Để Luật Công đoàn (sửa đổi) đi vào cuộc sống, tổ chức Công đoàn phải không ngừng đổi mới
Chính sách mới - 27/11/2024 19:09 NGÔ KHIÊM (thực hiện)
Quốc hội thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi): tháo gỡ điểm nghẽn, giúp tổ chức Công đoàn thực hiện tốt vai trò |
Phóng viên: Đồng chí có thể đánh giá về vai trò, ý nghĩa của Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với tổ chức Công đoàn, đoàn viên và người lao động?
Đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân: Với 6 Chương với 37 điều, Luật Công đoàn 2024 vừa được các đại biểu Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng thuận nhất trí cao. Điều đó cho thấy Luật Công đoàn năm 2024 đã thể hiện được tính thực tiễn, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội và thể hiện được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động trong xu thế hội nhập hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân phát biểu trên nghị trường. Ảnh: Quốc hội. |
Luật được thông qua, như vậy người lao động làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập công đoàn, người nước ngoài lao động tại Việt Nam có quyền gia nhập tổ chức Công đoàn. Điều này phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và thực tiễn lao động hiện nay.
Luật cũng tăng cường chức năng giám sát, phản biện của xã hội đối với các phát sinh mâu thuẫn trong quan hệ lao động. Đây thực sự là điểm mới, nó giúp gắn kết giữa người lao động và người sử dụng thông qua tổ chức Công đoàn nhằm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quan hệ lao động tránh xảy ra mâu thuẫn lớn không thể hàn gắn giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Ngoài ra, việc bổ sung việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn thể hiện chính sách chia sẻ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, cộng đồng, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Việc tiếp tục duy trì kinh phí công đoàn 2% là cơ sở pháp lý vững chắc, thuận lợi cho đa số doanh nghiệp thực hiện, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và đáp ứng được nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, tạo được sự đồng thuận của xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Luật cũng quy định việc tăng cường chức năng giám sát của Quốc hội đối với nguồn thu - chi từ hoạt động công đoàn và trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam định kỳ 2 năm báo cáo Quốc hội về tình hình thu chi và quản lý sử dụng kinh phí công đoàn, thực hiện kiểm toán định kỳ 2 năm 1 lần hoặc đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là việc nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quản lý kinh phí công đoàn, đồng thời thúc đẩy hiệu quả sử dụng nguồn lực để chăm lo tốt hơn cho quyền lợi đoàn viên và người lao động.
Phóng viên: Việc người lao động là người nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam, có quyền gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ giúp gì cho sự lớn mạnh của Công đoàn Việt Nam trong thời gian tới, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân: Việc thu hút người lao động nước ngoài gia nhập giúp tổ chức Công đoàn trở nên đa dạng hơn về văn hóa, tư duy, kinh nghiệm, kỹ năng và phong cách làm việc từ các quốc gia khác. Khi tham gia Công đoàn Việt Nam, họ có thể chia sẻ kiến thức, kỹ năng góp phần nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý trong các tổ chức Công đoàn, góp phần nâng cao năng lực hội nhập quốc tế và gắn kết giữa người lao động trong và ngoài nước, tạo điều kiện để học hỏi và phát triển các mô hình hoạt động tiên tiến.
Việc mở rộng đối tượng gia nhập công đoàn bao gồm cả người lao động nước ngoài sẽ góp phần gia tăng số lượng thành viên. Điều này củng cố sức mạnh tập thể mà công đoàn đại diện và khả năng đàm phán của Công đoàn với người sử dụng lao động, cũng như nâng cao tiếng nói của người lao động tại các diễn đàn trong nước và quốc tế.
Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ tạo động lực để tổ chức Công đoàn ngày càng phát triển. |
Khi người lao động nước ngoài tham gia Công đoàn, họ sẽ có thêm một kênh để bảo vệ quyền lợi của mình và đóng góp ý kiến. Điều này giúp xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, hài hòa và bền vững hơn giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Việc mở rộng quyền gia nhập cho người lao động nước ngoài thể hiện sự phát triển cởi mở, tiến bộ và hội nhập của Công đoàn Việt Nam. Điều này giúp nâng cao uy tín và hình ảnh của tổ chức trong mắt cộng đồng quốc tế.
