
Chú trọng đào tạo cán bộ và chuyển đổi số hoạt động công đoàn |
Một cú chạm – ngàn kết nối: công nhân hỏi, công đoàn trả lời
19 giờ tối một ngày cuối tháng 3, tại phòng trọ số 5 trong khu nhà trọ công nhân tại phường Long Bình (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vẫn sáng đèn như thường lệ. Nhưng thay vì nấu nướng hay dọn dẹp, chị Nguyễn Thị Kim Hạnh – công nhân Công ty TNHH Pousung lại đang ngồi chăm chú bên chiếc điện thoại để xem lại chương trình “Điểm hẹn công nhân” trên fanpage của LĐLĐ tỉnh.
“Chủ đề kỳ này là về quyền lợi lao động nữ. Mình là mẹ đơn thân, nuôi con nhỏ nên nghe kỹ lắm. Lỡ có chính sách gì mới mà không biết thì thiệt thân”, chị Hạnh nói, tay vẫn vuốt nhẹ màn hình theo dõi phần giải đáp của đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Thị Như Ý - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai trả lời câu hỏi đến từ người lao động tại chương trình "Điểm hẹn công nhân" quý I năm 2025 với chủ đề "Công đoàn đồng hành chăm lo, bảo vệ lao động nữ". Ảnh: P.V |
Chương trình mà chị Hạnh đang xem đã được phát sóng từ ngày 15/3, nhưng hôm đó, chị Hạnh đang vào ca ở Công ty nên không thể xem livestream trực tiếp. Thế nhưng, hơn 10 ngày sau chị mở lại chương trình vẫn thấy được lưu trọn vẹn trên fanpage LĐLĐ tỉnh.
“Tôi xem lại vẫn rất rõ ràng, đầy đủ từng phần. Tôi còn có thể tua đi tua lại chỗ nào chưa hiểu. Quan trọng là không bị bỏ sót thông tin quan trọng, dù không thể xem trực tiếp”.
Từ trải nghiệm đó, chị Hạnh thấy rõ giá trị của chuyển đổi số không chỉ là phát sóng trực tuyến, mà còn là khả năng lưu trữ – truy cập linh hoạt. Nhờ vậy, công nhân làm theo ca, thời gian lệch giờ vẫn có thể tiếp cận thông tin công đoàn, không bị “lạc hậu” so với những người khác.
“Ngày xưa mỗi lần có thắc mắc là phải đợi họp tổ công đoàn, giờ chỉ cần gửi câu hỏi online là được giải đáp. Chương trình này như ‘cuộc họp công đoàn kiểu mới’, gọn, dễ hiểu, gần công nhân hơn nhiều”.
Chị Hạnh nói và cho biết thêm: Chương trình “Điểm hẹn công nhân” vì thế không chỉ là một buổi phát sóng, mà trở thành thư viện số sinh động về quyền lợi lao động, mà bất cứ ai cũng có thể tham gia, ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.
![]() |
Đông đảo công nhân lao động đến tham dự trực tiếp chương trình "Điểm hẹn công nhân" quý I năm 2025. Ảnh: P.V |
Trên khắp địa bàn tỉnh Đồng Nai, hàng chục nghìn công nhân như chị Hạnh – từ các khu trọ, nhà máy đến vùng sâu – đã và đang hình thành thói quen “hẹn hò” với công đoàn định kỳ thông qua chương trình “Điểm hẹn công nhân”. Không ồn ào, không sân khấu lớn hoành tráng, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và mạng internet ổn định, họ được gặp gỡ, giao lưu, giải đáp thắc mắc từ các cơ quan chức năng, và đôi khi, là được nói ra tiếng lòng mình.
Bước đi số hóa chạm đến đời sống thực
Bắt đầu từ cuối năm 2019, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai tổ chức livestream chương trình “Tết sum vầy”, thu hút tới hơn 100.000 lượt xem từ đoàn viên, người lao động. Đây là con số chưa từng có từ khi LĐLĐ thành lập Fanpage Công đoàn Đồng Nai, đã cho thấy hiệu quả của việc truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội.
![]() |
Người lao động đặt câu hỏi tại một chương trình "Điểm hẹn công nhân". Ảnh: P.V |
Thời điểm này, giữa bối cảnh công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng, tỉnh Đồng Nai đã trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, thu hút hàng trăm nghìn công nhân từ khắp nơi đổ về làm việc. Để đáp ứng nhu cầu thông tin, giao lưu và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, LĐLĐ tỉnh đã triển khai chương trình "Điểm hẹn công nhân" từ năm 2019, trở thành một cầu nối quan trọng giữa công đoàn và người lao động.
