
Những đôi “tay vàng” tạo nên “bước chân thế giới” |
Những “chiến sĩ sản xuất” giản dị và phi thường
Buổi sáng đầu tuần ở Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (phường Bình Hòa, TP.Thuận An), dây chuyền sản xuất hiện đại đang vận hành với nhiều thiết bị, máy may tự động. Trong nhà ăn ca, thay vì tiếng ồn ào, công nhân đang quét mã QR để chọn món theo suất ăn cá nhân hóa…
Ít ai biết rằng, 50 năm trước, những ngày đầu sau giải phóng, ở khắp các nhà máy xí nghiệp khu vực miền Đông Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng, đâu đâu cũng là cảnh công nhân nai lưng lao động giữa bộn bề thiếu thốn. Máy móc để lại từ chế độ cũ phần lớn đã hư hỏng, linh kiện không có, điện chập chờn, nhiều nơi còn phải quay lại phương thức thủ công. Những đôi tay chai sần gồng gánh từng bao nguyên liệu nặng trĩu, xô từng thùng nước, quay từng chiếc máy cán bằng sức người. Quần áo công nhân không đồng phục, người thì mặc áo lính cũ, người quấn khăn rằn, chân đi dép cao su tự làm từ vỏ xe.
Ở phân xưởng sơ chế mủ cao su, mùi khét của mủ chín trộn lẫn mồ hôi người tạo thành một thứ không khí đặc quánh. Công nhân làm việc suốt 8–10 tiếng mỗi ngày, nhiều hôm còn tăng ca đến tối muộn chỉ với hộp cơm độn sắn, chan nước mắm loãng. Nhưng giữa gian khó, ai cũng giữ trong lòng một niềm vui – được làm chủ chính công việc của mình, được xây dựng lại đất nước từ đôi tay lam lũ.
![]() |
Công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ tìm hiểu cách sử dụng thiết bị mới. Ảnh: Trần Phác - TTXVN |
"Hồi đó, mình làm bằng tay là chính. Cái gì cũng tự mày mò, đạp xe hơn 10 cây số tới xí nghiệp, lương chỉ vừa đủ nuôi gia đình 4 miệng ăn… nhưng mà vui, vì làm cho đất nước vừa giải phóng," ông Phan Văn Thành (76 tuổi, cựu công nhân ở Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) nhớ lại.
Theo ông Thành, thời kỳ đầu, toàn bộ xưởng sản xuất là máy móc cũ kỹ từ thời chế độ cũ để lại, thiếu linh kiện, không có phụ tùng thay thế. Công nhân thì đa số là người trẻ, ít kinh nghiệm, chưa qua đào tạo bài bản nhưng lòng nhiệt huyết thì luôn rực cháy.
“Công nhân tụi tôi thời đó quen gọi nhau là 'chiến sĩ sản xuất'. Lúc làm việc thì cật lực, lúc tan ca thì học chính trị, học kỹ thuật, chia sẻ cơm hộp trong tiếng cười. Có khi cả tháng không mua nổi đôi dép mới, nhưng ai cũng tự hào mình đang góp phần dựng lại đất nước,” ông Thành nói, mắt ánh lên niềm vui ký ức.
Cũng trong thời kỳ bao cấp ấy, công đoàn đóng vai trò như "người anh cả". Ngoài chăm lo phân phối tem phiếu, nhu yếu phẩm, công đoàn còn là nơi gắn kết tinh thần tập thể, tổ chức văn nghệ, thể thao, giúp người lao động xóa mù chữ, học nghề.
Còn cụ ông Phan Đăng Hữu, năm nay đã 86 tuổi (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) vẫn giữ nếp sống giản dị, chỉn chu như thuở còn làm công nhân kỹ thuật tại Nhà máy Nước giải khát Cần Thơ. Ông Hữu là bộ đội kháng chiến, sau giải phóng, ông là một trong những người đầu tiên tiếp quản và vận hành cơ sở sản xuất nước ngọt cũ.
![]() |
50 năm sau ngày thống nhất đất nước, nền công nghiệp Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, làm chủ công nghệ sản xuất. Ảnh: N.T.T |
“Khi nhà máy được tiếp quản, anh em chúng tôi tình nguyện ở lại, làm việc ngày đêm để vận hành lại dây chuyền, khôi phục sản xuất phục vụ miền Tây”. Vậy là ông gắn bó với nhà máy hơn ba thập niên, trong cương vị Đội trưởng đội bảo vệ kiêm Trưởng phòng Tổ chức nhà máy.
Thời gian trải qua đủ giai đoạn: Từ làm nước ngọt bằng đường tán, đóng chai thủy tinh, đến lúc có dây chuyền bán tự động. Những năm 1980, nhà máy là nơi cung ứng nước giải khát chính cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. “Cực lắm, mà vui. Hồi ấy làm ca kíp, mỗi chai nước xuất xưởng là bao mồ hôi công nhân đổ vào”.
Thế hệ chuyển mình: Kỹ năng số – “chiếc hộ chiếu” vào tương lai
Năm 1986, công cuộc Đổi mới được khởi xướng – đánh dấu bước ngoặt lớn trong nền kinh tế và đời sống công nhân. Từ nền sản xuất bao cấp, doanh nghiệp bắt đầu cơ chế tự chủ. Các nhà máy quốc doanh buộc phải cạnh tranh với khối tư nhân, liên doanh nước ngoài.
Ông Hữu nhớ lại: “Thời kỳ ấy khó khăn lắm. Có người phải nghỉ việc vì xí nghiệp cắt giảm biên chế, có người chuyển sang buôn bán nhỏ. Nhưng nhờ thế mà công nhân cũng bắt đầu học hỏi thêm nghề, cập nhật kỹ năng”.
Thập niên 1990 – đầu 2000, tại các vùng ven TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, hàng trăm khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên. Một lớp công nhân mới – trẻ hơn, năng động hơn – bắt đầu xuất hiện. Không còn gắn bó trọn đời với một nhà máy, công nhân giờ đây linh hoạt hơn, chọn công việc tốt hơn, lương cao hơn.
![]() |
LĐLĐ TP. HCM trao giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2024 cho 15 tấm gương tiêu biểu, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và đất nước. Ảnh: P.V |
Cùng lúc, tổ chức Công đoàn cũng buộc phải chuyển mình. Không chỉ chăm lo đời sống, công đoàn bắt đầu tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng, tư vấn pháp luật lao động, đại diện thương lượng với chủ doanh nghiệp. Những “thỏa ước lao động tập thể” đầu tiên ra đời trong bối cảnh kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ.
Kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu diễn ra, sự thay đổi trong cách thức sản xuất đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực. Các doanh nghiệp không chỉ chuyển mình từ sản xuất thủ công sang tự động hóa, mà còn tích hợp những công nghệ thông minh như AI, robot, dữ liệu lớn và Internet vạn vật (IoT) vào quy trình. Những thay đổi này đẩy nhanh tốc độ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu sai sót và chi phí.
Tuy nhiên, sự chuyển đổi này không chỉ diễn ra ở cấp quản lý, mà chính đội ngũ công nhân cũng đã phải thích nghi, học hỏi và sáng tạo. Công nhân thế hệ 4.0 không chỉ làm việc với máy móc, mà còn trở thành những người sáng tạo, đóng góp trực tiếp vào việc cải tiến quy trình sản xuất. Chính nhờ vào những sáng kiến của công nhân, nhiều doanh nghiệp đã tăng trưởng mạnh mẽ, gia tăng hiệu suất và trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường.
Anh Nguyễn Hồng Thái (công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) là một trong những điển hình như vậy.
Điểm nổi bật ở anh Thái là sự nỗ lực, tận tậm trong công việc, nhất là tích cực phát huy tinh thần sáng kiến, sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Thời điểm mới vào công ty, anh được bố trí làm công nhân trực tiếp sản xuất. Nhờ làm việc chăm chỉ, với tư duy sáng tạo, chỉ hơn 3 tháng sau đó, anh được chuyển qua bộ phận Modernization-Electric, bộ phận sáng kiến, cải tiến của công ty.
![]() |
Hành trình của công nhân Việt Nam chưa bao giờ dừng lại. Họ đang bước những bước dài hơn, vững chãi hơn trên bản đồ lao động toàn cầu – không chỉ để mưu sinh, mà để khẳng định vị thế của trí tuệ, của bản lĩnh và khát vọng vươn xa trong kỷ nguyên hội nhập. Ảnh: Anh Châu |
Theo anh Thái, mỗi một sáng kiến thường mất khá nhiều thời gian, từ việc khảo sát, lên ý tưởng, đến thiết kế phần cơ khí, điện, viết chương trình. Thế nhưng, chỉ hơn 3 năm kể từ khi chuyển qua vị trí mới, anh công nhân 25 tuổi này đã cho ra đời 10 sáng kiến phục vụ hiệu quả cho quá trình sản xuất tại xưởng máy.
