
Tinh thần học tập suốt đời: Chìa khóa thành công cho lao động Việt Nam trong kỷ nguyên số |
Không thể phủ nhận, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những biến chuyển mang tính kiến tạo nhưng cũng đầy thách thức. Tự động hóa, trí tuệ nhân tạo len lỏi vào từng ngóc ngách của sản xuất, dịch vụ, khiến những công việc thủ công, lặp đi lặp lại đứng trước nguy cơ bị thay thế. Đây là một cuộc sàng lọc khắc nghiệt, đặc biệt đối với lực lượng lao động chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng số và khả năng thích ứng.
Kỷ nguyên số "định vị lại" giá trị lao động
Tuy nhiên, trong thách thức luôn ẩn chứa cơ hội. Kỷ nguyên số cũng mở ra vô vàn vị trí việc làm mới, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao hơn, kỹ năng phức hợp và tư duy sáng tạo. Giá trị của người lao động không còn chỉ đo đếm bằng sức lực hay thời gian làm việc, mà ngày càng được định vị bởi khả năng làm chủ công nghệ, giải quyết vấn đề và tạo ra giá trị gia tăng.
Như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nhiều lần phân tích, việc chủ động đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là trang bị các kỹ năng mềm, kỹ năng số và khả năng học hỏi liên tục, chính là con đường duy nhất để người lao động Việt Nam nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Người lao động phải tự nâng tầm mình lên”
Sức mạnh nội tại từ ý thức tự thân
Từ thực tế đó, tinh thần học tập suốt đời, đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong bài viết quan trọng của mình, không chỉ là định hướng chiến lược quốc gia mà phải thấm sâu vào nhận thức, trở thành yêu cầu tự thân, là mệnh lệnh từ chính cuộc sống đối với mỗi người lao động. Việc học không còn giới hạn trong trường lớp hay các khóa đào tạo định kỳ, mà phải trở thành một phản xạ tự nhiên, một nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
GS,TS. Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã chỉ rõ định hướng: “Phải quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về học tập suốt đời”, biến nó thành hành động cụ thể.
Điều này đòi hỏi một sự chuyển mình mạnh mẽ từ chính người lao động:
Chuyển từ bị động sang chủ động: Thay vì chờ đợi được cử đi học, người lao động cần tự giác tìm kiếm cơ hội học hỏi - qua Internet, sách báo, đồng nghiệp, các nền tảng học tập trực tuyến... Nhận thức rõ “học cho chính mình”, cho tương lai của mình.
Rèn luyện kỹ năng tự học - kỹ năng “vua” trong kỷ nguyên số. Khả năng tự tìm kiếm, chọn lọc thông tin, tự đánh giá và áp dụng kiến thức vào công việc là yếu tố then chốt để thích ứng nhanh chóng.
Xây dựng thái độ cầu thị, mở: Sẵn sàng tiếp thu cái mới, không ngại thay đổi, dám thử nghiệm và chấp nhận sai sót như một phần của quá trình học hỏi.
Xác định rõ mục tiêu học tập: Tập trung vào những kỹ năng thiết yếu cho công việc hiện tại và tương lai như kỹ năng số, ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh), kỹ năng mềm (giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề) và hiểu biết về tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh...
Khi người lao động coi việc học là trách nhiệm và quyền lợi của chính mình, họ sẽ nắm trong tay chìa khóa để mở cánh cửa tương lai, khẳng định giá trị độc đáo và năng lực không thể thay thế của bản thân, ngay cả khi công nghệ phát triển vũ bão.
Hành trình tự học từ người trong cuộc
Lý luận và chủ trương sẽ càng thêm sức thuyết phục khi được soi chiếu qua những con người thật, việc thật. Một minh chứng rõ nét cho sức mạnh của tinh thần tự học và vai trò tiên phong của người đảng viên chính là câu chuyện của anh Đinh Văn Hảo - Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Tổ trưởng Đập đầu mối tại Công ty CP Thủy điện Mường Hum (Lào Cai).
Là đảng viên từ khi còn trong quân ngũ (năm 2005), anh Đinh Văn Hảo luôn xem việc học là trách nhiệm tiên phong. Anh tâm niệm: “Là 1 người đảng viên, tôi luôn gương mẫu học tập trau dồi kiến thức để hoàn thành công việc và hướng dẫn anh em vận hành đập an toàn hiệu quả”.
Không chỉ miệt mài với các lớp tập huấn an toàn, phòng cháy chữa cháy, anh còn tự mày mò làm chủ khối kiến thức kỹ thuật điện sâu rộng, bất chấp khó khăn về thời gian do làm việc ca kíp. Đối mặt thử thách, ý chí người đảng viên càng thêm sắt đá, luôn cố gắng học hỏi tìm hiểu để làm việc được tốt hơn.
![]() |
Anh Đinh Văn Hảo luôn tâm niệm phải không ngừng học hỏi để làm chủ công nghệ và nâng cao chuyên môn. |
Chính tinh thần tự giác, vượt khó ấy đã giúp anh vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió tại đập đầu mối Thủy điện Mường Hum. Và sự kiên trì học hỏi, trăn trở với công việc đó đã kết tinh thành sáng kiến giá trị.
Năm 2022, giải pháp “Cải tiến hệ thống lực nâng đập đầu mối, hệ thống lưới chắn rác thải đầu đập đầu mối công trình thuỷ điện Mường Hum” của anh không chỉ tối ưu hóa hiệu suất vận hành máy, nâng cao sản lượng mà còn tạo ra giá trị kinh tế hữu hình cho công ty, ước tính hơn 80 triệu đồng.
Với quá trình tự rèn luyện không ngừng nghỉ, anh Hảo đã nhận “trái ngọt” xứng đáng: 4 năm liền (2021-2024) là Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Bằng khen của LĐLĐ tỉnh Lào Cai năm 2024, là 1 trong 95 đảng viên công nhân lao động tiêu biểu được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam biểu dương năm 2025.
