Gương sáng ngành Điện: "Phái yếu" làm nghề... "phái mạnh"
Công đoàn - 21/11/2019 18:35 Duyên Hải
Chị Lê Thị Kim Chi đang giám sát trực phụ đo kiểm tra định kỳ hệ thống ắc quy một chiều |
Khi “phái yếu” làm nghề… “phái mạnh”
Các chị đều là những tấm gương sáng ngành Điện, bởi công việc của các chị không mấy người "chân yếu tay mềm" làm được. Đó là công việc quản lý và vận hành các thiết bị trong trạm biến áp truyền tải điện, nhất là máy biến áp nhằm cung cấp điện cho các điện lực địa phương, phân phối đến từng cơ sở sản xuất, hộ tiêu dùng.
Hàng ngày, phải theo dõi các thông số vận hành của thiết bị, kiểm tra thiết bị, hàng giờ cập nhật thông số để báo cáo, ghi chép sổ sách. Thực hiện thao tác “đóng, cắt” điện đột xuất hoặc theo kế hoạch của điều độ Điện lực và của Trung tâm điều độ miền. Trường hợp xảy ra sự cố, người trực ca phải trực tiếp kiểm tra xử lý. Mưa bão thì tham gia trực tăng cường tại trạm. Ngoài ra, vệ sinh công nghiệp, phòng cháy chữa cháy…
Công việc ấy, với nam giới đã vất vả, với chị em càng thêm bội phần.
Chị Vũ Thị Ngọc Thương đã gắn bó gần 10 năm với Trạm 500kV Quảng Ninh bồi hồi kể: “Thời gian đầu đi ca, chưa có kinh nghiệm, tôi cảm thấy trách nhiệm thật nặng nề. Trạm thì ở xa khu dân cư, đi lại khó khăn. Nhìn cần thao tác với những con dao tiếp địa mà thấy như gã khổng lồ! Có lần đi ca đêm, đang ngồi trên ghế mà giật mình ngã ngửa vì tiếng chuông cảnh báo sự cố vang lên”. Và mỗi lần có còi báo, lại là một tình huống khác nhau, đòi hỏi người trực phải có kinh nghiệm, bình tĩnh xử lý.
Chị Vũ Thị Ngọc Thương duyên dáng trong trang phục áo dài tại Hội thi do Công đoàn, Công ty tổ chức |
Thức đêm, độ cao, mưa lũ, tính cấp bách đảm bảo đóng điện sớm nhất khi có sự cố xảy ra luôn là thách thức với tất cả những người “lính truyền tải điện”, nhất là với nữ “tân binh” nhỏ nhắn vừa tốt nghiệp ra trường như trường hợp của chị Phạm Thị Thu Thảo - Trạm 220kV Bảo Thắng (Lào Cai).
Chị chia sẻ: “Năm 2016, trong một lần đi trực ca đêm thì xuất hiện mưa đá, gió thổi rất lớn, sự cố xảy ra. Bóng tối bao trùm tất cả. Tim đập thình thịch. Lúc đó, chỉ có một anh trực chính và mình trong trạm. Hít một hơi thật sâu lấy lại bình tĩnh, hai anh em lao vào xử lý sự cố. Khó khăn chồng chất khi sự cố thứ nhất chưa xong thì tiếng còi sự cố thứ hai, thứ ba vang lên liên tiếp, dồn dập khiến hai anh em tối mắt tối mũi, vừa lo không để nước tràn vào trạm, vừa lo báo cáo, nhận xử lý thông tin. Đến lúc khắc phục xong các sự cố thì trời cũng gần sáng, hai anh em người ướt nhẹp, đẫm mồ hôi nhưng thở phào nhẹ nhõm”.
