Ân tình đằng sau những thuật toán
Kinh tế - Xã hội - 11/02/2024 16:46 MỸ ANH
Đằng sau những thuật toán tưởng vô tri ấy là vô vàn những nét vẽ, những câu chuyện cuộc đời dung dị, ấm cúng rất đời được sẻ chia và lan tỏa.
Nữ sinh “bom” hàng
Phan Thị Ca (lớp 9, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định) nhặt ve chai trợ giúp kinh tế gia đình. Nhà Ca có 4 anh chị em, mẹ em bị bệnh nặng, không có khả năng lao động. Cha Ca phải dành trọn thời gian để làm việc nuôi sống gia đình.
Thấy mẹ nằm lâu, quần áo cũ sờn, Ca lên mạng, xem livestream và đặt cho mẹ một bộ quần áo 90 ngàn đồng từ shop online của chị Lê Thị Quỳnh Nha. Ca nhẩm tính mỗi ngày em nhặt được chừng 20 ngàn, 5 ngày sau, khi hàng đến, em sẽ đủ tiền trả chị Nha. Không may, shop của chị Nha gần nhà em nên hàng đến sớm, không kiếm kịp tiền trả, Ca đã buộc phải “bom” hàng (không nhận hàng).
Nữ sinh bom hàng Ca bên mẹ cùng chị Nha, người chủ shop tốt bụng. |
Bức xúc vì khách đặt hàng, rồi “bùng”, ngay trên sóng livestream, chị Nha đã gọi cho Ca. Ca bật khóc trên điện thoại để loa ngoài trước hàng ngàn người đang xem livestream. Trong tích tắc của trực giác, chị Nha đổi giọng để hỏi rõ hơn lý do của Ca khi đặt hàng mà không nhận. Ca chia sẻ câu chuyện của mình. Lúc này, đến lượt chị Nha và người xem livestream bật khóc.
Ngay sau đó, chị Nha có bảo shipper tặng Ca bộ quần áo cho mẹ, chị cũng nhờ chuyển thẳng cho em và gia đình 01 triệu đồng hỗ trợ. Ba ngày trằn trọc, chị Nha vẫn chưa yên lòng, chị và chồng đã tới tận nhà bé Ca để chia sẻ với em và gia đình.
Chị Nha nghe em và người mẹ kể về căn bệnh lạ. Chị Nha cũng tiếp tục hỗ trợ gia đình Ca. Nhưng hơn cả, câu chuyện lập tức gây sốt trên mạng xã hội. Những tấm lòng hảo tâm khắp mọi miền hỗ trợ gia đình Ca. Và, bệnh viện Bình Định đã tiếp nhận điều trị miễn phí cho mẹ của Ca. Hiện tại, mẹ Ca đã xuất viện với những biến chuyển vô cùng tích cực.
Streamer triệu view
Nếu trường hợp của Ca là những sự tình cờ dễ thương thì trường hợp của Độ Mixi lại hoàn toàn khác. Phùng Quang Độ, một game thủ ăn nói có duyên, ngày ngày livestream trên mạng xã hội để trò chuyện cùng những người trẻ. Độ thường vừa chơi game vừa kể chuyện, hoặc cùng cộng đồng xem livestream của mình xem những MV ca nhạc, các clip sốt trên mạng và “chém gió” thâu đêm suốt sáng.
Nghề “streamer” là nghề mới và thực sự chưa có tên gọi chính thức ở Việt Nam. Người như Độ có thể gọi là streamer, game thủ hay nhân vật giải trí đều được. Độ cũng từng nhận nhiều lời chỉ trích vì công việc mà nhiều người đánh giá là “vô bổ”. Song, nếu nhìn kỹ hơn các bình diện của xã hội mới, với tập khách hàng toàn người trẻ, thị trường của giải trí là mênh mông.
Thay vì tối về xem TV như các thế hệ trước, với các nền tảng kỹ thuật số, người trẻ có nhiều lựa chọn hơn. Xem livestream của một người ăn nói có duyên cũng là một hình thức như thế. Và không thể bảo Độ cùng những đồng nghiệp của anh là đang làm công việc vô bổ. Họ, nói trắng ra, là làm dịch vụ giải trí cho khách hàng, và việc cung cấp được những phút giây vui vẻ, dù vô thưởng vô phạt, cũng có giá trị không kém gì bất kỳ ngành nghề nào.
