
“Giá trị của con người phải được đánh giá bằng trình độ chuyên môn, nghề nghiệp”
Tiêu điểm - 23/01/2023 09:50 PHẠM HUỆ - VƯƠNG HẢI YẾN
PV: Thưa TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Việt Nam sẽ phải chuyển mình như thế nào để đạt được mục tiêu “Vì một Việt Nam hùng cường” và người dân ấm no, hạnh phúc như tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Một nước Việt Nam phát triển và có thu nhập cao chính là một nước Việt Nam hùng cường mà chúng ta mơ ước. Từ nay đến đó, chúng ta còn tất cả 23 năm. Khát vọng ngàn đời của dân tộc có thể được hiện thực hóa trong khoảng thời gian 23 năm hay không?
![]() |
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: PV |
Trên thế giới, Nhật Bản chỉ mất 22 năm để trở thành nước phát triển (nhờ sự tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế sau chiến tranh từ năm 1951 - 1973). Singapore cũng trở thành nước phát triển sau hơn 25 năm (Singapore độc lập vào năm 1965 và trở thành nước phát triển vào những năm 1990). Như vậy, kinh nghiệm thế giới cho thấy một nước hoàn toàn có thể công nghiệp hóa thành công và trở thành nước phát triển trong khoảng thời gian chúng ta đang có từ nay đến năm 2045. Có rất nhiều việc phải làm từ nay đến đó và dưới đây là những việc quan trọng nhất.
Thứ nhất, cần thúc đẩy sự chuyên nghiệp hóa toàn diện mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và coi đây là công cuộc Đổi mới 2.0. Đổi mới 1.0 về bản chất là những cải cách theo hướng tự do hóa. Trong hơn 30 năm qua, những cải cách theo hướng này thật sự đã mang lại sự phát triển khá ngoạn mục cho đất nước. Tuy nhiên, tự do hóa chủ yếu chỉ tạo ra khuyến khích. Chuyên nghiệp hóa mới tạo ra đẳng cấp và hiệu quả cao.
Chuyên nghiệp hóa bắt đầu từ việc áp dụng các nguyên tắc, chuẩn mực và quy trình mang tính kỹ trị nghiêm ngặt trong việc ban hành và thực thi chính sách. Các vấn đề phải được nhận biết trên cơ sở của dữ liệu và chứng cứ. Các ưu tiên phải được xác lập đúng đắn trên cơ sở lợi ích của quốc gia. Các giải pháp, chính sách phải được đánh giá tác động trước khi ban hành.
Chuyên nghiệp hóa thể hiện ở kỹ năng nghề nghiệp. Ai làm nghề gì thì phải giỏi nghề đó. Phẩm hạnh và giá trị của con người phải được đánh giá trước hết bằng trình độ chuyên môn, nghề nghiệp hơn là chức tước và bằng cấp.
Chuyên nghiệp hóa cũng thể hiện ở thái độ đối với nghề nghiệp. Làm nghề gì thì yêu quý nghề đó. Mỗi người, mỗi ngày đều cần phấn đấu liên tục để hoàn thiện không ngừng kỹ năng nghề nghiệp của mình. Từ việc nấu ăn, đến việc lái xe, tất cả mọi việc đều có thể được hoàn thiện không ngừng, ngày hôm sau phải làm tốt hơn ngày hôm trước. Tất cả mọi việc đều có thể nâng từ kỹ thuật lên thành nghệ thuật. Đây chính là cách cư xử của người Nhật Bản. Và đây cũng chính là chìa khóa thành công của đất nước Nhật Bản.
Thứ hai, cần thúc đẩy cải cách thể chế, mà quan trọng là các thể chế phát triển kinh tế. Trong hơn nửa thế kỷ qua, chỉ có một số rất ít các nước, lãnh thổ vươn được từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất. Tất cả các nước, lãnh thổ này đều có nền tảng văn hóa Đông Bắc Á và đều theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state). Đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và mới đây nhất là Trung Quốc.
