
![]() |
Công nhân ngành Dệt may lương thấp, môi trường làm việc khắc nghiệt. Ảnh: Đỗ Lâm |
Từ kết quả khảo sát
Đây là nhận định chung đối với công nhân lao động trong các doanh nghiệp ngành Dệt may được các đại biểu là cán bộ công đoàn đưa ra tại Hội nghị do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 21/2.
Hội nghị được tổ chức nhằm thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo tiền lương, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp dệt may và khuyến nghị đối với hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể về tiền lương, thu nhập trong ngành Dệt may.
Ông Nguyễn Vinh Quang - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam cho hay, báo cáo này được Tổ khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp, phân tích trên cơ sở dữ liệu khảo sát từ một số công đoàn cơ sở ngành Dệt may trong phạm vi toàn quốc hồi tháng 9-10/2024. Đối tượng được khảo sát, cung cấp thông tin là chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở doanh nghiệp dệt may.
Theo đó, trong giai đoạn 2012-2021, số lượng doanh nghiệp dệt may tăng bình quân hàng năm là 8%; đến năm 2024, số lượng khoảng 7.000 doanh nghiệp. Tổng số lao động làm việc trong ngành Dệt may đã tăng từ gần 1,8 triệu người năm 2012 lên khoảng 3 triệu người năm 2024, trong đó, khoảng 74% lao động là nữ.
Đợt khảo sát lần này có 735 doanh nghiệp dệt may có công đoàn cơ sở gửi báo cáo tiền lương, thu nhập của người lao động về Tổng LĐLĐ Việt Nam để tham gia đánh giá. Kết quả thống kê cho thấy, thu nhập bình quân chung của người lao động ngành Dệt may là 10,4 triệu đồng/người/tháng.
Mức thu nhập này cũng tương tự con số mà Tổng Cục Thống kê công bố trong Niên giám thống kê 2023 là 10,83 triệu đồng/tháng đối với lao động ngành Dệt và 9,14 triệu đồng/tháng đối với lao động ngành May.
Như vậy, mức thu nhập này thấp hơn thu nhập bình quân chung của cả nước (11,499 triệu đồng); thấp hơn bình quân của một số ngành như chế biến chế tạo (10,58 triệu đồng), điện tử (12,54 triệu đồng)…
![]() |
Hội nghị về tiền lương, thu nhập của công nhân dệt may do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 21/2. Ảnh: Đỗ Lâm |
Đến giá trị thực trong tiền lương
Tại hội nghị lần này, ông Nguyễn Trung Ngạn - Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, hiện hầu hết doanh nghiệp chỉ trả lương cho người lao động ngành Dệt may theo lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định. Rất ít doanh nghiệp trả lương tăng thêm cho lao động đã qua đào tạo và lao động làm ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định pháp luật.
Ông Ngạn cũng chỉ ra thực trạng các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường lao động vì lợi nhuận của doanh nghiệp mình và lợi nhuận của khách hàng (doanh nghiệp sử dụng lao động) mà đưa ra kết quả đo kiểm môi trường lao động chưa chính xác. Việc này khá phổ biến khi họ thực hiện hợp đồng quan trắc môi trường lao động ở các doanh nghiệp quy mô nhỏ, nằm ngoài các khu công nghiệp…
Ông Ngạn cho hay, hiện pháp luật quy định trao quyền cho doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường lao động nhưng chưa quy định đơn vị giám sát với hoạt động này.
“Khi kết quả đo kiểm phản ánh không trung thực về môi trường lao động, thì phần thiệt thòi lại rơi vào người công nhân lao động làm việc trong môi trường đó. Họ không được hưởng chính sách theo quy định pháp luật đó là bồi dưỡng bằng hiện vật, khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp…”, ông Ngyễn Trung Ngạn nhấn mạnh.
![]() |
Ông Nguyễn Trung Ngạn - Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, hiện hầu hết doanh nghiệp chỉ trả lương cho công nhân ngành Dệt may theo lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định. Ảnh: Đỗ Lâm |
Còn ông N.V.T – Chủ tịch Công đoàn cơ sở một công ty may 100% vốn Hàn Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh (xin dấu tên) thì khẳng định, trong thực tế điều kiện làm việc của lao động ngành Dệt may rất khắc nghiệt. Họ phải làm việc trong môi trường có nồng độ bụi cao, thiếu ánh sáng, độ ồn, nóng ẩm đều cao... Đặc biệt họ thường phải làm việc với cường độ cao, tăng ca trong thời gian dài…
Theo ông T, công ty nơi ông làm việc công nhân may chỉ được trả lương và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bằng mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định. Bởi vậy tỷ lệ tiền lương trong cơ cấu thu nhập của họ là rất thấp, khoảng 50%; phần thu nhập còn lại được công ty chi trả qua các khoản phụ cấp, tiền làm thêm giờ, thưởng, phúc lợi…
Để có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng, công nhân phải làm thêm giờ vượt quá quy định của pháp luật. Họ chấp nhận đánh đổi sức khỏe của mình cho mưu sinh vì không có con đường khác.
“Chúng tôi đã đàm phán, thương lượng nhiều lần nhưng đều không thành công. Công ty chỉ chấp thuận tăng một số khoản tiền phụ cấp xăng xe, đện thoại… Riêng tiền lương cơ bản thì lãnh đạo công ty khẳng định chỉ tăng khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tốt thiểu vùng”, ông N.V.T cho hay.
![]() |
Công nhân ngành Dệt may lương thấp, môi trường làm việc khắc nghiệt. Ảnh: Đỗ Lâm |
Cùng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Vinh Quang cho biết, kết quả khảo sát vừa qua cho thấy, tỷ lệ lương cơ bản trong cơ cấu thu nhập của công nhân ngành Dệt may chỉ chiếm 72%. Lương cơ bản thấp dẫn đến căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp, ảnh hưởng đến các chế độ an sinh cho người lao động như ốm đau, thai sản, hưu trí… cũng thấp theo.
Đồng thời, việc nâng lương định kỳ của công nhân ngành này cũng ít được các doanh nghiệp quan tâm; thời gian tính để nâng lương rất dài, trong khi mức tăng mỗi lần lại rất thấp.
Theo kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, thời gian nâng của người lao động ngành Dệt may từ 12 đến 24 tháng với khoảng 61,6% số người lao động; bình quân người lao động được nâng bậc lương sau 19 tháng làm việc với mức nâng lương bình quân là 6% cho mỗi bậc lương, tức là mỗi năm tiền lương chỉ tăng 3,3%, không theo kịp lạm phát.
Ông Nguyễn Vinh Quang cho rằng: "Tỷ lệ tiền lương chỉ chiếm 72% trong cơ cấu thu nhập là rất thấp, cần thương lượng để điều chỉnh tăng tỷ lệ này lên 75-80% thu nhập. Đồng thời thương lượng tăng tiền lương hằng năm với mức tối thiểu đạt 4-5% mới đủ bù lạm phát, cải thiện đời sống cho người lao động”.
Video ông Nguyễn Trung Ngạn - Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Bài 2: Thời điểm thuận lợi để đàm phán tăng lương công nhân dệt may