Năm mới vượt thoát khó khăn
Kinh tế - Xã hội - 26/01/2023 09:45 PGS. TS. LÂM CHÍ DŨNG, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng
Xét từ những nhân tố chủ quan, có hai tiền đề cốt lõi:
1. Nhận thức đủ, đúng tầm mức của những vấn đề mà nền kinh tế phải đối mặt. Tại sao? Vì nếu không như vậy sẽ bị xu hướng lạc quan lấn át, dễ có khuynh hướng coi những khó khăn chỉ là tạm thời và dễ dàng khắc phục một sớm một chiều. Do đó, sẽ không có những lựa chọn chính sách quyết đoán theo hướng chấp nhận đánh đổi mà sẽ cầu toàn theo hướng hoàn thiện, tăng cường mọi thứ một cách toàn diện và có thể sẽ sa vào duy ý chí.
Những khó khăn từ môi trường quốc tế, nhìn ở một góc độ khác, sẽ là cơ hội thúc đẩy việc tái cấu trúc của các doanh nghiệp Việt Nam theo định hướng phát triển hơn nữa thị trường nội địa. Trong ảnh: Công nhân Công ty Cổ phần May Cam Ranh (Khánh Hòa) kiểm tra chất lượng vải trong từng khâu may mặc. Ảnh: Trần Hòa. |
Nền kinh tế Việt Nam đã đạt đến một độ mở rất cao, nghĩa là phụ thuộc rất nhiều vào xuất, nhập khẩu và đầu tư nước ngoài. Chỉ tính riêng về xuất nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022, tính đến ngày 15/12/2022 đạt 700 tỷ USD, tức gấp khoảng 1,8 lần GDP (ước tính khoảng 391 - 398 tỷ USD cho năm 2022). Trong khi đó, năm 2000 tỷ lệ này chỉ mới đạt 96,5% và năm 2013 là 1,54 lần. Trong bối cảnh như vậy, việc các Ngân hàng Trung ương (ở các thị trường xuất, nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam) đều có định hướng tăng lãi suất liên tục và sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cao trong ngắn hạn nhằm đối phó lạm phát, dẫn đến ba áp lực đồng thời:
- Tổng cầu (ghi chú cho những độc giả không chuyên, tổng cầu của cả nền kinh tế = Chi tiêu tiêu dùng + Chi đầu tư + Chi tiêu của Chính phủ + Giá trị xuất khẩu ròng. Tổng cầu quyết định GDP vì những thành phần của nó tạo nên GDP) ở các nước nhập khẩu giảm. Tác động của lãi suất đến tổng cầu đã được chứng minh cả về lý thuyết và bằng chứng thực tế. Sự suy giảm tổng cầu chắc chắn làm cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của các nước nhập khẩu suy giảm, hệ quả tất yếu là xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị suy giảm.
- Giá trị ngoại tệ của những nước có lãi suất tăng nhanh hơn so với mức tăng lãi suất VND sẽ làm cho VND giảm giá so với ngoại tệ, chủ yếu là USD. Điều này dẫn đến giá hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu sẽ tăng, dẫn đến hai hệ quả tương ứng: áp lực lạm phát làm bào mòn sức mua thực tế, đồng thời giá thành hàng hóa xuất khẩu tăng theo (vì các đầu vào của nó đa phần là hàng nhập khẩu), đến lượt nó lại ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu.
- Để đối phó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) buộc phải tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm tổng cầu nhằm giảm áp lực lạm phát, neo giữ mục tiêu lạm phát, mặt khác, nỗ lực chống lại sức kéo tỷ giá tăng. Điều này, tất yếu làm suy giảm tổng cầu nội địa, làm chậm tốc độ tăng trưởng và giảm việc làm.
Tổng hợp lại, tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và việc làm sẽ giảm. Đó là lô-gic thực tế và điều này phù hợp với những lý thuyết đã được kiểm chứng. Do đó, chỉ khi nào lạm phát ở các thị trường xuất nhập khẩu chính của Việt Nam hạ nhiệt, mà tín hiệu chủ yếu sẽ đến từ việc giảm lãi suất định hướng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và ngân hàng trung ương của những nền kinh tế lớn (đương nhiên cả Trung quốc), thì những sức ép trên mới được hóa giải. Kết luận rút ra: không thể duy ý chí ở đây được.