Một trong số đó là sáng kiến máy định vị chi tiết, giúp tiết kiệm thời gian làm việc của công nhân, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trước đây công nhân thường đánh dấu vị trí may chi tiết trên chiếc giày bằng việc dùng bút gạch một cách thủ công. Điều này thường mất nhiều thời gian, nhiều khi độ chính xác không đảm bảo tuyệt đối, dẫn đến sản phẩm có thể bị lỗi.
Sau hơn một tháng mày mò nghiên cứu, qua nhiều khâu, anh Thái đã hoàn thiện sáng kiến nói trên và đưa vào áp dụng thực tiễn cho hiệu quả cao. Theo đó, sau khi có máy định vị, công nhân chỉ cần bỏ chi tiết vào máy này, máy sẽ tự động định vị chính xác, nhanh chóng vị trí cần đánh dấu may trên chiếc giày. Từ đó giúp tiết kiệm thời gian, tăng chất lượng sản phẩm.
Hay mới đây, từ thực tế công việc phun keo còn thủ công mất khá nhiều thời gian và ít nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân, anh Thái đã mày mò thực hiện sáng kiến máy phun keo tự động. Theo thiết kế, công nhân chỉ cần bỏ chi tiết vào máy, máy sẽ tự động phun keo, quá trình thực hiện công việc nhanh hơn, công nhân ít tiếp xúc với keo, giúp an toàn hơn cho sức khỏe.
Còn nhiều và rất nhiều những công nhân như anh Thái. Họ không chỉ đang đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp mà còn tạo nên những thay đổi lớn lao trong cách thức làm việc của lực lượng lao động. Họ chính là những tấm gương tiêu biểu cho công nhân thế hệ 4.0 – những người không chỉ làm việc mà còn sáng tạo, góp phần đưa nền sản xuất Việt Nam tiến xa hơn trong kỷ nguyên công nghệ số.
“Sự khác biệt lớn nhất giữa công nhân thời bao cấp và công nhân thời đại số – chính là tư duy chủ động. Họ không còn “chờ giao việc”, mà chủ động học nghề, học công nghệ, học tiếng Anh để nắm bắt cơ hội vươn lên. Nhiều người đã trở thành tổ trưởng kỹ thuật, thậm chí kỹ sư thực hành sau vài năm làm việc và học nâng cao”, đồng chí Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Đồng Nai) đánh giá.
Câu chuyện của ông Hữu hay ông Thành – người công nhân già nặng lòng với những buổi sáng đạp xe đi làm trong thời bao cấp – và của anh Thái – chàng công nhân thế hệ mới thành thạo công nghệ tự động hóa – như một lát cắt của chặng đường dài 50 năm. Một bên là giai đoạn kiến thiết đất nước sau chiến tranh, một bên là thời kỳ hội nhập toàn cầu và cách mạng công nghiệp 4.0.
Giờ đây, lớp công nhân trẻ không còn tự ti trước máy móc hiện đại. Họ làm chủ công nghệ, biết bảo vệ quyền lợi chính đáng, và quan trọng hơn, mang trong mình tinh thần của cha ông: “cần cù, kỷ luật, trách nhiệm”.
Từ những xưởng may cũ kỹ đến những nhà máy thông minh, từ bàn tay thủ công đến thao tác kỹ thuật số, hành trình của công nhân Việt Nam chưa bao giờ dừng lại. Họ đang bước những bước dài hơn, vững chãi hơn trên bản đồ lao động toàn cầu – không chỉ để mưu sinh, mà để khẳng định vị thế của trí tuệ, của bản lĩnh và khát vọng vươn xa trong kỷ nguyên hội nhập.
Tin mới hơn

Học để làm chủ công việc, làm chủ cuộc đời

Đội ngũ công nhân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Văn hóa công nhân với nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Tin tức khác

Học để hoàn thiện nhân cách, làm giàu trí tuệ

Những cơ hội học tập “trong tầm tay” cho công nhân thời đại mới

Luật BHXH 2024: An sinh không dừng lại ở người lao động

Học để không bị bỏ lại phía sau

Luật BHXH 2024: "Neo giữ" người lao động có kinh nghiệm
