“Đừng đặt câu hỏi nữa, hãy bắt tay ngay vào chuyển đổi số!”

“Đừng đặt câu hỏi nữa, hãy bắt tay ngay vào chuyển đổi số!”

Phóng viên: Được biết trong 3 năm qua, trên cương vị người đứng đầu Báo Nhân Dân, đồng chí đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để thay đổi toàn diện hoạt động của tòa soạn?

Đồng chí Lê Quốc Minh: Trong 3 năm qua, chúng tôi liên tục nghĩ ra sản phẩm, cách thức thể hiện, từ nội dung thuần túy mang tính báo chí như các chuyên trang “Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng “lấy dân làm gốc”, trang “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Những việc cần làm ngay” hay trang “Lý luận, thực tiễn và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” từ bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nếu chúng ta chỉ đăng thuần túy bài viết thì người ta đọc xong sẽ gác lên giá sách. Chúng tôi đã xây dựng thành Website, tóm lược và làm đa dạng nó để cho ai ngại đọc thì có thể nghe, rồi làm sâu thêm khi có ý kiến của chuyên gia.

Không chỉ vậy, chúng tôi đã làm ra những sản phẩm không gắn với thông tin, như: Triển lãm, đấu giá, cuốn lịch và bức tượng và chiếc khăn độc đáo để nâng cao thương hiệu cho Báo cũng như cho người dân cảm thấy gần gũi với tờ báo hơn.

Trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, lần đầu tiên trong lịch sử 73 năm hình thành của Báo Nhân Dân, người dân có cơ hội bước chân vào sân 71 Hàng Trống, quanh gốc Đa để trải nghiệm triển lãm. Được bước chân vào một nơi vốn được coi là thành trì khép kín nên ai cũng cảm thấy một sự thân ái, gần gũi.

Hay khi chúng tôi làm in bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” trên số báo Báo Nhân Dân đặc biệt ra ngày 7/5/2024 (có thể coi là kỷ lục với báo in với độ dài 3 mét 21) đã tạo ra cơn sốt săn lùng và giữ tờ tranh panorama làm kỷ niệm.

Giới trẻ đã trao đổi với nhau về việc sở hữu tờ tranh panorama đã làm cho tên tuổi của Báo Nhân Dân không chỉ được nhắc đến trên các diễn đàn, nội dung trên mạng xã hội TikTok, Facebook mà còn thể hiện tình yêu với lịch sử trong những người trẻ là rất lớn.

Chúng tôi nhận thấy, không phải người trẻ không quan tâm đến các xã hội, lịch sử, vốn cho là khô cứng mà vấn đề là cách thức thể hiện của chúng ta thế nào.

Chúng tôi đã lên kế hoạch bài bản, từ ý tưởng đến việc triển lãm thế nào, cách thức truyền thông ra sao. Chúng tôi xác định, không phải mình có công cụ truyền thông mạnh trong tay là mình đưa ra một, hai bài viết phóng sự lên là có nhiều người đọc.

Chúng tôi có rất nhiều cách thức khác nhau để tổ chức lễ ra mắt, phối hợp với trường học trên địa bàn Hà Nội cũng như trên Điện Biên rồi phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội để tổ chức các chuyến tham quan.

Trong vòng 1 tuần, chưa bao giờ, sân của Báo Nhân Dân đông người như thế. Hàng đoàn dài các em học sinh, các bác về hưu, người lao động, công nhân, các chiến sĩ Công an, bộ đội xếp hàng. Thế rồi khi bức tranh trở nên quá hot, chúng tôi quyết định in thêm 5.000 bản nhưng không đủ cung ứng trong 2 ngày cuối tuần.

“Đừng đặt câu hỏi nữa, hãy bắt tay ngay vào chuyển đổi số!”

Các bạn trẻ xếp hàng dài chờ được tặng phụ san Báo Nhân Dân số đặc biệt ngày 7/5/2024. Ảnh: Bông Mai.

Khi sự kiện trôi qua hơn chục ngày, chúng tôi đã vận động các nhà tài trợ in thêm 100 ngàn bản để phát trên 63 tỉnh, thành. Khi ấy lại từng đoàn người lần lượt xếp hàng nhận tranh và họ cảm thấy hơn người khác khi đã sở hữu được bức tranh ý nghĩa về Điện Biên Phủ.