Nhân tố mà Việt Nam có thể tự chủ quyết định, việc triển khai “quyết liệt” đầu tư công sẽ đóng góp nhiều cho tăng trưởng. Trong ảnh: Lắp đặt đường ray tuyến metro số 1 (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Phạm Dũng. |
2. Cả về lý thuyết cũng như thực chứng cho thấy không thể có một lựa chọn hoàn hảo. Tức là, vừa kiềm chế lạm phát vừa duy trì tăng trưởng (và việc làm) và giữ nguyên hoặc kéo giảm tỷ giá. Vì vậy, phải chấp nhận đánh đổi giữa các mục tiêu vĩ mô của nền kinh tế. Vấn đề chỉ là lựa chọn phương án đánh đổi và mục tiêu ưu tiên. Trước việc Fed và hầu hết các ngân hàng trung ương khác đều duy trì định hướng tăng lãi suất, Việt Nam đứng trước sức ép đánh đổi (và phải thấy sức ép này là rất lớn): phải tăng lãi suất để giữ ổn định tỷ giá cũng như giảm tổng cầu tiêu dùng và đầu tư, qua đó, neo giữ mục tiêu lạm phát. Hệ quả là tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại và việc làm sẽ giảm. Việc gia tăng cung tiền thông qua nới lỏng tín dụng là một giải pháp đúng nhưng chưa đủ. Ở đây không tiện bàn dông dài nhưng bằng chứng (trên toàn thế giới) cho thấy chỉ có lãi suất mới là công cụ quyết định chứ không phải cung tiền. Trên thực tế, việc nới lỏng tín dụng, nếu không đi kèm với việc cắt giảm lãi suất thì nền kinh tế vẫn sẽ gặp phải rào cản trong hấp thụ tín dụng để tăng trưởng vì điều quan trọng nhất: cầu tín dụng không phụ thuộc vào phía các tổ chức tín dụng mà phụ thuộc vào nhu cầu chi tiêu tiêu dùng và đầu tư của toàn xã hội. Khi lãi suất gia tăng, như nói trên, tổng cầu tất yếu sẽ co hẹp. Rõ ràng, Chính phủ và NHNN đã có những động thái mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tiến trình hạ nhiệt lãi suất, nhưng cần những lựa chọn mạnh mẽ hơn nữa theo định hướng chấp nhận tối ưu hóa sự đánh đổi và trên cơ sở bảo đảm sự vận hành của những nguyên tắc thị trường, hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp bằng các công cụ phi thị trường - điều sẽ gây ra những hệ lụy không thể tiên lượng hết cho thị trường tài chính nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung. Do đó, nếu coi mục tiêu ưu tiên lúc này là tăng trưởng và việc làm thì lựa chọn chính sách sẽ phải là: chấp nhận nới lỏng mức lạm phát mục tiêu, nới lỏng biên độ tỷ giá, giảm bớt mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ đồng nghĩa với kìm chế đà tăng, tiến tới cắt giảm lãi suất càng sớm càng tốt, dĩ nhiên, ở điểm cân bằng hợp lý và với một nhịp độ và lộ trình phù hợp.
Tuy nhiên, có những nhân tố cho thấy những triển vọng tích cực, đồng thời cũng làm nổi bật lên những hàm ý lựa chọn chính sách quan trọng.
Từ bên trong, tức những nhân tố mà Việt Nam có thể tự chủ quyết định, việc triển khai “quyết liệt” đầu tư công sẽ đóng góp nhiều cho tăng trưởng. Đầu tư công là thành phần chiếm tỷ trọng cao trong chi tiêu Chính phủ, đóng góp phần quan trọng trong GDP. Số liệu của Chính phủ cho thấy, ước tỷ lệ giải ngân đầu tư công 11 tháng 2022 chỉ mới đạt 52,43% kế hoạch, tức dư địa vẫn còn rất lớn nếu tính cả kế hoạch của năm 2023. Đương nhiên, những vướng mắc trong giải ngân đầu tư công không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai và do đó có thể giải quyết được trong một sớm, một chiều. Nó là câu chuyện đổi mới thể chế và dù đó là vấn đề trung tâm nhưng không duy nhất. Nó liên quan zic - zac đến nhiều vấn đề lưu cữu và không dễ để mô tả rành rọt. Tuy nhiên, quyết tâm của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị là cực kỳ mạnh mẽ, nhất quán; công luận và toàn xã hội đã được công khai đầy đủ nhằm tạo động lực thúc đẩy các cấp, các ngành hành động và năm 2023, có nhiều căn cứ để tin rằng, giải ngân đầu tư công sẽ có chuyển biến rõ rệt.
