Hiểu về tiền để “làm chủ” tài chính và quản lý tốt hơn
Kinh tế - Xã hội - 09/04/2024 09:00 Đình Toàn
Học sinh Trường Tiểu học Thủy Biều hào hứng tham gia Chương trình "Hiểu về tài chính" - Ảnh: Huyền Vi |
Tiết kiệm, bài học từ con trẻ
Ngoài 60 tuổi, ông Mai Văn Sỏi - cựu công nhân Nhà máy Xi măng Long Thọ (TP. Huế) hằng ngày đưa đón các cháu đi học. Mỗi khi lũ trẻ xin tiền mua đồ ăn, nước uống ngoài cổng trường, ông lại phải giải thích để chúng hiểu những lợi ích và tác hại của quà vặt. Dần dần, chúng ngoan ngoãn, ít đòi quà hơn.
“Đứa nhỏ học qua đứa lớn, lâu dần thành quen, thành cái nếp trong nhà. Mình không phải khắt khe, hà tiện với chúng nó, nhưng mình phải dạy cho chúng biết sử dụng đồng tiền ngay từ nhỏ. Lớn lên nó sẽ ý thức được việc thứ gì cần mua, thứ gì không cần, nhất là trong hoàn cảnh gia đình chẳng mấy khá giả gì. Con người ta dù nghèo nhưng phải làm chủ đồng tiền, đừng để đồng tiền làm chủ bản thân mà hỏng”, ông Sỏi chia sẻ.
Ông Sỏi là một trong nhiều ông bà, phụ huynh tham dự Chương trình Giáo dục tài chính “Hiểu biết về tài chính” do Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức tại Trường Tiểu học Thủy Biều. Sự kiện thu hút gần 700 học sinh, phần lớn là con em nông dân, công nhân, người lao động tự do.
Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn Trần Duy Phương (bìa trái) và Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thủy Biều trao thưởng cho đội đoạt giải nhất. Ảnh: Đình Toàn |
Ngô Tuấn Kiệt, học sinh lớp 2/1 Trường Tiểu học Thủy Biều cho biết mỗi ngày em được ba mẹ cho 15 ngàn đồng để ăn sáng nhưng có khi chỉ mua hết 2/3, số còn dư Kiệt mua bút, đồ dùng học tập. Cậu còn “nuôi” một chú heo đất, trong đó có nhiều tiền để dành từ tiền lì xì trong dịp Tết nhưng chưa từng có ý định "mổ" heo để mua quà vặt.
"Cháu để dành đến khi nào lên lớp lớn mới xin ba mẹ mổ heo để mua sách vở, bút...", Ngô Tuấn Kiệt cười nói.
Ban tổ chức và thầy cô giáo trao thưởng động viên các em học sinh tham gia chương trình tại Trường Tiểu học Thủy Biều. Ảnh: Đình Toàn |
Cô bé Bảo Hân, học lớp 3/4 cho biết có khoảng 2 triệu đồng trong heo đất sau đợt lì xì Tết vừa qua. Bảo Hân nói em ít khi quan tâm việc này vì ba mẹ quản lý "con heo". Em cũng rất ít khi được ba mẹ cho tiền.
“Ba mẹ cháu biểu tuổi nhỏ mà mang theo nhiều tiền bên mình, hoặc tiêu tiền nhiều là không tốt bởi vì tụi cháu chưa làm ra được tiền. Khi nào cháu cần mua một số đồ chơi, kẹp tóc thì cháu xin ba mẹ, nếu ba mẹ không cho thì cháu hơi buồn thôi”, Bảo Hân cười.
Cô Kim Yến (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) chia sẻ những thông tin, kiến thức về tiền - tài chính với hàng trăm em học sinh, phụ huynh ở phường Thủy Biều, TP.Huế. Ảnh: Đình Toàn |
Chia sẻ của những học sinh nhí vùng ven đô TP. Huế như Tuấn Kiệt, Bảo Hân, rõ ràng cho thấy đã có một sự ý thức tốt từ giáo dục tài chính của gia đình. Điều này chưa hẳn xảy ra với nhiều đứa trẻ khác, ở những hoàn cảnh gia đình khác. Chúng ta đã gặp quá nhiều đứa trẻ đã “làm quen” với sự xa xỉ và nuông chiều vật chất ngay từ nhỏ. Đồ chơi phải là loại đắt đỏ, buổi sáng ngoài việc đảm bảo đủ đầy dưỡng chất cho bữa ăn, bố mẹ, ông bà “không quên” nhét vào balo ít tiền lẻ cho con, cháu lên trường ăn vặt. Số “tiền lẻ” tùy gia cảnh mà có thể 10 - 15 ngàn, thậm chí vài chục ngàn đồng. Sự đủ đầy kèm theo phung phí và thiếu kiểm soát dẫn đến những hệ lụy khôn lường sau này, nhất là hình thành thói quen dễ dãi với việc tiêu tiền.
