Công nhân lao động trong vòng xoáy giá cả “nhịp điệu một chiều”
Kinh tế - Xã hội - 12/07/2024 11:14 Đ.TOÀN – TR.LƯU - Q.THẮNG - TR.SƠN - TH.HẢI
Thắt chặt hầu bao, tiết kiệm chi tiêu
Sau khi thanh toán xong tiền điện nước hơn 500.000 đồng của tháng 6, chị Vĩnh Vy Phượng (48 tuổi) chỉ biết thở dài. Chị vốn là công nhân của một công ty thực phẩm ở quận 8, TP. HCM, nhưng đã thất nghiệp từ trước Tết.
Con gái chị trước đây cũng làm công nhân, và giờ cũng thất nghiệp. Hàng ngày đi phụ quán ăn kiếm được khoảng 4 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền trợ cấp tai nạn lao động của chị Phượng được 1 triệu đồng nữa. Hai mẹ con thuê một căn phòng trọ rộng chừng 10m2 nằm trong con hẻm nhỏ quận 8, đùm bọc nhau để sinh sống.
Chị Vĩnh Vy Phượng, công nhân ở TP. HCM lo lắng với giá tiêu dùng, sinh hoạt ngày một tăng. Ảnh: TRẦN LƯU |
“Trong phòng có gắn máy lạnh, nhưng có vậy thôi, chứ tui chưa bao giờ dám mở, vì không có tiền đóng tiền điện. Mấy tháng qua trời nắng nóng cũng chỉ dám mở quạt. Dù tiết kiệm tới mức đó, nhưng tiền điện vẫn hơn 500.000đ/tháng. Đối với những công nhân như chúng tui đó là một gánh nặng”, chị Phượng bùi ngùi.
Còn anh Nguyễn Văn Thanh - công nhân ở Khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ kể: Gia đình anh có tất cả 5 người, thuê 2 căn phòng trọ liền kề để ở với chi phí hàng tháng gần 3 triệu đồng, bao gồm cả điện, nước.
“Giá thuê trọ 1 triệu đồng/phòng, tiền điện 4.000 đồng/kWh, còn tiền nước là 10.000 đồng/m3, mỗi tháng, nhà tui phải mất gần 3 triệu đồng để trả cho chủ nhà trọ. Số tiền này bằng một nửa thu nhập hàng tháng của tôi nếu không tăng ca.
Công nhân của một công ty tại TP. Đà Nẵng chật vật làm việc kiếm thêm thu nhập trong đêm 11/7/2024. Ảnh: Đ.T |
Hôm rồi nhận hóa đơn điện tăng đột biến, hơn 1 triệu đồng, tôi khá sốc, không biết lý do gì. Dù đã tiết kiệm đủ thứ, như: Hạn chế không mở máy lạnh, không sử dụng máy giặt… nhưng tiền điện không những không giảm mà còn tăng lên so với trước. Lương tăng mà chưa thấy về túi, nhưng chi phí sinh hoạt đã tăng nên cứ phải ráng mà tiết kiệm, bóp hầu bao.”, anh Thanh nói.
Một khu nhà trọ công nhân ở Đồng Kè, Q.Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng lờ nhờ ánh điện do phải tiết kiệm (ảnh chụp đêm 11/7/2024. Ảnh: Đ.T |
Không tiết kiệm sao được khi mà giá cả cứ “nhảy múa” theo nhịp điệu... một chiều. “Mình làm việc với công ty cũng mấy năm rồi, mà thấy lương nhà nước thì điều chỉnh tăng, còn lương tụi mình thấy có điều chỉnh hay công ty nói năng gì đâu? Trong khi đó, tiền điện nhà trọ cũng rục rịch tăng. Chỗ mình đây chỉ 3.000 đồng/kWh điện, nhưng bạn mình ở khu trọ khác thì 4000 đồng/kWh điện. Mỗi nơi mỗi kiểu.”, chị Ly Huỳnh, công nhân một nhà máy thực phẩm ở Q.Thanh Khê, Đà Nẵng, thổ lộ. Để thắt chặt hầu bao, vợ chồng chị Ly đã phải cắt giảm một số khoản chi tiêu từ khâu đi chợ đến sinh hoạt tiêu vặt, nhất là thói quen dùng các thiết bị tiêu thụ điện năng.