Nền kinh tế Việt Nam đã đạt đến một độ mở rất cao, nghĩa là phụ thuộc rất nhiều vào xuất, nhập khẩu và đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Công nhân Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đóng gói chuối để xuất khẩu. Ảnh: D. Kha. |
Thứ hai, nhìn một cách thực tế, thị trường bất động sản đã và đang có một vai trò rất lớn đối với nền kinh tế. Từ góc độ phân tích tổng cầu, của cải tích lũy chính của các hộ gia đình có thu nhập từ trung bình trở lên (tức giới trung lưu trở lên theo thuật ngữ của phương Tây) liên quan nhiều đến bất động sản. Trong khi ở những nước phát triển, cổ phiếu chiếm ưu thế hơn trong danh mục của cải tích lũy. Vì vậy, khi thị trường này suy giảm cả về giá và quy mô giao dịch, tiêu dùng có xu hướng co lại, tỷ lệ tiết kiệm gia tăng (nhất là cộng hưởng với sự gia tăng lãi suất) vì kỳ vọng vào tương lai không được lạc quan. Chưa nói, có rất nhiều ngành nghề liên quan đến bất động sản sẽ suy giảm rõ rệt. Mặt khác, quan trọng hơn nhiều, phần lớn các khoản vay của cá nhân cũng như doanh nghiệp dựa nhiều vào thế chấp bất động sản. Vì vậy, khi thị trường này suy yếu, tín dụng đối diện với nhiều vấn đề, nguy cơ rủi ro của ngân hàng gia tăng, suy giảm quy mô tín dụng và ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chứng khoán là điều dễ thấy… Cộng lại, ta thấy tác động bất lợi lớn đối với tăng trưởng. Triển vọng tích cực ở đây là Chính phủ đã có những nỗ lực toàn diện để khôi phục lòng tin cũng như tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản. Về phía bên cung, đã có những dấu hiệu chấp nhận giảm giá để tạo thanh khoản thị trường, tăng quy mô giao dịch. Điều mà thị trường này cần hơn tất cả trong bối cảnh này là sự đồng thuận của công luận trong việc nhìn nhận những khía cạnh tích cực, xây dựng lại lòng tin và phải tiếp cận vấn đề dưới góc độ lợi ích toàn cục.
Ngoài ra, những khó khăn từ môi trường quốc tế, nhìn ở một góc độ khác, sẽ là cơ hội thúc đẩy việc tái cấu trúc của các doanh nghiệp Việt Nam theo định hướng phát triển hơn nữa thị trường nội địa. Đó phải là một định hướng chiến lược lâu dài nhằm đối phó với những bất ổn của thị trường thế giới, cũng là phương cách để giải bài toán “bẫy thu nhập trung bình” mà nhiều nước đang phát triển đã loay hoay không thoát ra được. Về mặt này, năng lực thích ứng của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được chứng tỏ. Từ bên ngoài, việc mở cửa nền kinh tế Trung Quốc, tiến trình nới lỏng và có cơ sở để tin rằng sẽ tiến tới, trên thực tế, bãi bỏ chính sách Zero Covid, sẽ kích hoạt nhiều tiềm năng tăng trưởng, sau mấy năm liền nhiều hoạt động bị đóng băng hoặc gặp rất nhiều trở ngại, khiến chi phí giao dịch tăng cao. Trung Quốc đã, đang và sẽ là một nhân tố có ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu hơn là những gì mà người ta mô tả công khai. Việt Nam đương nhiên không là ngoại lệ, thậm chí, hơn thế nhiều. Một tác động dễ thấy nhất là việc phục hồi dịch vụ du lịch từ thị trường Trung Quốc, kéo theo hiệu ứng dây chuyền đến các ngành liên quan, làm sinh hoạt kinh tế sôi động hơn, trong đó thị trường bất động sản sẽ có thêm cú hích quan trọng.
