Đừng làm mất kỳ nghỉ hè của các em
Kinh tế - Xã hội - 26/06/2022 11:04 TRẦN VĂN SỸ
Trẻ em trong một buổi học ngoại khóa. Ảnh minh họa: Tạp chí Lao động và Công đoàn. |
Tùy theo thời tiết mỗi nước mà người ta chọn thời gian nghỉ khác nhau – thường là vào thời gian có thời tiết khắc nghiệt nhất trong năm; có nước nghỉ đông, có nước nghỉ hè. Nước ta là xứ nóng, nên thời gian khiến con người mệt mỏi nhất là mùa hè. Cũng vì vậy mà kể từ khi lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, Nhà nước ta chọn mùa hè để cho giáo viên và học sinh nghỉ, không phải đến trường. Nghỉ hè, thầy nghỉ dạy, trò nghỉ học. Điều hiển nhiên như vậy mà giờ đây lại dường như là xa lạ trong đời sống của rất nhiều học sinh và trong suy nghĩ của bậc phụ huynh.
Tình trạng phổ biến bây giờ là: năm học chưa kết thúc, phụ huynh và cả giáo viên đã hối hả lên kế hoạch cho con em học thêm dịp hè. Dịp nghỉ hè không phải học bắt buộc theo thời gian của Bộ GD&ĐT thì người ta lại bắt con em mình học nhiều hơn theo các chương trình “tự giác” khác.
Người thì học thêm toán, người thì văn, người thì lý, hóa, sinh, ngoại ngữ… để chuẩn bị cho sau này thi chuyển cấp và thi đại học được tốt hơn hay "lấp chỗ hổng kiến thức",... Người thì tranh thủ cho con học thêm các môn năng khiếu nghệ thuật, học kỹ năng sống, rồi học “để vượt trội hơn”,... Tóm lại là tranh thủ tối đa thời gian nghỉ hè để…. học thêm! Nghỉ hè không còn là thời mộng mơ tuổi học trò nữa, mà là một “kỳ học thứ ba” đầy áp lực trong năm đối với học sinh.
Từ xưa, ông cha ta đã biết, người không biết chơi, thì chưa hẳn đã là người biết cách học tốt nhất. Sách cũ còn truyền lại về cái sự học, sự chơi của người xưa. Ngày xưa, nước ta có ông Lương Thế Vinh và ông Quách Đình Bảo là bạn học đồng niên, đều là nổi tiếng thần đồng, học giỏi nhớ tài, cùng ra ứng thí một khoa do triều đình tổ chức. Sắp đến ngày thi, Lương Thế Vinh sang làng bên thăm bạn, đến đầu làng nghe người ta nói: "Quách Đình Bảo đang ngày đêm dùi mài kinh sử, chỉ ở trong phòng đọc sách không ra đến ngoài, không tiếp ai đâu!". Lương Thế Vinh ngửa mặt cười ầm lên, nói: "Quách Đình Bảo giờ này mà vẫn còn chúi đầu vào sách, làm sao mà đỗ cao được!".
Chuyện đến tai, Quách Đình Bảo bèn sang làng bên xem Lương Thế Vinh chuẩn bị thi cử ra sao. Đến đầu làng, hỏi thăm thì được người ta nói: Chỉ thấy Lương Thế Vinh chơi thả diều với trẻ con ở ngoài cánh đồng thôi. Quách Đình Bảo quay về, than rằng: "Lương Thế Vinh biết học, biết chơi như thế, ta thực không bằng!". Khoa thi năm ấy, Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên (đứng đầu); Quách Đình Bảo đỗ Thám hoa (đứng dưới hai bậc).
Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu giáo dục và những người sống ở các nước phát triển đã cho thấy một thực tế rằng, học sinh phổ thông của các nước đó dường như học “nhàn” hơn, học ít hơn, chơi nhiều hơn học sinh Việt Nam. Nhưng khi ra đời, hòa nhập với cuộc sống thế giới, thì người trẻ Việt Nam lại thiếu rất nhiều kiến thức và kỹ năng sống so với người cùng trang lứa của các nước thì đủ biết là cái sự ‘biết học”, “biết chơi” của họ, ta chưa bằng!
Có thể khẳng định, không chỉ cứ học thật chăm, học thật nhiều, học không chơi bời gì cả là học sinh sẽ giỏi giang hơn, mau trưởng thành hơn, thành công hơn trong cuộc sống. “Chăm mà không đúng, lại là tự hại”.
Các nhà khoa học đều đã chỉ ra rằng, làm bất cứ việc gì mà không có sự nghỉ ngơi hợp lý thì việc tái sản xuất sức lao động sẽ kém và dẫn đến làm việc tiếp theo sẽ kém hiệu quả. Thế mới thấy, ông cha ta từ xưa đã biết cái lý "học thông minh quan trọng hơn học chăm" mà bây giờ các nhà khoa học giáo dục thế giới đang nói tới. Do vậy, sau hai kỳ học, phải là một kỳ nghỉ - như luật pháp của Nhà nước đã quy định. Kỳ nghỉ này, theo đúng nghĩa là học sinh sẽ không bị bắt phải học bất cứ cái gì, được tự do vui chơi và nếu có thì chỉ học những gì mình thích. Thế hệ chúng tôi, những học sinh của những năm 1970, 1980 trở về trước, thực sự là đã từng có những kỳ nghỉ hè như vậy.
“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…” (lời ca khúc “Nỗi buồn hoa phượng” nổi tiếng của nhạc sĩ Thanh Sơn), bởi cứ mỗi năm đến hè, ngày học cuối cùng là bạn bè, thầy cô sẽ xa nhau ba tháng để trở về cuộc tự do của riêng mỗi người. Học sinh sẽ tạm xa sách vở, sân trường…, người sẽ ra đồng cùng cha mẹ, người sẽ về quê với ông bà, người sẽ đi xa thăm người thân, kết thêm những người bạn mới, hiểu thêm những vùng đất mới…, người thì sẽ học một môn năng khiếu mà mình yêu thích…
Với lứa tuổi hồn nhiên thì việc chạy nhảy, vui đùa, bơi lội là không thể thiếu… Cuộc sống như những bản nhạc với những nốt thăng trầm bổ khuyết cho nhau mà thêm hoàn thiện, có phải xa mới biết gần là quý, có chơi lại càng thấu việc học là cần… để mong ngày trở lại học hành chăm chỉ hơn. Và tạm xa nhau cũng làm cho mỗi con người tự nhìn lại mình, nhớ lại bạn bè, thầy cô để mà mong ngày mai gặp lại với những tình cảm mới tốt đẹp hơn.
Các bậc phụ huynh thời ấy thường nói, "sau ba tháng hè, nhìn con mình như lớn hẳn lên!". Mà đúng như vậy, sau ba tháng hoạt động nhiều cùng nắng gió, ăn ngủ vô tư, chạy nhảy không suy nghĩ lo âu, lại đang tuổi lớn, thì trẻ cao lớn trông thấy cũng là dễ hiểu.
Sau những kỳ nghỉ hè “cháy bỏng khát khao” như thế, lại mong một năm học mới với đầy háo hức say mê, đầy năng lượng mới. Do vậy mà học sinh lại tiếp tục học hành tốt hơn trong năm học mới.
Giờ nhìn các cháu không có nghỉ hè, quanh năm suốt tháng chỉ có học và học… mà thương quá! Người lớn, mà trước hết là các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, việc học của con trẻ sẽ không thể có kết quả tốt nếu các học sinh không được “chơi” đúng đắn, đầy đủ. Các em sẽ không trường thành nếu chỉ có vùi đầu và sách vở, chỉ có học mà chẳng có hành, chẳng có vui chơi, sáng tạo tự do. “Chơi” là để cân bằng với làm (với các em là học), để cho cơ thể và trí óc các em được cân bằng, sáng tạo hơn trong học tập và cuộc sống. Hơn nữa, cũng cần nhớ rằng, việc học tập và và nghỉ ngơi của các em cũng đã được pháp luật quy định. Việc bắt các em học quá tải, bắt trẻ em học vì nhu cầu của người lớn là người lớn đã phạm pháp, vi phạm quyền trẻ em, cần phải dừng ngay lại!
Kỳ nghỉ hè là rất quan trọng đối với cuộc đời mỗi học sinh. Nghỉ hè thực chất là không bị bắt buộc phải học trong ba tháng mùa hè, để học sinh có thời gian phục hồi sức khỏe sau hai kỳ học liên tục, có thêm trải nghiệm tự do để không ngừng nghỉ trong việc hình thành và hoàn thiện nhân cách con người. Những ký ức tốt đẹp qua trải nghiệm các kỳ nghỉ hè sẽ còn đi theo suốt cuộc đời, bổ sung cho những thiếu hụt trong thời gian học tập ở trường lớp theo chương trình cố định bắt buộc, giúp các em hoàn thiện nhân cách và khôn lớn trưởng thành.
Mùa hè yêu thương đã lại về, mong lắm các thầy cô, các bậc phụ huynh đừng làm mất kỳ nghỉ hè của các em.
Từ năm học 2020-2021, giáo viên được nghỉ hè 8 tuần Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục. Theo đó, giáo viên được ... |
Nghỉ hè của trẻ và áp đặt của người lớn Hôm nay là ngày nghỉ hè đầu tiên của đại đa số học sinh Việt Nam. Nếu đúng như những gì Bộ GD&ĐT thông báo ... |
Từ bức ảnh cậu bé buồn giữa “rừng” giấy khen, nên tuyên dương trẻ thế nào cho phù hợp? Vào thời điểm kết thúc năm học, hình ảnh một cậu học sinh tay trống trơn, mặt buồn thiu giữa lúc các bạn cùng lớp ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 14:42
Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) để giảm thiểu tối đa rủi ro, bảo vệ môi trường và tài sản.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 11:30
Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới
Trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường địa ốc Đà Nẵng năm 2024, ghi nhận dấu ấn và vai trò lực đẩy của những tổ hợp bất động sản đẳng cấp ven sông Hàn với quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích cao cấp theo mô hình “all-in-one” tiên phong.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 21:00
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ được thực hiện thông qua ứng dụng VNeID (tài khoản định danh điện từ) cài đặt trên điện thoại di động.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 20:00
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy, do đâu?
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy không phải hiếm gặp. Nguyên nhân do đâu, cách xử lý như thế nào, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 13:23
Ford Việt Nam tạo dấu ấn mạnh mẽ tại PVOIL VOC 2024
Bạn đã bao giờ tưởng tượng mình sẽ lái một chiếc Ford Ranger chinh phục những địa hình hiểm trở? PVOIL VOC 2024 đã biến điều đó thành hiện thực cho hàng trăm người đam mê off-road tại Việt Nam.
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng