"Ngấm đòn" lạm phát, "ông lớn" bán lẻ chuẩn bị cho một mùa kinh doanh ảm đạm
Kinh tế - Xã hội - 13/03/2023 13:57 Đinh Thơm
Thông thường doanh số các mặt hàng công nghệ, điện máy tăng cao vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ công nghệ thông tin và điện tử gia dụng (ICT & CE) gần đây lại chứng kiến doanh số bán hàng ảm đạm ngay trong giai đoạn cao điểm do sức ép của lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm.
Bối cảnh nhu cầu mua sắm các sản phẩm không thiết yếu sụt giảm cũng ngay lập tức phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ đầu ngành điện máy, công nghệ như CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG), CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT), hay các công ty chuyên phân phối điện thoại, laptop như CTCP Thế giới số (Digiworld, mã DGW) và Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã PET).
Doanh thu giảm kéo lợi nhuận đi thụt lùi
Báo cáo kết quả kinh doanh tháng 1/2023 của Petrosetco công bố mới đây cho thấy doanh thu thuần trong tháng của doanh nghiệp chuyên phân phối điện thoại, laptop này giảm 26% so với cùng kỳ, đạt 1.210 tỷ đồng.
Trong tháng đầu năm, doanh thu hoạt động phân phối doanh thu hoạt động phân phối của Petrosetco giảm 28% so với cùng kỳ, đạt 1.056 tỷ đồng, trong đó doanh thu phân phối điện thoại di động tăng gần 45% lên 844 tỷ đồng nhưng các mảng laptop lại giảm tới 88%; thiết bị IT khác và hạt nhựa polypropylene, xơ sợi polyester và khí hóa lỏng (LPG) cũng lần lượt giảm hơn 50%.
Doanh thu giảm khiến lợi nhuận gộp của Petrosetco chỉ đạt 47 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế theo đó cũng chỉ đạt vỏn vẹn 2 tỷ đồng, giảm gần 94% so với tháng đầu năm ngoái.
Trước đó, kết quả kinh doanh quý 4/2022 của Petrosetco cũng sụt giảm mạnh dù đây là thời điểm ra mắt iPhone mới và là động lực hỗ trợ cho lợi nhuận cho các doanh nghiệp phân phối như Petrosetco. Cụ thể, trong quý 4 công ty ghi nhận doanh thu đạt 4.835 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 0,74 tỷ đồng, lần lượt giảm 20,9% và 99,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tương tự, sau 9 tháng đầu năm tăng trưởng dương, doanh thu và lợi nhuận của MWG bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm đáng kể trong quý 4/2022 do sức mua các sản phẩm điện máy, điện thoại giảm mạnh. Theo đó, doanh thu thuần quý 4 của “ông lớn” bán lẻ này sụt giảm hơn 15% so với mức cao của cùng kỳ, xuống 30.588 tỷ đồng và lợi nhuận ròng giảm tới 60%, còn 619 tỷ đồng – mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây.
Tình hình của FPT Retail cũng không khá hơn là bao khi doanh thu quý 4 đi ngang so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 72% so với mức kỷ lục của năm 2021, còn gần 97 tỷ đồng. Theo lý giải của FRT, trong kỳ doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều bất lợi do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong đợt mở bán sản phẩm mới của Apple, sức mua mặt hàng ICT giảm mạnh do ảnh hưởng bởi yếu tố vĩ mô, chi phí tài chính liên tục tăng cao do lãi suất tăng và căng thẳng thị trường vốn... dẫn đến kết quả kinh doanh không đạt như kỳ vọng.
Còn với Digiword, quý cuối năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng giảm một nửa so với mức cao kỷ lục của cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 4,1 nghìn tỷ đồng (giảm 49% so với cùng kỳ) và 156 tỷ đồng (giảm 53%).
Đến thời điểm hiện tại, cả MWG, FRT, DGW đều chưa công bố kết quả kinh doanh hai tháng đầu năm. Tuy nhiên, với những khó khăn của thị trường đã bộc lộ từ cuối năm ngoái và tiếp tục kéo dài qua tết, dự báo kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp bán lẻ ICT và CE sẽ không mấy khả quan, đặc biệt là khi so với mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái.
Tăng khuyến mại khi nhu cầu không có, đẩy hiệu quả đi xuống
Tại cuộc họp với nhà đầu tư hồi giữa tháng 2/2023, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG đưa ra nhận định những khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp bán lẻ ICT và CE không phải là những khó khăn ngắn hạn, bởi nó xuất phát từ tình hình vĩ mô của thế giới chứ không phải là đơn lẻ của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, để giảm gánh nặng về chi phí, MWG đã quyết định đóng cửa toàn bộ chuỗi cửa hàng Bluetronics tại Campuchia trong quý 1/2023. Cùng với đó, công ty sẽ chủ động dọn dẹp, thu hẹp chuỗi AVASport và ngừng mở rộng chuỗi AVAKids, An Khang.
Đồng thời, từ cuối năm 2022, MWG đã thực hiện chiến lược phòng thủ bằng cách giảm mạnh hàng tồn kho (còn 25.696 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022, giảm 12% so với cùng kỳ) - điều khác hẳn với thông lệ của công ty và cũng khác với những công ty khác trên thị trường.
