Bài 4: Làm đại biểu Quốc hội  để bảo vệ  người lao động
Bài 4: Làm đại biểu Quốc hội  để bảo vệ  người lao động

Đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân sinh năm 1975 tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) nhưng lớn lên tại Bình Dương nên rất thấu hiểu con người, văn hóa vùng đất này. Hơn 20 năm gắn bó với tổ chức Công đoàn càng làm dày dặn thêm vốn sống, rèn luyện "ý chí thép" trong con người nhỏ nhắn ấy.

Đối với người lao động, vị Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh rất gần gũi, hiền hòa, nhưng lại vô cùng cứng rắn khi đứng lên bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho họ.

“Luôn gần gũi lắng nghe, thấu hiểu tâm tư đoàn viên, người lao động, tham mưu đề xuất những chính sách có lợi cho người lao động và luôn trách nhiệm với từng việc mình làm, dù là nhỏ nhất”, đó là "kim chỉ nam" hoạt động của đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân từ khi làm công tác công đoàn.

Theo đồng chí, làm công tác công đoàn là làm sao để người lao động tin tưởng và tìm đến để chia sẻ. “Niềm vui của tôi đơn giản là được người lao động trực tiếp tìm tới, thổ lộ khúc mắc cá nhân và mong được giải đáp. Hiểu được tâm tư người lao động, làm sao để người lao động tin tưởng chính là chìa khóa cho những hoạt động hiệu quả của công đoàn”, đồng chí tâm sự.

Bài 4: Làm đại biểu Quốc hội  để bảo vệ  người lao động

Vừa qua, tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hoàng Sinh (phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một) đã phát sinh tình hình quan hệ lao động phức tạp - khi doanh nghiệp nợ lương của gần 900 người lao động trong 4 tháng liền. Thời gian kéo dài, nhưng công ty vẫn chưa thực hiện đúng cam kết, dẫn đến người lao động ngừng việc tập thể.

Trước tình hình đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức cuộc họp gấp và thành lập đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân làm Trưởng đoàn đến làm việc với công ty.

Liên đoàn Lao động tỉnh cũng phối hợp với các ngành chức năng thực hiện một số biện pháp nhằm có ngay nguồn kinh phí chi trả lương công nhân, bảo đảm quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động; vận động chủ nhà trọ giảm tiền thuê trọ, lùi thời gian đóng tiền trọ cho công nhân.

Cùng với đó, Liên đoàn Lao động tỉnh tập trung nguồn lực hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu như mì, bột nêm, sữa… và hỗ trợ trực tiếp cho mỗi đoàn viên công đoàn, người lao động của công ty 1 triệu đồng tiền mặt từ nguồn vận động xã hội hóa.

Năm 2021, đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá XV, bắt đầu hành trình đem tiếng nói của nhân dân và người lao động ra nghị trường Quốc hội.

Bài 4: Làm đại biểu Quốc hội  để bảo vệ  người lao động

Trong mỗi kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương nói chung và đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân nói riêng luôn dành nhiều ý kiến tâm huyết về vấn đề an sinh xã hội, đưa “tiếng lòng” của người lao động đến với nghị trường.

Như đối với dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân đã có nhiều kiến nghị về nguồn biên chế cán bộ công đoàn, việc giữ lại nguồn kinh phí 2%...

Theo đồng chí, nguồn kinh phí này là sự đóng góp, chung tay của đơn vị sử dụng lao động cho các hoạt động của công đoàn cơ sở, góp phần cùng tổ chức Công đoàn chăm lo an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.

Đối với nguồn thu kinh phí 2%, thì 75% đã được trích giữ lại cho công đoàn cơ sở tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 2, Điều 30 dự thảo Luật trước yêu cầu đảm bảo nguồn lực mạnh mẽ để đảm bảo hiệu quả hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đây cũng là điều kiện cần để phát huy tốt vai trò chính trị - xã hội của tổ chức Công đoàn, góp phần phát triển đất nước.

Cùng với đó, đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân cũng kiến nghị nhiều vấn đề an sinh xã hội cho người lao động, đặc biệt là chính sách nhà ở xã hội - là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và thể hiện tính nhân văn sâu sắc, ưu việt của chế độ ta. Phát triển nhà ở xã hội hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Các thủ tục pháp lý phức tạp, việc tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn vay còn khó khăn; vốn đầu tư lớn, lợi nhuận từ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bị khống chế, thời gian triển khai kéo dài, rủi ro trong đầu tư lớn nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.

Do vậy, đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, giúp mở rộng điều kiện đẩy mạnh đầu tư; từ đó, người lao động sẽ có cơ hội sở hữu nhà...

