Chất men say của nghề làm báo
Đời sống - 19/06/2024 16:37 Hoàng Liên Phương
Tôi bước chân vào nghề báo từ năm 1992 đến giờ và trải qua không biết bao vui buồn lẫn lộn trong quá trình tác nghiệp. Cái nghề làm báo cao quý như bao cái nghề cao quý khác, nhưng cũng là cái nghề nguy hiểm nhất trong số các nghề nguy hiểm có nguy cơ cao.
Nhà báo phỏng vấn nhân vật ở mọi hoàn cảnh cho phép. Ảnh: HP |
Quá trình đó, có những sự việc như là kỷ niệm êm đềm, ấm êm. Có những câu chuyện như là nỗi đau âm ỷ, tự trách mình ngu ngơ quá đỗi. Có những sự kiện như là niềm khích lệ, động viên lớn lao…
Tất cả đều vì lợi ích xã hội, vì công bằng và vì cộng đồng mà chung tay, góp sức nhằm giúp người lao động nghèo vốn còn chịu nhiều vất vả, thậm chí bi thương. Tựu chung là vì tấm lòng với người lao động nghèo, như giọt máu chảy lòn trong tim, khắc khoải những nỗi niềm sâu kín trong tâm hồn người làm báo.
Kỷ niệm khó quên
Nghề làm báo cũng giống như bất cứ nghề nghiệp chân chính nào, đều tạo ra giá trị đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội. Không có công thức chung nào cho một công việc của nhà báo, vì mỗi người mỗi tính cách khác nhau nên thực hiện việc làm cũng khác nhau. Nói gì thì nói nhưng nhà báo trước hết phải tuân thủ tôn chỉ, mục đích và các quy định của cơ quan báo chí.
Đông đảo phóng viên tác nghiệp nhân các sự kiện. Ảnh: HLP |
Khi đã là phóng viên thì phải viết bài, mà để có bài viết thì phải có nguồn tư liệu. Do đó, trước hết nhà báo phải đi tác nghiệp để thu thập đủ nguồn tư liệu cho công đoạn viết bài. Khi đã là người biên tập, người lãnh đạo cơ quan báo chí thì câu chuyện lại khác.
Ở đây, tôi chỉ nói về khía cạnh của một phóng viên bình thường lúc đi tác nghiệp.
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, điều kiện kinh tế, hạ tầng ở một tỉnh vùng sâu, tỷ lệ hộ nghèo trên 40% thì còn rất nhiều khó khăn, có được cái máy chụp ảnh đã là “oách” lắm.
Khi đó, tôi đi công tác ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc để viết bài về “Sóc mồ côi”, một địa danh có 100% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Ở đây, người nông dân bị “mồ côi” theo nghĩa bị biệt lập, sống tự cung tự cấp, ít người biết đến sự tồn tại của họ dù địa bàn này có trên 100 hộ khẩu.
Nơi đây không có đường đi, không có trạm xá, điện đóm, nước sạch cũng đều không có… Ai cũng “hù dọa”, có vào mà không có ra, bà con không nói được tiếng Kinh, muốn vào đó phải có “thông dịch viên” đi theo.
Với tôi do “máu nghề nghiệp” dâng trào, do sự tò mò và bức xúc, lại muốn “mục sở thị” thực hư nên đành “liều lĩnh” băng đồng trên bờ đất ruộng trơn trợt, lội ngang kênh đầy đĩa, vắt và ỷ lại “vốn liếng” tiếng Khmer đủ giao tiếp nên mạnh dạn vào phum sóc này.
Quả thật như lời đồn, muốn vào phum sóc này tôi phải xắn quần lội sình tới bắp chuối chân, lội qua mấy con kênh nước đục ngầu bốc mùi khó chịu mà cảm giác có những thứ sinh vật gì đó lúc nhúc dưới chân; phải dò dẫm đi qua bụi rậm, dây leo chằng chịt kẻo bị rắn hay rết cắn thì nguy to.
Tôi bị “chụp ếch” mấy bận, quần áo sình bùn ướt mèm như chuột lột.
Những hoàn cảnh thế này, nếu nhà báo có tâm và có kỹ năng sẽ lấy đi biết bao giọt nước của độc giả. Ảnh: HLP |
Tôi lù lù xuất hiện trong phum sóc trước sự ngỡ ngàng của nhiều người, vì một bên mặt sưng tấy do ong đốt, còn cổ chân bị con đĩa trâu gần bằng ngón tay cái đeo quấn một vòng như chiếc kiềng đeo chân, đen ngòm. Mấy con vắt no tròn lủng lẳng sắp rơi ra.
