Hai phương án nghỉ Tết Âm lịch và Quốc khánh năm 2023 đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến các bộ, ngành. Phương án 1 là nghỉ 7 ngày (từ 29 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng, tức là từ ngày 20 đến 26/1/2023). Phương án 2 là nghỉ 9 ngày (từ 30 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng, tức là từ ngày 21 đến 29/1/2023).
Cơ quan này đề xuất lựa chọn nghỉ 7 ngày (gồm 2 ngày trước và 3 ngày sau Tết, cộng thêm ngày nghỉ bù hằng tuần) để đảm bảo "tổng số ngày nghỉ liên tục không quá dài". Theo phương án này, công chức, viên chức, NLĐ cả nước sẽ đi làm lại vào ngày mùng 6 Tết, sau đó nghỉ tiếp vào thứ Bảy, Chủ nhật.
Bộ Nội vụ và Bộ Giao thông vận tải (là hai trong số 16 cơ quan được lấy ý kiến) đồng tình với Bộ LĐ-TB &XH về phương án nghỉ Tết 7 ngày.
|
Công nhân Hà Nam về quê nghỉ Tết Âm lịch năm 2022. Ảnh: LƯƠNG HẬU |
Ngày 6/9, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nghỉ Tết Âm lịch 2023 là 8 ngày, nhiều hơn một ngày so với phương án 7 ngày mà Bộ Nội vụ đã thống nhất để đề xuất Chính phủ.
Cụ thể, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất thời gian nghỉ Tết Âm lịch năm 2023 sẽ từ ngày 19/1/2023 (tức 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần) đến hết ngày 26/1/2023 (tức mùng 5 Tết); đi làm trở lại vào ngày 27/1/2023 (mùng 6 Tết) và làm bù thêm vào thứ Bảy ngày 28/1/2023 (tức ngày mồng 7 Tết).
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, thời gian nghỉ Tết là khoảng thời gian nghỉ rất quan trọng trong năm của đoàn viên, NLĐ cũng như người dân nói chung. Để vui Xuân, đón Tết, công tác chuẩn bị mua sắm Tết và nhu cầu di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác là rất lớn. Nước ta trải dài từ Bắc đến Nam, tỉ lệ NLĐ di cư lớn. Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, phần lớn họ đón Tết trong điều kiện hạn chế đi lại. Đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam xuất phát từ nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ mong muốn có thời gian nghỉ trước Tết dài hơn để chuẩn bị đón Tết, di chuyển về quê, giảm áp lực về giao thông.
Về nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất phương án 1: Nghỉ 02 ngày theo quy định, trong đó, nghỉ ngày 02/9 Dương lịch và 01 ngày liền kề trước ngày 02/9. Theo phương án này, công chức, viên chức được nghỉ từ thứ Sáu (ngày 01/9/2023) đến hết thứ Hai (ngày 04/9/2023). Phương án này đảm bảo thời gian nghỉ hài hòa, đồng thời tránh dịp nghỉ lễ Quốc khánh trùng với ngày khai giảng năm học mới (ngày 05/9/2023).
|
Đồng chí Trịnh Văn Bừng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Nam chúc công nhân lao động về quê nghỉ Tết Âm lịch năm 2022. Ảnh: LƯƠNG HẬU |
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết thêm, hai phương án nghỉ 7 ngày và 9 ngày trước đó đều bất cập bởi thời điểm nghỉ trước Tết Âm lịch quá ngắn (chỉ từ 1 đến 2 ngày). Nghỉ quá muộn thậm chí có thể khiến nhiều người mất cơ hội về nhà đón Tết.
Nhiều công đoàn cơ sở cũng cho rằng hai phương án đang được Bộ LĐ-TB&XH hội lấy ý kiến chỉ phù hợp với khối Hành chính Nhà nước mà chưa sát thực tế với công nhân lao động. Lịch áp dụng cho công chức, viên chức song phần lớn doanh nghiệp căn cứ vào đó để bố trí thời gian nghỉ Tết cho NLĐ. Thực tế càng cho nghỉ Tết muộn, lao động quê xa xin về sớm càng nhiều.
Theo đồng chí Phạm Thị Minh Nguyệt - Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Bắc Ninh), đơn vị có số lượng lớn lao động ở vùng sâu, vùng xa nên phương án nghỉ dài hơn 7 ngày sẽ giúp họ được về nhà sum vầy lâu hơn. Bởi lẽ, truyền thống văn hóa của người Việt Nam coi Tết Âm lịch là cơ hội để mỗi người được đoàn viên với gia đình, lấy lại tinh thần sau một năm làm việc vất vả. Nhiều người ở quê xa, phải bắt nhiều chuyến xe mới về được nhà, việc đi về đã mất 2 ngày. Do vậy, nếu thời gian nghỉ Tết 7 ngày là hơi ít.
Ông Nguyễn Văn Tân - Chủ tịch Công đoàn Công ty Hosiden (Bắc Giang), là doanh nghiệp có 5.600 lao động cho biết, phần lớn công nhân lao động quê ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Năm 2022, lịch nghỉ Tết Nhâm Dần là ngày 29 tháng Chạp, nhưng từ ngày 23 Âm lịch, hơn 400 lao động có quê xa trên 200 cây số đã xin nghỉ sớm. Cách Tết hai ngày, số lượng công nhân lao động xin nghỉ sớm đã lên đến gần 1.000 người.
"Năm ngoái, NLĐ phải xin về sớm do nhiều địa phương yêu cầu cách ly để phòng dịch. Doanh nghiệp lường trước được tình hình nên gần một tháng trước Tết đã tăng tốc làm đơn hàng, đồng thời bố trí lao động tại Bắc Giang hay có quê gần với Bắc Giang lấp chỗ trống trong các dây chuyền. Năm nay không còn phải về sớm để cách ly, nhưng dự báo NLĐ vẫn sẽ xin về sớm trước một vài ngày nếu lịch nghỉ Tết muộn. Công nhân phần lớn có cha mẹ già, con nhỏ nên mong mỏi về sớm để sắm Tết. Họ có thể áp dụng ngày nghỉ phép và theo thông lệ, các công ty cũng sẽ tạo điều kiện cho lao động quê xa. Vì vậy, phương án cho CNLĐ nghỉ từ 28 Tết là hợp lý" - đồng chí Nguyễn Văn Tân nêu ý kiến.
Hậu khai giảng Tiếng trống khai trường đã dứt, hân hoan chào đón năm học 2022-2023 cũng tạm lắng để nhường chỗ cho một năm học mới vẫn ... |
Bên tình, bên lý, Tuấn Hưng ở giữa UBND phường Tràng Tiền đang củng cố hồ sơ, báo cáo UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ra quyết định xử phạt ca sĩ Tuấn ... |
Thưa Bộ trưởng, hãy đổi mới ngay từ lễ khai giảng! Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa phát đi thông điệp đầu năm học mới. Theo đó, năm học này được Bộ xác định ... |