![]() |
“Phẩm hạnh và giá trị của con người phải được đánh giá trước hết bằng trình độ chuyên môn, nghề nghiệp”. Ảnh minh họa (Nguồn: TGCC). |
Thứ ba, cân đối tốt hơn giữa tự do và điều chỉnh trong quá trình quản trị quốc gia. Thực tế cho thấy, trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới, quá trình tự do hóa đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Phần lớn các đạo luật được ban hành trong thời kỳ này từ Khoán 10 đến Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại… đều hướng tới việc tạo ra khuôn khổ cho người dân thực thi các quyền tự do của mình mà trước hết là quyền tự do tài sản, tự do kinh doanh, tự do khế ước… Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự phát triển ngoạn mục của nền kinh tế. Xu hướng ban hành pháp luật để tăng cường quản lý càng về sau càng được tăng cường. Hậu quả là tình trạng lạm dụng điều chỉnh đã xảy ra. Hiện nay, tuân thủ cho hết các quy định của pháp luật là rất khó khăn không chỉ đối với người dân, mà còn đối với cả cán bộ, công chức Nhà nước. Chi phí tuân thủ đang bị tăng cao; năng lực đổi mới, sáng tạo của cả hệ thống đang bị trói chặt. Thiết kế một quy trình lập pháp bảo đảm sự cân đối giữa tự do và điều chỉnh phải là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xây dựng Nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang triển khai hiện nay.
Thứ tư, giảm thiểu rủi ro và tận dụng tốt nhất lợi thế của địa chính trị và địa kinh tế. Nước ta nằm bên cạnh Trung Quốc - một nền kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ. Chỉ riêng hiệu ứng lan tỏa của nền kinh tế này đã có thể được tận dụng để thúc đẩy các mục tiêu phát triển của chúng ta. Vấn đề là chúng ta cần phải đề ra được một chiến lược để tận dụng tốt nhất lợi thế của địa kinh tế mà chúng ta đang có.
PV: Cụ thể với NLĐ, cũng như các hoạt động công đoàn sẽ phải chuyển mình như thế nào để thích ứng với mục tiêu này, thưa ông?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Trước hết NLĐ cũng phải ngày càng chuyên nghiệp. Thực ra, NLĐ nào cũng có sở thích, sở trường và sở đoản. Để tận dụng tốt nhất nguồn nhân lực và để công việc mang lại hạnh phúc, cần kết hợp được sở thích với sở trường. Trong trường hợp khó kết hợp được, nên ưu tiên tìm kiếm công việc phù hợp với sở trường. Hạn chế tối đa việc lựa chọn những công việc thuộc về sở đoản. Đây là định hướng quan trọng để chuyên nghiệp hóa.
Hoạt động công đoàn trong các năm tới nên hướng tới việc thúc đẩy xu hướng chuyên nghiệp hóa của những NLĐ. Thể chế quan trọng để thúc đẩy việc chuyên nghiệp hóa dựa trên sở trường là bảo đảm quyền tự do lao động. Ngoài ra, NLĐ cũng nên có điều kiện để thử nghiệm và nhận biết chính xác sở trường của mình.
![]() |
Người lao động càng ngày càng phải chuyên nghiệp hóa, kết hợp được sở thích và sở trường mới mang lại hiệu quả công việc cao. Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Dung. |
PV: Mở rộng vấn đề, năng suất lao động (NSLĐ) của công nhân hiện nay, nhân công trong nước giá rẻ, chủ yếu làm thuê, bán sức lao động, chưa sản xuất được hàng hóa chất lượng cao liệu có phải do NSLĐ còn thấp, chưa đáp ứng được vấn đề chuyên nghiệp hóa, thưa ông?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Quả thực, các ý kiến cho rằng năng suất của những NLĐ tại Việt Nam thấp là không ít. Tuy nhiên, theo tôi, đánh giá như vậy chưa chắc đã công bằng. Đúng là chúng ta có lĩnh vực NSLĐ thấp, nhưng có lĩnh vực NSLĐ cao. Ví dụ, nếu một năm ở nhiều miền quê có đến 4-5 tháng nông nhàn, thì NSLĐ ở đó không thể cao. Tuy nhiên, nói NSLĐ tại các nhà máy của Samsung và các doanh nghiệp FDI khác không cao là không chính xác. Nếu NSLĐ ở đây không cao thì sản phẩm của họ làm sao có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới? Như vậy, vấn đề là sử dụng và tổ chức lao động như thế nào chứ không hẳn là NSLĐ thấp.