Sau giờ làm việc ở công ty, công nhân trở về với bộn bề lo toan, nhất là giá cả tiêu dùng ngày một tăng. Ảnh: Đ.T |
Còn tại Thừa Thiên Huế, chị Đỗ Như Quỳnh - nhân viên bộ phận sản xuất, Công đoàn Công ty TNHH MSV tại Khu công nghiệp Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, mỗi tháng thuê trọ, tiền điện, nước và nhà trọ của vợ chồng chị dao động từ 1,6-1,7 triệu đồng. Trong đó, tiền điện tháng nào cũng đóng khoảng 300.000 đồng, chủ nhà trọ thu 3.000 đồng/kWh, trung bình một tháng khoảng 100kWh. Nhưng tháng vừa rồi, tiền điện phải trả cao hơn với 400.000 đồng.
Nước và điện là hai trong số nhiều chỉ số tiêu dùng tăng trong 6 tháng đầu năm, điều này ảnh hưởng đến chi tiêu sinh hoạt của công nhân lao động, cán bộ công đoàn. Ảnh: Đ.T |
“Đang trong lúc việc làm và thu nhập chưa ổn định, giá cả chi tiêu cứ tăng lên từng ngày thế này thì những người ở trọ như mình nỗi lo càng thêm chồng chất. Đặc biệt, những ngày qua, nắng nóng gay gắt kéo dài, dẫu biết gánh nặng chi tiêu càng nặng thêm nhưng gia đình mình đành phải mua thêm quạt nước. Vậy là tiền điện của những tháng tới sẽ còn tăng nữa…”, chị Quỳnh lo lắng.
Cũng trong tình cảnh tương tự, chị Trần Thị Hằng, công nhân Công ty TNHH Woosin Vina - Khu công nghiệp VSIP Nghệ An (tỉnh Nghệ An), chia sẻ: Bình thường, căn phòng trọ một người như chị sử dụng hết khoảng 250.000 đồng tiền điện/tháng. Tiền điện được tính theo giá cố định. Nhưng vào mùa nắng nóng, tiêu biểu như các tháng vừa qua, vì phải sử dụng điều hòa và quạt nhiều nên tiền điện tổng một tháng lên tới hơn 500.000 đồng, gấp đôi.
“May mắn với chúng em và các đồng nghiệp ở cùng dãy trọ là giá điện thuê trọ thì chưa tính theo bậc thang, nếu sử dụng nhiều cũng được tính giá cố định. Tuy nhiên, với giá thuê trọ 1,5 triệu đồng/phòng, điện 2.500 đồng/kWh, nước gần 5.000 đồng/m3, mỗi tháng một công nhân như chúng em chi hơn 2 triệu đồng cho các khoản này. Hy vọng là giá điện sẽ không tăng nữa, chứ không thì cũng tạo thêm gánh nặng cho công nhân tụi em. Chưa kể, giá điện tăng thì các mặt hàng khác ở chợ dân sinh cũng nhảy múa theo.”, chị Hằng nói.
Công đoàn trấn an công nhân, thực hành tiết kiệm
Theo Tổng Cục thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột quân sự Nga – Ucraina và tại dải Gaza kéo dài, bất ổn leo thang trên Biển Đỏ. Kinh tế thế giới tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn, tăng trưởng chậm, triển vọng phát triển trong ngắn hạn và trung hạn còn nhiều thách thức, lãi suất ngân hàng của các nước vẫn ở mức khá cao. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tác động nặng nề, đặc biệt tình trạng nắng nóng, hạn hán vì hiện tượng El Nino dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực tiềm ẩn tại một số quốc gia và khu vực.
Hoá đơn tiền điện của gia đình anh Nguyễn Văn Châu, quận Thanh Khê, Đà Nẵng tháng 5 vừa qua. So với tháng trước, tiền điện tăng hơn 100.000 đồng. Ảnh: NG.LUẬN |
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân quý II/2024 tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI (chỉ số giá tiêu dùng) chung tăng 1,5 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá của nhóm lương thực tăng 15,2%, tác động làm CPI chung tăng 0,55 điểm phần trăm, trong đó giá gạo tăng 20,25% theo giá gạo xuất khẩu, làm CPI tăng 0,52 điểm phần trăm; nhóm thực phẩm tăng 2,86%; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 4,24%...
