Bảo vệ cán bộ Y tế cần sự chung tay của cả cộng đồng
Việc làm - tuyển dụng - 30/07/2019 09:10 Lê Thị Nhường
(Ảnh Tuổi trẻ). |
GS. TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế đã dành thời gian trả lời phóng viên Tạp chí LĐ&CĐ về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
- Xin đồng chí cho biết, tình trạng bạo hành nhân viên y tế các BV hiện nay như thế nào và biểu hiện của nó ra sao, thưa Thứ trưởng?
GS. TS. Nguyễn Viết Tiến: Môi trường BV đang trở nên mất an toàn khi tình trạng hành hung nhân viên y tế đã trở thành vấn đề nóng được đề cập nhiều trong thời gian qua. Riêng dịp trước và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đã có 4 vụ bạo hành y tế có tính chất nghiêm trọng xảy ra.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đạo đức xã hội xuống cấp, sự manh động của một số đối tượng; cấu trúc hạ tầng an ninh BV chưa đảm bảo; khung pháp lý chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp của người thầy thuốc, kỹ năng giao tiếp, ứng xử… chưa cao.
Một số ý kiến đổ lỗi cho những biểu hiện tiêu cực trong ngành Y; tuy nhiên, tôi phản đối quan điểm này, bởi ngành Y tế đã hết sức cố gắng trong việc cải tiến chất lượng dịch vụ, nâng cao tinh thần thái độ, đáp ứng sự hài lòng của các đối tượng người bệnh, được người dân, dư luận xã hội, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận. Giống như mọi ngành nghề khác, ngành Y cũng có người tốt, kẻ xấu, có những tiêu cực. Nhưng lấy cái tiêu cực của ngành Y để biện minh cho việc bạo hành y tế thì thật nguy hiểm. Cả hai vấn đề, tiêu cực trong ngành Y và bạo hành nhân viên y tế đều là những cái xấu, cần phải trấn áp, xóa bỏ.
- Việc bạo hành nhân viên y tế có ảnh hưởng như thế nào đến công tác khám chữa bệnh của các bác sĩ trong ngành Y, thưa Thứ trưởng?
GS. TS. Nguyễn Viết Tiến: Thứ nhất, bạo hành nhân viên y tế xảy ra sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề như giảm động lực và sự tận tụy của đội ngũ thầy thuốc, thậm chí, gây nên nỗi sợ hãi khi hành nghề. Do vậy ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
Thứ hai, BV là nơi cần sự yên tĩnh, trật tự để nhân viên y tế tập trung sức lực và trí tuệ cao độ giúp bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo và cũng để bệnh nhân tĩnh dưỡng. Khi nhân viên y tế bị hành hung sẽ ảnh hưởng đến những bệnh nhân khác. Trong trường hợp nhân viên y tế đang cấp cứu cho một bệnh nhân mà bị hành hung sẽ làm gián đoạn quy trình khám chữa bệnh, gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Thứ ba, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, sự lựa chọn nghề nghiệp của thế hệ trẻ. Nếu tình trạng bạo hành nhân viên y tế không được giải quyết, lâu dần sẽ thành một vấn nạn phổ biến trong xã hội, nghề y sẽ không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, về lâu dài sẽ thiếu nhân lực y tế trầm trọng.
- Bộ Y tế đã có những hành động gì để bảo vệ cán bộ, nhân viên của mình, thưa đồng chí?
