Từng làm Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng và hiện làm Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Duy Minh chia sẻ, đã trực tiếp tham dự nhiều cuộc tiếp xúc cử tri giữa đại biểu Quốc hội với đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn và thu được rất nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng của đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn đóng góp xây dựng dự án Luật Công đoàn sửa đổi lần này. Trong đó, nhóm ý kiến về việc công đoàn tham gia giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, phúc lợi của đoàn viên, người lao động tại nơi họ làm việc; vấn đề được mua, thuê nhà ở vừa túi tiền từ nguồn tài chính công đoàn đầu tư để họ có thêm khoản tiết kiệm, tích lũy, yên tâm làm việc, chăm lo con cái… được cử tri kiến nghị nhiều nhất.
Cũng từng nhiều năm hoạt động công đoàn, đồng chí Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang nhận xét về nét mới trong công tác xây dựng pháp luật, cụ thể là Luật Công đoàn sửa đổi lần này ngắn gọn; không đưa vào luật các nội dung thuộc nghị định, thông tư. “Điều đó phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tôi cho rằng, quan điểm xây dựng luật này tháo gỡ điểm nghẽn trong sản xuất, kinh doanh và phục vụ tốt hơn đời sống nhân dân... Quy trình ban hành luật, pháp lệnh được hoàn thiện qua từng nhiệm kỳ. Việc sửa đổi, bổ sung quy trình làm luật có sự thay đổi căn bản đối với các dự án luật. Từ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tổ chức thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Công đoàn sửa đổi. Các đại biểu đã tham gia ý kiến với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, sâu sắc, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và là những đóng góp rất quan trọng cho quá trình tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật. Điều này thể hiện sự cẩn trọng, kỹ càng, sâu sát trong việc nghiên cứu dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi”, đồng chí Lê Thị Thanh Lam nói. Đồng chí Lê Thị Thanh Lam cũng cho biết, đồng chí đặc biệt tâm đắc đối với nội dung về quyền gia nhập công đoàn của công dân nước ngoài. Dự án Luật Công đoàn sửa đổi cũng mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “người làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam”; đồng thời bổ sung vấn đề gia nhập “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; mối quan hệ phối hợp hoạt động và vấn đề chia sẻ kinh phí công đoàn với tổ chức này. Đồng chí Lê Thị Thanh Lam cũng tán thành đề xuất tăng quyền chủ động của Tổng LĐLĐ Việt Nam đối với công tác cán bộ công đoàn như trong dự thảo luật. “Điều đó có ý nghĩa rất lớn trong giai đoạn hiện nay, khi pháp luật cho phép ra đời tổ chức của người lao động tại các doanh nghiệp, đảm bảo sự chủ động, linh hoạt trong bố trí cán bộ công đoàn, đáp ứng nhu cầu phát triển đoàn viên trong từng thời điểm, giai đoạn, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức Công đoàn trong tình hình hiện nay”, đồng chí phân tích. |