
Cán bộ Công đoàn đội trong Quân đội: “Thủ lĩnh giữ lửa” phong trào công nhân quân đội |
Lực lượng công nhân hiện nay: Lớn về số lượng, đa dạng về cơ cấu
Theo báo cáo “Tình hình lao động việc làm năm 2023” của Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 52,4 triệu người đang làm việc, trong đó lực lượng lao động trong ngành công nghiệp và xây dựng chiếm gần 33%, tương đương với hơn 17 triệu người.
Riêng khu vực công nghiệp chế biến - chế tạo, một trong những ngành sử dụng nhiều lao động nhất, có khoảng 11,2 triệu lao động, phần lớn là công nhân trực tiếp sản xuất trong các nhà máy, khu công nghiệp.
![]() |
Nữ công nhân làm việc trên dây chuyền hiện đại tại Xưởng lắp ráp Công ty THACO Mazda (Khu kinh tế Chu Lai, Quảng Nam). Ảnh: Thaco. |
Đội ngũ công nhân, trong đó có đội ngũ công nhân có trình độ, tay nghề cao hiện diện trên khắp các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, từ điện lực, dầu khí, chế biến thực phẩm, dệt may, da giày, điện tử, đến xây dựng cơ sở hạ tầng, logistic, vận tải. Đây là đội ngũ trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, duy trì chuỗi sản xuất - cung ứng, đóng góp tới 2/3 GDP hàng năm của cả nước.
Về trình độ, theo kết quả điều tra quốc gia về kỹ năng lao động (VNSIS 2022), có khoảng 24,5% công nhân, lao động có bằng cấp hoặc chứng chỉ kỹ thuật; tuy nhiên, có đến 45% người lao động phải học nghề trực tiếp trong quá trình làm việc. Điều này một mặt cho thấy sự thiếu hụt về đào tạo bài bản, mặt khác cũng phản ánh tiềm năng tự học và thích nghi rất cao của đội ngũ công nhân hiện nay.
Đặc biệt, có tới gần 70% công nhân, lao động nằm trong độ tuổi từ 25 - 45, đây là lực lượng có sức trẻ, có khả năng tiếp thu công nghệ mới và sẵn sàng thích nghi với thay đổi. Đó là lợi thế to lớn trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển công nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy sản xuất thông minh.
Tiềm năng to lớn nếu được đầu tư và kích hoạt đúng cách
Trong thời đại 4.0, lực lượng công nhân không chỉ là người lao động chân tay, mà phải trở thành “người thợ tri thức”, người vận hành công nghệ, ứng dụng kỹ thuật hiện đại, có khả năng cải tiến quy trình sản xuất. Nhiều nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng, nếu được đào tạo bài bản, công nhân có thể nâng năng suất lao động từ 20% đến 40%, đóng góp trực tiếp vào khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2022 cho biết, năng suất lao động của Việt Nam mới đạt khoảng 18,4 nghìn USD/lao động (theo sức mua tương đương), thấp hơn Thái Lan (26 nghìn USD) và Malaysia (34 nghìn USD). Tuy nhiên, nếu lực lượng công nhân được tiếp cận công nghệ mới, được học tập liên tục, Việt Nam hoàn toàn có thể rút ngắn khoảng cách năng suất chỉ trong một thập kỷ.
![]() |
Người lao động trạm biến áp điện khu vực miền Tây ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý vận hành trạm. Ảnh: VGP/Toàn Thắng. |
Thực tế đã chứng minh điều đó. Tại một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực điện tử, công nhân sau khi được đào tạo chuyên sâu về vận hành robot và dây chuyền tự động đã giúp năng suất tăng 30%, tỷ lệ lỗi giảm dưới 0,1%. Ở ngành chế biến thực phẩm và thủy sản, việc công nhân tiếp cận mô hình HACCP, tiêu chuẩn ISO đã giúp sản phẩm Việt Nam vào được thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản.
Không chỉ có tiềm năng kỹ thuật, đội ngũ công nhân cũng là nguồn lực xã hội có ý nghĩa chiến lược. Nếu được quan tâm đúng mức, họ có thể trở thành lực lượng truyền cảm hứng đổi mới, là hạt nhân văn hóa lao động hiện đại - kỷ luật - sáng tạo.
Đề xuất giải pháp khai thác tiềm năng của công nhân