Trong thời đại ngày nay, muốn cạnh tranh về NSLĐ không thể không áp dụng khoa học và công nghệ. Mà như vậy, NLĐ Việt Nam chắc chắn phải được đào tạo tốt hơn. Bên cạnh đó, có một vấn đề với NLĐ Việt Nam là kỷ luật lao động quả thực chưa cao. Phải khắc phục được tình trạng này thì đất nước mới hóa rồng được.
PV: Ông dự báo thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2023, liệu các doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn, NLĐ nên lựa chọn những ngành nghề nào để phù hợp xu hướng?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi cho rằng, năm 2023 vẫn sẽ tiếp tục là một năm đầy khó khăn, chủ yếu ở các nguyên nhân:
Kinh tế thế giới phục hồi không đủ nhanh, nửa năm đầu 2023, lạm phát chưa khống chế được... Các nước bạn hàng của chúng ta như Mỹ, thực tế vẫn phải tăng lãi suất để khống chế lạm phát. Trong điều kiện như vậy, đơn hàng đến từ những nước đang khó khăn sẽ không có nhiều. Như vậy, các doanh nghiệp trong nước sẽ không có đủ hợp đồng. Mà như vậy thì công ăn việc làm sẽ giảm, NLĐ sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Đấy là những khó khăn hoàn toàn có thể thấy trước được.
![]() |
Kinh tế thế giới phục hồi không đủ nhanh, nửa năm đầu 2023, lạm phát chưa khống chế được... Ảnh minh họa (Nguồn: thanhnien.vn). |
Tuy nhiên, cũng phải thấy, trong khó khăn, luôn có những thuận lợi. Thuận lợi thứ nhất là tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư công. Như vậy cầu lao động sẽ có trên thị trường. Tổng cầu không giảm sẽ giúp cho doanh nghiệp có việc làm. Đây được đánh giá là hiệu ứng lan tỏa tích cực của đầu tư công. Thuận lợi thứ hai, có thể thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi. Hiện Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng biện pháp chống Covid, nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn. Nhờ đó chúng ta sẽ có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp của mình sang Trung Quốc. Đây cũng là cơ hội cho nền kinh tế và cho NLĐ.
Thuận lợi thứ ba, bước sang năm 2023, những ngành có ít hợp đồng sẽ gặp khó khăn, nhưng những ngành gắn liền với nhu cầu thiết yếu hàng ngày, thì cầu trên thị trường vẫn có và vẫn có thể đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Như vậy, NLĐ vẫn có thể tìm được việc làm. Vấn đề ở đây là thông tin về thị trường lao động phải được cập nhật và liên thông, để NLĐ mất việc chỗ này có thể làm chỗ khác.
Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng phải quan tâm đến thị trường trong nước, bởi đây là thị trường của 100 triệu dân. Doanh nghiệp phục vụ tốt thị trường trong nước sẽ giúp cho nhiều lao động có việc làm.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
![]() Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo phải hướng đến đổi mới phương thức giáo dục dựa trên cơ sở khai thác ... |
![]() Ngày 22/12, Lễ công bố Hành trình tìm kiếm giá trị Văn hóa Ẩm thực Việt Nam do Hiệp hội Văn hóa và Ẩm thực ... |
![]() Theo đồng chí Lê Phan Linh - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cần coi việc bồi đắp năng lực ... |
Tin nổi bật LAODONGCONGDOAN.VN
- Lao động mất việc và đòi hỏi thực tế
- Công ty TNHH Halo Mold Tech tuyển dụng nhiều vị trí với chế độ, quyền lợi hấp dẫn
- Công ty CP Giao hàng tiết kiệm tuyển dụng nhân viên bưu cục, thu nhập 8-15 triệu/tháng
- VietinBank tiếp tục giảm lãi suất, tiếp sức doanh nghiệp xuất nhập khẩu
- Vietcombank được vinh danh tại Chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 18, năm 2023