Có những bạn lặn lội từ rất xa đến trụ sở Báo Nhân Dân. Vì bạn đến quá muộn, việc phát tranh không còn nên bạn ấy không thể nhận được tranh. Chứng kiến sự nuối tiếc của bạn ấy, chúng tôi quyết tìm bằng được, thậm chí đã lấy tờ báo của mình để tặng.

Chúng tôi nghĩ cách thức làm mới mẻ như vậy vừa giúp nâng cao thương hiệu, hình ảnh của Báo Nhân Dân đến với công chúng và quan trọng hơn thông tin chúng ta cần tuyên truyền đã đến với độc giả.

Trong suốt 70 năm, chúng ta đã viết quá nhiều bài về chiến thắng Điện Biên Phủ với những trận đánh, sự hy sinh của bộ đội ta.

Nếu chúng ta viết thêm có thể sẽ có thêm người đọc chỗ này, chỗ kia nhưng cũng có người đọc biết rồi, nhìn qua một cái là họ gác sang một bên.

Lần đầu tiên chúng tôi kể lại diễn biến 56 ngày đêm, từ trận đầu đánh vào Him Lam đến ngày bộ đội ta phất cờ trên hầm Đờ Cát. Thế là ngày nào bạn đọc cũng vào Website của Báo Nhân Dân để chờ xem diễn biến hôm nay có gì, ở chiến trường, hậu phương hay quốc tế đánh giá thế nào.

Sau khi thiết kế diễn biến trận đánh trên Website, chúng tôi chuyển sang làm bản in rồi lại có QR code để bạn đọc có thể quét vào để kết nối với Website. Điều đó sẽ tạo sự liên thông giữa sản phẩm báo in với sản phẩm điện tử.

Không chỉ có vậy, chúng tôi còn kết hợp công nghệ mới nhất hiện nay là thực tế tăng cường. Khi xem bức tranh panorama với 4.500 nhân vật do 200 họa sĩ thể hiện là đẹp rồi nhưng nếu nhìn thế là chưa đủ. Chúng tôi đã tích hợp công nghệ thực tế tăng cường, để khi quét bức tranh vào điểm nhất định thì sẽ có hình ảnh động.

Ví dụ trên bức tranh là chiến sĩ cầm lá cờ nhưng khi soi bằng điện thoại thì chiến sĩ sẽ phất lá cờ. Nhìn bầu trời là dù thả nhu yếu phẩm, quân trang của Pháp, nhưng giơ điện thoại lên sẽ là cái ô đang rơi xuống…

Có những bài mới có khoảng 2- 3 chục nghìn người xem nhưng khi chúng tôi đăng trên TikTok thì sáng hôm sau đã có 700 nghìn người xem, thậm chí có những Status lên đến 1,4 triệu người xem.

Lúc đầu chúng tôi nói đùa với nhau, triển lãm này tiếp cận đâu đó 5-10 triệu người dân Việt Nam chăng nhưng thực tế lên đến hàng chục triệu người. Trong 1 tuần triển lãm ở 71 Hàng Trống và Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi ước tính có hơn 30 nghìn lượt người xem.

Đặc biệt chúng tôi đã tính đến có người nước ngoài nên nội dung này đã được dịch sang các thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Trung Quốc.

“Đừng đặt câu hỏi nữa, hãy bắt tay ngay vào chuyển đổi số!”

Đồng chí Lê Quốc Minh trả lời phỏng vấn phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn. Ảnh: Văn Quân.

“Đừng đặt câu hỏi nữa, hãy bắt tay ngay vào chuyển đổi số!”

Phóng viên: Qua những ứng dụng hiện đại được dùng trong đợt cao điểm tuyên truyền kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí muốn truyền đi thông điệp gì?

Đồng chí Lê Quốc Minh: Tất cả những điều chúng tôi làm là mong muốn tạo ra điều mới mẻ và chứng minh một điều là báo in - một nền tảng vốn được coi là truyền thống, thậm chí già nua, thiếu sức thu hút thì vẫn có cách thu hút nếu chúng ta thực sự đầu tư sáng tạo, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới.