GS. TS. Nguyễn Viết Tiến: Ngày 26/9/2013, Bộ Công an và Bộ Y tế đã tổ chức Lễ ký Quy chế phối hợp về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 6197/QĐ-BYT ngày 17/10/2016 về việc ban hành Hướng dẫn Quản lý dịch vụ thuê, khoán bên ngoài tại BV để bảo đảm giữ an ninh, trật tự BV. Bộ Y tế cũng chỉ đạo thực hiện cải tiến liên tục, chấn chỉnh đổi mới, cải cách hoạt động của khoa khám bệnh; thực hiện các giải pháp giảm tải BV; tổ chức khám công khai, minh bạch, có hướng dẫn rõ ràng, giảm thời gian chờ đợi, giảm bức xúc của người bệnh. Đồng thời, ban hành Quyết định số 4858/QĐ-BYT ngày 03/12/2013 và Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 về Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV, bao gồm 83 tiêu chí bao gồm tất cả các lĩnh vực trong BV nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; trong đó có một tiêu chí về việc “Bảo đảm an ninh, trật tự BV”, quy định các BV phải có lực lượng bảo vệ được đào tạo thường trực 24/24h, có đội phản ứng nhanh (mức cơ bản)… và mức cao nhất là BV phải lắp đặt đầy đủ hệ thống camera, có chuông báo động khẩn cấp, có lực lượng phản ứng nhanh, có cửa tự động, khóa từ hạn chế người ra, vào. Nếu BV làm được như vậy chắc chắn sẽ bảo đảm an ninh tốt hơn.
Mới đây, ngày 23/1/2019, tại Bộ Y tế, Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an cũng đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và kế hoạch triển khai Quy chế. Đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT ngày 26/9/2013 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế.
Để tăng cường bảo đảm an ninh trật tự tại các BV, Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khỏe và danh dự của nhân viên y tế; chủ động thông báo cho phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an các cấp và chính quyền địa phương khi có hiện tượng mất an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xác định nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm…
Phòng, chống bạo hành nhân viên y tế, (Ảnh Báo phapluat). |
- Bảo vệ nhân viên y tế là bảo vệ những người chăm sóc sức khoẻ cho toàn dân. Vậy theo Thứ trưởng, trách nhiệm bảo vệ nhân viên y tế còn cần có những ai và vào cuộc bằng cách nào để đạt hiệu quả ?
GS. TS. Nguyễn Viết Tiến: Cần phải coi nhân viên y tế trong BV là người thi hành công vụ, có quyền được pháp luật bảo vệ tính mạng, danh dự như những công dân khác trong xã hội. Để bảo vệ y bác sĩ, nhân viên y tế trước nạn hành hung, cần sự chung tay, giúp sức của tất cả các cấp, các ngành, toàn xã hội. Sự vào cuộc đó cần hướng tới các nhóm giải pháp liên quan đến 6 nhóm đối tượng: thầy thuốc và nhân viên y tế; BV và cơ sở khám chữa bệnh; ngành Y tế; cơ quan lập pháp; các bộ, ban ngành liên quan như công an, cơ quan truyền thông, cộng đồng. Cụ thể:
Thầy thuốc và nhân viên y tế: Phải có thái độ cư xử hòa nhã, lịch sự với người bệnh. Bác sĩ phải luôn cố gắng cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chủ động, giải toả cảm xúc tiêu cực cho người bệnh và thân nhân của họ. Đồng thời, phải nắm bắt ngay những biểu hiện của kẻ có khả năng bạo hành và thông báo cho nhân viên khác biết, chuẩn bị phương án phòng ngừa và thoát hiểm. Khi kẻ bạo hành ra tay, cần tránh xa khu vực, hạn chế tổn thất cho nhân viên y tế. Chỉ khi nào kẻ bạo hành được đưa ra khỏi khu vực khám chữa bệnh thì nhân viên y tế mới tiếp cận để thực hiện việc cứu chữa cho người bệnh.
BV và các cơ sở khám chữa bệnh: Lãnh đạo các cơ sở y tế cần xác định vai trò cung cấp dịch vụ y tế của cơ sở mình, theo đó, bệnh nhân là khách hàng, nhân viên y tế là khách hàng nội bộ, cả hai đối tượng đó đều cần phải được hài lòng. Liên tục đánh giá và hoàn thiện các quy trình, vừa hạn chế sai sót, vừa bảo đảm công bằng, minh bạch các tiêu chuẩn ưu tiên, hạn chế tối đa các xung đột quyền lợi giữa bệnh nhân với nhau, giữa bệnh nhân và nhân viên y tế. Xây dựng đội ngũ chăm sóc khách hàng có kỹ năng xử lý tình huống tốt, ngăn cản mọi xung đột phát triển. Nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ cho lực lượng bảo vệ và các nhân viên khác. Xây dựng các kế hoạch ứng phó với sự cố xung đột, bảo đảm hạn chế thiệt hại.
Tiếp đó, cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an tại địa phương, vừa để kịp thời thông báo sự cố, vừa có kế hoạch hạn chế thương vong, kịp thời khống chế đối tượng khi có hành vi nguy hiểm.
Sau cùng, các cấp, ngành cần thể hiện sự cương quyết xử lý các đối tượng bạo hành nhân viên y tế, bảo vệ nhân viên y tế để họ an tâm phục vụ. Tương tự vậy, kiên quyết xử lý những nhân viên y tế thoái hóa, biến chất để bảo vệ người bệnh.
Ngành Y tế: Đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân tôn trọng, thấu hiểu, chia sẻ, đồng cảm với những vất vả, gian nan của nhân viên y tế, và vai trò của nhân viên y tế đối với việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 13/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản quy định của Bộ Y tế về an ninh, trật tự BV. Kết hợp với Công đoàn ngành Y tế ban hành Thông tư về quy tắc ứng xử của nhân viên y tế. Tăng cường giáo dục, hướng dẫn thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...
Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, tăng cường tuyên truyền thành tựu, đóng góp của ngành Y tế để nhân dân có đánh giá khách quan, đúng đắn về người thầy thuốc. Nếu nói về các nghề nghiệp có tính rủi ro cao thì ngành Y sẽ xếp trong đầu với hàng trăm nguy cơ khác nhau.
Từ lây nhiễm bệnh tật, căng thẳng công việc đến nguy cơ mất an toàn do bị hành hung. Các bác sỹ, điều dưỡng và nhân viên y tế, những người đang ngày đêm chăm sóc, cứu chữa cho hàng nghìn, hàng vạn người bệnh ở khắp các bệnh viện trong cả nước hàng ngày phải chịu áp lực, trách nhiệm rất cao đồng thời phải chịu thêm áp lực kép về mặt tâm lý. Người cán bộ y tế cần phải được toàn xã hội tôn trọng và bảo vệ. Tình trạng bạo lực, hành hung, đe dọa… gây mất an ninh, trật tự đặc biệt trong môi trường cần hơn hết sự yên tĩnh, an toàn như BV cần phải được lên án và là hành vi không thể chấp nhận được dưới bất kỳ hình thức nào.
Đưa tin bài về những tấm gương tốt của cán bộ y tế, việc phản ánh chân thực các vụ bạo hành trong BV của báo chí cũng rất quan trọng. Báo chí sẽ hỗ trợ ngành Y tế lên án, ngăn chặn những hành vi xâm phạm đến danh dự, tính mạng nhân viên y tế.
Giáo dục người dân tuân thủ pháp luật, phản ứng với hành vi tiêu cực của nhân viên y tế phù hợp trên tinh thần xây dựng; không cổ xúy cho hành vi bạo lực; cảm thông, chia sẻ với khó khăn của thầy thuốc, ngành Y; tham gia bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế.
Phối hợp với Bộ Tư pháp điều chỉnh khung pháp lý với hành vi xâm phạm thân thể, tinh thần thầy thuốc; hỗ trợ kỹ thuật và nhân lực trong công tác an ninh BV. Nghiên cứu đề xuất xây dựng luật về phòng chống bạo lực tại cơ sở y tế, ngăn ngừa nguy cơ bạo lực trong BV. Cơ chế bảo hiểm cho cán bộ y tế và có luật sư để đàm phán, giải quyết với người nhà bệnh nhân khi có sự cố y khoa xảy ra.