Công nhân ở Đắk Lắk làm việc cật lực để có thêm thu nhập trang thải, chi tiêu sinh hoạt trong thời buổi "giá một chiều". Ảnh": Đ.T |
Trước vòng xoay của giá cả, hầu như công nhân lao động ai cũng chung tâm trạng thấp thỏm, cố gắng cân đối chi tiêu để đảm bảo cuộc sống ổn định ở mức trung bình. “Mình dùng điện nhiều thì mình trả nhiều. Do đó nhà em dù có điều hòa nhưng mấy tháng nay dù trời nắng nóng tụi em cũng không dùng, hạn chế ghê lắm. Thời buổi khó khăn, nên cố gắng tiết kiệm mà thôi.”, chị Lê Thị Mộng, công nhân một công ty may mặc ở Khu công nghiệp Phú Bài, TX. Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, cho hay.
Công ty TNHH MSV tại Khu công nghiệp Phú Bài, Thừa Thiên Huế có những điều chỉnh hợp lý cho điều kiện làm việc, ăn ca của công nhân. Ảnh: L.Q.H |
Đồng chí Nguyễn Đình Biên - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Woosin Vina cho biết, đa số các công nhân ở trọ của Công ty trả giá điện theo mức cố định cho chủ nhà. Công đoàn cơ sở luôn quan tâm đến đời sống công nhân, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ điện vào mùa nắng nóng.
Công đoàn sẽ thông tin rõ hơn cho đoàn viên, công nhân lao động về quy định nếu đăng ký tạm trú đầy đủ thì sẽ được hưởng giá điện đúng quy định. Bên cạnh đó, cũng thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng về các vấn đề chi tiêu, sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày của đoàn viên, người lao động, chẳng hạn khi có việc tăng giá điện bất thường từ chủ nhà trọ thì báo ngay cho công đoàn cơ sở biết để có phản ánh với các cơ quan chức năng.
Công nhân làm việc tại một kho động lạnh của cơ sở kinh doanh trái cây tại Đắk Lắk. Đây là lĩnh vực tiêu thụ điện năng lớn nên cần có điều chỉnh thích hợp. Ảnh: Đ.T |
“Trong tình hình thu nhập khoảng 5-7 triệu đồng/tháng thì các chi phí nhà trọ, điện, nước, rác,… chiếm kha khá trong tổng thu nhập. Chính vì thế, việc đăng ký tạm trú là rất cần thiết, đặc biệt là đối với những đoàn viên, người lao động ở trọ cả gia đình. Việc công nhân lao động ở trọ có đăng ký tạm trú còn bảo đảm an ninh trật tự và hưởng nhiều quyền lợi khác, như đăng ký học cho con, tham gia các hoạt động ở xã, phường,...”, đồng chí Nguyễn Đình Biên cho hay.
Trong khi đó, đồng chí Lê Quý Hoàng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MSV tại Khu công nghiệp Phú Bài cho biết, nhằm giúp công nhân lao động đối phó với thời tiết nắng nóng trong quá trình làm việc tại nhà máy, cách đây 2 tháng, công đoàn và công ty đã phối hợp rà soát lại toàn bộ hệ thống điều hòa và cho thay mới toàn bộ những điều hòa cũ, chức năng làm mát kém.
“Tuy giá điện hiện nay tăng cao, nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài, việc sử dụng hết công suất của hệ thống quạt gió, hút bụi, giảm nguồn gây ồn, tăng cường quạt công nghiệp… sẽ tốt rất nhiều kinh phí sử dụng điện nhưng công ty vẫn chấp nhận để tạo môi trường làm việc tốt nhất, nâng cao sức khỏe cho người lao động”, đồng chí Lê Quý Hoàng nói.
Bên cạnh đó, ở các nhà xưởng trong Công ty đều được trang bị đầy đủ nước uống cho người lao động. Đối với bữa ăn ca, Công ty linh hoạt trong xây dựng thực đơn với các món ăn phù hợp mùa nắng nóng để người lao động cảm thấy ngon miệng.
