
![]() |
Đã đến lúc công đoàn chủ động đàm phán, thương lượng để tăng lương cho công nhân dệt may. Ảnh: Đỗ Lâm |
Đây là ý kiến nhận được sự đồng thuận của nhiều cán bộ công đoàn tham dự hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Báo cáo tiền lương, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp dệt may và khuyến nghị đối với hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể về tiền lương, thu nhập trong ngành Dệt may. Hội nghị này được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 21/2 vừa qua.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Vinh Quang - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, thị trường dệt may có nhiều dấu hiệu tốt hơn và xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt 45,5 – 46,0 tỷ USD, tăng 5 - 6% so với năm 2024.
Kết quả khảo sát 735 doanh nghiệp dệt may có công đoàn cơ sở trong phạm vi toàn quốc hồi tháng 9 - 10/2024 của Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho thấy triển vọng ngành Dệt may trong năm 2025 và thời gian tới có nhiều thuận lợi.
Cụ thể, qua khảo sát, có tới 59,3% doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất với sản lượng, đơn hàng như thời gian trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19; có đến 13,8% doanh nghiệp còn đạt mức cao hơn thời điểm đó.
Dự báo trong năm 2025, có 71,3% doanh nghiệp duy trì ổn định đơn hàng như năm 2024 và 22,6% doanh nghiệp dự báo đơn hàng tăng so với năm 2024. Về nhu cầu tuyển dụng lao động, chỉ có 33,6% doanh nghiệp dự kiến giữ nguyên số lao động hiện tại, trong khi đó có tới 62,6% doanh nghiệp dự kiến tuyển dụng thêm lao động.
"Đây là điều kiện thuận lợi để công đoàn các cấp tập trung đẩy mạnh đối thoại, đàm phán, thương lượng tăng mức tiền lương cho công nhân trong ngành Dệt may", ông Nguyễn Vinh Quang nhận định.
![]() |
Ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần có đánh giá chính xác cơ cấu thu nhập của công nhân lao động ngành Dệt may để thương lượng hiệu quả. Ảnh: Đỗ Lâm |
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, báo cáo kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá tỷ lệ tiền lương cơ bản chiếm 72% thu nhập của lao động ngành Dệt may là khá lạc quan. Tuy nhiên đây là cách tính thu nhập chung của người lao động, trong đó có cả người quản lý, lao động gián tiếp và công nhân trực tiếp sản xuất.
Trong thực tế tiền lương cơ bản của công nhân trực tiếp ở các doanh nghiệp ngành Dệt may chỉ chiếm khoảng 60%, còn lại đều được doanh nghiệp chuyển thành các khoản thu nhập khác.
“Đây là vấn đề mà các cấp công đoàn cần tiếp tục khảo sát, nghiên cứu làm cơ sở để đàm phán, thương lượng tăng mức tiền lương cơ bản và thu nhập trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thành Đô nhấn mạnh.
Theo ông Đô, hiện nay đang là thời điểm thuận lợi để công đoàn đàm phán, thương lượng về tiền lương công nhân ngành Dệt may. Bởi lẽ thực hiện chiến lược phát triển ngành Dệt may và da giày, từ nay đến năm 2030, ngành này sẽ chuyển dần sang phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và thế giới về tốc độ tăng trưởng GDP cao (từ 5,8% - 6,5%) trong giai đoạn 2024 - 2029. Đặc biệt là Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên và phấn đấu đạt 2 con số trong những năm tới; ở các địa phương đều đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 8 -10%...
![]() |
Bà Bùi Thị Nhàn – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam đàm phán tăng tiền lương cơ bản, tăng thu nhập của công nhân lao động ngành Dệt may. Ảnh: Đỗ Lâm |
Ông Nguyễn Thành Đô cũng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần có đánh giá chính xác cơ cấu thu nhập của công nhân lao động ngành Dệt may để thương lượng hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho họ trong thời gian tới. Đồng thời, các khuyến cáo đưa ra trên cơ sở phân tích kết quả khảo sát cần phải rõ các giải pháp của mỗi cấp công đoàn, mỗi địa phương...
Đơn cử như, trong đối thoại về tiền lương, thưởng, thu nhập, phúc lợi, có 79,9% công đoàn cơ sở phản hồi đã nhận được hỗ trợ của công đoàn cấp trên khi đối thoại, thương lượng. Trong đó có 65,1% ý kiến đánh giá cao và rất cao vai trò hỗ trợ của công đoàn cấp trên, còn lại 32,7% ý kiến đánh giá ở mức bình thường.
Hay trong xây dựng thang lương, bảng lương, có 78% công đoàn cơ sở phản hồi đã nhận được hỗ trợ của công đoàn cấp trên khi đối thoại, thương lượng. Trong đó có 63,9% ý kiến đánh giá cao và rất cao vai trò hỗ trợ của công đoàn cấp trên, còn lại 33,2% ý kiến đánh giá ở mức bình thường…
“Như vậy cần phải rà soát lại quy trình, nội dung, phương pháp hỗ trợ của công đoàn cấp trên đối với công đoàn cơ sở. Từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể cho cả công đoàn cấp trên và công đoàn cơ sở trong các khâu này”, ông Nguyễn Thành Đô khẳng định thêm.
![]() |
Ông Phan Thanh Liêm - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa đề xuất đàm phán tăng tiền lương cơ bản, tăng thu nhập của công nhân lao động ngành Dệt may. Ảnh: Đỗ Lâm |
Cùng quan điểm này, nhiều cán bộ công đoàn đều cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi để đàm phán tăng tiền lương cơ bản, tăng thu nhập của công nhân lao động ngành Dệt may ở nước ta.
Ông Phan Thanh Liêm - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa đề xuất: “Tổng LĐLĐ Việt Nam cần nghiên cứu, khuyến nghị cho các công đoàn địa phương về công tác tham mưu để có sự vào cuộc, phối hợp, hỗ trợ đắc lực của các cấp chính quyền trong hoạt động đối thoại, thương lượng về tiền lương ở các doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng, không chạy theo số lượng cuộc đối thoại, thương lượng”…
Bà Bùi Thị Nhàn – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai kiến nghị: “Từ kết quả khảo sát, báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam cần đưa ra khuyến nghị trong đối thoại, thương lượng về tiền lương cho mỗi cấp công đoàn ở từng khu vực; sát hơn nữa là khuyến nghị với từng loại hình công đoàn cơ sở ngành Dệt may”…
Còn ông Lê Văn Đại - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng cho rằng, ngành Dệt may ở nước ta hiện nay chủ yếu là gia công, giá trị lao động chỉ chiếm phần nhỏ trong giá thành sản phẩm. Bởi vậy chủ doanh nghiệp gia công thực chất cũng là người làm thuê; họ cũng phải đàm phán, thương lượng để có được đơn hàng tốt cho doanh nghiệp mình.
Từ đó, ông Đại đề xuất: “Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cần nghiên cứu cơ chế đối thoại, thương lượng phù hợp với tình hình này; phải có sự tham gia của các nhãn hàng trong thương lượng về tiền lương của công nhân ngành Dệt may”.
Video ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh.