Người thầy thắp sáng ước mơ qua từng bước chân học trò |
Người thầy hăng say làm việc thiện
Khoảng thời gian gần 20 năm công tác với những đóng góp, cống hiến thầm lặng, cái tên Lê Hồng Sơn đã trở nên rất gần gũi, thân thương với rất nhiều thế hệ học sinh và giáo viên. Bởi lẽ trong quá trình công tác, giảng dạy, thầy là một nhà giáo mẫu mực, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Thầy thực sự là một tấm gương sáng để cho các em học sinh và đồng nghiệp noi theo.
Thầy Lê Hồng Sơn đang giảng bài. Ảnh: ĐVCC |
Bên cạnh công tác chuyên môn, thầy không ngừng học hỏi kiến thức tổng hợp về kinh tế, chính trị, giáo dục và tư tưởng theo đúng định hướng Chủ nghĩa Xã hội, tinh thần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhất là việc luôn đổi mới sáng tạo, trách nhiệm nêu gương để áp dụng vào thực tiễn công tác giảng dạy và rèn luyện trong mỗi nhiệm vụ mà thầy được phân công.
Thầy vẫn lặng lẽ miệt mài bên trang giáo án, vẫn dìu dắt em thơ trong từng trang chữ, câu văn. Vẫn dạy dỗ các em cách làm người đứng thẳng, biết bao dung như dòng sông chở nặng phù sa, học cánh buồm chở đầy khát vọng, như cuộc đời thầy đơn sơ bên bục giảng, như ánh mắt thầy nhìn học sinh thân yêu bên trang giáo án cuộc đời.
Ta cứ ngỡ “Người thầy vẫn lặng lẽ đi về dưới mưa. Dòng đời từng ngày qua êm đềm trôi mãi”. Nhưng thầy Sơn lại không như vậy, thầy luôn miệt mài với công tác thiện nguyện. Có lần bố của học trò bệnh. Cậu học trò nhận tấm phiếu xuống bếp tình thương nhận những phần cơm từ thiện. Cậu học trò ấy rơi nước mắt khi thấy người thầy nghiêm khắc trên lớp giờ đây đang lấy từng muỗng cơm, gắp từng miếng thức ăn bỏ cẩn thận vào từng phần cơm mang cho người bệnh.
Trong hoạt động Công đoàn, thầy là tấm gương để mọi đoàn viên công đoàn trong nhà trường nhìn đó mà noi theo. Còn nhớ những ngày tháng 5, tháng 6 năm 2021, đằng sau những bộ vest công sở chỉnh chu trên giảng đường là bộ quần áo lao động được thay vội sau giờ dạy để thu hoạch các loại rau, củ quả… người dân trao tặng gửi đến đồng bào vùng dịch. Lúc ấy thành phố Hồ Chí Minh đang siết chặt cách li vì sự lây lan chóng mặt của dịch bệnh Covid-19, đang rất cần những củ cà rốt, khoai tây, trái cà, trái bí, bó rau muống, cọng rau lang để chống chọi với những ngày dài dịch bệnh.
Thầy Lê Hồng Sơn nấu cơm từ thiện ở bệnh viện. Ảnh: ĐVCC |
Hưởng ứng sự vận động của Công đoàn ngành, Công đoàn Trường THPT Phan Bội Châu đã hưởng ứng tích cực với những hành động thiết thực lan tỏa thông điệp yêu thương đầy tình người. Những ngày mưa dầm lạnh lẽo của xứ cao nguyên sẽ trở nên ấm lòng khi thấy thầy cùng nhiều thầy cô khác đội mũ, mang áo mưa, bao tay, giày lao động như những người nông dân thực thụ. Họ không quản mệt nhọc trong những vườn rau, vườn cây ăn quả với mong muốn làm sao chia sẻ những thiếu thốn, mất mát mà người dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang phải gánh chịu.
Thậm chí, thầy Lê Hồng Sơn còn vác những bao tải rau, củ, quả nặng hơn cả trọng lượng cơ thể. Những củ cải, củ cà rốt còn lấm lem bùn đất được rửa kĩ càng, gói cẩn thận, xếp gọn sạch sẽ, bởi trong tâm niệm của thầy “của cho không bằng cách cho”. Lúc đó ta mới thấy “Cái đẹp trong bùn đất của những đóa sen” tỏa ra từ tấm lòng của một con người luôn đau đáu một thông điệp “Thương người như thể thương thân’’. Và lúc ấy ta mới thấy vòng tay Công đoàn đã được siết chặt tự bao giờ.
“In dấu trong lòng người khác”
Có khi thấy thầy với màu áo chữ thập đỏ kêu gọi mọi người dù trong trường hay ngoài xã hội hiến máu nhân đạo để cứu giúp người, giọt máu mất đi nhưng nụ cười của thầy ở lại. Thầy bảo “Hãy nhớ rằng những người hạnh phúc nhất không phải là những người nhận được nhiều hơn mà là những người cho đi nhiều hơn. Việc hiến máu có nghĩa là một vài phút đối với bạn, nhưng là cả cuộc đời đối với người khác”. Hơn thế nữa thầy luôn cùng hội chữ thập đỏ đem đến những phần quà cho đồng bào còn khó khăn.