Bài 4: Làm đại biểu Quốc hội  để bảo vệ  người lao động

“Chứng kiến đời sống công nhân lao động qua những chuyến khảo sát khu nhà trọ; lắng nghe chia sẻ của họ về hoàn cảnh, đời sống, tôi luôn trăn trở trước những khó khăn mà người lao động đang đối diện, nhất là vấn đề nhà ở, việc làm và thu nhập.

Cần tạo điều kiện cho họ được tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh; xây dựng thiết chế văn hóa lao động, nhà trẻ cho con em công nhân…”, đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân trải lòng.

Trong vai trò Đại biểu Quốc hội, đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân thường xuyên tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội và tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân lao động. Qua đó, kết hợp lấy ý kiến góp ý các dự thảo Luật như: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)…; đồng thời, phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh trao tặng quà cho người lao động khó khăn.

“Qua công tác giám sát và tiếp nhận ý kiến phản ánh từ cử tri tỉnh nhà, tôi nhận thấy quy định về công tác đào tạo nghề còn không ít bất cập, đơn cử việc quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động hằng năm xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình”.

Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu để có chính sách cụ thể trong đào tạo nghề gắn với thực tiễn chất lượng nguồn lao động, thị trường lao động cũng như đặc thù kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nguồn lao động, góp phần đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu về lao động qua đào tạo mà kế hoạch đã đề ra. Ngoài ra, đồng chí đề nghị tăng mức hỗ trợ học nghề đối với đối tượng lao động thất nghiệp.

Bài 4: Làm đại biểu Quốc hội  để bảo vệ  người lao động

Phản ánh đến Quốc hội, đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân dẫn một thống kê cho thấy, đến hết năm 2022 cả nước có 2,79 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng BHXH từ 01 tháng trở lên. Trong đó, có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 1 đến dưới 3 tháng, 440.800 người bị nợ đóng từ 3 tháng trở lên và gần 213.400 người bị “treo” sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi.

Số người đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc. Việc chậm đóng BHXH diễn ra ở các loại hình doanh nghiệp với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng. Thực chất đây không phải lỗi của người lao động và cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến người lao động đồng loạt đi rút BHXH một lần khi quyền lợi chính đáng mà họ được hưởng không được bảo vệ do vi phạm từ người sử dụng lao động.

Từ đó, đồng chí kiến nghị cần có quy định về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động tại Điều 41 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Bởi, tại Điểm b, Khoản 3 Điều này có quy định, đối với những trường hợp người lao động phải tính cả thời gian chậm đóng, trốn đóng mới đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Bài 4: Làm đại biểu Quốc hội  để bảo vệ  người lao động

“Tôi rất băn khoăn, kiến nghị cần làm rõ và đánh giá kỹ quy định này vì doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH thì người lao động đã mất một số tiền khá lớn, giờ để được hưởng phải thậm chí đóng bù phần của người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng, đóng lại cả phần của mình vì doanh nghiệp đã trừ lương của họ trước đó để đóng bảo hiểm nhưng không đóng vào quỹ là thiệt hại rất lớn với người lao động”.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân chia sẻ thêm: “Vì thời gian doanh nghiệp còn nợ BHXH của người lao động thì hệ thống Quỹ BHXH chưa ghi nhận thời gian đóng BHXH cho người lao động. Như vậy, họ phải đóng hơn 30% nữa, trong đó có phần của mình đóng lần 2 do doanh nghiệp chiếm dụng và đóng luôn cả phần trách nhiệm của doanh nghiệp.

Nếu quy định như trên dễ gây bức xúc lớn từ người lao động và dư luận xã hội. Họ sẽ đặt câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp nợ, cơ quan nhà nước không có giải pháp xử lý lại để người lao động phải bỏ tiền đóng thay?”.

Hiện tại, đồng chí là nữ cán bộ công đoàn duy nhất có học vị Tiến sĩ tại Liên đoàn Lao động Bình Dương. Đồng chí cho rằng, để trở thành người cán bộ công đoàn chân chính, người đại biểu của công nhân lao động đòi hỏi phải trải qua rèn luyện thực tiễn trong thời gian nhất định, trong đó tâm huyết và học vấn là hai yếu tố quan trọng để giúp người đại biểu vững tin, nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyên môn, sự hiểu biết về pháp luật, đời sống, văn hóa của người lao động, dám đấu tranh bảo vệ lợi ích của tập thể đoàn viên, người lao động.

Bài viết: Trần Lưu

Thiết kế: Dũng Choai