Một tín hiệu - mà không cường điệu vẫn có thể nói - làm cho toàn bộ thị trường thế giới quan tâm trong lo lắng hoặc hy vọng, là việc tăng lãi suất tham chiếu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Lần gần nhất (ngày 14/12), Fed đã nâng lãi suất tham chiếu (Fed Funds Rate) lên thêm 50 điểm cơ bản (tức + 0,5%). Như vậy, dù Fed vẫn tiếp tục với định hướng tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát với mức tăng kỷ lục nhưng mức tăng lần này đã giảm (so với các lần tăng trước đó ở mức + 0,75%). Kết hợp với việc, lần đầu tiên trong năm 2022, kinh tế Mỹ trong quý 3 đã tăng trưởng + 3,2% sau 2 quý tăng trưởng âm, gợi lên ít nhiều hy vọng. Nói ít nhiều vì thực ra cũng khó khẳng định chắc chắn xu hướng vì ngay cả các quan chức của Fed vẫn rất thận trọng trong phát biểu. Liệu Fed và (thường) theo đó là Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tiếp tục hay nới lỏng việc thắt chặt tiền tệ, tất cả tùy thuộc vào diễn biến lạm phát mà điều này lại liên quan mật thiết đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Nói đến đây lại có thể mở ra một triển vọng lạc quan, đó là kinh tế Trung Quốc hậu Zero Covid sẽ làm chuỗi cung ứng phục hồi cả về quy mô, chất lượng và chi phí đủ để có ảnh hưởng tích cực lên lạm phát toàn cầu.
Ngoài ra, dù không ai có thể dự đoán được, nhưng như mọi cuộc chiến, có khởi đầu ắt hẳn sẽ có kết thúc. Cuộc xung đột Nga - Ucraina tất cũng sẽ như vậy. Hòa bình sẽ trở lại. Đó là điều mà nhân dân Ucraina cũng như Nga đều tha thiết mong mỏi, hy vọng. Đó cũng sẽ là hy vọng to lớn nhất trong năm 2023 cho nền kinh tế thế giới vậy.
Vượt khó, xuất khẩu thủy sản bứt phá với kỷ lục trên 10 tỷ USD Xuất khẩu thủy sản vượt qua một năm đầy khó khăn để đạt kết quả rất đáng tự hào, với kỷ lục kim ngạch đạt ... |
Ngành tôm vượt khó cán đích 4,3 tỷ USD Tăng trưởng sụt giảm từ quý 4/2022, song ngành tôm vẫn vượt qua khó khăn và cán đích 4,3 tỷ USD, tăng 10,25% so với ... |
Xuất khẩu cà phê sẽ gặp khó khăn tại thị trường EU trong năm 2023 Xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2023 được dự báo sẽ đối mặt nhiều khó khăn, thách thức tại EU - thị trường chiếm ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 14:42
Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) để giảm thiểu tối đa rủi ro, bảo vệ môi trường và tài sản.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 11:30
Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới
Trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường địa ốc Đà Nẵng năm 2024, ghi nhận dấu ấn và vai trò lực đẩy của những tổ hợp bất động sản đẳng cấp ven sông Hàn với quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích cao cấp theo mô hình “all-in-one” tiên phong.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 21:00
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ được thực hiện thông qua ứng dụng VNeID (tài khoản định danh điện từ) cài đặt trên điện thoại di động.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 20:00
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy, do đâu?
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy không phải hiếm gặp. Nguyên nhân do đâu, cách xử lý như thế nào, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 13:23
Ford Việt Nam tạo dấu ấn mạnh mẽ tại PVOIL VOC 2024
Bạn đã bao giờ tưởng tượng mình sẽ lái một chiếc Ford Ranger chinh phục những địa hình hiểm trở? PVOIL VOC 2024 đã biến điều đó thành hiện thực cho hàng trăm người đam mê off-road tại Việt Nam.
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, người lao động có thể tự ngừng đóng để nhận trợ cấp?
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025