Đừng để "tiền mất, tật mang" với chiêu thức “việc nhẹ, lương cao”
Thị trường lao động - 14/01/2025 16:12 NGÔ KHIÊM
Cảnh giác bẫy “việc nhẹ lương cao” dịp cuối năm: Những trò lừa đảo đang bủa vây lao động trẻ |
Từ “việc nhẹ” đến “mất sạch”
Chiêu lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” không phải hình thức lừa đảo mới, đã được các cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo, tuy vậy thời gian giáp Tết Nguyên đán 2025, nhiều người dân vẫn “sập bẫy” lừa đảo tinh vi của các nhóm đối tượng.
Thủ đoạn chung của kẻ lừa đảo theo hình thức này là lập ra các fanpage trên nền tảng Facebook với nội dung cung cấp dịch vụ hỗ trợ xây dựng gian hàng hoặc tuyển cộng tác viên làm việc online trên các sàn thương mại điện tử. Khi có người hỏi, nhóm lừa đảo sẽ sử dụng các tài khoản Facebook ảo kết bạn, làm quen, rủ rê nạn nhân mở các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, hướng dẫn làm các nhiệm vụ mua hàng để chiếm đoạt tài sản.
Người lao động có nhu cầu tìm việc cần đến nơi có thông tin tuyển dụng rõ ràng - Ảnh: Minh Khôi. |
Gần đây, tại thành phố Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh), một người đàn ông đã bị lừa đảo với số tiền lên đến 1,7 tỷ đồng. Vào đầu tháng 1/2025, ông nhận được lời mời làm cộng tác viên trực tuyến tại nhà, với nhiệm vụ tăng tương tác cho một sàn thương mại điện tử và được hứa hẹn tiền hoa hồng sẽ được trả hàng ngày. Tin tưởng vào công việc đơn giản và thu nhập hấp dẫn, ông đã liên tục chuyển tiền vào số tài khoản được cung cấp để thực hiện các “nhiệm vụ mua hàng”. Tuy nhiên, sau khi đã chuyển tiền, ông không thể rút được cả tiền gốc lẫn tiền hoa hồng.
Tại Hà Nội, nhiều người, đặc biệt là đối với phụ nữ đang nuôi con nhỏ hoặc những người ở nhà không có việc làm cũng rơi vào trường hợp tương tự. Qua mạng xã hội, chị M. tham gia làm cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ online để nhận hoa hồng. Ban đầu, các nhiệm vụ có giá trị nhỏ được thực hiện suôn sẻ, giúp chị tin tưởng vào hệ thống. Tuy nhiên, khi thực hiện các đơn hàng có giá trị lớn, hệ thống liên tục báo lỗi và yêu cầu chị nạp thêm tiền để “hoàn tất lệnh”. Tin vào lời dụ dỗ, chị M. đã chuyển tổng cộng 1,1 tỷ đồng nhưng vẫn không thể rút tiền. Cũng với hành vi đó, chị T. (trú tại huyện Đan Phượng) mất 200 triệu đồng, anh H. (trú tại quận Cầu Giấy) mất hơn 300 triệu đồng.
Nguy hiểm hơn, các đối tượng tại TP. Hồ Chí Minh còn lừa đảo người dân sang Campuchia làm việc với lời hứa “việc nhẹ, lương cao”. Sau khi sang Campuchia, các nạn nhân bị giam giữ, ép buộc lao động khổ sai hoặc tham gia vào các hoạt động lừa đảo trực tuyến. Nếu muốn trở về, họ phải liên hệ gia đình để chuyển tiền chuộc; nếu không, sẽ bị đánh đập hoặc bán cho các “công ty” khác để tiếp tục bị bóc lột. Mỗi lần bán một người thành công, chúng thu lợi khoảng 300 USD.