Độ Mixi trong một phiên livestream. Ảnh: Chụp màn hình. |
Và cộng đồng xuất hiện qua ứng dụng, nền tảng mới mà nhiều người lớn tuổi phản ứng là vô bổ ấy đã âm thầm nhiều năm đóng góp rất lớn cho cộng đồng. Cụ thể, nhiều năm nay, Độ dành toàn bộ thu nhập tháng 12 để xây trường và nhà tình nghĩa cho đồng bào vùng cao. Thu nhập của Độ đến từ nền tảng và đóng góp trực tiếp của cộng đồng cho anh. Con số từ thiện vùng cao hàng năm của cộng đồng Mixi là hàng tỉ đồng. Gần nhất, năm nay, Độ được quyên góp 1,6 tỉ đồng. Anh bỏ tiền túi thêm 400 triệu đồng thành 2 tỷ đồng. Độ cùng ekip đã lập kế hoạch lên vùng cao xây chừng 6-7 điểm trường cho trẻ em.
Trong quá trình gây quỹ ấy, có một chi tiết tương đối thú vị. Đó là có một nickname trong cộng đồng fan của Độ, cứ tới tháng 12, nickname ấy sẽ ủng hộ 100 triệu đồng. Không ai biết ai đứng đằng sau nickname ấy, không ai rõ nhân dạng, họ tên của người hảo tâm kia, chỉ biết có một khán giả trung thành, được Độ truyền cảm hứng, cứ sau một năm vất vả, người này sẽ ủng hộ trực tiếp trên sóng 100 triệu đồng.
“Tượng đài bể nợ”
Phát, biệt danh Phát Đen Thui, quê ở Sa Đéc, Đồng Tháp, vỡ nợ 300 triệu đồng do lỗi lầm của bản thân anh. Vợ chồng Phát có một quán cơm tấm ở chợ và Phát là lao động tự do. Trong một ngày thuận lợi, Phát kiếm chừng 300 ngàn đồng. Khoản nợ kia với gia đình Phát là quá lớn và rất khó để chi trả. Theo thói tật của nhiều người, họ sẽ tìm kiếm tới những trò đỏ đen đến “gỡ” tới mét vuông đất cuối cùng.
Nhưng Phát thì khác. Việc đầu tiên Phát làm khi khởi ý định phục thiện là làm kênh Tik Tok. Trong những clip đầu tiên, Phát thừa nhận hoàn toàn các khoản nợ, những lỗi lầm trong quá khứ và ghi lại hành trình từng ngày lao động của bản thân và gia đình để trả nợ, trở về con đường chân chính. Phát chia sẻ giản đơn, anh không muốn giấu khoản nợ với gia đình, bạn bè nữa. Anh muốn đối diện với chính mình, với sự cay đắng, ê chề của khoản nợ do lỗi lầm của mình ảnh hưởng tới gia đình và các mối quan hệ.
Qua ngày qua tháng, Phát đã làm kênh Tik Tok được một năm. Khoản nợ đã vơi bớt do tu chí làm ăn. Nhưng quan trọng hơn cả, Phát đã lấy lãi được tất cả uy tín, danh dự và nhân phẩm của một người đã từng vay tất tần tật người thân, bạn bè để đánh bạc. Người thân quan sát anh nỗ lực từng ngày, tin tưởng anh hơn. Bạn bè thấy anh đối diện, gọi điện xin lỗi, xin khất từng người cũng thông cảm cho anh.
Phát Đen Thui cùng gia đình. Ảnh: Facebook nhân vật. |
Và hơn cả, Phát đã truyền cảm hứng tới vô vàn những người đang loay hoay trong nợ nần với vô vàn lý do. Những hình ảnh về việc thi thoảng lại có người bể nợ tới nhà Phát, cùng anh chia sẻ rồi cùng động viên nhau đối diện và cố gắng đã khiến Phát cảm thấy mình có giá trị hơn nhiều ý định ban đầu lập kênh của anh.