Chị Phạm Thị Thu Thảo đang chốt chỉ số công tơ. |
Đã 25 năm công tác trong ngành Điện, chị Nguyễn Thị Bích Liên - Trạm 220kV Mai Động vẫn nhớ những kỷ niệm “để đời”: năm 1996 lần đầu trực bão. “…01h30, cơn bão ập đến, dù đã huy động tất cả anh em để trực chống bão nhưng sức của cơn bão quá mạnh đã gây thiệt hại rất lớn. Mất điện toàn trạm. Nhiều thiết bị trong trạm bị hư hỏng nặng. Trắng đêm anh em trong trạm căng mình đối phó với mưa bão, với sự cố, quên ăn, quên nghỉ, đến 13h hôm sau mới khôi phục được điện cho Trạm…”
Đôi tay thô ráp, chai sạn, da sạm, mắt quầng thâm, chị Lê Thị Kim Chi - người đã có gần 20 năm gắn bó với Trạm 220kV Phố Nối - Truyền tải điện Hà Nội kể “Lúc mới vào nghề, do chưa quen cầm kìm, tô vít nên nhiều lần làm việc xong, hai bàn tay phồng rộp lên, đau rát, về nhà cầm đũa cũng khó! Năm 2012, Trạm thực hiện công việc hoàn công theo quy định. Đúng dịp đỉnh điểm nắng nóng mùa hè. Mình và một chị nữa căng bạt tại các tủ đấu dây ngoài trời để kiểm tra mạch hoàn công. Sau khi kết thúc hai chị em nhìn nhau tủm tỉm cười, không nhận ra nổi mình vì quá đen do cháy nắng…”.
Theo nghề này phải không sợ độ cao. Phải trèo cao lau sứ, kiểm tra đầu cốt, máy cắt, dao cách ly, tỉ mỉ chăm chút từng thiết bị khi trạm có sự cố hay đến kỳ vệ sinh bảo dưỡng. Trong thời tiết khắc nghiệt lúc nóng rát người, lúc lạnh “cắt da, cắt thịt”, leo lên càng cao càng cảm thấy tức ngực, khó thở, nhìn xuống đất thấy mọi thứ bé tẹo, cảm giác chóng mặt, xây xẩm mặt mày, các chị đã phải chế ngự cảm giác sợ hãi, tập trung vào công việc để hoàn thành nhiệm vụ.
Chị Nguyễn Thị Bích Liên trong một ca trực đêm |
Giờ đây, các chị đã trở thành những kỹ thuật viên, trực chính lành nghề, đầy bản lĩnh, làm chủ máy móc, công nghệ hiện đại. Chị Lê Thị Kim Chi giờ đã là Trạm phó phụ trách Trạm 220kV Phố Nối chững chạc, giàu kinh nghiệm. Các chị đã tự mày mò nghiên cứu, học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để chỉ cần “Nhìn - Nghe - Ngửi” qua các thiết bị là đã “bắt bệnh”, khám chữa kịp thời. Chị Vũ Thị Ngọc Thương đã quen với công việc, quen với dao cách ly, con số dòng, áp, với sơ đồ nhất thứ, phương thức, cảm thấy Trạm như ngôi nhà thứ hai của mình…
Chị Nguyễn Thị Bích Liên (đứng giữa) - nữ ATVSV giỏi tiêu biểu duy nhất trong ngành Điện được tôn vinh tại Lễ biểu dương CNLĐ giỏi, ATVSV giỏi cấp EVN giai đoạn 2014 - 2016 |
Để chồng bồng con trong đêm
Trong công việc thì bản lĩnh, mạnh mẽ, quyết đoán. Để dòng điện luôn được vận hành an toàn, liên tục, ổn định, một số chị em nuôi con nhỏ, đêm xuống, lại loay hoay tìm cách dứt khỏi con để chuẩn bị vào ca. Hình ảnh chồng bồng con trong đêm đông lạnh giá, mang theo tâm tư thật khó gọi tên!
Nhiều chị lặng lẽ gạt nước mắt khi mâm cơm đêm 30 Tết không được vui vầy bên gia đình, khi con thơ níu áo đòi mẹ. Một số chị còn “bị oan” khi bố mẹ chồng hồi đầu nghĩ con dâu trốn việc nhà đến cơ quan!
Nhưng bằng sự chịu thương, chịu khó, “mưa lâu thấm dần”, các chị đã nhận được sự cảm thông, chia sẻ, hỗ trợ, động viên rất nhiều từ hậu phương, gia đình và đặc biệt là chồng, con. Các cháu con các chị đều rất ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ, ông bà, là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần lớn cho các chị.