Vòng tay của thầy Lê Hồng Sơn thì hữu hạn nhưng tấm lòng của thầy thì vô bờ. Và việc làm của thầy đã lan tỏa đến các công đoàn viên Trường THPT Phan Bội Châu tự lúc nào không biết. Thế nhưng tháng 1 năm 2023 có lẽ là những năm tháng khó khăn nhất đối với thầy Lê Hồng Sơn. Khó khăn không chỉ đơn giản là hoàn cảnh của thầy neo đơn, xa xứ vào Di Linh lập nghiệp. Khó khăn không chỉ vì là người đàn ông phải đóng hai vai cả mẹ lẫn ba nuôi con nhỏ… mà khó khăn còn đến từ cơn đột quỵ bất ngờ với thầy như một tiếng sét.
Công đoàn trường thăm thầy Sơn (áo vàng) khi bị bệnh. Ảnh: ĐVCC |
Từ một người thầy luôn hăng hái trong các hoạt động công đoàn, hoạt động chữ thập đỏ của trường, của huyện thầy phải chống chọi với đôi bờ “Sinh tử” trên giường bệnh. Hưởng ứng cuộc kêu gọi đến từ công đoàn nhà trường, tất cả các công đoàn viên trong nhà trường đã tận tình đồng hành cùng thầy trong những năm tháng khó khăn tưởng chừng như ngã quỵ.
Đầu tiên là những quyên góp ủng hộ từ các thầy cô trong nhà trường để chia sẻ bớt phần nào gánh nặng cùng thầy. Những thầy giáo trong trường đã thay nhau cứ trống tiết lại chạy gần 100 cây số lên tận Đà Lạt để chăm sóc cho thầy khi trên giường bệnh.
Những thầy cô trong tổ mặc dù còn bận rộn trong công việc chuyên môn vẫn không ngần ngại dạy thay cho thầy không phải một ngày, hai ngày, một tuần, hai tuần mà là năm tháng.
Có lẽ cảm nhận được tấm lòng từ những người đồng nghiệp, cảm nhận được hơi ấm từ vòng tay công đoàn nhà trường và có lẽ ở ngoài kia cũng đang có rất nhiều bàn tay cần thầy giúp đỡ... đã trở thành động lực thôi thúc thầy Lê Hồng Sơn khỏe lại trong “Vòng tay công đoàn”. Để rồi ngày khai giảng, toàn trường vô cùng xúc động khi thấy thầy trong trang phục chỉnh tề cùng đến trường chào năm học mới.
“Mỗi con người sinh ra trên thế gian không phải để tan biến đi như những hạt cát vô danh. Họ sinh ra là để in lại dấu chân trên mặt đất, in dấu trong lòng những người khác”. Thật vậy, trên hành trình dài của cuộc đời, mỗi người sẽ có những lựa chọn khác nhau cho cuộc đời mình. Có người may mắn sống một cuộc đời rực rỡ như ánh dương, lại có những cuộc đời thầm lặng, vô danh như những cây đại thụ xanh tươi giữa đất trời.
Và dù vinh quang hay thầm lặng thì ý nghĩa lớn nhất trong cuộc đời của một con người chính là “in dấu trong lòng những người khác”. Và rồi những con người nhỏ bé nhưng có tấm lòng quảng đại. Những vòng tay nhỏ bé nhưng có trái tim bao la cứ nối nhau, lan tỏa, lan tỏa cái gọi là - vòng tay Công đoàn Việt Nam.
Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ IV do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức từ 30/10/2023 đến hết ngày 30/9/2024. Cuộc thi nhằm tuyên truyền, cổ vũ những trường hợp đoàn viên, người lao động được tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn chăm lo, bảo vệ thiết thực, hiệu quả; nhờ đó có sự thay đổi tích cực trong cuộc sống. Thông qua bài viết nêu bật nỗ lực của tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi đại diện bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động; góp phần khẳng định Công đoàn Việt Nam đã, đang và sẽ mãi là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin của đoàn viên, người lao động. Mời độc giả xem thêm TẠI ĐÂY Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: vongtaycongdoan.ldcd@gmail.com |
Trái tim người thầy Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) đã nhận nuôi tất cả các học sinh Làng Nủ dưới 15 tuổi. ... |
Công đoàn May 10 - Nơi người lao động tìm thấy giá trị của mình Là đoàn viên Công đoàn của phòng Tài chính Kế toán (TCKT)- Tổng công ty May 10 (TCT May 10), tôi vẫn đang hàng ngày ... |
Thầy giáo mầm non duy nhất của huyện Bắc Mê Thầy Hoàng Văn Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Phiêng Luông (xã Phiêng Luông, Bắc Mê, Hà Giang), là cái tên gắn ... |