e magazine
12/04/2025 18:03
Công đoàn “3 tại chỗ”: Ký ức không quên và những bài học đổi mới tổ chức

12/04/2025 18:03

“Lúc đó tôi không có việc làm, lại phải lo cho gia đình ở quê. Nếu không có công đoàn, không biết tụi tôi xoay xở sao nổi”, chị Nguyễn Ngọc Hương, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kwong Lung – MeKo, Khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ xúc động nói – khi nhớ lại khoảng thời gian “3 tại chỗ” giữa đại dịch Covid-19.

Tháng 7/2021, khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh mẽ tại các tỉnh phía Nam, hàng nghìn doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động. Một số ít có thể duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” (ăn – ở – làm việc tại chỗ). Rât nhiều áp lực đè lên vai công nhân và những người làm công tác công đoàn.

Tại Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Miền Tây, chị Trần Thị Kim Hằng cùng gần 70 công nhân đăng ký ở lại nhà máy. Những ngày đầu, mọi người phải ngủ tạm trong kho, trải chiếu dưới nền xưởng. Thực phẩm khan hiếm, điện thoại chỉ nghe được tin dịch bệnh tăng nhanh, ai nấy đều lo lắng.

Khu vực nghỉ ngơi tại chỗ cho công nhân lao động tại Chi nhánh Công ty Pepsico Việt Nam tại TP Cần Thơ trong mùa dịch năm 2021. Ảnh: Tr.L.

“Công đoàn khi đó không chỉ là người vận động tinh thần mà còn là người đi xin từng thùng mì, lo từng miếng ăn cho công nhân”, chị Hằng kể.

Còn chị Nguyễn Ngọc Hương (công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kwong Lung – MeKo, Khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) xúc động khi nhận phần quà nhu yếu phẩm. Theo chị, vì chị không đi làm nên không có lương, ở nhà trong khu vực bị phong tỏa, một tháng nay đến giờ mới được gỡ phong tỏa nên phần quà bên Công đoàn hỗ trợ giúp ích cho gia đình bớt một phần khó khăn trong cuộc sống.

Không riêng Cần thơ, tại các khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai, TP. HCM, hàng trăm cán bộ công đoàn đã trở thành “đầu tàu” giữ ổn định tâm lý người lao động, kết nối doanh nghiệp – y tế – chính quyền, và đặc biệt là cung cấp nguồn lực sinh tồn cơ bản.

Anh Nguyễn Văn Tấn – Chủ tịch Công đoàn cơ sở một công ty chế biến gỗ tại Thủ Dầu Một – kể: “Chúng tôi có 600 công nhân tham gia 3 tại chỗ. Ngay ngày thứ 3, 1 ca nghi nhiễm xuất hiện. Cả đội ngũ công đoàn phải chia nhau trực, tổ chức test nhanh, rồi động viên anh em bình tĩnh, xử lý tình huống như một trung tâm phản ứng nhanh thực sự”.

Lãnh đạo LĐLĐ TP. Cần Thơ trao hỗ trợ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: P.V

Không ít cán bộ công đoàn đã dương tính trong quá trình hỗ trợ, nhưng khi khỏi bệnh, họ vẫn quay lại để giúp đỡ đồng đội. Một tinh thần “cùng sống – cùng chiến đấu” được thắp lên ngay trong tâm dịch.

Không chỉ dừng ở vai trò hỗ trợ, nhiều công đoàn cơ sở đã chủ động cải tiến cách làm để thích nghi. Một số nơi thành lập tổ hậu cần tự quản, tổ chức canh tác rau xanh tại chỗ, nấu ăn tập thể thay vì đặt bên ngoài, giúp giảm chi phí và đảm bảo an toàn.

Chị Võ Thị Ngọc Diễm – từng là Chủ tịch Công đoàn một Công ty may ở Biên Hòa, Đồng Nai, chia sẻ: “Chúng tôi đề xuất doanh nghiệp đầu tư bếp công nghiệp và xin phép UBND phường cho thành lập khu cách ly tạm trong nhà máy, tự quản lý F0 nhẹ. Sau 3 tuần, công ty không những duy trì được sản xuất mà còn tăng được đơn hàng.”

Từ các sáng kiến này, sau dịch, doanh nghiệp và công đoàn bắt đầu tái cấu trúc cách tổ chức sản xuất linh hoạt hơn. Những mô hình “bếp công đoàn”, “phòng y tế tự quản”, “tổ tự kiểm dịch” dần trở thành một phần của kế hoạch dài hạn.

Còn ở Cần Thơ, ngay trong năm 2021, với bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cấp công đoàn thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, duy trì hoạt động 1.380 nhóm zalo với 56.720 người tham gia để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, kịp thời sử dụng nguồn tài chính công đoàn tích lũy để chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh; chi hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho đội ngũ y tế tuyến đầu phòng, chống dịch… với tổng số tiền trên 17,8 tỉ đồng.

Các cấp Công đoàn Cần Thơ đã đồng hành cùng công nhân lao động trong mọi hoàn cảnh. Trong ảnh: Đồng chí Lê Thị Sương Mai, Chủ tịch LĐLĐ TP. Cần Thơ trao 7.000 “Túi An sinh Công đoàn” cho đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 năm 2021.

Các cấp công đoàn thành phố cũng thực hiện tốt việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Có 186 công đoàn cơ sở thương lượng với chủ doanh nghiệp đưa nội dung hỗ trợ bữa ăn ca cho người lao động tối thiểu 15.000 đồng/suất vào bản thỏa ước. Thực hiện “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên”, công đoàn các cấp ký kết mới 5 doanh nghiệp, có 17.510 đoàn viên, người lao động được hưởng lợi với số tiền trên 1 tỉ đồng…

Sau dịch, điều mà nhiều người lao động nhớ nhất không chỉ là khó khăn, mà chính là cảm giác được đồng hành, được quan tâm trong lúc tuyệt vọng. Đó là điều khiến Công đoàn ngày càng được tín nhiệm.

