Mô hình chăn nuôi trâu, bò gây quỹ của Công đoàn Trung tâm Cai nghiện ma tuý bắt buộc số 1 tỉnh Nghệ An (ảnh THAN) |
Mỗi nơi một cách làm
Nhiều năm qua, Công đoàn thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng, duy trì và phát triển mô hình “Tổ tiết kiệm” thu hút sự quan tâm, tham gia hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, NLĐ trong thị trấn. Theo đó, hằng tháng các công đoàn viên, NLĐ trong các tổ sẽ tiết kiệm 500.000 đồng/người/tháng để góp vào quỹ tiết kiệm chung. Ban đầu có 39 thành viên tham gia, chia ra 3 tổ. Mỗi tổ hằng tháng góp được tổng cộng số tiền 6.500.000 đồng và sẽ quay vòng người nhận. Mô hình này đã giúp đoàn viên, NLĐ vừa nâng cao được ý thức tiết kiệm, chi tiêu một cách khoa học hằng tháng, vừa giúp họ có được thêm một khoản tài chính để trang trải trong sinh hoạt.
Chị Lê Thị Thắm - đoàn viên công đoàn thị trấn Phước Bửu tâm sự: Mặc dù trên nguyên tắc là nhận tiền theo thứ tự đã bốc thăm trước đó. Tuy nhiên, khi các đoàn viên có công việc hệ trọng cần tài chính thì các thành viên khác đều nhường cho nhận trước. Như chị, trước đây đã được các thành viên khác nhường để nhận tiền tiết kiệm này trước thời gian 3 tháng, nhờ đó chị có thêm chi phí để trang trải viện phí cho lần sinh mổ.
Khác với mô hình tổ tiết kiệm của Công đoàn thị trấn Phước Bửu, Công đoàn Trung tâm Cai nghiện ma tuý bắt buộc số 1 tỉnh Nghệ An lại có cách gây quỹ tiết kiệm bằng cách nhân giống, phát triển đàn gia súc. Từ năm 2016, công đoàn này phát động mỗi đoàn viên, NLĐ góp 5 triệu đồng để mua trâu, bò. Từ đàn giống ban đầu này, đến nay đàn trâu, bò của công đoàn đã phát triển thành 38 con, cùng nguồn quỹ tiết kiệm 120 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, thời gian qua đã có 6 đoàn viên được vay gói tín dụng 30 triệu đồng không lãi suất để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Chị Phạm Thi Huyền - đoàn viên Công đoàn Trung tâm Cai nghiện ma tuý bắt buộc số 1 tỉnh Nghệ An cho biết: Không những hỗ trợ nguồn vốn cho đoàn viên, NLĐ với lãi suất 0%, thời gian qua, công đoàn trung tâm còn tổ chức cho đoàn viên, NLĐ đi học tập mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình tại các cơ sở, đơn vị bạn… nhờ đó đoàn viên, NLĐ có thêm kiến thức, kinh nghiệm quý khi quyết định đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đến nay, bằng hình thức này, nhiều đoàn viên, NLĐ đã ổn định, cải thiện được cuộc sống.
Công đoàn Công Ty TNHH Sein Together Kee Eun Việt Nam hỗ trợ 14 triệu đồng cho gia đình CNLĐ gặp nạn. |
Tại Công Ty TNHH Sein Together Kee Eun Việt Nam (KCN Thụy Vân, Việt Trì, Phú Thọ), lâu nay công đoàn cơ sở có quy định hằng tháng mỗi đoàn viên, CNLĐ khi nhận lương sẽ góp 10.000 đồng để nuôi lợn tiết kiệm. Với 1.700 công nhân, mỗi tháng công đoàn sẽ có nguồn quỹ tiết kiệm là 17.000.000 đồng. Số tiền này sẽ dành để trợ giúp các CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, không may mắc bệnh hiểm nghèo hoặc gặp hoạn nạn trong cuộc sống; giúp NLĐ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình.
Công đoàn cần định hướng, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ
Ông Lang Xuân Quỳnh - Chủ tịch Công đoàn Trung tâm Cai nghiện ma tuý bắt buộc số 1 tỉnh Nghệ An cho rằng: Xây dựng, phát triển nguồn tín dụng công đoàn để trợ giúp NLĐ là một hoạt động thiết thực. Tùy theo đặc thù từng đơn vị mà mỗi nơi có cách triển khai riêng. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển bền vững cần huy động sự tham gia, hưởng ứng, vào cuộc của tất cả các thành viên theo cơ chế có làm có hưởng; làm thực chất hưởng thực chất.
“Công đoàn cơ sở không những cần giúp đoàn viên và NLĐ nguồn vốn mà cần định hướng, hỗ trợ họ hướng đi trong chiến lược phát triển kinh tế hộ gia đình để họ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, giúp họ nhanh chóng sinh lời, thoát khỏi khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Đó mới là điều quan trọng nhất” - Ông Lang Xuân Quỳnh khẳng định.
Tội phạm hoạt động trong lĩnh vực tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp |
Tổ chức Công đoàn vận động công nhân lao động tránh xa tín dụng đen |