Hoạt động tín dụng đen ngày càng biến tướng. Ảnh minh họa |
Trong thời gian gần đây, hoạt động “tín dụng đen” là một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều nhất. “Tín dụng đen” được hiểu là một dạng huy động và cho vay tín dụng không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, chưa được cấp phép và không chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan Nhà nước hữu quan nào.
Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” là bên cung cấp nguồn tài chính cho người khác vay. Người vay sẽ hoàn trả tài chính cho các đối tượng cho vay trong một thời gian thỏa thuận và với lãi suất cao. Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng thì các đối tượng cho vay này không có chức năng cho người khác vay tiền. Song, các đối tượng cho vay thường núp dưới hình thức hợp đồng mua bán, đặt cọc...
Những hoạt động có liên quan đến “tín dụng đen” không phải là không có chế tài để xử lý, cụ thể:
- Hành vi cho vay tiền của những cửa hàng cầm đồ, cơ sở hỗ trợ tài chính là một hành vi vi phạm được quy định trong Điều 25, Nghị định 155/2013/NĐ -CP do Chính phủ ban hành. Các cơ sở này có thể bị phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh ngành, nghề không có trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Các đối tượng bị xử phạt hành chính từ 5 đến 15 triệu đồng đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay theo quy định tại Điểm d, Khoản 3, Điều 11 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành.
- Các đối tượng bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm nếu cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức 20%/01 năm trở lên.
Hoạt động “tín dụng đen” là một trong những mầm mống phát sinh nhiều loại tội phạm. Những đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đều tổ chức thành một băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi với nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ hung hãn, sẵn sàng dùng nhiều thủ đoạn trái pháp luật với người vay tiền. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, từ năm 2015 đến năm 2018, toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong đó nổi bật lên là những hành vi sau đây:
- Hành vi cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự. Khi đến hạn trả nợ mà người vay không có khả năng chi trả thì các đối tượng sẽ tập trung thành một nhóm đông người, mang theo vũ khí tìm gặp “con nợ” hoặc đến gia đình của họ để thực hiện hành vi gây thương tích nhằm uy hiếp, đe dọa với mục đích bắt họ phải nhanh chóng trả số tiền đã vay. Trong trường hợp các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm, có tổ chức, mang tính chất côn đồ… cố ý gây thương tích, khung hình phạt cao nhất của hành vi này là chung thân.
- Hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự. Đây cũng là một trong những hành vi các đối tượng thường xuyên thực hiện nhằm cách ly “con nợ” khỏi gia đình và xã hội nhằm đe dọa và quản lý người vay nợ. Gắn liền với hành vi này là hành vi gây thương tích.
Một trong những vấn đề nhức nhối và rất khó phát hiện, xử lý chính là việc các đối tượng vừa hoạt động “tín dụng đen” vừa hoạt động quản lý “gái dịch vụ”. Bản chất đây cũng là một hành vi bắt giữ, giam người trái pháp luật, được xây dựng là tình tiết tăng nặng của loại tội phạm này. Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
Các đối tượng cũng có thể thực hiện hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là chung thân.
- Hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng được quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt của tội danh này là phạt tù từ 01 năm đến 07 năm; nếu các đối tượng sử dụng vũ khí để gây thương tích hoặc giết người thì sẽ xử lý về tội danh tương ứng.
- Hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự. Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” cũng có thể tiến hành các hành vi đến nhà người vay đập phá đồ đạc trong nhà, trên người hoặc lấy tài sản để yêu cầu họ trả tiền.
- Hành vi ném chất bẩn. Thời gian thực hiện hành vi này thường diễn ra vào ban đêm, chất bẩn các đối tượng sử dụng có nhiều loại, đều tự làm, hỗn hợp này thường bao gồm mắm tôm, dầu luyn, phân và sơn… Đây là hành vi không được quy định trong Bộ luật Hình sự nên không thể xử lý hình sự các đối tượng nếu có hành vi trên, do vậy đây là một trong những hành vi các đối tượng thường xuyên sử dụng khi đòi nợ. Bản chất hành vi trên, cơ quan chức năng chỉ xử phạt vi phạm hành chính từ 1 triệu đến 2 triệu đồng theo Điểm a, Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
- Ngoài ra, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” còn thực hiện một số hành vi cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… nhưng với tỷ lệ thấp hơn. Khi yêu cầu người vay viết giấy vay tiền, các đối tượng cũng yêu cầu viết dưới hình thức nhận tiền đặt cọc để mua bán nhà, đất, phương tiện giao thông hoặc tài sản giá trị khác, khi người vay viết giấy thì thường không nghĩ đến hậu quả, chỉ khi nào không trả tiền đúng thời hạn lúc đó các đối tượng sẽ chiếm đoạt tài sản và người vay mới nhận thức được sự việc thì đã quá muộn.
Trên đây là một số nhận thức cơ bản về hoạt động “tín dụng đen”, các hành vi vi phạm pháp luật gắn liền với hoạt động “tín dụng đen” nhằm giúp người đọc hiểu rõ hơn về bản chất, sự nguy hiểm của loại hoạt động này.
Tài liệu tham khảo: 1. Số liệu thống kê của Bộ Công an về hoạt động “tín dụng đen”. 2. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 3. Bộ luật Dân sự năm 2015. 4. Nghị định 167/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành. 5. Nghị định 155/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành. |
Tổ chức Công đoàn vận động công nhân lao động tránh xa tín dụng đen |