Làm thêm giờ - lý luận và thực tiễn trên thế giới
Việc làm - tuyển dụng - 26/11/2022 10:45 PGS.TS. Nguyễn An Ninh - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
1. Làm thêm giờ từ góc nhìn lý luận
C. Mác đã chứng minh đây là một trong hai biện pháp để chủ nghĩa tư bản (CNTB) sản xuất ra giá trị thặng dư. Làm thêm giờ liên quan tới biện pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối. Một ca lao động (hoặc ngày lao động) được phân thành 2 phần: phần lao động tất yếu là những giá trị tạo ra dùng để trả lương cho công nhân; phần còn lại là lao động thặng dư, là những giá trị từ lao động sống của công nhân mang lại lợi nhuận cho nhà tư bản. Giả định rằng thời gian lao động tất yếu không đổi, thì thời gian lao động thặng dư kéo dài thêm bao nhiêu, nhà tư bản được lợi bấy nhiêu. Kéo dài thời gian lao động là biện pháp thường xuất hiện trong giai đoạn đầu của CNTB.
Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 9, "chốt" tăng giờ làm thêm trong tháng, trong năm của người lao động, ngày 23/3. Ảnh: M. Chiến. |
Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân (GCCN) chống lối bóc lột bằng phương pháp kéo dài ngày lao động đã diễn ra rất sớm. Đỉnh cao là cuộc đấu tranh của GCCN Mỹ ngày 1/5/1886 với khẩu hiệu “8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi học tập”. Hơn 5.000 cuộc đình công đã diễn ra ở các trung tâm công nghiệp lớn như Chicago, Washington, New York, Baltimore, Boston... và bị đàn áp dã man. Lịch sử của “Ngày Quốc tế Lao động” đã gắn liền với việc chống lại phương pháp bóc lột giá trị thặng dư tuyệt đối.
Theo V.I. Lênin, trong quan hệ sản xuất XHCN, khi mà lợi ích của quá trình sản xuất được phân phối công bằng theo nguyên tắc “hưởng theo lao động”, cũng nhìn nhận việc NLĐ tự nguyện làm thêm giờ và được thù lao xứng đáng như một biểu hiện của tinh thần làm chủ chế độ mới. Cùng với lao động sáng tạo, mức độ chuyên cần, nhiệt tình lao động và ý thức với lợi ích chung được Lênin coi là những động lực chính trị tinh thần của NLĐ để xây dựng đất nước. Ngoài ra, những yêu cầu đặc biệt của bối cảnh nước Nga lúc ấy (đáp ứng nhu cầu của mặt trận, tình trạng kiệt quệ về kinh tế, sự cấp thiết của mùa vụ...) cũng cần đến việc tăng năng suất lao động bằng làm thêm giờ.
Lưu ý rằng, tinh thần ngày làm 8 giờ được nêu lên từ cuộc đấu tranh của GCCN Mỹ nhưng trở thành hiện thực đầu tiên trên thế giới lại là ở nước Nga Xô viết.
2. Làm thêm giờ từ thực tiễn trên thế giới hiện nay
2.1. Cần nhìn nhận rõ thêm nhu cầu về làm thêm giờ
Trên thực tế, nhu cầu về làm thêm giờ không thuần túy chỉ là một biện pháp để sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối. Nó còn có thể xuất phát từ những nhu cầu kinh tế dưới đây:
Đáp ứng nhu cầu đột xuất của thị trường. Người viết bài này đã từng trò chuyện với một Tổng Giám đốc doanh nghiệp dệt may và biết rằng, nếu đáp ứng một đơn đặt hàng đột xuất trong một thời hạn ngắn để đáp ứng một nhu cầu mới của thị trường thế giới thì giá thành sản phẩm sẽ ở mức rất cao; và nếu như kéo dài thêm thời gian giao sản phẩm thì giá thành sẽ thấp hơn. Để đáp ứng những nhu cầu đột xuất như vậy, doanh nghiệp nhất trí tăng ca, làm thêm giờ.
Nhu cầu về làm thêm giờ không thuần túy chỉ là một biện pháp để sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Nhà máy Tân Á Hà Nam thuộc Tập đoàn Tân Á Đại Thành. Nguồn: baohanam.com.vn |
Yêu cầu khách quan của sản xuất. Một số doanh nghiệp sản xuất đặc thù, chẳng hạn chế biến thủy hải sản, khi mùa đánh bắt ở cao điểm, các tàu đánh bắt về tấp nập, công việc sẽ rất nhiều. Kinh nghiệm sản xuất cho thấy: mực tươi sẽ khác về chất lượng nếu chậm xử lý sản phẩm. Sự khác biệt chất lượng này có thể tính từng giờ. Khi ấy doanh nghiệp cần phải tăng ca, làm thêm giờ.
Nhu cầu tăng thu nhập, cải thiện đời sống NLĐ. NLĐ ở nhiều nước cũng có nhu cầu làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập. Thời gian làm thêm được trả cao hơn thời gian lao động bình thường từ 50% đến 100%; cá biệt vào những ngày lễ có thể lên tới 200 - 300%. Đây là một lý do khiến NLĐ chấp nhận làm thêm giờ.