Rồi cũng trong năm qua, một người xem clip vốn không quen biết Phát đã chuyển khoản “phát một” cho Phát 100 triệu đồng, coi như cho Phát vay với lãi suất 0 đồng để Phát trang trải các khoản nợ lãi cao. Hành động ấy nếu không theo dõi hành trình của Phát sẽ thấy điên rồ và không tưởng khi cho một người ngập trong nợ nần, thu nhập thấp, không quen biết, không giấy tờ bảo lãnh vay một khoản tiền lớn.
Nhưng, khi xem cả hành trình của Phát, ai nấy đều thấy một nỗ lực hoàn lương phi thường. Từ việc Phát loay hoay đủ các công việc để thêm thu nhập tới việc nấu ăn bữa cơm 30 ngàn đồng (vừa để tạo nội dung, vừa để gắn kết gia đình cũng như giảm mức chi phí sinh hoạt). Đến nay, Phát vừa thông báo nợ đã “vãn” một chút, đồng thời, nhờ mạng xã hội cùng sự hỗ trợ hào phóng của người ẩn danh kia đã giúp anh tìm thấy hướng ra trên hành trình trả nợ dài dặc.
Phát vẫn được cộng đồng gọi vui là “tượng đài bể nợ”. Bởi, nợ nần, lừa dối người thân là xấu. Song, việc anh đối diện, cố gắng vượt qua vô hình truyền cảm hứng để mọi người lỡ lầm dừng lại đúng lúc là nguồn cảm hứng rất đời với vô vàn giá trị biểu đạt.
Ân tình sau những dòng code
Nữ sinh “bom hàng”; Độ Mixi với cái nghề không tên; hay một anh bể nợ miền Tây là ba trong số vô vàn câu chuyện nhỏ về thân phận con người, lòng trắc ẩn và những giá trị về ân tình trường tồn dù cuộc sống có diễn ra theo thuật toán như nào. Mạng xã hội hay các ứng dụng hỗ trợ các nhu cầu khác nhau đã tạo ra vô vàn những không gian mới, những giao thức kết nối mới và cả những nghề mới.
Chúng ta đã dành rất nhiều thời giờ và giấy mực để lo lắng về các giá trị đạo đức đảo điên khi những mặt trái của các nền tảng mới xuất hiện. Chúng ta cũng đã đau đáu nhiều năm qua vì những hệ lụy liên quan tới công ăn việc làm khi các nghề truyền thống bị thay thế. Song, nếu nhìn tổng quan, có vẻ, câu chuyện không chỉ có những điều tiêu cực. Thậm chí ngược lại, ở đâu có con người, có những thân phận và sự sẻ chia, ở đó chắc chắn có ân tình và lòng trắc ẩn.
Đằng sau những dòng code tưởng chừng vô tri là tình cảm con người với con người. Tranh minh họa thực hiện bởi ứng dụng AI: Dall E 3. |
Dù đằng sau bàn phím, những chuyên gia công nghệ có ý đồ gì đằng sau những dòng code vô tri thì tình cảm con người vẫn ở nguyên đó. Nó biểu hiện qua các hình thái khác, các nội dung khác mà thôi. 10 năm trước, sẽ chẳng ai nghĩ rằng có những người sẵn sàng ẩn danh, chuyển khoản cả trăm triệu đồng cho những người chưa từng gặp mặt chỉ bởi lòng tin vào phẩm giá con người một cách chung chung. Chúng ta cũng không hình dung nổi, một người bán hàng vốn lấy lợi nhuận làm đầu lại có thể bao dung chỉ trong vài giây khi nghe tiếng khóc của một đứa trẻ. Hay một người bể nợ có thể làm lại cuộc đời trong những lời động viên từ cộng đồng chỉ bởi anh dám đối diện với những sai lầm của mình và kể về hành trình trả nợ.