Đến nay, chương trình "Điểm hẹn công nhân" được tổ chức mỗi quý 1 lần bằng hình thức livestream trên các trang của hệ thống Công đoàn và Fanpage Điểm hẹn công nhân. Nội dung giao lưu gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm; các sự kiện quan trọng, các hoạt động điểm nhấn của tổ chức công đoàn; những vấn đề liên quan đến đời sống việc làm của đoàn viên, người lao động toàn tỉnh... Các chủ đề chính gồm: Công đoàn đồng hành chăm lo, bảo vệ lao động nữ; Công nhân lao động Đồng Nai vững bước vào kỷ nguyên mới; Chúng tôi là cán bộ Công đoàn; Lễ cưới tập thể - tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt.
Anh Đoàn Văn Lợi – công nhân Công ty Changshin Việt Nam – vẫn nhớ lần đầu tiên gửi câu hỏi về chế độ làm thêm vào phần bình luận livestream của chương trình. Anh không nghĩ mình được đọc tên, càng không nghĩ một chuyên gia từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội lại trực tiếp trả lời anh ngay trên sóng.
“Nghe tên mình được đọc lên, thiệt xúc động. Cảm giác như công đoàn không còn xa vời, không phải chỉ có ở nhà máy hay hội trường, mà ở ngay điện thoại, gần như bạn bè vậy đó”, anh Lợi kể.
![]() |
Chương trình "Điểm hẹn công nhân" đã cung cấp nhiều kiến thức cũng như giải đáp nhiều thắc mắc cho công nhân lao động. Ảnh: P.V |
Cũng từ chương trình, anh biết thêm quyền lợi liên quan đến nghỉ phép, chế độ ốm đau, và đặc biệt là quy trình khiếu nại đúng luật nếu bị chậm lương. Những điều trước đây anh “nghe nói thôi, chứ không rành”.
Không dừng ở các buổi livestream, LĐLĐ Đồng Nai đã xây dựng kho dữ liệu video, cẩm nang điện tử, và hệ thống hỏi – đáp trực tuyến cho công nhân, tất cả được lưu trữ trên nền tảng số và cập nhật liên tục.
Mỗi quý, chương trình “Điểm hẹn công nhân” đều chọn một chủ đề “nóng” theo phản hồi của công nhân. Như chương trình quý 1/2025, chủ đề "Công đoàn đồng hành chăm lo, bảo vệ lao động nữ” đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem, hàng trăm câu hỏi xoay quanh hỗ trợ thai sản, nghỉ con ốm, và quyền lợi đơn thân nuôi con.
Thông qua phân tích dữ liệu từ các lượt tương tác, cán bộ công đoàn nắm rõ hơn tâm tư người lao động. Những vấn đề được hỏi nhiều sẽ được chọn làm chủ đề ưu tiên trong năm. Đây là cách công đoàn làm việc dựa trên dữ liệu và nhu cầu thật.
Không chỉ dừng ở tư vấn, giải đáp, chương trình “Điểm hẹn công nhân” còn trở thành công cụ thu thập vấn đề nổi cộm, từ đó giúp tổ chức Công đoàn đưa ra kiến nghị chính sách.
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho biết: “Chúng tôi từng nhận được hàng loạt câu hỏi về chuyện doanh nghiệp chậm đóng BHXH. Sau đó, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp BHXH tỉnh lập danh sách các doanh nghiệp ‘nóng’ và có buổi làm việc trực tiếp. Chính nhờ tiếng nói của công nhân, công đoàn mới có căn cứ để hành động”.
Chuyển đổi số, ở đây, không phải dùng phần mềm hiện đại hay app đắt tiền. Mà là chuyển từ thế bị động sang chủ động; từ chờ đợi công nhân lên tiếng, sang chủ động lắng nghe từ không gian số.
Từ khi tham gia “Điểm hẹn công nhân” đều đặn mỗi quý, chị Hạnh cũng thường xuyên chia sẻ thông tin trên group công nhân khu trọ của mình. Có hôm chị còn tự tổ chức buổi “xem chung” tại khu bếp tập thể, 4 – 5 chị em ngồi quanh chiếc điện thoại, cùng bình luận, cùng “like”.
“Bây giờ nhiều công nhân mới biết đến công đoàn là qua Facebook. Họ không còn ngại gặp cán bộ công đoàn nữa, vì đã quen mặt trên livestream rồi!”, chị Hạnh vui vẻ.