Phối hợp với Bộ Xây dựng đưa ra các quy chuẩn thiết kế, xây dựng BV có tính đến an ninh, an toàn BV.
Phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức các cuộc vận động sáng tác để có thêm những tác phẩm nghệ thuật tôn vinh thầy thuốc và tăng cường giáo dục truyền thông văn hóa, ý thức của cả xã hội, người bệnh và người nhà người bệnh đối với người cán bộ y tế.
Xin cảm ơn đồng chí!
Cách phòng tránh dịch bệnh vào những ngày đông xuân Thời tiết đông - xuân là điều kiện để một số bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là những người có thể trạng yếu như ... |
Bộ Y tế hướng dẫn giám sát 9 loại bệnh truyền nhiễm cần cách ly Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 17/2019/TT-BYT về việc hướng dẫn giám sát đối với 9 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ... |
Hà Nội thành lập Tổ công tác giải quyết vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm y tế UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3405/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác giải quyết vướng mắc trong thực ... |
Tin cùng chuyên mục
Việc làm - tuyển dụng - 17/11/2024 12:17
Doanh nghiệp sản xuất gỗ ván ép ở Quảng Bình tuyển hàng trăm lao động phổ thông
Hoạt động trong lĩnh lực sản xuất gỗ ván ép công nghiệp, Công ty CP Gỗ Quảng Phát (Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đang có nhu cầu tuyển nhiều vị trí việc làm, với hơn 100 lao động.
Việc làm - tuyển dụng - 16/11/2024 16:36
Sơn Hà SSP Việt Nam tuyển nhiều công nhân và kỹ sư: thu nhập hấp dẫn, phúc lợi vượt trội
Để đáp ứng tiến độ sản xuất cuối năm và mở rộng quy mô hoạt động, Công ty TNHH MTV Sơn Hà SSP Việt Nam hiện đang tuyển dụng nhiều vị trí, bao gồm công nhân, kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện và nhân viên kiểm tra chất lượng (QC).
Việc làm - tuyển dụng - 09/11/2024 07:00
1.337 vị trí việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
Ngày 8/11/2024, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội diễn ra Hội chợ việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan trở về từ Hàn Quốc và Nhật Bản, thu hút 45 doanh nghiệp với 1.337 vị trí việc làm.
Việc làm - tuyển dụng - 22/10/2024 16:49
Công ty CP Xi măng Sông Gianh tuyển 55 lao động có chuyên môn
Để mở rộng hoạt động kinh doanh sản xuất, Công ty Cổ phần Xi măng Sông Gianh vừa có thông báo tuyển dụng 07 vị trí việc làm, với 55 lao động có chuyên môn.
Việc làm - tuyển dụng - 19/10/2024 17:53
Nhất Tín Logistics tuyển hơn 100 nhân sự làm việc tại Hà Nội, mức lương từ 12-16 triệu/tháng
Nhất Tín Logistics, một trong những đơn vị vận chuyển uy tín hàng đầu tại Việt Nam, đang mở rộng quy mô tuyển dụng với nhu cầu hơn 100 nhân sự làm việc tại Hà Nội, mức lương từ 12-16 triệu đồng/tháng.
Việc làm - tuyển dụng - 11/10/2024 18:27
Tuyển hơn 300 công nhân cao su tại Quảng Bình
Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại và Đoàn Kinh tế quốc phòng 79 vừa có thông báo tuyển dụng 330 công nhân cao su tại Quảng Bình.
- Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
- Hành trình lấy lại niềm tin sống của cô giáo mắc bệnh trầm cảm sau sinh
- Trên 90% bệnh nhân hài lòng: Thành quả từ sự đồng lòng của cán bộ, viên chức ngành Y
- 06 cách giúp công nhân lao động thêm việc thêm tiền
- Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?