Ở một lứa tuổi cao hơn hai bạn học sinh nói trên, em Thanh Nguyên, lớp 5/1, nói rằng tiền chính là thành quả của sức lao động của bố mẹ, ông bà. Em nói tiết kiệm và chi tiêu hợp lý đồng tiền, chính là trân quý thành quả lao động ấy. Nguyên nói tiết kiệm về tiền bạc giản đơn là các hành động như “tắt quạt, tivi, điều hòa khi ra khỏi phòng, vặn chặt van nước khi sử dụng xong”. Theo cậu bé, những điều đó tạo thành thói quen hằng ngày giúp chúng ta tiết kiệm.
Các cô giáo Trường Tiểu học Thủy Biều, TP.Huế tham gia biểu diễn văn nghệ trong chương trình. Ảnh: Đình Toàn |
“Tiết kiệm giữ lại một phần thu nhập cho mục đích trong tương lai, người biết tiết kiệm là người có thể cân đối, chi tiêu có tính toán, qua đó giúp chúng ta sử dụng tiền hợp lý, hiệu quả. Đặc biệt, tiết kiệm sẽ là cách trân quý giá trị sức lao động, đưa các em đến chạm gần ước mơ hơn. Muốn được đi du lịch, mua sắm đồ dùng học tập, giúp đỡ người khó khăn, nhưng nếu không có tiền thì khó làm được”, Nguyên nói.
Ông Dương Hồng Thắng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thủy Biều, chia sẻ: “Chương trình giáo dục tài chính như thế này thực sự rất có ích cho thầy trò nhà trường chúng tôi. Các em không chỉ học, bổ sung được một lượng kiến thức về tài chính rất hữu ích, mà qua cuộc thi chính người thầy như chúng tôi cũng được các em chia sẻ suy nghĩ của mình, truyền thông ngược lại các suy nghĩ, tâm sự của các em”.
Cảnh báo “sập hố” tín dụng đen
Nếu câu chuyện hiểu biết về tiền, về tài chính được các em học sinh tiểu học Thủy Biều thể hiện và bộc bạch một cách hồn nhiên nhưng đầy lý thú, thì các bạn sinh viên của Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế lại thể hiện một cách có trí tuệ, sâu sắc và đa chiều hơn.
Tại Cuộc thi “Hiểu biết về tài chính”, các bạn sinh viên cho thấy những hiểu biết sâu hơn về tài chính, những kiến thức, kinh nghiệm trong quản lý tài chính rất thú vị. Không chỉ là ở những trường lý thuyết về tài chính mà những va chạm, va vấp thực tế đã khiến các bạn đưa ra nhiều nhận định, nhiều lập luận thú vị trong các phần thi về kiến thức tài chính, về hùng biện, về tình huống mà ban tổ chức nêu ra.
Sinh viên Trường ĐH Khoa học – ĐH Huế thể hiện những kiến thức, hiểu biết về tài chính, ngân hàng. Ảnh: Trường Sơn |
Cả hội trường A1 Trường Đại học Khoa học - ĐH Huế với sức chứa 400 người chật kín từ đầu cuộc thi đến cuối cuộc thi luôn sôi nổi với những tranh luận, phản biện chung quanh các quan điểm về chi tiêu, đầu tư của không chỉ với các đội tham gia thi mà với các bạn dự khán.
Chẳng hạn như nếu bạn có 100 triệu đồng tiền nhàn rỗi, được bố mẹ cho, thì có nên đầu tư kinh doanh khi vẫn đang còn là sinh viên hay không? Tình huống này hẳn nhiên không phải là câu trả lời “yes or no” mà là một trường lập luận với những kiến thức, sự am hiểu về tài chính, về kinh tế học lẫn xã hội học. Điểm chung được các bạn đồng tình trong trường hợp này là nếu đầu tư hẳn phải có những kỹ năng về quản lý tài chính, có một kế hoạch kinh doanh rõ ràng, có lộ trình về sinh lợi, hiệu quả; tránh kinh doanh mạo hiểm, thiếu sự chắc chắn.