“Các doanh nghiệp khác có thể tích trữ hàng tồn kho nhưng MWG nhận thấy thời của tồn kho giá rẻ đã qua rồi. Trước đây chi phí vốn giữ hàng tồn kho của MWG chỉ dưới 5% nhưng hiện nay chi phí này đã tăng lên trên 10% nên không có khái niệm giữ hàng tồn kho giá rẻ nữa”, ông Tài chia sẻ.
Theo ông Tài, việc kiểm soát hàng tồn kho là nhằm đảm bảo an toàn cho dòng tiền bởi hàng tồn kho bao gồm hai rủi ro. Rủi ro thứ nhất là chi phí tài chính lớn, thứ hai là hàng tồn kho của các doanh nghiệp nhiều tất yếu sẽ dẫn đến việc "đạp” giá, lúc đó hiệu quả kinh doanh sẽ suy giảm.
“Việc “xả” hàng tồn kho cũng không hề đơn giản bởi “xả” hàng tồn trong bối cảnh sức mua tăng lên thì đơn giản, tăng khuyến mãi mà người mua có nhu cầu thực thì cộng hưởng nhưng tăng khuyến mãi mà nhu cầu không có thì chỉ có đi ngang doanh thu và đẩy hiệu quả đi xuống. Đó cũng là một phần bài học chúng tôi học được chứ không phải cứ tăng khuyến mãi là doanh thu đi lên”, ông cho biết thêm.
Với sức mua sụt giảm trong bối cảnh lạm phát gia tăng, ông Tài cho rằng năm 2023 sẽ không phải là một năm thuận lợi cho ngành bán lẻ các mặt hàng không thiết yếu về sức mua, ít nhất là trong hai quý đầu năm.
Nhận định này của Chủ tịch MWG cũng có phần tương đồng với dự báo trong báo cáo về thị trường bán lẻ được SSI Research công bố hồi cuối tháng 1. Theo SSI Research, tình trạng ảm đạm của thị trường bán lẻ sẽ kéo dài ít nhất cho đến tháng 6/2023 do những khó khăn liên quan đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là áp lực lạm phát.
Trong nửa đầu năm 2023, SSI Research cho rằng giá điện, chi phí y tế và học phí sẽ tăng lên, thuế GTGT cũng tăng lên 10% kể từ ngày 1/1/2023. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.
Với giả định lạm phát sẽ đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 và sau đó sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm, nhóm phân tích ước tính chi tiêu cho điện thoại và điện máy sẽ giảm 10% so với năm 2022.
Theo SSI Research, lạm phát gia tăng sẽ làm tăng chi phí cho các nhà bán lẻ, vì khó có thể chuyển phần chi phí tăng lên sang giá bán cho khách hàng. Trong khi đó, người tiêu dùng đang tìm kiếm các đợt giảm giá sâu và xu hướng mua hàng giá rẻ có thể kéo dài đến năm 2023.
Cũng theo chuyên gia của SSI, việc hợp nhất thị trường sẽ rõ ràng hơn trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Các nền tảng thương mại điện tử thường giảm giá sâu, tạo ra tỷ suất lợi nhuận thấp. Trong bối cảnh chi phí tăng và nhu cầu yếu, các nhà bán lẻ trực tuyến có thể bị lỗ, do đó mất dần thị phần. Các nhà bán lẻ quy mô nhỏ không tiếp cận được tín dụng ngân hàng cũng có thể bị mất thị phần. Do đó, các nhà bán lẻ có dòng tiền ổn định có thể giành được thị phần.
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 14:42
Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) để giảm thiểu tối đa rủi ro, bảo vệ môi trường và tài sản.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 11:30
Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới
Trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường địa ốc Đà Nẵng năm 2024, ghi nhận dấu ấn và vai trò lực đẩy của những tổ hợp bất động sản đẳng cấp ven sông Hàn với quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích cao cấp theo mô hình “all-in-one” tiên phong.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 10:00
VietinBank tăng trưởng CASA, tối ưu hóa nguồn vốn huy động và góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh
Các giải pháp mang tính chiến lược này đã giúp VietinBank không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng biểu tượng CASA mà còn tiết giảm chi phí vốn (COF), cải thiện biên lợi nhuận (NIM), và khẳng định vị trí tiên phong trong lĩnh vực lĩnh vực thanh toán số hiện đại.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 21:00
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ như thế nào?
Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ được thực hiện thông qua ứng dụng VNeID (tài khoản định danh điện từ) cài đặt trên điện thoại di động.
Kinh tế - Xã hội - 21/11/2024 20:00
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy, do đâu?
Xe máy đang đi bị hụt ga chết máy không phải hiếm gặp. Nguyên nhân do đâu, cách xử lý như thế nào, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
- Anh Nguyễn Thành Nhân - 25 năm gắn bó với Trường THPT Ngô Gia Tự
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, người lao động có thể tự ngừng đóng để nhận trợ cấp?
- Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
- Hành trình thầm lặng và trách nhiệm của người lái xe chở vật liệu nổ công nghiệp
- Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định