“Với chính sách thiết thực của Đảng và Nhà nước, lương của công nhân nơi đây được tăng cao hơn. Đời sống vật chất nơi đây cũng ổn định, tuy nhiên các chỉ tiêu giá tiêu dùng cao khiến nhiều công nhân phải thắt chặt lại việc chi tiêu. Ở Đắk Lắk, có nhiều cụm khu công nghiệp và hàng chục nghìn người. Nhiều công nhân cũng đi thuê trọ buổi tối sử dụng điện rất nhiều hơn nên tôi nghĩ anh chị em công nhân cần có những điều chỉnh tiêu dùng cho hợp lý”- chị H., đại diện Khu công nghiệp Hòa Phú, Đắk Lắk không muốn nêu tên, chi sẻ.
Còn tại TP. Cần Thơ, ở Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo TP. Cần Thơ với cán bộ công đoàn và công nhân lao động năm 2024 diễn ra vào giữa tháng 5 vừa qua, ông Huỳnh Thanh Sử - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ – thông tin, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo, phối hợp các đơn vị có liên quan trong việc tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện giá bán lẻ điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà để ở. Đồng thời, sẽ xử lý nếu các chủ nhà trọ thu tiền không đúng quy định.
Các chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tring 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,62% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 1,06 điểm phần trăm, trong đó chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,32%, tác động làm CPI tăng 0,45 điểm phần trăm; chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 9,52% do nhu cầu sử dụng tăng cao, tác động làm CPI tăng 0,32 điểm phần tram (Nguồn Tổng cục Thống kê) |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 13/12/2024 09:24
Tỷ lệ nội địa hoá xe VinFast đạt hơn 60%, hướng tới 84% vào năm 2026
Tỷ lệ nội địa hoá xe VinFast vừa được công bố đạt hơn 60%, bao gồm các chi tiết như thân vỏ, động cơ, giảm xóc, trần xe…
Kinh tế - Xã hội - 13/12/2024 09:11
Lượng bán xe VinFast tháng 11/2024 đạt mức kỷ lục
Trong tháng 11/2024, số xe VinFast bán ra theo công bố nhiều hơn số xe bán trong nửa đầu năm 2024 của nhiều hãng xe khác.
Kinh tế - Xã hội - 13/12/2024 08:41
Thêm cơ hội sống cho người bệnh ung thư giai đoạn cuối
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sẽ triển khai thử nghiệm lâm sàng thuốc miễn dịch đường uống điều trị ung thư giai đoạn cuối, không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị hiện có, mở thêm cơ hội sống cho người bệnh. Dự án này do Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt triển khai.
Kinh tế - Xã hội - 13/12/2024 05:31
Honda City bán chạy nhất phân khúc tháng 11/2024, Toyota Vios vẫn đứng số 1 nếu tính từ đầu năm
Toyota Vios có lượng bán cộng dồn 11 tháng đạt 12.706 xe, rộng cửa về nhất phân khúc năm 2024 khi đối thủ xếp sau Accent bán 11.677 xe, và City bán 10.068 xe.
Kinh tế - Xã hội - 12/12/2024 11:44
Lượng bán ô tô toàn thị trường tăng mạnh nhất kể từ đầu năm
Trong tháng cuối áp dụng ưu đãi 50% lệ phí trước bạ, thị trường ô tô ghi nhận mức tăng trưởng lượng bán mạnh nhất kể từ đầu năm nay.
Kinh tế - Xã hội - 12/12/2024 11:12
10 xe bán chạy nhất tháng 11/2024: Một nửa vượt mốc 2.000 xe trong tháng
Trong danh sách 10 xe bán chạy nhất tháng 11/2024 có tới 5 xe bán hơn 2.000 chiếc, giúp tổng lượng tiêu thụ đạt cao nhất từ đầu năm.
- Thôi việc ngay do tinh giản biên chế có được trợ cấp tiền lương?
- Đừng sợ Lý Thông nợ lương! Thạch Sanh đã có lời giải
- Người “truyền lửa” nhiệt huyết cho Công đoàn BIDV Hồng Hà
- Công đoàn quyết tâm đổi mới, tích cực sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác
- Tỷ lệ nội địa hoá xe VinFast đạt hơn 60%, hướng tới 84% vào năm 2026