2.2. Hài hòa lợi ích khi làm thêm giờ trong quan hệ lao động hiện đại
Đây cũng là một tiêu chí được quan tâm khi giải quyết vấn đề này.
Đối với NLĐ, cùng với việc được hưởng thù lao xứng đáng với thời gian làm thêm còn có các yêu cầu riêng về điều kiện làm việc. Thù lao này thường được pháp luật về lao động quy định và các TƯLĐTT cụ thể hóa để bảo đảm sức khỏe NLĐ và lợi ích xứng đáng của họ khi làm thêm giờ. Để tránh tình trạng một số NLĐ lạm dụng giờ làm thêm, từ đó có thể gây ra những nguy cơ về an toàn lao động hoặc sức khỏe; chẳng hạn NLĐ nhập cư muốn kiếm nhiều tiền nhất trong một thời gian ngắn, Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) và pháp luật của nhiều quốc gia thường quy định về “trần” của vấn đề này.
ILO chấp nhận, nhưng không khuyến khích: “Giới hạn mức làm thêm giờ có thể kéo dài đến 48 giờ (trong một tuần); nhưng thời gian làm thêm như vậy là một ngoại lệ so với quy định và thông lệ của tổ chức”. Cách đây 60 năm (1962) ILO đã đưa ra Khuyến nghị số 116 về “Giảm giờ làm việc” “tới mức tiêu chuẩn là bốn mươi tiếng một tuần mà không giảm lương”. Nhìn chung, pháp luật của từng quốc gia và công pháp quốc tế đều có những quy định cụ thể với NLĐ theo hướng bảo đảm lợi ích, an toàn lao động và nhân văn.
Đại diện Liên đoàn Lao động quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH Bao bì Rồng Việt ký kết thỏa ước lao động tập thể. Ảnh: LĐLĐ Tân Phú. |
Đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ). Mặc dù khía cạnh “là một biện pháp để sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối” ít được nhắc tới trong sử dụng lao động hiện đại, nhưng không có nghĩa là trong giới hạn 8 giờ lao động, NSDLĐ không còn quan tâm đến giá trị thặng dư. Bất bình đẳng và bất công trong QHLĐ vẫn là một thực tế trong QHLĐ hiện đại. Cũng vì thế, tất cả các pháp luật hiện hành đều có xu hướng tiết chế việc sử dụng lao động làm thêm giờ và có nhiều ràng buộc pháp lý với vấn đề này. Hiển nhiên, NSDLĐ hiểu rõ việc chi trả nhiều hơn, những ràng buộc phức tạp hơn cho mỗi giờ lao động hoặc mỗi sản phẩm làm thêm, nhưng những gì mang lại cho họ là xứng đáng. Bởi thế, sử dụng thời gian làm thêm vẫn khá phổ biến và là một giải pháp để toàn dụng lao động.
Các cơ quan lập pháp, hành pháp. Thực tiễn pháp lý của nhiều quốc gia biết rằng, để ngăn ngừa tranh chấp trong QHLĐ thì vấn đề làm thêm giờ luôn được cân nhắc kỹ và ngày càng có thêm ràng buộc chặt chẽ, chi tiết. Trong quá trình xây dựng xã hội văn minh, các yếu tố khoa học, nhân văn, hài hòa lợi ích đều được tính tới. Thậm chí ngay cả những tập quán, thậm chí được coi là “văn hóa lao động” cũng thành vấn đề pháp lý khi nó liên quan đến vấn đề làm thêm giờ.
Người Nhật Bản có tập quán “làm hết việc chứ không làm hết giờ”, vì vậy, vấn đề làm thêm giờ đối với nhiều lao động được xem là tự nhiên và ít nhiều được coi như một biểu hiện của đạo đức nghề nghiệp. Nhưng hệ quả tiêu cực của nó là “karoshi” (quá lao tử - chết vì làm quá sức) đã khiến cho pháp luật của Nhật Bản phải quan tâm. Trong một báo cáo của chính phủ về vấn đề karoshi, gần 25% các công ty tham gia khảo sát cho biết có trường hợp nhân viên làm thêm giờ hơn 80 tiếng/tháng. Cứ năm nhân viên thì một người có nguy cơ chết do làm việc quá nhiều, do đột quỵ, suy tim hoặc tự sát. Những trường hợp tử vong vì làm việc quá sức được ghi nhận cả ở nhân viên cấp độ quản lý, các kỹ sư cơ khí hay các nhân viên thực tập đến từ nước ngoài. Mức xử phạt đối với các công ty để xảy ra các trường hợp karoshi cũng chỉ tương đương 5.000 USD. Nguyên Thủ tướng Shinzo Abe từng đề xuất mức trần 100 giờ làm thêm giờ/tháng/người. Thế nhưng con số này vẫn nhiều hơn 20 giờ so với “giới hạn karoshi” mà Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đặt ra. Được biết, tháng 11/2014 Nhật Bản đã phải ra một đạo luật để ngăn chặn hiện tượng karoshi. Chính phủ cũng đã thông qua một kế hoạch hành động về việc cải cách cách thức làm việc, trong đó có giới hạn về giờ làm thêm, cho dù Nhật Bản hiện đang thiếu lao động.