Hay như tình huống có nên vay tiền để đi học hay không ở năm cuối cấp 3 khi mà gia đình khó khăn về kinh tế? Đây cũng là chủ đề rất được sinh viên chia sẻ, tranh luận, nhất là khi có quan điểm đại học không phải là con đường duy nhất để thành công.
Ban tổ chức trao thưởng cho đội Khoa Báo chí - truyền thông, Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế sau khi đoạt giải nhất cuộc thi Ảnh: Trường Sơn |
Có lẽ rất nhiều người đã trải qua thời kỳ sinh viên và “tâm trạng” đầu tháng vui, cuối tháng buồn là chuyện thường xảy ra. Không chỉ vậy, với nhiều bạn nam sinh viên, nợ nần từ tiền trọ đến tiền ăn, tiền tiêu không phải là điều gì quá xa lạ. Đây là câu chuyện gần như muôn thủa đối với sinh viên, nhất là sinh viên xa nhà. Chi tiêu thiếu tiết kiệm, thiếu tính toán hợp lý dẫn đến mất kiểm soát bản thân rồi từ đó “sụp hố” tín dụng đen. Đây cũng chính là trăn trở và cảnh báo từ một số tình huống mà các bạn sinh viên Trường Đại học Khoa học Huế nêu ra.
Không ít sinh viên dính vào vòng xoáy nợ nần sau khi đăng ký nhưng không quản lý hợp lý thẻ ghi nợ của một số kênh tài chính cho vay tiêu dùng. Đây chính là thực trạng xảy ra tại rất nhiều trường đại học hiện nay và nếu không có những hiểu biết về tài chính, sự tư vấn kịp thời của người lớn, người thân thì việc sa ngã là điều khó tránh khỏi.
Ban tổ chức, đại biểu, các nhà tài trợ chụp hình lưu niệm với các đội tham gia cuộc thi tại Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế. Ảnh: Trường Sơn |
Thật may mắn trong nhiều trường hợp ở Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế mà chúng tôi chuyện trò, họ khá chủ động trong chi tiêu, làm chủ nguồn “tài chính sinh viên”. Thậm chí có nhiều bạn không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn tiền chu cấp từ ba mẹ mà tự đi làm thêm để kiếm tiền trang trải học tập, như Tố Nguyên, nữ sinh viên Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Huế là một ví dụ. Nguyên là sinh viên ngoại tỉnh, trọ học ở Huế và hiện đi làm thêm vào buổi tối ở một quán cà phê. Với mỗi tháng ba mẹ cho 2 triệu đồng, Nguyên cũng đã đảm bảo được chi tiêu cho tiền ăn, tiền trọ, tiền sinh hoạt phí. 2 triệu đồng mỗi tháng cũng là khoản tiền bố mẹ dành cho nhiều bạn sinh viên khác và nếu không quản lý tốt về chi tiêu, việc thâm hụt là điều rất dễ xảy ra.
“So với các bạn nam, tụi em là nữ nên tính toán có kỹ lưỡng hơn, chi tiêu cũng chi tiết hơn. Các bạn nam thường tiêu nhiều hơn vì họ phóng khoáng. Nhưng ai rồi cũng cần có một kế hoạch quản lý tiền của mình, nếu không thì bị hụt, bị thiếu là chắc chắn”, Nguyên nói.
Trong khi đó em Hoàng Minh Tiến, bạn cùng lớp với Tố Nguyên thì có một kế hoạch quản lý “tài chính sinh viên” có lẽ không nhiều bạn làm được. Từ khoản tiền chu cấp mỗi tháng 2 – 2,5 triệu đồng, Tiến đã dành ra mỗi ngày một ít để “bỏ heo” tiết kiệm. Tiến giải thích hằng ngày thay vì dành một ít tiền dự định tiêu, mua thứ gì đó nhưng không mua thì Tiến lại bỏ số tiền ấy vào heo đất tiết kiệm. Không chỉ thế, Tiến còn biết “tiết chế cảm xúc” khi lướt xem các mặt hàng trên sàn thương mại điện tử - nơi luôn có những hấp dẫn từ các loại hàng hóa.
“Nhiều lần em lướt qua thấy loại hàng hóa này định đặt mua, nghĩ cần phải tiết kiệm và chưa thật cần thiết để mua nó. Lại thôi, không mua. Chính vì thế tiền ba mẹ cho đối với em rất ít khi thiếu hụt. Thậm chí có dư trong heo đất nữa. Sinh viên tụi em có độ nhạy về tiêu tiền, nhất là con trai. Thấy gì cũng thích mua, thích tiêu. Nếu không có nhiều tiền mà cứ mua thì rất nguy hiểm, nợ nần rồi túng quá lại đi vay tín dụng đen. Lúc ấy lại khổ đến ba mẹ. Nói chung là sinh viên tụi em rất cần có kỹ năng để biết để không rơi vào hố đen của loại tín dụng này”, Tiến nói.
Đông đảo sinh viên Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế tham dự chương trình "Hiểu biết về tài chính". Ảnh: Đình Toàn |
“Lĩnh vực tài chính luôn là một vấn đề nóng và nhận sự quan tâm của đông đảo sinh viên. Đây là một chương trình rất ý nghĩa đối với sinh viên nói chung và sinh viên Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế chúng tôi nói riêng. Qua chương trình này các em đã thể hiện được cảm nghĩ, hiểu biết và nói lên cả tâm tư của mình. Từ đó người thầy như chúng tôi cũng hiểu được các em, chia sẻ với các em và học hỏi ngay với các em. Ngoài ra chương trình cũng mang lại những hiểu biết về lịch sử tiền tệ của thế giới và Việt Nam, những di tích, văn hóa, lịch sử gắn với mệnh giá các loại tiền cũng như những câu chuyện thú vị liên quan. Cùng với đó là những kiến thức về mã QR, OTP, thẻ tín dụng... đều rất bổ ích.”, anh Nguyễn Phong Cảnh - Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Khoa học Huế, chia sẻ.
Truyền thông giáo dục tài chính là một trụ cột quan trọng nhằm triển khai chiến lược tài chính toàn diện của quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có nhiều nỗ lực và được đánh giá cao về giáo dục tài chính thông qua các chương trình truyền thông và cuộc thi “Hiểu biết về Tài chính” do Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức là một trong số các hoạt động đó. Cuộc thi mang những câu chuyện, thông điệp dễ hiểu, gần gũi từ các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đến với các bạn học sinh sinh viên; những phần thi vui nhộn được lồng ghép những nội dung, kiến thức tình huống hiểu biết về tài chính, qua đó giáo dục ứng xử thông minh trong quản lý, sử dụng tài chính khôn khéo... Chương trình tại Huế có sự tham dự của đại diện Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thừa Thiên Huế; lãnh đạo Trường Tiểu học Thủy Biều, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế; đại diện Ngân hàng BIDV; Vietinbank, Ngân hàng Bắc Á, Công ty Tài chính Shinhan Finance... Ngoài các phần quà được trao cho các đội tham dự cuộc thi, chương trình cũng đã dành tặng hàng trăm cuốn sách truyện tranh “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền” của tác giả Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. |
Lương sẽ thay đổi thế nào sau khi thực hiện cải cách theo vị trí việc làm từ 1/7/2024? Theo chính sách cải cách tiền lương, bắt đầu từ 1/7/2024, việc chuyển xếp tiền lương cũ sang lương mới phải phù hợp vị trí ... |
Tiền bắt đầu chảy… Trong vòng một tuần qua, ít nhất 6 ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất trở lại sau gần 1 năm các nhà băng ... |
Đơn phương chấm dứt hợp đồng với cán bộ công đoàn cơ sở, giải quyết thế nào? Người sử dụng lao động không thỏa thuận bằng văn bản với ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 14:42
Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) để giảm thiểu tối đa rủi ro, bảo vệ môi trường và tài sản.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 11:30
Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới
Trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường địa ốc Đà Nẵng năm 2024, ghi nhận dấu ấn và vai trò lực đẩy của những tổ hợp bất động sản đẳng cấp ven sông Hàn với quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích cao cấp theo mô hình “all-in-one” tiên phong.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 10:00
VietinBank tăng trưởng CASA, tối ưu hóa nguồn vốn huy động và góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh
Các giải pháp mang tính chiến lược này đã giúp VietinBank không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng biểu tượng CASA mà còn tiết giảm chi phí vốn (COF), cải thiện biên lợi nhuận (NIM), và khẳng định vị trí tiên phong trong lĩnh vực lĩnh vực thanh toán số hiện đại.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 21:00
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ được thực hiện thông qua ứng dụng VNeID (tài khoản định danh điện từ) cài đặt trên điện thoại di động.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 20:00
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy, do đâu?
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy không phải hiếm gặp. Nguyên nhân do đâu, cách xử lý như thế nào, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
- Anh Nguyễn Thành Nhân - 25 năm gắn bó với Trường THPT Ngô Gia Tự
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, người lao động có thể tự ngừng đóng để nhận trợ cấp?
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định