Với chị, công đoàn đã thực sự “hiện diện” bằng hình thức mà công nhân trẻ có thể chạm vào – đó chính là chiếc điện thoại quen thuộc mỗi ngày.
Tất nhiên, không phải hành trình nào cũng dễ dàng. Có giai đoạn chương trình bị hạn chế vì dịch bệnh, hay công nhân đổi ca, mất mạng giữa chừng, và nhiều nguyên nhân khác… Nhưng chính những khó khăn ấy giúp công đoàn Đồng Nai tìm thêm lối đi: Tạo nhóm Zalo, TikTok, dùng cả podcast để chia sẻ nội dung theo nhiều hình thức. Quan trọng hơn, "Điểm hẹn công nhân” đã truyền cảm hứng để nhiều công đoàn cấp huyện, cấp ngành trong tỉnh học tập mô hình livestream, làm video phổ biến pháp luật theo phong cách trẻ trung hơn.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai. Ảnh: P.V |
Đồng chí Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh: “Chuyển đổi số trong công đoàn không có nghĩa là phải có những nền tảng phức tạp hay ứng dụng hiện đại. Quan trọng nhất là công nghệ phải gần gũi, dễ tiếp cận và phục vụ đúng đối tượng – đó là công nhân lao động. Ở đó, chương trình “Điểm hẹn công nhân” chính là ví dụ điển hình: Với một chiếc điện thoại thông minh, một kết nối mạng và một nội dung đúng nhu cầu – vậy là công đoàn đã có thể đồng hành cùng người lao động mọi lúc, mọi nơi”
Đồng chí Nguyễn Thị Như Ý cũng cho biết thêm, qua hàng chục số phát sóng, chương trình không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức, mà còn hình thành một “hệ sinh thái số” gắn kết công nhân với tổ chức công đoàn một cách tự nhiên, không gò bó, không khoảng cách.
“Trước đây, chúng ta mời công nhân đến họp. Nay, chúng ta bước vào không gian sống của họ bằng một cách rất nhẹ nhàng. Đó là chuyển đổi tư duy – từ truyền đạt sang đối thoại, từ hội trường sang điện thoại. Và công đoàn, vì vậy, trở nên sống động, gần gũi hơn bao giờ hết”, đồng chí Nguyễn Thị Như Ý nói.
Mới đây nhất ngày 3 và 4/4, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị tập huấn cho 300 báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội trong hệ thống Công đoàn Đồng Nai - về kỹ năng sử dụng AI và ứng dụng AI vào hoạt động truyền thông và chuyên môn. Qua hội nghị, đã trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức và thực hiện các hoạt động truyền thông cho cán bộ Công đoàn. Từ đó, làm chủ truyền thông đa phương tiện, đặc biệt là thích nghi với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo làm công cụ hỗ trợ truyền thông. Đồng thời, từng bước xây dựng đội ngũ làm công tác truyền thông Công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền trong tình hình mới. |
![]() Hà Nội và TP. HCM ghi nhận nhiều người dân xếp hàng để đổi giấy phép lái xe. Những hàng người nhẫn nại xếp hàng, ... |
![]() Trong kỷ nguyên số, khi lao động ngày càng phi truyền thống, các hình thức việc làm linh hoạt và xu hướng số hóa lên ... |
![]() Trong căn phòng làm việc ngăn nắp với nhiều thiết bị công nghệ hiện đại, chị Dương Thị Ngọc Hân (SN 1985), Trưởng phòng Công ... |
Tin mới hơn

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Cần cơ chế thực thi

Chung tay vì an toàn lao động: Những nỗi đau không được phép lặp lại

Các hoạt động Tháng Công nhân của Công đoàn Khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận
Tin tức khác

Tháng Công nhân 2025: Đà Nẵng tổ chức chuỗi hoạt động vì người lao động

Kết quả chăm lo phúc lợi đoàn viên của Công đoàn Việt Nam trong quý I/2025

Công đoàn Long An – Điểm tựa cho đoàn viên, người lao động nhập cư

Một chữ “thêm” trong thỏa ước: Nâng bước đời công nhân

Cán bộ công đoàn Huế bắt nhịp làm việc thời công nghệ số