Đúc kết từ chính hành trình không ngừng nỗ lực, anh Hảo gửi gắm đến thế hệ công nhân trẻ hôm nay lời nhắn nhủ đầy tâm huyết: “Hãy luôn giữ trong mình ngọn lửa ham học hỏi, say mê làm chủ kỹ năng, làm chủ công việc. Đó chính là cách để các bạn tôi luyện bản lĩnh, nâng cao trách nhiệm và khẳng định giá trị của mình. Bằng niềm tin và sự kiên trì, các bạn sẽ vững vàng trong sự nghiệp, kiến tạo tương lai ý nghĩa cho bản thân và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung”.
Công đoàn "tiếp lửa" đam mê học tập
Bên cạnh nỗ lực cá nhân, người lao động cũng cần được tiếp sức và đặt trong một môi trường thuận lợi để rèn luyện, phấn đấu. Tổ chức Công đoàn, với vai trò là người đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, cần một sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy và hành động để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.
Công đoàn không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ quyền lợi truyền thống mà phải trở thành người kiến tạo môi trường học tập, người xúc tác, người đồng hành chiến lược, tiếp lửa cho khát vọng vươn lên bằng tri thức của đoàn viên, người lao động.
Trách nhiệm này đòi hỏi Công đoàn các cấp phải hành động quyết liệt và bài bản hơn:
Nâng tầm công tác tuyên truyền: Không chỉ phổ biến chủ trương, chính sách mà cần phân tích sâu sắc lợi ích thiết thực của việc học, giới thiệu các mô hình học tập hiệu quả, tôn vinh những tấm gương tự học thành công, tạo động lực và thay đổi nhận thức từ gốc.
Chủ động tham mưu, đề xuất chính sách: Tích cực tham gia vào quá trình xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách của Nhà nước, của ngành và địa phương liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động. Đặc biệt, phát huy hiệu quả cơ chế đối thoại ba bên (“Kênh ba bên”) để thương lượng với người sử dụng lao động về việc dành thời gian, kinh phí, xây dựng lộ trình học tập, nâng cao tay nghề cho người lao động ngay tại doanh nghiệp.
Đổi mới và đa dạng hóa phương thức hỗ trợ: Xây dựng các chương trình hỗ trợ cụ thể như giới thiệu các khóa học uy tín (cả trực tuyến và trực tiếp), tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng; phối hợp xây dựng thư viện, tủ sách pháp luật và khoa học kỹ thuật tại doanh nghiệp; tìm kiếm các nguồn học bổng, hỗ trợ tài chính cho người lao động có nhu cầu học tập nâng cao.
Tăng cường hợp tác chiến lược: Việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam giai đoạn 2024-2030 là một bước đi quan trọng và cần thiết. Sự hợp tác này nhằm huy động sức mạnh tổng hợp, phát huy thế mạnh của mỗi bên để đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong công nhân, viên chức, lao động, xây dựng các mô hình “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập” tại cơ sở, góp phần xây dựng xã hội học tập từ nền tảng vững chắc nhất là lực lượng lao động. 5 nội dung trọng tâm mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra (nhận thức, cơ chế, hình thức, vai trò của công đoàn cơ sở, phối hợp xã hội) cần được cụ thể hóa bằng những kế hoạch hành động thiết thực tại từng cấp công đoàn.
![]() |
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội khuyến học Việt Nam ký Chương trình phối hợp đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong công nhân lao động giai đoạn 2024 - 2030. |
Công đoàn phải thực sự trở thành cầu nối vững chắc giữa chính sách, nguồn lực và nhu cầu học tập của người lao động, tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ có thể tự tin bước vào hành trình học tập không ngừng nghỉ.
Kỷ nguyên số mang đến những cơ hội chưa từng có nhưng cũng đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc từ mỗi người lao động. Kiến tạo giá trị trong bối cảnh mới không thể tách rời việc học tập suốt đời. Sức mạnh tự học của mỗi cá nhân, kết hợp với vai trò định hướng, hỗ trợ, tiếp sức ngày càng chủ động và hiệu quả của tổ chức Công đoàn, chính là công thức tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp lực lượng lao động Việt Nam không chỉ thích ứng mà còn tự tin làm chủ công nghệ, làm chủ tương lai, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
![]() Từ ruộng đồng đến nhà máy, từ làng quê đến khu công nghiệp, hàng triệu công nhân và người lao động Việt Nam đang từng ... |
![]() “Học tập suốt đời” là tên bài viết được hưởng ứng rộng rãi và tạo tiếng vang lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm thời ... |
![]() Trong những ngày đầu năm mới, khi đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên số, bài viết “Học tập suốt đời” ... |
Tin mới hơn

Những người thắp lửa niềm tin từ đôi tay lao động và trái tim nhân ái

Học để làm chủ công việc, làm chủ cuộc đời

Đội ngũ công nhân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Tin tức khác

Văn hóa công nhân với nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Công nhân Việt Nam và hành trình không nghỉ

Học để hoàn thiện nhân cách, làm giàu trí tuệ

Những cơ hội học tập “trong tầm tay” cho công nhân thời đại mới

Luật BHXH 2024: An sinh không dừng lại ở người lao động