Bà con người dân tộc nhìn tôi chằm chằm từ đầu đến chân như dò xét, tưởng tôi là người từ sao hỏa rơi xuống vậy.
Mặc dù xa lạ chẳng quen biết nhưng những người lớn vội hái cọng môn ngứa nặn lấy bọt thoa vào vết ong đốt và nhổ nước bọt vào con đĩa, con vắt. Lạ thay nó buông ngay và rớt xuống đất. Thoáng chốc, vết ong đốt không còn cảm thấy đau nhức và hết sưng tấy ngay như một phép màu trong truyện cổ tích vậy.
Mấy đứa con nít xúm lại làm quen, sờ mó máy ảnh, sờ chiếc bao lô trên vai dính đầy bùn đất. Mấy anh trai trong sóc thích thú sờ cái áo nhà báo nhiều túi và đòi tặng làm quà kỷ niệm. Cũng may có người dân tốt bụng cho tôi tá túc, lo cơm nước để lấy tư liệu.
Khi vào nhà dân thăm hỏi, có rất nhiều ánh mắt của các thôn nữ từ cửa buồng len lén vén tấm rèm lên nhìn xem nhà báo ra làm sao, có gì ghê gớm không và nhiều tiếng cười khúc khích vọng ra… Nhà báo là người mà từ trước tới nay họ chưa từng tiếp xúc.
Khi đã thân thương, mọi người quây quanh hỏi han tôi nhiều thứ bên ngoài cái sóc này.
Có cụ tuổi đã “thất thập cổ lai hy” mà chưa một lần đi chợ Sóc Trăng, dù cách đó hơn 20 cây số vì nghe nói xe cộ chạy lung tung quá sợ bị đụng chết. Bà con bị bệnh hoạn gì đó thì có sẵn cây cối trong vườn, ngoài ruộng cứ cho uống vào là hết bệnh ngay, chứ chưa hề biết có trạm y tế ở xã hay bệnh viện ở huyện dù chỉ cách chưa đầy 3 cây số.
Nhờ vậy, tôi cũng biết thêm một số kiến thức về cây thuốc dân gian, về “bùa ngải” mà họ hay sử dụng dù khoa học chưa kiểm chứng.
Họ sống biệt lập từ hồi Pháp thuộc tới giờ… thậm chí lãnh đạo địa phương còn không nghe nói và không biết đến tên "Sóc mồ côi" có tồn tại hay không.
Sau khi bài phóng sự đăng trên mặt báo, không lâu ở huyện, ở tỉnh vào cuộc làm đường bê tông, kéo điện, làm trường học, đóng cây nước sạch… và lãnh đạo địa phương đó cũng bị… kỷ luật.
Không lâu tôi quay trở lại thì "Sóc mồ côi" đã hết… mồ côi.
Ra mắt báo điện tử đáp ứng nhu cầu về thông tin nhanh nhạy hơn. Ảnh: HLP |
Có lần đi tác nghiệp vào thời điểm rộ lên phong trào game show trên truyền hình, đa số mọi người rất yêu thích và theo dõi các chương trình game show. Vì vậy, khi thấy một người mang một chiếc ba lô che hết nửa thân trên, trên cổ quàng chiếc máy ảnh “chà bá”, lại được anh cán bộ ở địa phương dẫn đường, nhiều người đã đặt cùng một câu hỏi: “Chúng tôi có được hỗ trợ tiền, vốn hay quà giống như chương trình của diễn viên Q.L trên truyền hình không?”.
Tôi phải giải thích cho mọi người mình là nhà báo, chỉ phỏng vấn người dân để viết bài, chứ không phải nhà tổ chức game show. Đến đây, cả khách và chủ đều ngại ngùng và thoáng “thất vọng”.
Hay như một lần khác, tôi cưỡi chiếc xe gắn máy cà tàng chạy lòng vòng, tìm vào một khu tái định cư để gặp nhân vật của bài viết. Tôi ghé vào quán để nhấm nháp ly cà phê giải khát, vừa để hỏi thăm đường đến chổ hẹn.
Chưa kịp gọi nước uống tôi đã được chị chủ quán “phán” cho một câu, làm mặt mày xanh như tàu lá chuối: “Chú bán hàng đa cấp hả? Bữa trước, cũng có một chú vào đây lừa mọi người hết một mớ, mấy cái máy móc hổng có xài gì được hết trơn, chú cùng chổ với chú kia hông?”. Tôi phải hết lời giải thích mình là phóng viên chứ không đi bán hàng, rồi lên xe rồ ga phóng nhanh cho lành.