Các chị người ít thì vài ba năm, người lâu thì hơn 20 năm gắn bó với trạm biến áp. Theo các chị, càng làm càng thấy yêu nghề và hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của ngành Điện, của công việc trực vận hành trạm biến áp hơn. Với các chị, niềm hạnh phúc đâu chỉ là được nhận những bằng khen, giấy khen, danh hiệu thi đua mà đơn giản là được ngắm ánh trăng lấp ló sau các trụ điện, nghe những “bản giao hưởng” từ tiếng côn trùng hòa với tiếng máy “ro ro”, thoang thoảng mùi cây cỏ xanh tươi trong trạm, cảm giác thật thư thái, yên bình!
Các chị đã tô đẹp thêm truyền thống phụ nữ ngành Điện “Năng động, Sáng tạo, Tự tin và Trách nhiệm”.
Chị Vũ Thị Ngọc Thương đang thử hết điện |
Gương sáng ngành Điện: Nguyễn Xuân Việt - Người giữ ánh sáng Gần nửa cuộc đời làm công nhân ngành Điện, ông Nguyễn Xuân Việt (Công ty Dịch vụ sửa chữa các Nhà máy điện EVNGENCO 3) ... |
Chương trình “Đồng hành cùng giáo viên vượt khó” đã hỗ trợ cho 6 giáo viên Chính thức ghi hình từ 4/11/2019, Chương trình “Đồng hành cùng giáo viên vượt khó” đã hỗ trợ 180 triệu đồng cho các thầy cô ... |
Nhà bị cháy, người lao động được Công đoàn hỗ trợ kịp thời Mới đây, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp với Công đoàn Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội thăm hỏi, ... |
Tin cùng chuyên mục
Hoạt động Công đoàn - 22/11/2024 18:44
Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
Với hơn một thập kỷ gắn bó với Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Bắc Trung Bộ - MICCO, anh Bùi Công Quyền đã trở thành một phần không thể thiếu của đội ngũ lái xe. Nhưng phía sau tay lái ấy là một người đàn ông với những trăn trở, khát vọng vượt xa khỏi công việc hằng ngày.
Hoạt động Công đoàn - 22/11/2024 16:11
Công đoàn góp sức xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, các cấp Công đoàn tỉnh Long An đã tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực, góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc…
Hoạt động Công đoàn - 22/11/2024 08:44
Hành trình lấy lại niềm tin sống của cô giáo mắc bệnh trầm cảm sau sinh
Căn bệnh trầm cảm sau sinh đã biến tôi từ con người năng động, lạc quan trở thành người sống khép kín, đầy sợ hãi. Tình thương ấm áp, bao dung như người mẹ của cô Huỳnh Lan Phương, nguyên Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Phan Văn Trị (phường 07, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) đã giúp tôi có một sự sống mới.
Diễn đàn Lao động - Công đoàn - 22/11/2024 06:03
06 cách giúp công nhân lao động thêm việc thêm tiền
Bên cạnh tăng ca hay làm thêm ca đêm, thậm chí tìm thêm các công việc phụ khác thì những cách hay được chia sẻ ngay sau đây có thể sẽ là mách nước tuyệt vời để các bạn công nhân lao động tăng thêm thu nhập.
Hoạt động Công đoàn - 21/11/2024 13:42
Cô giáo mầm non vượt qua nỗi đau bệnh tật để hướng tới tương lai
Cô giáo Vũ Thị Tú - Trường Mầm non Kiều Mai (phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một giáo viên yêu nghề, một công đoàn viên đầy nghị lực. Cô đã vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, vẫn hằng ngày vừa công tác, chăm lo cuộc sống gia đình và tiếp tục chống chọi với bệnh tật. Song hành với những tháng ngày đầy gian nan đó, công đoàn trường luôn bên cạnh quan tâm, giúp đỡ cô.
Hoạt động Công đoàn - 21/11/2024 06:38
Nghĩa tình keo sơn ở Công đoàn Chi nhánh Xăng dầu Hà Nội
Anh Trịnh Xuân Dũng - công nhân bán lẻ xăng dầu tại Petrolimex - Cửa hàng 83 - Chi nhánh Xăng dầu Hà Nội (Công ty Xăng dầu khu vực I - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) là một tấm gương yêu ngành, yêu nghề và nghị lực vượt lên số phận. Mỗi khi nghĩ về người đồng nghiệp này, trong tôi lại trào lên một cảm xúc khó tả.
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
- LĐLĐ tỉnh Long An dự chi hơn 40 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán 2025
- Những Mái ấm Công đoàn mang nặng nghĩa tình ở Sóc Trăng