Những cơ quan báo chí có thế mạnh như Báo Nhân Dân thì phải biết gắn kết các loại hình báo chí thay vì phát triển một cách độc lập, rời rạc, đơn lẻ. Kể cả tờ báo nhỏ, dám thử nghiệm những sáng tạo thì có thể tạo đột phá lớn.

Thực ra việc sáng tạo trên tranh panorama thì báo nào cũng làm được, có điều là có nghĩ ra không. In ấn thì quá dễ, tạo nội dung trên digital, kết nối QR code với tờ báo in là việc quá đỗi đơn giản, chỉ có việc tích hợp thực tế tăng cường là phức tạp hơn một chút. Nếu làm 2 công việc kia mà bỏ qua thực tế tăng cường thì cơ quan nào cũng làm được, không cứ phải là Báo Nhân Dân.

“Đừng đặt câu hỏi nữa, hãy bắt tay ngay vào chuyển đổi số!”Các bạn đọc trẻ tuổi xếp hàng dài chờ nhận tặng phụ san số Báo Nhân Dân đặc biệt phát hành ngày 7/5/2024. Ảnh: Thế Đại.

“Đừng đặt câu hỏi nữa, hãy bắt tay ngay vào chuyển đổi số!”

PV: Nhân dịp 21/6 - ngày truyền thống của những người làm báo, đồng chí có nhắn nhủ gì đến các cơ quan báo chí, với các hội viên nhà báo trong công tác chuyển đổi số?

Đồng chí Lê Quốc Minh: Chuyển đổi số là quá trình bền bỉ, không dừng lại. Có những tờ báo chuyển đổi số khá tốt, sau đó bị chững lại. Có những tờ báo chậm chân nhưng khi làm đúng cách, đúng đường thì lại tiến nhanh hơn tờ báo khác. Có tờ báo công nghệ với hệ thống nhân sự, lập trình hùng hậu sau lưng nhưng đã tụt hậu trong chuyển đổi số.

Chuyển đổi số ai cũng nghĩ phải có nhiều tiền. Nhiều tiền để mua công nghệ mới. Xét về một góc nhìn nào đó thì cũng đúng, bởi vì công nghệ hiện đại rất đắt tiền. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ thành công.

Không phải cơ quan báo chí nhỏ, ít kinh phí, ít nhân lực lại không làm được những điều mà cơ quan báo chí lớn làm. Thay vì sở hữu đội ngũ công nghệ chất lượng cao, chi phí tốn kém thì các cơ quan báo chí chọn cách thức hợp tác với các đối tác, không chỉ với một đối tác mà nhiều đối tác rồi tận dụng những công nghệ sẵn có với chi phí ở mức hợp lý.

Trước đây, công nghệ thực sự là một gia tài, không dễ để đầu tư còn hiện nay chi phí ấy chỉ bằng 1/3, 1/5.

Điều tôi muốn nhắn nhủ đến cơ quan báo chí là đừng chần chừ, đừng đặt câu hỏi nữa mà hãy bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số. Chúng ta cũng không nên máy móc, bắt chước cơ quan báo chí khác, cũng không nên lo lắng khi mình không có công cụ, thiết bị hiện đại và càng không nên ỷ vào việc nhiều tiền muốn mua cái gì cũng được.

Điều quan trọng không phải lớn hay nhỏ, không phải nhân sự nhiều hay ít, không sở hữu công nghệ hay sở hữu công nghệ mà câu chuyện ở đây là tìm ra con đường phù hợp cho mỗi cơ quan báo chí.

Không phải đi con đường lớn mới là đúng mà đi con đường nhỏ với những bước đi nhỏ đầu tiên, dám thử nghiệm, dám chấp nhận rủi ro, thậm chí dám chấp nhận cả sai lầm để thay đổi liên tục, tìm ra cách thức phù hợp nhất về nhân sự, tài chính, mục tiêu của mình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Đồng chí Lê Quốc Minh trả lời phỏng vấn
Tạp chí Lao động và Công đoàn.

Thực hiện: Ngô Khiêm

Ảnh: Văn Quân, Thế Đại, Bông Mai