Phát huy vai trò của đội ngũ công nhân trong kỷ nguyên mới không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp, mà là chiến lược quốc gia. Để lực lượng tiên phong này thực sự trở thành động lực của sự phát triển, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ.
Xây dựng chiến lược phát triển công nhân quốc gia
Nhà nước cần ban hành “Chiến lược phát triển công nhân Việt Nam đến năm 2045”, xác định rõ các mục tiêu về số lượng, trình độ, sức khỏe, điều kiện làm việc, mức sống và vai trò chính trị - xã hội của công nhân. Đây là cơ sở để các địa phương, ngành nghề xây dựng kế hoạch hành động cụ thể.
Đổi mới căn bản công tác đào tạo nghề
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần gắn chặt với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, cập nhật công nghệ sản xuất mới, thiết lập cơ chế học nghề kép (doanh nghiệp - trường nghề); có chính sách khuyến khích việc học suốt đời cho công nhân. Cần có quỹ quốc gia hỗ trợ đào tạo lại cho người lao động, đặc biệt ở các ngành có nguy cơ mất việc do tự động hóa.
Nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần
Trong đó đặc biệt quan tâm đảm bảo tiền lương đủ sống cho công nhân, có chính sách tạo điều kiện cho công nhân thực sự được tiếp cận nhà ở xã hội, được chăm sóc sức khỏe, văn hóa - thể thao tại chỗ… Đây là điều kiện tiên quyết để công nhân yên tâm cống hiến. Cần xem đây là “đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực” chứ không phải là “phúc lợi doanh nghiệp”.
![]() |
Sinh viên thực hành robot tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh: PV. |
Tăng cường vai trò của tổ chức Công đoàn
Công đoàn phải trở thành tổ chức đồng hành với người lao động trong học tập, đổi mới kỹ năng, bảo vệ quyền lợi chính đáng và tham gia xây dựng chính sách. Các chương trình như “Mỗi công nhân một sáng kiến”, “Công nhân số”, “Trường học trong nhà máy”… cần được công đoàn duy trì và nhân rộng.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong công nhân
Tạo điều kiện để công nhân tiếp cận internet tốc độ cao, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, đặc biệt là mở các lớp học nghề online, tạo điều kiện cho công nhân tham gia các diễn đàn lao động trực tuyến… Đây là bước quan trọng để nâng cao “năng lực số” cho công nhân - yếu tố then chốt trong kỷ nguyên mới.
Lịch sử đã chứng minh, mỗi bước tiến của đất nước đều in đậm dấu ấn của người lao động, từ bám trụ nhà máy thời chiến đến làm việc không ngơi nghỉ trong thời bình. Trong giai đoạn “vươn mình” hôm nay, lực lượng công nhân tiếp tục giữ vai trò then chốt: làm chủ công nghệ, vận hành sản xuất hiện đại, và xây dựng một nền kinh tế tự chủ - sáng tạo - bền vững.
Khơi dậy và phát huy tiềm năng to lớn của đội ngũ công nhân, lao động hiện nay, nhất là đội ngũ công nhân trẻ là một giải pháp vô cùng quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực. Cùng với sự nỗ lực tự thân của người công nhân, các cơ chế, chính sách cần thiết, kịp thời của nhà nước; sự tham gia tích cực của các đoàn thể xã hội, trong đó có công đoàn, sẽ tạo điều kiện để người công nhân học tập, rèn luyện, trở thành những người có trình độ, tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Tin mới hơn

Hỗ trợ 800.000 đồng/tháng cho giáo viên mầm non tại khu công nghiệp

Siết chặt xử lý chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Khi “đất lửa” thành “đất lành”
Tin tức khác

Những người thắp lửa niềm tin từ đôi tay lao động và trái tim nhân ái

Học để làm chủ công việc, làm chủ cuộc đời

Văn hóa công nhân với nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Công nhân Việt Nam và hành trình không nghỉ

Học để hoàn thiện nhân cách, làm giàu trí tuệ
