
Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo |
Trong khi đó, ở ngay giữa nhà máy, công xưởng, hàng triệu người lao động đang hàng ngày đối mặt với các thách thức đòi hỏi phải sáng tạo để giảm lãng phí, nâng năng suất, cải tiến thao tác, tối ưu quy trình.
![]() |
Công nhân là lực đẩy sống còn của khoa học và công nghệ Việt Nam. |
Tuy nhiên, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá hệ thống thể chế, chính sách, cơ chế hiện hành không chỉ chưa tạo điều kiện, mà còn vô tình ngăn cản sự kết nối giữa khoa học, công nghệ với thực tiễn lao động.
Vượt qua rào cản "tổ chức thực hiện"
Các nhà khoa học phải dành 50% thời gian cho thủ tục, đề tài nghiên cứu không có đột phá, kết quả khó đo lường, và đặc biệt là sự thiếu dũng cảm trong việc chấp nhận rủi ro sáng tạo. Trong bối cảnh đó, sáng kiến từ người lao động dù thực tế, hiệu quả lại không có cơ chế tiếp nhận, thử nghiệm hay thương mại hóa.
Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo nghe qua có vẻ là những khái niệm của viện nghiên cứu, trường đại học, giới học thuật. Nhưng trên thực tế, chính người công nhân mới là lực lượng hàng ngày đối mặt với yêu cầu áp dụng công nghệ, đổi mới quy trình, tối ưu hóa thao tác sản xuất để kịp tiến độ, đáp ứng chất lượng.
Khoa học với họ không phải là lý thuyết, mà là công cụ để giảm mệt nhọc, tăng thu nhập, và quan trọng nhất là bảo vệ việc làm trong một thị trường đầy cạnh tranh.
Thế nhưng, như Tổng Bí thư đã chỉ rõ hiện nay chúng ta đang để mất tới 50% thời gian của giới khoa học vào thủ tục hành chính, kinh phí nghiên cứu chưa tới 0,7% GDP và hệ thống cơ chế chưa dám chấp nhận rủi ro sáng tạo.
Trong môi trường đó, công nhân là người luôn đứng "tuyến đầu" gần như bị “bỏ quên” vì không có trung tâm nghiên cứu thực nghiệm tại nhà máy. Không có quỹ sáng kiến cho tổ công đoàn. Không có kênh kết nối giữa sáng tạo lao động và chương trình khoa học cấp quốc gia.
![]() |
Người công nhân, người lao động bằng trải nghiệm thực tiễn, sự tinh tường với thiết bị, quy trình chính là người phát hiện vấn đề, từ đó tạo nên nhu cầu đổi mới thực sự. |
Vì thế, không ngạc nhiên khi nhiều đề tài vẫn xa rời thực tế sản xuất, còn đổi mới công nghệ chỉ quanh quẩn trong vài doanh nghiệp lớn. Những “sáng kiến từ xưởng máy”, nơi tiềm năng đổi mới thực sự tồn tại không có cơ hội phát triển vì thiếu thể chế để nâng đỡ.
Tổ chức Công đoàn nếu nhìn từ chiều sâu phát triển quốc gia, không chỉ là nơi chăm lo đời sống hay bảo vệ quyền lợi công nhân mà còn có thể trở thành “bệ phóng” cho những ý tưởng mới, cho phong trào đổi mới sản xuất từ cơ sở.
Trong khi cơ quan nhà nước mất hàng tháng để phê duyệt một đề tài nghiên cứu, thì một sáng kiến cải tiến thao tác máy móc từ người thợ có thể giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng chỉ trong vài tuần. Nhưng nếu không có Công đoàn làm cầu nối đưa ý tưởng đó đi vào hệ thống, phối hợp với các trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ pháp lý, ghi nhận và phát triển thành sản phẩm thương mại thì mọi thứ chỉ dừng lại ở quy mô tổ đội sản xuất.
Khi Tổng Bí thư nói đến các “nút thắt” trong tổ chức thực hiện, chúng ta phải hiểu rằng tổ chức công đoàn chính là một “mắt xích” cần được “kích hoạt”. Nếu được luật hóa vai trò, trao quyền trong việc đề xuất dự án, tiếp nhận sáng kiến, phân bổ ngân sách hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng tại cơ sở, công đoàn sẽ trở thành lực lượng đắc lực hỗ trợ Nhà nước thúc đẩy khoa học, công nghệ đi sâu vào thực tiễn đời sống.
Một trong những lý do khiến nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ở Việt Nam không có đột phá như Tổng Bí thư nhận định, là vì chúng không xuất phát từ yêu cầu thực tế. Rất nhiều công trình mang tính hàn lâm, trừu tượng, khó đo đếm hiệu quả, thậm chí mang danh nghĩa đổi mới nhưng lại “làm để tiêu kinh phí”.
Mở "nút thắt" đổi mới từ "trái tim" người thợ
Trái lại, người công nhân, người lao động bằng trải nghiệm thực tiễn, sự tinh tường với thiết bị, quy trình chính là người phát hiện vấn đề, từ đó tạo nên nhu cầu đổi mới thực sự. Họ biết nên thay đổi thao tác nào để giảm tiêu hao điện. Họ hiểu rõ cần cải tiến bộ phận nào để máy ít hỏng hơn. Nhưng họ không có “ngôn ngữ nghiên cứu”, không có nguồn lực tài chính, không có pháp lý bảo vệ.
![]() |
Người lao động trực tiếp hiểu rõ nhất máy móc, quy trình, công đoạn sản xuất – điều mà nhiều nhà khoa học không có điều kiện tiếp cận sâu. |
