Công nhân nên đến trực tiếp công ty tìm hiểu và nộp hồ sơ xin việc để tăng cơ hội có việc làm cho mình |
“Em đang định ứng tuyển vào công ty này, anh chị nào biết thông tin gì về công ty này cho em xin ý kiến với ạ” - Một dòng trạng thái của nữ công nhân tên Hà, 25 tuổi, ở Bình Dương đăng lên một nhóm dành cho công nhân có hơn 45 ngàn thành viên. Kèm theo dòng trạng thái là thông báo cần tuyển gấp 50 công nhân của một công ty ở Khu công nghiệp VSIP II-A.
“Công ty này có quản lý chuyền hay chửi công nhân lắm bạn. Chán”, một người bình luận. Một người khác chia sẻ: “Công ty này ít tăng ca lắm. Không tăng ca là không có tiền đâu”. Một tài khoản khác khuyên: “Thôi tìm công ty khác đi, mình thấy công ty này tuyển hoài, chắc lương thấp, công việc vất vả nên công nhân nghỉ nhiều rồi mới tuyển liên tục vậy”… Đáp lại những dòng bình luận của các thành viên trong nhóm, người đăng dòng trạng thái “chốt” luôn: “Vậy để mình tìm công ty khác vậy. Đang thất nghiệp, muốn tìm công việc lâu dài, công ty tốt mà toàn gặp công ty gì đâu không à”.
Đó chỉ là một trong rất nhiều chia sẻ xin ý kiến của đồng nghiệp được nhiều anh chị em công nhân đăng lên các hội, nhóm trước khi nộp hồ sơ xin việc vào một công ty nào đó. Anh Viết Đức, quản trị viên của nhóm “Công nhân KCN Visip 2”, chia sẻ: “Bây giờ nhiều bạn xin việc kiểu “hỏi ý kiến” vậy lắm. Chỉ cần một vài người chê là từ bỏ luôn ý định nộp đơn xin việc vào công ty đó dù đang thất nghiệp. Mình nghĩ, những người có ý kiến chê công ty không sai, có thể đó là trải nghiệm thực của họ nhưng ý kiến đó không thể nào phản ảnh đúng hết tình hình thực tế của công ty đó”.
Đức ví dụ: “Đơn cử như lý do “quản lý chuyền hay chửi” thì trong công ty có rất nhiều quản lý chuyền, mình làm việc cho công ty chứ đâu phải làm việc cho người quản lý đó đâu. Công ty tăng ca ít hay nhiều phụ thuộc vào đơn hàng từng thời điểm… Cho nên đừng nghe một vài nhận xét không tốt mà bỏ qua cơ hội việc làm của mình. Có thể, công ty đó không phù hợp với họ nhưng phù hợp với mình, tùy từng thời điểm mà chính sách của công ty cũng thay đổi, phải chính mình trải nghiệm thì mới biết được”.
Anh chị em công nhân đến tìm hiểu và nộp hồ sơ vào công ty để tìm kiếm cơ hội việc làm |
Chị Thúy Quyên, 26 tuổi, quê Bến Tre, hiện đang thất nghiệp vì công ty trước đây chị làm việc cắt giảm lao động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Gần 2 tháng qua, chị đã nộp đơn xin việc nhiều nơi nhưng chưa có kết quả. Chị cho hay, bản thân chị cũng từng tham khảo ý kiến của đồng nghiệp trên các hội nhóm rồi bỏ lỡ cơ hội việc làm của mình.
Chị Quyên bộc bạch: “Cứ nghe người này người kia bàn rồi cuối cùng mình chẳng nộp đơn vào công ty nào cả. Trong khi đó, mấy anh chị đồng nghiệp nộp hết, được nhận rồi đi làm, họ phản hồi là thấy mọi thứ đều ổn. Lúc mình nhận ra công ty không như lời đồn thì công ty đã không còn tuyển nữa. Câu chuyện của tôi giống như “đẽo cày giữa đường”, ai nói gì, nhận xét gì cũng nghe rồi làm theo mà không có chính kiến, cuối cùng việc của mình không xong”.
Tham gia các sàn giao dịch, ngày hội việc làm sẽ giúp anh chị em công nhân dễ tìm được cơ hội việc làm hơn |
Chị Nguyễn Quỳnh Liên, trưởng bộ phận tuyển dụng của một công ty chuyên về sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp VSIP (Thuận An, Bình Dương) chia sẻ, việc anh chị em tham khảo ý kiến đồng nghiệp trước khi nộp hồ sơ ứng tuyển cũng có mặt được. Được là anh chị em có thêm nhiều nguồn thông tin, ví dụ như công ty đó tăng ca nhiều thì đối với những công nhân có con nhỏ sẽ không phù hợp nhưng đối với các anh chị công nhân độc thân, trẻ thì lại rất thích. Khi có nhiều ý kiến phản hồi, anh chị em nắm được thông tin, sau đó quyết định nộp hồ sơ ứng tuyển, nếu được nhận sẽ không bỡ ngỡ. Tuy nhiên, cũng có tình huống là không giống như các ý kiến trên mạng thì nhiều anh chị em sẽ thất vọng.
“Một công ty được xem là ổn nếu công ty đó đảm bảo các tiêu chí cơ bản như tiền lương, tham gia đầy đủ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các khoản trợ cấp, đảm bảo tăng lương qua các năm, các chế độ phúc lợi đầy đủ cho người lao động. Khi muốn ứng tuyển vào một công ty, anh chị em nên chú ý đến những tiêu chí đó. Còn những nhận xét của đồng nghiệp như quản lý hay chửi, cơm không ngon… chỉ mang tính chất tham khảo và đó chỉ là trải nghiệm của chính người đó, không thể lấy ý kiến đó mặc định là công ty không tốt rồi bỏ qua cơ hội việc làm của mình”, chị Quỳnh Liên chia sẻ.
Cuộc sống của nữ công nhân PouYuen Việt Nam sau khi mất việc
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 15/7 Cập nhật thông tin Covid-19 lúc 7h sáng ngày 15/7, tổng số người nhiễm trên toàn cầu đã lên tới hơn 13,4 triệu, hơn 580 ... |
Người máy trưởng và những tâm tình về nghề đi biển Gắn bó với nghề vận tải biển hơn 20 năm, anh Trần Hữu Dũng - Máy trưởng tàu VOSCO SUNRISE (trọng tải 56.472 DWT) của ... |
Rác thải "bủa vây" hành hạ công nhân KCN Bắc Thăng Long Hơn một năm nay, người dân quanh khu vực gần cổng C, KCN Bắc Thăng Long, đoạn ngay sát chợ đầu mối Đông Anh, thuộc ... |