Phóng viên: Đồng chí có thể phân tích rõ hơn về ý nghĩa của việc bổ sung thêm quy định mới được xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng phí Công đoàn trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí Công đoàn?
Đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân: Luật quy định bổ sung mới thêm việc miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng phí Công đoàn cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Việc này đã chia sẻ, giảm bớt áp lực về tài chính lúc doanh nghiệp gặp khó khăn, giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nó đã giúp duy trì việc làm và hạn chế giảm thu nhập cho người lao động, nhất là có điều kiện và kịp thời chi trả lương, phúc lợi hoặc hỗ trợ người lao động trong thời gian khó khăn.
Quyền lợi của đoàn viên, người lao động liên quan đến các hoạt động Công đoàn chăm lo, đại diện, bảo vệ vẫn được đảm bảo. Điều này thể hiện sự linh hoạt trong chính sách, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa không làm mất đi quyền lợi của người lao động.
Việc bổ sung quy định này cũng khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và ổn định quan hệ lao động, khi có sự đồng hành kịp thời giữa nhà nước công đoàn và doanh nghiệp, góp phần củng cố niềm tin giữa doanh nghiệp và người lao động, tạo môi trường, quan hệ lao động ổn định và hài hòa.
Điều này cũng đã tạo động lực cho doanh nghiệp và người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế khi doanh nghiệp ổn định sản xuất và duy trì việc làm.
Phóng viên: Để Luật Công đoàn (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống, tổ chức Công đoàn Việt Nam cần phải đổi mới và tập trung vào các yếu tố nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân: Thứ nhất, cần hiện đại hóa hoạt động công đoàn thông qua công tác chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức các phong trào và kết nối với đoàn viên.
Khi Luật Công đoàn (sửa đổi) được thông qua, Công đoàn Việt Nam cần đổi mới hơn nữa để thực hiện tốt chức trách, sứ mệnh được giao. |
Tích cực tham gia với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, đề cao công tác hoạch định chính sách, hỗ trợ người lao động trong chuyển đổi nghề nghiệp trong xu thế, bối cảnh tự động hóa và trí tuệ nhân tạo thay đổi thị trường lao động.
Thứ hai, cần nâng cao năng lực, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn “vừa hồng, vừa chuyên" có đủ bản lĩnh, trình độ, kỹ năng và khả năng thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ ba, cần đổi mới phương thức hoạt động, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên, người lao động làm trung tâm để chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động một cách thiết thực, hiệu quả.
Thứ tư, bên cạnh việc tổ chức các phong trào thi đua, công đoàn cần xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động trong việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập và đời sống.
Thứ năm, là mở rộng liên kết và hợp tác quốc tế. Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, Công đoàn Việt Nam cần chủ động vận động người lao động nước ngoài gia nhập tổ chức Công đoàn, mời gọi tất cả người lao động nước ngoài gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam, tham gia các tổ chức Công đoàn khu vực và thế giới, học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế để tăng cường vị thế của tổ chức Công đoàn.
Xin cảm ơn đồng chí!
03 đề xuất chính sách mới của Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi Từ thực tiễn tổng kết thi hành Luật Công đoàn, về việc trình dự thảo luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất ... |
Đoàn viên là trung tâm trong hoạt động chuyển đổi số của Công đoàn Ngày 22/11/2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 2149/QĐ-TLĐ phê duyệt Đề án "Chuyển đổi số trong hoạt động ... |
Quốc hội thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi): tháo gỡ điểm nghẽn, giúp tổ chức Công đoàn thực hiện tốt vai trò Sáng nay (27/11), với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi). Luật Công đoàn (sửa đổi) ... |
- Di cư ngược: Được đó chớ
- Để Luật Công đoàn (sửa đổi) đi vào cuộc sống, tổ chức Công đoàn phải không ngừng đổi mới
- Luật Công đoàn (sửa đổi) - bước chuyển mình quan trọng trong giai đoạn mới
- Hiệp hội Ô tô thể thao Việt Nam kết nạp thành viên mới là CLB Xe thể thao Hải Phòng
- Cô giáo Phạm Thị Mây: tấm gương yêu nghề mến trẻ