Rất nhiều ý kiến của đoàn viên, người lao động thể hiện sự quan tâm đến công tác phát triển đoàn viên công đoàn. Sự phát triển này không chỉ nhằm tăng số lượng, mà chủ yếu để tập hợp người lao động - nhất là người lao động khu vực phi chính thức, những người yếu thế, thường bị xâm hại về quyền lợi - để công đoàn có cơ sở chăm lo, bảo vệ họ tốt hơn. Các ý kiến của cán bộ công đoàn càng thể hiện rõ tâm huyết, trách nhiệm của họ - với tư cách là người đại diện của người lao động - mong mỏi Luật Công đoàn sửa đổi tạo hành lang pháp lý thuận lợi để tổ chức Công đoàn phát triển mạnh mẽ, “bao phủ” tổ chức ở khu vực nói trên, tạo điều kiện để công đoàn tập hợp những người lao động tự do vốn bị nhiều thiệt thòi. Đồng chí Nguyễn Thị Cảnh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH May Trấn An (Hải Dương) kiến nghị: “Lao động khu vực phi chính thức hiện nay rất đông và là lực lượng yếu thế rất cần được công đoàn bảo vệ. Đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật Công đoàn sửa đổi cho phép người lao động khu vực không chính thức có quyền thành lập, gia nhập công đoàn để họ được bảo vệ quyền lợi”. Đồng chí Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Hiện nay, người lao động làm việc ở nhà máy, công ty, xí nghiệp, cơ quan thì tham gia tổ chức Công đoàn ở đơn vị. Những người làm việc tự do như chạy Grab, giúp việc nhà… thì cũng nên tập hợp vào tổ chức nghiệp đoàn. Vấn đề cần nghiên cứu, hướng đến là các quy định để tập trung lực lượng lao động phi chính thức vào các tổ chức nghiệp đoàn. Bởi tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ nói chung, đang có hiện tượng một bộ phận lao động chính thức di chuyển sang khu vực phi chính thức. Họ rất cần được quan tâm, bảo vệ”. Thực tế, hiện nhiều địa phương đang đẩy mạnh phát triển đoàn viên là lao động khu vực phi chính thức, song công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn vì các quy định chưa được cập nhật, thủ tục còn rườm rà. Đồng chí Nguyễn Thị Cảnh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH May Trấn An (Hải Dương) mong muốn Luật Công đoàn sửa đổi và các văn bản hướng dẫn dưới luật có giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn" này: “Cần đổi mới phương thức kết nạp đoàn viên theo hướng linh hoạt; tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá về phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, lao động khu vực phi chính thức”. Nhìn chung, hệ thống pháp luật bảo vệ người lao động ở nước ta khá đầy đủ; bảo đảm người lao động được làm việc trong môi trường an toàn, được trả lương, thưởng, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; có quyền học tập, nghỉ ngơi… Song, trên thực tế, rất nhiều người lao động vẫn bị xâm phạm những quyền cơ bản này. Nhiều trường hợp gửi đơn đến công đoàn nhờ can thiệp, nhưng sự can thiệp của công đoàn chỉ ở mức độ hạn chế; đặc biệt là khả năng ngăn ngừa, phát hiện sớm những vụ việc như vậy không có điều kiện thực hiện, nhất là đối với người lao động ngoài khu vực nhà nước. Xung quanh vấn đề này, nhiều cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động kiến nghị Luật Công đoàn sửa đổi lần này cần trao cho công đoàn quyền giám sát cao hơn, để công đoàn chủ động hơn trong thực hiện chức năng bảo vệ người lao động. Đồng chí Trương Thị Quảng Sơn, Trưởng ban Công tác cơ sở Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị nêu ý kiến: “Đề nghị Quốc hội thống nhất quy định quyền chủ động thực hiện giám sát của công đoàn trong Luật Công đoàn để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của tổ chức Công đoàn, phù hợp với chủ trương của Đảng và hệ thống pháp luật Việt Nam; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để tổ chức Công đoàn thuận lợi trong việc tiếp cận các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, thực hiện vai trò của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động trong quan hệ lao động”. Đồng chí Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Long Hải (Hải Dương) nêu ý kiến: “Theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị và các quy định của pháp luật, công đoàn có quyền chủ trì giám sát đối với những vấn đề có liên quan trực tiếp đến đến quyền lợi của người lao động. Thực tế, công đoàn cũng chủ trì, chủ động thực hiện nhiều cuộc giám sát. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường hỏi cơ sở pháp lý đâu, quy định ở luật nào? Vì thế, đề nghị Luật Công đoàn sửa đổi quy định rõ công đoàn có quyền chủ trì, chủ động giám sát để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của tổ chức Công đoàn, giúp công đoàn sớm phát hiện các bất cập, tranh chấp, không để đình công, ngừng việc xảy ra”. Một trong những nhóm ý kiến tập trung nhất của đoàn viên, người lao động, đặc biệt là cán bộ công đoàn, là vấn đề tổ chức, biên chế, cơ chế hoạt động công đoàn. Đồng chí Hồ Minh Sáng, Phó Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung quy định giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyền chủ động đề xuất số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức để tạo ra sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống công đoàn. Khắc phục tình trạng các địa phương có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế, xã hội giống nhau nhưng được giao số lượng biên chế khác nhau. Đồng chí đề nghị, biên chế cán bộ công đoàn các Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, cấp huyện cần được xác định dựa trên yêu cầu nhiệm vụ (theo các tiêu chí số lượng đoàn viên, người lao động; số lượng công đoàn cơ sở; tính chất, mức độ phức tạp của quan hệ lao động), có như thế mới khắc phục được tình trạng cào bằng trong phân bổ biên chế. Với những cơ sở đó, đồng chí Hồ Minh Sáng đề nghị: “Quốc hội xem xét quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn sửa đổi, tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Đồng chí Hoàng Văn Tuân, Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương tỉnh Quảng Trị lại nêu ý kiến cần ưu tiên tuyển dụng cán bộ công đoàn chuyên trách trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân. Theo đồng chí, hoạt động công đoàn rất cần đội ngũ cán bộ công đoàn có kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay, cán bộ công đoàn lại được tuyển dụng như công chức nhà nước, dẫn đến khó khăn trong việc thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở và phong trào công nhân. “Đề nghị Quốc hội xem xét, tháo gỡ về chính sách tuyển dụng cán bộ công đoàn, để có thể thu hút đội ngũ cán bộ công đoàn có nhiều kinh nghiệm, trưởng thành từ cơ sở”, đồng chí Hoàng Văn Tuân nói. Đồng chí Nguyễn Thị Cảnh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH May Trấn An (Hải Dương) nêu kiến nghị: “Cử tri đề nghị có quy định cụ thể, rõ ràng đối với các đơn vị, doanh nghiệp có từ 2.000 lao động trở lên bắt buộc phải bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác công đoàn; quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo các điều kiện cho công đoàn hoạt động và có chế tài đủ mạnh khi doanh nghiệp cố tình vi phạm, không thực hiện...”. Đồng chí Đàm Trung Hiếu, Phó trưởng Phòng Quản lý Lao động, Ban Quản lý Khu chế xuất, Khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ lý do vì sao nên bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp có đông người lao động: “Nên quy định đơn vị, doanh nghiệp có trên 1.000 đoàn viên phải bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách. Bởi cán bộ công đoàn do chủ doanh nghiệp trả lương thì họ không thể mạnh mẽ phản đối ý kiến của chủ doanh nghiệp nếu doanh nghiệp xâm hại quyền lợi của người lao động”. Đồng chí Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh nêu thực trạng, thời gian qua, do ảnh hưởng của nền kinh tế khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng phải cắt giảm hoặc cho lao động nghỉ việc. Dẫn đến các tình huống không đồng thuận về các chính sách dành cho người lao động xảy ra thường xuyên hơn. Điều đó đòi hỏi cán bộ công đoàn phải bám sát cơ sở, gần gũi với công nhân lao động, để kịp thời nắm bắt cũng như tháo gỡ những khó khăn cho họ. Các phương án chăm lo cho người lao động không thể theo kiểu “đến hẹn lại lên”, mà phải đặt ra cách nghĩ, cách làm mới, sao cho những thay đổi của công đoàn phải "thực sự chạm tới người lao động". Để làm những việc đó, công đoàn phải có nguồn lực ổn định. Đồng chí Nguyễn Bình Nguyên, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Valqua, (Các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương) cho rằng: Kinh phí công đoàn là nguồn thu quan trọng để tổ chức Công đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động. “Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn và để công đoàn chủ động, độc lập trong hoạt động, đề nghị Quốc hội tiếp tục quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn trong Luật Công đoàn sửa đổi; đồng thời quy định chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình không đóng kinh phí công đoàn”, đồng chí Nguyễn Bình Nguyên kiến nghị. Trên đây là một số nhóm ý kiến tiêu biểu của cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động góp ý Luật Công đoàn sửa đổi - những ý kiến cho thấy sự gần gũi máu thịt giữa cán bộ công đoàn và người lao động. Nhiều ý kiến không chỉ góp phần hoàn thiện dự thảo luật mà còn chứng tỏ tâm huyết, trách nhiệm và ý thức chính trị cao của người đóng góp. |