Công nhân Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh (Gia Lai) thu gom mủ cao su. Ảnh: Vĩnh Hoàng. |
3. Một số nhận xét
Làm thêm giờ, trong kinh tế thị trường, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân và FDI, về bản chất đã được chủ nghĩa Mác khẳng định là một biện pháp để sản xuất giá trị thặng dư.
Làm thêm giờ trên thực tế còn có thể xuất phát từ những nhu cầu khách quan của sản xuất, của kinh tế thị trường hiện đại.
Số giờ quy định được làm thêm của Việt Nam hiện đang thấp hơn so với quy định của nhiều nước trong khu vực: Trung Quốc 36 giờ/tháng (tương đương với khoảng hơn 400 giờ/năm); Lào 45 giờ/tháng (tương đương với khoảng hơn 500 giờ/năm); Indonesia 56 giờ/tháng (tương đương với khoảng 600 giờ/năm); Singapore 72 giờ/tháng (tương đương với khoảng 800 giờ/năm); Malaysia 104 giờ/tháng (tương đương với khoảng 1.000 giờ/năm)...
Làm thêm giờ chỉ nên coi là một giải pháp tình thế và luôn nên được cân nhắc điều chỉnh khi thực tiễn đã thay đổi. Luôn nhớ rằng chúng ta đang xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong đó “ngày làm 8 giờ” và như khuyến cáo của ILO: “giảm dần giờ làm việc” là biểu hiện của một xã hội văn minh.
Nỗi lòng của người mẹ đơn thân muốn tăng ca làm thêm giờ nhưng không thể Được làm thêm giờ thời điểm này với công nhân là rất quý, bởi thêm giờ làm là thêm tiền. Tôi cũng rất muốn được ... |
Giải pháp đảm bảo sức khỏe, ATVSLĐ cho người lao động khi điều chỉnh giờ làm thêm Ngày 3/6, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Chương trình BetterWork Việt Nam tổ chức Hội thảo "Các giải pháp đảm bảo sức khỏe và an ... |
Trường hợp nào không được làm thêm giờ? Bạn Lương Quỳnh Mai Hoa (Hà Nam) hỏi: Tôi là công nhân cho công ty in bao bì, tôi thường xuyên phải làm thêm giờ, ... |
Tin cùng chuyên mục
Việc làm - tuyển dụng - 17/11/2024 12:17
Doanh nghiệp sản xuất gỗ ván ép ở Quảng Bình tuyển hàng trăm lao động phổ thông
Hoạt động trong lĩnh lực sản xuất gỗ ván ép công nghiệp, Công ty CP Gỗ Quảng Phát (Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đang có nhu cầu tuyển nhiều vị trí việc làm, với hơn 100 lao động.
Việc làm - tuyển dụng - 16/11/2024 16:36
Sơn Hà SSP Việt Nam tuyển nhiều công nhân và kỹ sư: thu nhập hấp dẫn, phúc lợi vượt trội
Để đáp ứng tiến độ sản xuất cuối năm và mở rộng quy mô hoạt động, Công ty TNHH MTV Sơn Hà SSP Việt Nam hiện đang tuyển dụng nhiều vị trí, bao gồm công nhân, kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện và nhân viên kiểm tra chất lượng (QC).
Việc làm - tuyển dụng - 09/11/2024 07:00
1.337 vị trí việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
Ngày 8/11/2024, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội diễn ra Hội chợ việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan trở về từ Hàn Quốc và Nhật Bản, thu hút 45 doanh nghiệp với 1.337 vị trí việc làm.
Việc làm - tuyển dụng - 22/10/2024 16:49
Công ty CP Xi măng Sông Gianh tuyển 55 lao động có chuyên môn
Để mở rộng hoạt động kinh doanh sản xuất, Công ty Cổ phần Xi măng Sông Gianh vừa có thông báo tuyển dụng 07 vị trí việc làm, với 55 lao động có chuyên môn.
Việc làm - tuyển dụng - 19/10/2024 17:53
Nhất Tín Logistics tuyển hơn 100 nhân sự làm việc tại Hà Nội, mức lương từ 12-16 triệu/tháng
Nhất Tín Logistics, một trong những đơn vị vận chuyển uy tín hàng đầu tại Việt Nam, đang mở rộng quy mô tuyển dụng với nhu cầu hơn 100 nhân sự làm việc tại Hà Nội, mức lương từ 12-16 triệu đồng/tháng.
Việc làm - tuyển dụng - 11/10/2024 18:27
Tuyển hơn 300 công nhân cao su tại Quảng Bình
Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại và Đoàn Kinh tế quốc phòng 79 vừa có thông báo tuyển dụng 330 công nhân cao su tại Quảng Bình.