|
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, quê ở huyện An Phú, tỉnh An Giang, bắt đầu làm việc tại Công ty TNHH JS Vina từ năm 2017. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Tiên (sinh năm 1995), cũng gắn bó với công ty suốt gần 8 năm qua. Để tiết kiệm chi phí, hai vợ chồng thuê trọ gần công ty, mỗi 10 ngày chỉ tốn khoảng 50.000 đồng tiền xăng. Gia đình có ba con nhỏ – bé đầu sinh năm 2015, bé thứ hai năm 2018, và bé út vừa chào đời đầu năm 2024. Vì điều kiện công việc bận rộn và kinh tế eo hẹp, cả ba con đều được gửi về quê nhờ bà ngoại chăm sóc. Với tổng thu nhập khoảng 14 triệu đồng/tháng (nếu không tăng ca), phần lớn chi phí dành cho con cái và tiền trọ khiến vợ chồng anh chị gần như không có khoản tích lũy nào. |
|
Nhớ lại hành trình đến Long An, chị Tiên không giấu được sự nghẹn ngào. Từ khi về làm dâu năm 2013, gia đình chồng chị phải sống nhờ nhà người quen. Năm 2017, khi không còn chỗ ở, cả nhà theo công trình lên TP.HCM làm thợ hồ, rồi về Long An làm dự án xây dựng chính công ty JS Vina. Khi công trình hoàn tất, vợ chồng chị xin vào làm công nhân và gắn bó từ đó đến nay. Dù cần mẫn lao động suốt nhiều năm, giấc mơ có một mái nhà riêng vẫn xa vời. Mãi đến giữa năm 2024, một người bà con ở quê thương tình nhượng lại mảnh đất trị giá 150 triệu đồng, cho trả góp không lãi suất, không kỳ hạn. “Chúng tôi mừng lắm, nhưng cũng nghĩ chắc phải chờ hết đời mới cất được nhà…”, chị Tiên nghẹn ngào. |
|
Vận may thực sự gõ cửa khi công đoàn công ty thông báo về chương trình hỗ trợ xây nhà từ LĐLĐ tỉnh Long An. Vượt qua hơn 4.000 công nhân cùng đăng ký, vợ chồng chị Tiên là một trong những trường hợp được lựa chọn hỗ trợ 70 triệu đồng. “Chúng tôi thật sự biết ơn tổ chức công đoàn. Từ ngày vào công đoàn năm 2023, vợ chồng tôi luôn nhận được sự quan tâm – từ món quà sinh nhật, lễ Tết đến tư vấn pháp luật, bảo hiểm. Giờ còn được giúp cất nhà – ước mơ cả đời của hai vợ chồng”, chị Tiên xúc động chia sẻ. Tổng chi phí xây nhà dự kiến khoảng 140 triệu đồng. Ngoài phần được hỗ trợ, gia đình tiếp tục vay mượn người thân để hoàn thiện phần còn lại. Dẫu biết vẫn còn khó khăn phía trước, vợ chồng anh chị vẫn quyết tâm “cày cuốc” vừa nuôi con ăn học, vừa trả nợ dần. Đồng chí Trần Thị Trúc Ly – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH JS Vina – người đồng hành cùng anh chị trong hành trình xét duyệt hồ sơ – cho biết: “Cả hai vợ chồng đều là đoàn viên công đoàn, hoàn cảnh rất khó khăn, cha mẹ già yếu, ba con nhỏ gửi về quê, chưa từng có nhà ở. Sau khi công đoàn công ty đề xuất, hồ sơ được công đoàn khu công nghiệp xét chọn và gửi về LĐLĐ tỉnh". |
![]() |
Đồng chí Lê Thị Thu Cúc – Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Long An – khẳng định: “Chương trình ‘Mái ấm Công đoàn’ là một trong những hoạt động trọng tâm, thể hiện sâu sắc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là quan điểm phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Năm 2025, LĐLĐ tỉnh sẽ vận động xây dựng 50 căn nhà ‘Mái ấm Công đoàn’, cùng với 10 căn khác từ nguồn xã hội hóa.” “Chúng tôi xác định, công tác chăm lo cho người lao động – đặc biệt là những hoàn cảnh yếu thế – cần được triển khai một cách đồng bộ, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở. Sự hỗ trợ phải đến đúng người, đúng lúc, với tinh thần minh bạch, công khai và đầy trách nhiệm. Đây không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là tâm huyết và cam kết mà tổ chức Công đoàn tỉnh Long An luôn kiên định theo đuổi”, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Long An nhấn mạnh. Tính đến nay, LĐLĐ tỉnh Long An đã trao tặng 35 căn nhà, cùng 1 căn từ nguồn xổ số kiến thiết tỉnh. Những mái ấm này không chỉ giúp người lao động ổn định nơi ở, mà còn củng cố niềm tin, sự gắn kết giữa đoàn viên và tổ chức công đoàn. Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phú Hữu (An Giang), nơi anh Nghĩa mua đất – bày tỏ sự cảm kích: “Đây là hỗ trợ thiết thực, góp phần cùng địa phương xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chính quyền sẽ phối hợp giám sát, đảm bảo khoản hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích.” Với những lao động nghèo như vợ chồng anh Nghĩa – chị Tiên, “Mái ấm Công đoàn” không chỉ đơn thuần là một chương trình hỗ trợ nhà ở. Đó còn là một giấc mơ – là tổ ấm chắt chiu giữa bộn bề cuộc sống, là biểu tượng của niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn. Nơi đó, họ không chỉ có một mái nhà để trở về, mà còn cảm nhận được sự đồng hành thầm lặng nhưng bền bỉ từ tổ chức công đoàn – người bạn lớn luôn ở bên họ trong suốt hành trình mưu sinh. |
|
Bài viết: HOÀNG LAN Thiết kế: TRƯỜNG SƠN |