Từ nữ sinh “bom” hàng, streamer triệu view tới “tượng đài bể nợ” đều thể hiện một thông điệp sâu sắc về lòng tin vào thiên lương của con người. Niềm tin ấy, với sự hỗ trợ của công nghệ, đã vượt xa ranh giới của gặp mặt trực tiếp hay không gian địa lý đơn thuần. Nó đủ vững chãi để con người có thể sẵn sàng “xuống tiền” để ủy nhiệm những ước mơ, những giá trị nhân bản về cứu khốn phò nguy, về năng lực phục thiện có sẵn trong mỗi con người và cả về khát vọng “cùng thắng” trong một xã hội tiêu dùng, đâu đâu cũng chỉ thấy chốt đơn, lợi nhuận.
Niềm tin ấy đủ để con người cảm thấy ấm áp và vững vàng trước những biến chuyển mới của khoa học kỹ thuật. Những ứng dụng mới, những nền tảng mới hay cả công cụ trí tuệ nhân tạo sinh ra là để phục vụ lợi ích con người. Và chúng sẽ chỉ là công cụ chứ không thể thay thế con người chừng nào con người còn giữ cho mình lòng trắc ẩn, niềm tin không phân biệt vào đồng loại cùng phẩm giá của họ.
Xuân về nơi huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc Cách đất liền hàng trăm hải lý, giữa trùng khơi bốn bề sóng vỗ nhưng không khí đón Tết Nguyên đán ở huyện đảo Trường ... |
Những người “bán giấc mơ” bội thu ngày mùng một Tết Với những người bán vé số, mùng 1 Tết được xem là “ngày vàng” mua bán, giúp họ có nguồn thu nhập khá hơn. Ai ... |
5 phiên chợ độc đáo của người Việt trong dịp Tết Những phiên chợ độc đáo được tổ chức trong dịp Tết không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, mà ở đó người mua, người ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 13/09/2024 18:46
Doanh nghiệp, người lao động Đà Nẵng hỗ trợ miền Bắc khắc phục hậu quả bão số 3
Các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng cử nhân lực và vận động thành công nhiều hàng hóa và tiền; người lao động ủng hộ 1 ngày công hỗ trợ các tỉnh, thành miền Bắc khắc phục hậu quả thiên tai.
Kinh tế - Xã hội - 13/09/2024 13:12
Tay đua Tô Phước Dương: "Sắm được xe là đi đua gymkhana ngay"
Tay đua trẻ nhất tại Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền Nam PVOIL Cup 2024 sẽ mang Toyota Corolla Altis 2005 tới trường đua Đại Nam (Bình Dương) thi đấu trong ngày 14/9 tới.
Kinh tế - Xã hội - 13/09/2024 10:00
Tay đua Cao Duy Thanh: Từ văn phòng đến đường đua gymkhana
Cao Duy Thanh với chiếc Toyota Altis 2005 đã sẵn sàng chinh phục những thử thách trên đường đua gymkhana.
Kinh tế - Xã hội - 13/09/2024 07:21
Đại lý nhận đặt cọc Hyundai Tucson nâng cấp, ra mắt vào tháng 10, giá tăng khoảng 20 triệu đồng
Các đại lý đã bắt đầu nhận cọc Hyundai Tucson phiên bản nâng cấp, báo giá có thể tăng ít nhất 20 triệu đồng.
Kinh tế - Xã hội - 12/09/2024 18:21
Cán bộ nhân viên Vietcombank ủng hộ 1 ngày lương hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Vietcombank đã ủng hộ số tiền 2 tỷ đồng, cùng Công đoàn ngành Ngân hàng chung tay hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3.
Kinh tế - Xã hội - 12/09/2024 16:57
Công đoàn ngành Giáo dục TP Đà Nẵng hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3
Cơn bão số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc nước ta, gây thiệt hại lớn. Trước tình hình đó, Công đoàn ngành Giáo dục TP. Đà Nẵng đã có công văn kêu gọi toàn ngành vận động ủng hộ.
- Mô hình “Công dân học tập” tại doanh nghiệp còn nhiều khó khăn
- Doanh nghiệp, người lao động Đà Nẵng hỗ trợ miền Bắc khắc phục hậu quả bão số 3
- Bình Phước: Thành lập chi bộ có 20 đảng viên tại doanh nghiệp FDI
- Làm thế nào để có nước sạch sinh hoạt sau lũ lụt?
- Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội trao hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi bão lũ