Quảng cáo vay tiền trực tuyến qua app xuất hiện nhiều trên các trang mạng |
Gõ cụm từ “vay tiền oline” lên công cụ tiềm kiếm, trong vòng 0,37 giây cho ra 119 triệu kết quả. Tín dụng từ hình thức quảng cáo truyền thống (dán, phát tờ rơi) nay bổ sung thêm cách tiếp cận mới hiện đại hơn đó là các app hỗ trợ việc vay tiền. Tiện lợi nhiều, nhưng nguy cơ cũng lắm, nhất là những gói tín dụng đen dễ vay nhưng khó trả.
Vay tiền triệu, trả tiền trăm
Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã phối hợp, chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. HCM điều tra vụ án “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do các đối tượng người Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện tại TP. HCM và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong vụ án này, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội là lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến (app), trong đó có 3 app điển hình đó là: “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online”.
Theo đó, đối với khách hàng vay qua ứng dụng “Vaytocdo” thì người vay lần đầu chỉ được vay 1.700.000 đồng nhưng thực tế nhận về chỉ là 1.428.000 đồng, còn công ty sẽ thu 272.000 đồng tiền phí dịch vụ. Trong 8 ngày người vay phải trả 2.040.000 đồng (trong đó, 1.700.000 đồng tiền gốc và 340.000 tiền lãi 8 ngày). Nếu khách vay trả chậm sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày.
Đối với khách hàng vay qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online” thì người vay lần đầu được duyệt vay số tiền là 1.500.000 đồng nhưng thực tế chỉ được nhận 900.000 đồng, còn 600.000 đồng là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay là 1.500.000 đồng. Nếu người vay trả chậm 01 ngày sẽ bị phạt từ 2% đến 5%/ngày. Như vậy, với hình thức cho vay nêu trên, các đối tượng đã cho vay với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 30,8%/tuần, 132%/tháng và 1.600%/năm.
Được biết, từ tháng 4/2019 đến khi bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý, các app trên đã có khoảng 60.000 giao dịch vay tiền với tổng số tiền vay khoảng 100 tỷ đồng.
Có một thực tế, thời gian qua công nhân lao động chính là đối tượng khách hàng quan trọng mà những người cho vay tín dụng đen hướng tới. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì họ có thu nhập thấp, thiếu tài sản bảo đảm nên khó tiếp cận gói vay tại các ngân hàng. Đây chính là điểm yếu để các đối tượng cho vay tín dụng đen lợi dụng và dụ dỗ, mời chào các gói vay không tín chấp.
Chia sẻ thông tin trên tờ TTXVN, ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang cho biết, qua khảo sát của công đoàn, từ cuối năm 2018, toàn tỉnh có hơn 5.000 công nhân lao động tham gia vay “tín dụng đen”. Tuy nhiên, số thực tế có lẽ còn cao hơn thế. Đây là điều rất đáng lo ngại. Thực trạng tại Tiền Giang cũng chính là thực trạng chung của các địa phương khác trong cả nước.
Các đối tượng phạm tội liên quan đến hoạt động tín dụng đen bị công an bắt giữ. |
Cần nhiều hơn các gói “tín dụng đỏ”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Thành - Công ty Luật Huy Thành (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội): sở dĩ tín dụng đen có đất sống vì ở một số trường hợp người dân, công nhân lao động không thể tiếp cận được với các nguồn vốn của ngân hàng do các quy định chặt chẽ về thủ tục và tài sản thế chấp.
Vì thế, muốn dẹp bỏ nạn tín dụng đen thì bên cạnh việc tạo ra hành lang pháp lý đủ chặt chẽ để xử lý vi phạm trong lãi suất vay thì việc phát triển các gói “tín dụng đỏ” được coi là nút thắt quan trọng để giải quyết vấn đề. Nếu địa phương, tổ chức không giúp được người dân tìm thấy địa chỉ tiếp cận nguồn vốn, thì họ vẫn phải tìm tới tín dụng đen dù biết phải đối mặt với rủi ro về tài chính và an toàn về tính mạng.
Công nhân lao động tại Bình Dương tiếp cận nguồn vốn vay từ CEP. Đây là tổ chức tài chính của Công đoàn, hoạt động với mục tiêu hỗ trợ giảm nghèo cho công nhân lao động, người có thu nhập thấp. |
Theo ông Lê Hoàng Hiếu - Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang: để công nhân lao động tránh xa tín dụng đen thì bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để người lao động hiểu rõ rủi ro, tác hại do tín dụng đen mang lại, công đoàn đã hướng người lao động tới việc tiếp cận các nguồn vốn vay an toàn hơn. Một trong những “địa chỉ đỏ”, đó chính là vay vốn từ Tổ chức tài chính vi mô CEP.
Đây là tổ chức tài chính của Công đoàn, hoạt động với mục tiêu hỗ trợ giảm nghèo cho công nhân lao động, người có thu nhập thấp. Theo con số thống kê, từ đầu năm tới nay, chỉ riêng Khu công nghiệp Tân Hương (xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), Tổ chức tài chính vi mô CEP đã cho hơn 2.000 công nhân lao động vay vốn với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.
Ngoài nguồn vốn vay từ Tổ chức tài chính vi mô CEP, Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang cũng đã đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh có chỉ đạo tới các tổ chức tín dụng, ngân hàng giảm bớt thủ tục, lãi suất đối với công nhân lao động. Với những giải pháp đồng bộ này, ước tính đến nay đã có trên 50% công nhân lao động từng dính tín dụng đen thoát khỏi những khoản nợ do nó đem lại.
Vô địch “ao làng” vẫn tự hào, thì sao? Vượt qua "ám ảnh" về giấc mơ SEA Games suốt 60 năm qua, chức vô địch cùng tấm HCV SEA Games 30 giống như một ... |
Đoàn Văn Hậu: Từ cậu bé mê game đến “cú hích” thành người hùng của đội tuyển Việt Nam Trước khi chạm đến vinh quang, được nhiều người biết đến là một cầu thủ trẻ tài năng, Đoàn Văn Hậu từng là một cậu ... |
Cổ động viên phấn khích nẹt pô giữa lòng phố cổ mừng VN chiến thắng 23h đêm, ngã tư Lương Văn Can - Hàng Gai, dòng người ăn mừng chiến thắng của đội tuyển U22 Việt Nam vẫn rất đông, ... |