Có thể nói đây là những kỷ niệm đẹp, là vốn liếng rất quý giá, là hành trang cho công việc của một người làm báo.
Những niềm vui và động lực
Phóng viên không chỉ gặp những sự cố bất ngờ mà còn có những niềm vui, những động lực lớn lao từ những chuyến công tác thực tế tại các địa phương.
Đào tạo lực lượng "phóng viên nhí" kế thừa cho tương lai. Ảnh: HLP |
Đó là vào thời điểm những năm 2000, tôi về một vùng quê thuộc huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Lúc ấy, trời mỗi lúc một tối mà cái bụng đói cồn cào làm đôi chân thêm uể oải.
Đến lúc trời đã nhá nhem, tôi dừng chân tại nhà anh Hai Khánh, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo của địa phương, mọi người đang chuẩn bị ăn cơm chiều. Hai vợ chồng cùng 3 đứa con nương náu trong căn nhà lá nhỏ xíu nhưng lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười.
Anh cán bộ địa phương đi cùng vỗ vai tôi cho hay: “Vợ chồng anh Hai Khánh chí thú làm ăn nhưng mà không có vốn, không đất sản xuất nên còn vất vả, địa phương đang có hướng tạo điều kiện để anh, chị được vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Tuy vậy, anh, chị vẫn cố gắng để các con được đến trường”.
Trong ngôi nhà lá đơn sơ muỗi bay lượn vo ve như đầm già phóng pháo thời chiến, vợ chồng anh dọn cơm mời chúng tôi rất nhiệt tình đúng chất nông dân xứ miệt cù lao sông nước.
Mâm cơm được bày biện đơn sơ chỉ có một tô mắm chưng, xung quanh là rổ rau dại mới hái ngoài vườn để ăn kèm và không quên mang ra chai rượu trắng đãi khách.
Bữa cơm đơn sơ mà ấm áp tình nghĩa và cơn đói đã đến đỉnh nên chúng tôi cứ và ăn ngon lành từ chén này đến chén khác. Khi nhìn lại nồi cơm thì đã sạch sành xanh kể cả cơm cháy cũng hết ráo trọi.
Thấy vậy, anh Hai Khánh cười khà sảng khoái: “Không sao đâu nhà báo, để chút nữa kêu bả nấu nồi cơm khác, nghèo tiền nghèo bạc chứ tình nghĩa thì không nghèo đâu”.
Thật vậy, người dân miền Tây rất quý mến cánh nhà báo. Đi đâu ai cũng thương, thậm chí lạ hoắc lạ huơ vào nhà xin cơm là bà con sẵn lòng làm gà, nấu cháo vịt đãi ăn ngon lành. Nhiều nhà có trồng được thứ gì cũng đều đem ra biếu gọi là ăn lấy thảo.
Nhiều lúc đi chiếc xe cà tàng làm sao chở nổi cả cần xé chanh, hay mấy bao cam, bưởi, ổi, chôm chôm… mà bà con để sẵn trên xe, không nhận không được mà nhận thì làm sao chạy về?
Phóng viên tác nghiệp tại công trường. Ảnh: HLP |
Còn nhớ chuyến đi công tác ở xứ cồn Phong Nẫm của huyện Kế Sách, nơi được ví von là cù lao đạp sóng Cửu Long giang. Sau khi xong xuôi công việc, lúc ra về, các anh, chị ở địa phương chuẩn bị sẵn một giỏ trái cây xứ cồn để chúng tôi mang về làm quà. Mặc dù rất ngại ngùng và từ chối quyết liệt nhưng trước tấm chân tình mộc mạc, chất phác của mọi người nên đành vác cả giỏ trái cây nặng nghĩa nặng tình, giàu cảm xúc mà mọi người dành cho những người làm công tác truyền thông báo chí.
Trong lần về thủ phủ hành tím Vĩnh Châu đã làm tôi không bao giờ quên được sự chân thành của người dân. Khi vào thời điểm thu hoạch hành tím, tác nghiệp xong, ra xe máy đi về thì mới hay trên xe đã có sẵn một bao củ hành tím to đùng mà người dân ở đây tặng cho nhà báo ăn lấy thảo.