Không có công việc nào là “việc nhẹ, lương cao” thực sự
Trước thông tin lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” tràn lan trên mạng dịp cận Tết, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị người dân cảnh giác trước những lời hứa hẹn về việc làm thu nhập cao, việc làm không cần bằng cấp; xác minh thông tin từ các nguồn chính thức, không tin tưởng vào những thông báo hoặc kênh thông tin không rõ ràng.
Người dân không nên cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng; thiết lập xác thực 2 yếu tố cho tài khoản trực tuyến và cập nhật mật khẩu thường xuyên. Trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Video: TS. Nguyễn Đình Tiến, giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn, TS. Nguyễn Đình Tiến, giảng viên Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, dịp Tết, ai cũng muốn có thêm tiền nhưng điều này dễ làm họ mất cảnh giác và rơi vào bẫy lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”.
“Không có công việc nào là “việc nhẹ, lương cao” thực sự, đặc biệt là những công việc được quảng cáo trên mạng. Người lao động cần cẩn trọng xác minh thông tin trước khi tham gia bất kỳ công việc nào”, ông cảnh báo.
TS. Nguyễn Đình Tiến, giảng viên Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội |
TS. Tiến cũng chia sẻ một số hình thức lừa đảo phổ biến gồm: Làm cộng tác viên online, yêu cầu chuyển tiền trước để nhận việc hoặc quảng cáo các công việc không rõ ràng… Những đối tượng lừa đảo thường lợi dụng lòng tin và sự thiếu thông tin của người lao động, khiến họ dễ sa bẫy.
“Người lao động phổ thông và lao động chân tay là nhóm dễ bị lôi kéo nhất. Bởi họ thường có thu nhập thấp, không có hoặc thưởng Tết không cao và áp lực tài chính dịp Tết cao, nên dễ bị cuốn vào những lời mời chào hấp dẫn. Trong khi đó, sinh viên và người có trình độ học vấn cao thường ít bị lừa hơn vì họ có khả năng kiểm tra và tiếp cận thông tin tốt hơn”, ông thông tin thêm.
Để tránh trở thành nạn nhân, TS. Tiến khuyến nghị: “Người lao động cần cảnh giác với các công việc yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân. Nếu gặp những lời mời hấp dẫn, hãy tham khảo ý kiến từ người thân hoặc bạn bè có kinh nghiệm. Đồng thời, cần cập nhật kiến thức và thường xuyên theo dõi thông tin để nhận diện các nguy cơ. Không có việc kiếm tiền dễ dàng mà lại không có rủi ro. Nếu ai đó mời mình tham gia, chắc chắn họ có mục đích trục lợi”.
TS. Tiến đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn thông tin sai lệch qua mạng và điện thoại. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng, các đối tượng lừa đảo thường rất nhanh nhạy trong việc thay đổi thủ đoạn. “Cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ các tài khoản và thông tin quảng cáo trên mạng, đồng thời, cần áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm khắc để răn đe. Bên cạnh đó, báo chí truyền thông cần đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân tránh để “tiền mất, tật mang”, ông kiến nghị.
Theo báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng 2024 do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia thực hiện, tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra cho người Việt trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng.
Một báo cáo gần đây từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, số vụ lừa đảo qua mạng tăng hơn 20% trong quý cuối năm 2024, đặc biệt tập trung vào các nền tảng mạng xã hội. |
Nhiều chiêu trò bán vé máy bay Tết 2025 giá rẻ để lừa đảo người lao động, chuyên gia khuyến cáo gì? Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân khi có nhu cầu đặt mua vé máy bay, vé ... |
Dịp cận Tết, người lao động cảnh giác với chiêu trò lừa đảo mua hàng, nhận quà trúng thưởng qua mạng Nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đăng ... |
Cảnh giác bẫy “việc nhẹ lương cao” dịp cuối năm: Những trò lừa đảo đang bủa vây lao động trẻ Những quảng cáo “việc nhẹ, lương cao, không cần kinh nghiệm” đang lôi kéo nhiều người lao động, đặc biệt là sinh viên, vào các ... |