh chịu đi học mới thôi. Những chuyện tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng đã làm cho tôi hiểu thế nào là sự tận tâm, tận tuỵ, là “yêu” với đúng nghĩa đủ đầy của nó.
Tôi đã từng xem một bộ phim mà những câu thoại làm cho tôi thấm thía: “Trong những lúc khó khăn nhất con hãy đem sự chân thành và tử tế của mình để đối đãi với tất cả mọi người. Khi đó những người các con gặp sẽ là người thân, những nơi các con đến sẽ trở thành gia đình”.
Và ở đây tôi cảm nhận được tất cả sự “chân thành” và “tử tế” của mọi người dành cho nhau. Cho nên không phải tự nhiên tôi gọi những người đồng nghiệp, ngôi trường tôi làm việc là “nhà” và“người nhà” của mình. Đó không phải là lời nói suông mà bởi vì họ, những con người không cùng chung máu mủ, ruột rà nhưng đối với tôi họ không khác người thân.
Mặc dù có những lúc “kì cục, vô lý” nhưng khi gặp chuyện vẫn “vì nhau, không thể tách rời”. Họ bên cạnh mỗi khi tôi gặp khó khăn, an ủi, động viên mỗi khi tôi thất vọng, tiếp thêm sức mạnh mỗi khi tôi yếu đuối và tha thứ cho những sai lầm mỗi khi tôi gặp phải.
Và họ chính là những thầy giáo, cô giáo, những công đoàn viên của Công đoàn Trường THCS&THPT Lộc Bắc; là “nhà” và “người nhà” mà tôi muốn kể với các bạn. Ở đó, có thể thiếu thốn về vật chất nhưng luôn “ấm áp trong hương vị tình thân”.
Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ IV do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức từ 30/10/2023 đến hết ngày 30/9/2024. Cuộc thi nhằm tuyên truyền, cổ vũ những trường hợp đoàn viên, người lao động được tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn chăm lo, bảo vệ thiết thực, hiệu quả; nhờ đó có sự thay đổi tích cực trong cuộc sống. Thông qua bài viết nêu bật nỗ lực của tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi đại diện bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động; góp phần khẳng định Công đoàn Việt Nam đã, đang và sẽ mãi là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin của đoàn viên, người lao động. Mời độc giả xem thêm TẠI ĐÂY Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: vongtaycongdoan.ldcd@gmail.com |
Bài cuối: Công đoàn hỗ trợ những “người mẹ thứ hai” của trẻ nhỏ Nghề giáo viên mầm non là một nghề cao quý, được ví như những “người mẹ thứ hai” của trẻ, nhưng đặc thù công việc ... |
Công đoàn Agribank CN thành phố Vĩnh Yên Vĩnh Phúc - ngôi nhà thân yêu của tôi Cho đến khi tôi được gặp các anh chị đồng nghiệp của mình - Công đoàn Agribank Chi nhánh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), ... |
Người chị cả của mái nhà Core Banking và những trăn trở thời đại 4.0 Trong tâm trí của hàng trăm cán bộ tham gia Dự án Công nghệ thông tin trọng điểm “chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi” ... |