Theo thống kê của LĐLĐ TP. Cần Thơ, sau đại dịch Covid-19, số lượng công nhân tham gia vào tổ chức Công đoàn có xu hướng tăng lên. Trong nhiệm kỳ 2018–2023, thành phố đã phát triển mới 29.686 đoàn viên, nâng tổng số đoàn viên lên 81.774 người.

Sự gia tăng này phản ánh hiệu quả của các hoạt động chăm lo và hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn. Cụ thể, trong 5 năm qua, các cấp công đoàn tại Cần Thơ đã vận động doanh nghiệp trao hơn 192.000 phần quà với tổng trị giá trên 92,2 tỷ đồng cho công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Quỹ “Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng Công đoàn Cần Thơ” đã hỗ trợ 237 “Mái ấm Công đoàn” và 4.191 suất học bổng cho con công nhân lao động.

Những nỗ lực này đã góp phần củng cố niềm tin của người lao động vào tổ chức Công đoàn, từ đó thúc đẩy sự gia tăng số lượng đoàn viên sau đại dịch.

“Lấy người lao động làm trung tâm” đã trở thành bài học để Công đoàn đổi mơi hoạt động, gắn bó bền vững với công nhân lao động. Trong ảnh: Hội nghị Công bố các quyết định về tổ chức bộ máy và cán bộ tại LĐLĐ TP. Cần Thơ

Đồng chí Lê Thị Sương Mai, Chủ tịch LĐLĐ TP. Cần Thơ, cho biết: Dịch bệnh là thời điểm người lao động bị tác động nặng nề nhất: mất việc, giảm thu nhập, lo lắng về sức khỏe và tương lai. Trong bối cảnh đó, sự đồng hành kịp thời của Công đoàn, từ hỗ trợ nhu yếu phẩm, tài chính, tổ chức “Siêu thị 0 đồng”, “ATM gạo”, “Túi an sinh công đoàn”… đã thể hiện vai trò là “người bạn đồng hành” thực sự. Bài học rút ra là: muốn gắn bó lâu dài, Công đoàn phải trở thành chỗ dựa thực chất, có mặt đúng lúc người lao động cần nhất.

Bên cạnh đó, dịch bệnh diễn biến nhanh và khó lường, đặt ra yêu cầu Công đoàn phải chuyển đổi nhanh từ cách làm truyền thống sang phương thức linh hoạt, ứng dụng công nghệ. Việc sử dụng mạng xã hội, nền tảng trực tuyến để kết nối, tuyên truyền, tổ chức các hoạt động chăm lo là bài học về tính chủ động và thích ứng trong hoàn cảnh mới.

Hơn nữa, Công đoàn không chỉ làm từ thiện hay chăm lo đời sống, mà còn phải đồng hành cùng người lao động trong bảo vệ việc làm, quyền lợi, tâm lý, sức khỏe. Việc triển khai các chương trình hỗ trợ tinh thần, tư vấn pháp lý, hỗ trợ y tế… cho thấy Công đoàn cần mở rộng vai trò và phương thức hoạt động để gắn bó lâu dài.

“Quan trọng nhất, sự gắn kết giữa Công đoàn và người lao động không thể chỉ thể hiện trong mùa dịch, mà phải là kết quả của quá trình xây dựng niềm tin lâu dài. Bài học là Công đoàn cần hiện diện trong đời sống thường nhật của người lao động, hiểu được tâm tư, nguyện vọng và đồng hành trong cả lúc bình thường lẫn lúc khó khăn. Dịch bệnh là phép thử đối với bản lĩnh và năng lực của cán bộ Công đoàn. Bài học đặt ra là cần bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ tâm – tầm – tài, có khả năng xử lý tình huống linh hoạt, gần gũi và thấu hiểu người lao động, từ đó tạo dựng mối quan hệ gắn bó bền vững”, đồng chí Lê Thị Sương Mai nhấn mạnh.

Với công nhân, ký ức về “3 tại chỗ” có lẽ là một phần không thể xóa mờ trong hành trình mưu sinh. Nhưng đằng sau mùi thuốc sát khuẩn, sau chiếc chiếu trải nền gạch lạnh, là những hình ảnh không thể nào quên: Cán bộ công đoàn đưa bữa ăn lúc nửa đêm, cõng công nhân đi test khi sốt cao, hay lặng lẽ ngồi ghi danh sách hỗ trợ hàng trăm người từng ngày.

Còn đối với mỗi cán bộ Công đoàn, chính những thách thức khắc nghiệt của dịch bệnh đã trở thành phép thử để tổ chức Công đoàn nhìn lại mình, làm mới mình và trưởng thành hơn.

Từ việc lắng nghe nhiều hơn, hành động kịp thời hơn, đến việc ứng dụng công nghệ trong chăm lo đời sống đoàn viên – tất cả đã góp phần định hình một hình ảnh Công đoàn gần gũi, thiết thực và đáng tin cậy hơn trong mắt người lao động.

Đổi mới tư duy, chuyển từ “hành chính hóa” sang “nghĩ và làm vì người lao động” không chỉ là bài học, mà còn là kim chỉ nam cho hành trình phát triển Công đoàn trong giai đoạn mới. Và cũng chính từ đây, niềm tin – tài sản lớn nhất của tổ chức – đã được gieo lại, nảy nở trong từng phân xưởng, từng mái nhà công nhân.

Bài viết: TRẦN LƯU

Thiết kế: AN NHIÊN

TRẦN LƯU

Xem phiên bản di động