Tuy nhiên, đường thì xa, chiếc xe máy thì cũ kỹ, xả khói đen mù mịt do không chịu được tất cả sức nặng của người và quà nên trầy trật di chuyển trên đường đầy ổ gà ổ voi, bao hành tím cứ rơi xuống đường liên tục.
Trời mỗi lúc một tối dần, bỗng nảy ra một sáng kiến là để lại bao hành tím ven đường “dành tặng” lại phần quà cho những ai “có duyên” trên đường để xe đi nhanh hơn; cũng là để giới thiệu đặc sản củ hành tím đến người dân mà mình “không quen biết”.
Trên đường về, cảm thấy trong lòng lâng lâng với một cảm xúc khó tả nên lời.
Nghiệp và nghề
Công việc của người làm báo thật tuyệt vời biết bao. Chính trong quá trình thu thập nguồn tư liệu cũng là lúc cánh nhà báo hào hứng và thích thú nhất. Vì được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều đối tượng trong xã hội từ thượng vàng đến hạ cám, bổ sung thêm nhiều thông tin và kiến thức từ thực tế.
Từ đó đã xảy ra các tình huống “éo le”, nhiều sự việc bất ngờ như “từ trên trời” rơi xuống, "không đỡ nổi" mà hầu như nhà báo nào cũng gặp phải.
Tìm những góc quay phù hợp. Ảnh: HLP |
Làm nghề báo là phải gặp, phải trải qua những chuyện bất ngờ trong quá trình tác nghiệp và không có một khuôn mẫu nào cho những chuyến tác nghiệp như vậy thì mới có cái mới, cái hay cho những bài viết của chính mình.
Bên cạnh đó, nhà báo còn có những niềm vui, động lực trong những lúc tác nghiệp, nhất những chuyến công tác về các vùng sâu, vùng xa để phản ánh chân thật hơi thở cuộc sống.
Do vậy, nhà báo đòi hỏi phải có cái tâm, cái tầm và biết lăn xả với hiện thực cuộc sống, chứ không chỉ biết làm cho ngôn từ nhảy múa trên trang giấy và tô hồng nó cho thêm hương sắc.
Buổi sinh hoạt nghiệp vụ tại một cơ quan báo chí địa phương. Ảnh: HLP |
Những kỷ niệm khó quên đó như là chất men say làm người ta ngây ngất, là thứ rượu chưng cất lâu năm mà chỉ vào những sự kiện long trọng mỗi người mới được thưởng thức “lấy vị” để nhớ hoài, nhớ mãi những ân tình của người lao động miền Tây sông nước bao la như biển Thái Bình.
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 20/11/2024 12:28
Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 trẻ sinh non, đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong cao. Làm thế nào để trẻ sinh non được chăm sóc toàn diện, có cơ hội phát triển khỏe mạnh là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội.
Đời sống - 19/11/2024 14:53
Thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước tăng thế nào trong năm 2024?
Năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tăng trên 10%. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đóng góp của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.
Đời sống - 15/11/2024 16:58
Bí quyết cải thiện chỉ số thông minh, giúp trẻ phát triển toàn diện
Để trẻ em được phát triển toàn diện, cần phải hỗ trợ can thiệp những năm đầu đời, mang tính đa ngành, toàn diện và liên tục.
Đời sống - 15/11/2024 16:53
Vĩ thanh - trở lại Hua La mùa cà phê
Một năm sau, đầu tháng 11/2024, chúng tôi trở lại xã Hua La (Sơn La), nơi có những cây cà phê đang vào mùa thu hoạch.
Đời sống - 13/11/2024 15:31
Công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi cho người lao động
Mới đây, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu Công Nghiệp Biên Hòa II, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) đã có đơn khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương và quyền lợi cho người lao động.
Người lao động - 11/11/2024 17:50
Rục rịch công bố thưởng Tết, người lao động kỳ vọng mức tương xứng
Còn hơn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, một số doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đang dần lên kế hoạch chi lương, thưởng, quà Tết, sao cho vừa phù hợp với tình hình kinh doanh, vừa đáp ứng nguyện vọng của người lao động.
- Phòng khám Timec nợ lương, người lao động khốn đốn
- Mang những phúc lợi thiết thực cho đoàn viên, người lao động
- Cô giáo mầm non vượt qua nỗi đau bệnh tật để hướng tới tương lai
- Ford Việt Nam tạo dấu ấn mạnh mẽ tại PVOIL VOC 2024
- Cơ hội hiếm có từ dự án Top 1 khu Đông TP HCM khi căn hộ dưới 3 tỷ đồng dần biến mất