
Thành phố Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động, thu hút 709 dự án, trong đó có 301 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD và 408 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 26.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 167.000 người, với thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Tham luận tại Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia" diễn ra sáng 26/5 tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết, đơn vị thường xuyên phát động các phong trào thi đua.
Nổi bật là phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, đã thu hút đông đảo công nhân lao động tích cực hưởng ứng tham gia, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội phát biểu tại Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia". Ảnh: Hải Nguyễn/LDO |
Nhiều doanh nghiệp tổ chức Hội thi “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, Hội thi Bàn tay vàng đem lại hiệu quả thiết thực như Công ty TNHH Toto Việt Nam; hay Hội thi Kỹ năng đo đạc, Kỹ năng lắp ráp máy in văn phòng của Công ty TNHH Canon Việt Nam; Hội thi công nhân đa kỹ năng của Công ty TNHH thời trang Star; Hội thi kỹ năng lắp ráp, Hội thi kỹ năng chất lượng của Công ty TNHH Denso Việt Nam...
Các doanh nghiệp còn kết hợp giữa tổ chức Hội thi thợ giỏi gắn với việc thành lập hội đồng xét chọn các thí sinh tiêu biểu trên từng lĩnh vực ngành nghề khác nhau để tham gia Hội thi thợ giỏi do Công đoàn tổ chức.
Tại nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã chủ động cùng với công đoàn cơ sở tạo điều kiện về thời gian và cơ sở vật chất để công nhân được học tập, ôn luyện, quan tâm hỗ trợ kinh phí để khen thưởng động viên công nhân lao động kịp thời và nâng lương trước thời hạn cho công nhân đạt thành tích tại hội thi.
Hằng năm, Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức Hội thi thợ giỏi trong 03 ngày, gồm các nghề: tiện CNC, phay CNC, tiện vạn năng, phay vạn năng, hàn điện, vẽ và thiết kế trên máy tính...
Sau hội thi, đơn vị chọn cử thí sinh đạt thành tích cao tham gia hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội và đoạt giải cao tại hội thi.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (bên trái) và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang (bên phải) tại Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia" - Ảnh: Minh Khôi |
Đồng chí Nguyễn Đình Thắng cho biết, năm 2023 đơn vị chọn cử 158 thí sinh tham gia 10/11 nghề tại Hội thi thợ giỏi Thành phố, kết quả có 51 thí sinh đoạt giải, trong đó 8/10 nghề đoạt giải Nhất, 10 giải Nhì, 14 giải Ba, 19 giải Khuyến khích.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chọn cử công nhân lao động tham gia hội thi thợ giỏi trong tập đoàn trên toàn thế giới và tham dự kỳ thi đạt chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, quốc tế tiêu biểu như Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH Denso Việt Nam, Công ty TNHH Toto Việt Nam... Nhiều công nhân lao động đoạt giải cao.
Việc biểu dương, khen thưởng các công nhân đạt thành tích cao tại hội thi thợ giỏi Thành phố và đoạt giải cấp quốc gia và quốc tế được Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội thực hiện kịp thời.
Từ những kết quả của phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” trong công nhân lao động, đồng chí Nguyễn Đình Thắng khẳng định: “Thi đua là động lực hết sức quan trọng để khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, ý thức trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặt biệt là tăng năng suất lao động, giảm hàng lỗi hàng hỏng, cải tiến mẫu mã, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh. Qua đó, khẳng định sự sáng tạo, đổi mới về nội dung, hình thức trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”.
![]() |
Toàn cảnh Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia". Ảnh: Hải Nguyễn |
Theo Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, các phong trào thi đua do Công đoàn tổ chức rất thiết thực, hiệu quả trong việc tăng năng suất lao động, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững được người sử dụng lao động rất coi trọng, quan tâm.
Hội thi thợ giỏi là dịp để các thí sinh học tập trao đổi, kinh nghiệm nâng cao tay nghề và lan tỏa đến công nhân lao động trong các doanh nghiệp, qua đó xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho công nhân lao động.
Video: Đồng chí Nguyễn Đình Thắng phát biểu tham luận tại Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia"
“Vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn đặc biệt là công đoàn cơ sở doanh nghiệp được người sử dụng lao động ghi nhận, đánh giá cao”, đồng chí Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, để phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” trong công nhân lao động mang lại hiệu quả, đồng chí Nguyễn Đình Thắng cho rằng Đảng cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị của Bộ chính trị về “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điểm hình tiên tiến” nhằm xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến và lan tỏa các gương điển hình xuất sắc tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước.
Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ về kinh phí để khuyến khích các trường nghề phối hợp với doanh nghiệp đào tạo nghề cho đội ngũ công nhân lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Đối với các tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng đội ngũ công nhân lao động, quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cho các trường nghề, đặc biệt là máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại để tổ chức Hội thi thợ giỏi nhằm đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.
Đối với doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư hơn nữa về thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí để tổ chức các hội thi thợ giỏi nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tại Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia", sáng 26/5/2024, sau khi nghe 10 tham luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, có 6 điểm chung: Một là, tình yêu nghề, yêu lao động. Hai là, luôn luôn học hỏi, đề cao kiến thức và tay nghề. Ba là, tuân thủ kỷ luật về ATVSLĐ và xây dựng môi trường lao động lành mạnh. Bốn là, luôn luôn đổi mới sáng tạo. Năm là, được đãi ngộ thỏa đáng về tinh thần, vật chất, nhất là tiền lương, phúc lợi xã hội, khen thưởng kịp thời. Sáu là, Chính phủ, Công đoàn và các chủ thể liên quan phải xây dựng được hệ sinh thái lao động tốt. "Con người là trung tâm, chủ thể của tăng năng suất lao động; con người vừa là nguồn lực, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của tăng năng suất lao động", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. |
![]() Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” và ... |
![]() Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Chính phủ tổ chức, sẽ ... |
![]() Năm 2010, khi tròn 18 tuổi, chị Hạnh bước chân vào Tổng công ty May 10 với sự bỡ ngỡ vì chưa từng qua trường ... |