Đây chính là lúc nhà nước cần đưa họ trở thành chủ thể của sáng tạo, chứ không chỉ là “người được hỗ trợ”. Nếu có các chương trình “khoa học từ công xưởng”, các quỹ sáng kiến công nhân cấp tỉnh, cấp ngành. Nếu có luật pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho người lao động, thì chính họ sẽ là những nhà đổi mới thực sự. Và khi đó, thay vì phải chi tiền mời chuyên gia nước ngoài, chúng ta có thể tận dụng “kho báu” tri thức sẵn có trong từng tổ đội sản xuất.
Tổng Bí thư đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chính khiến các Nghị quyết chưa đi vào cuộc sống là nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Chính điều này đang khiến người công nhân mất niềm tin. Họ thấy Nghị quyết rất hay, chủ trương rất đúng nhưng không ai hướng dẫn triển khai, không có nơi tiếp nhận sáng kiến, không có hành lang pháp lý rõ ràng.
Nhiều địa phương vẫn sợ trách nhiệm, không dám thí điểm. Nhiều đơn vị khoa học vẫn chỉ chăm chăm làm đề tài cho “đủ điểm”, không đo đếm hiệu quả thực tế. Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động sáng tạo vẫn nằm trên giấy, không có ngân sách thực thi. Và như vậy, mọi khát vọng đổi mới chỉ dừng lại ở… khẩu hiệu.
Câu hỏi đặt ra: “Ai đang kìm hãm đổi mới”? Câu trả lời không chỉ nằm ở cơ chế, mà ở tinh thần trách nhiệm của người thực thi. Nếu chính quyền địa phương, doanh nghiệp, tổ chức công đoàn dám hành động, dám đề xuất, dám làm khác với mô hình cũ thì hàng triệu người lao động sẽ được trao cơ hội thay đổi vận mệnh.
Một quốc gia không thể hiện đại hóa nếu không có nền khoa học vững mạnh. Và khoa học không thể mạnh nếu bị tách rời khỏi người lao động, lực lượng đông đảo nhất, có sức sáng tạo thực tiễn lớn nhất. Chính vì vậy, bài phát biểu của Tổng Bí thư như một tiếng gọi hành động: “Hãy thay đổi từ cách làm, cách nghĩ đến cách tổ chức thực hiện chính sách”.
![]() |
Chính những hiểu biết sống động đó là nguồn nguyên liệu quý giá cho đổi mới sáng tạo. |
Cần cải cách mạnh mẽ từ khâu tiếp nhận đề tài, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường cơ chế thử nghiệm sáng kiến từ công nhân, trao quyền pháp lý cho công đoàn trong đổi mới cơ sở. Cần bố trí các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo có sự tham gia của người lao động. Cần ghi nhận công nhân là đồng sáng lập, đồng tác giả các sản phẩm nghiên cứu, và có chính sách khuyến khích rõ ràng.
Bức tranh mà Tổng Bí thư Tô Lâm “phác họa” về thực trạng khoa học công nghệ Việt Nam là một bức tranh trung thực và mang tầm vóc lớn. Nhưng, điều đặc biệt là ông không chỉ nói đến những cái vĩ mô. Ông nhìn thấy con người và trong đó tầng lớp công nhân, người lao động, công đoàn không chỉ là đối tượng thụ hưởng, mà phải là chủ thể hành động.
Chừng nào chúng ta còn để người lao động đứng bên ngoài tiến trình đổi mới, thì chừng đó mọi Nghị quyết vẫn sẽ chỉ là khát vọng xa vời. Nhưng nếu trao họ quyền, luật pháp, niềm tin và cơ hội thì sức sáng tạo khổng lồ từ những đôi bàn tay chai sạn sẽ trở thành động lực thần kỳ, giúp Việt Nam bứt phá thực sự trên con đường hiện đại hóa.
Khoa học suy cho cùng không phải bắt đầu từ những phòng thí nghiệm xa xôi, mà từ chính những nhịp đập đời thường của người lao động. Và nếu biết trân trọng, lắng nghe, tạo điều kiện cho họ thì tương lai của khoa học Việt Nam sẽ được viết lên bằng chính mồ hôi và khối óc của những con người bình dị ấy.
![]() Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị được Tổng Bí thư Tô Lâm ví như một “Khoán 10” trong lĩnh vực khoa học, công nghệ ... |
![]() Việc Chính phủ được đề nghị phân bổ tối thiểu 3% ngân sách nhà nước cho khoa học – công nghệ và nâng dần lên ... |
![]() Khi pháp luật thôi là rào cản, mà trở thành điểm tựa, người công nhân sẽ không còn là người “thi hành ý tưởng” mà ... |
Tin mới hơn

Văn hóa công nhân với nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Luật BHXH 2024: An sinh không dừng lại ở người lao động

Luật BHXH 2024: "Neo giữ" người lao động có kinh nghiệm
Tin tức khác

Luật BHXH 2024: Người công nhân không phải “đánh đổi” sinh mạng cho từng ngày công

Luật BHXH 2024: Công nhân nghỉ ốm không phải giấu, phải sợ, phải đánh đổi

Công nhân và việc học tập suốt đời

Công nhân ngành điều tại Bình Phước: Người giữ hồn cho nông sản Việt

Luật BHXH 2024: Khi pháp luật lắng nghe tiếng lòng người mẹ
