Người lao động tại một doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh vừa mất việc làm, làm thủ tục bảo lưu bảo hiểm xã hội tại cơ quan bảo hiểm. Ảnh tuoitre.vn |
Bình thường, có cảm giác mọi sự ở nước ta đã trở lại như trước khi có dịch, mặc dù nguy cơ dịch bệnh vẫn còn. Đó là bởi cả nước phòng chống dịch quá tốt, được cả thế giới ngợi ca. Nhưng nhìn sang bốn biển năm châu, nhất là nước Mỹ và châu Mỹ Latinh, dịch bệnh vẫn tiến triển vô cùng khốc liệt. Ngày 9/7, nước Mỹ có tới hơn 61.000 ca nhiễm chỉ trong 24 giờ. Tổng thống Bolivia được xác nhận dương tính với Sars-CoV-2; trước đó Tổng thống Brazil cũng được xác nhận tình trạng tương tự…
Vì thế, chúng ta đã trở lại bình thường mà vẫn chưa được như bình thường. Nguồn cung cầu thế giới đứt gãy, sản xuất đang vô cùng khó khăn. Những con số được công bố hết sức ám ảnh: Gần 31 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng thu nhập; 7,8 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ việc luân phiên. Có doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long cho công nhân nghỉ 5 ngày một tuần, chỉ đi làm một ngày. Dự báo tới đây, mỗi tháng sẽ còn có hàng chục, hàng trăm nghìn công nhân tiếp tục bị ảnh hưởng, có thể mất việc hoặc giãn việc, nghỉ việc luân phiên.
Công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị thất nghiệp mấy tháng gần đây tăng cao. Trong ảnh, người lao động mất việc làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Ảnh dantri.com.vn |
Trên mạng xã hội, công nhân xuất hiện dày đặc với nhu cầu tìm kiếm thông tin tuyển dụng. Nhiều lao động không ngần ngại tự giới thiệu về mình: bao nhiêu tuổi, bằng cấp gì, đang muốn tìm một công việc cụ thể hoặc bất cứ việc gì như một cách cầu may, biết đâu lời giới thiệu đến được người cần. Nhiều người buồn bã thở than đi phỏng vấn thất bại, bị từ chối vì quá đông người nộp hồ sơ, vì xăm trổ, vì có quê Thanh Hóa hoặc vì lý do gì chẳng biết.
Hiếm hoi, tôi thấy một bạn đăng dòng trạng thái như lời reo vui không kìm nén được: “Đã có kết quả phỏng vấn, mai đi làm rồi. Mình đăng lên cho mọi người biết để cùng vui…”. Tôi chúc mừng bạn đã có việc làm! Nhưng trong bao nhiêu người tìm việc, đó chỉ là một niềm vui nhỏ bé…
Tôi nhớ một số bài viết gần đây trên Tạp chí Cuocsongantoan.vn, kể về những người phụ nữ miền Tây thức dậy từ 3, 4 giờ sáng đón xe lên nhà máy ở thành phố Hồ Chí Minh làm việc; trở về vào đêm khuya khi chồng con đã ngủ vùi; có khi vợ chồng cả tháng không nhìn thấy mặt nhau; hay bài viết trên Báo Lao động kể về vợ chồng chị Vân Anh ở Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long. Chồng chị thất nghiệp từ tháng 5, còn chị cũng vừa mất việc. Giờ đây, thói quen thức dậy đón xe đi làm lúc 3, 4 hay 5 giờ sáng với những nữ công nhân miền Tây, hay chị Vân Anh đã lùi vào dĩ vãng với niềm tiếc nuối.
Tổ chức Công đoàn, các ngành hữu quan đang rất nỗ lực giúp đỡ người lao động mất việc tìm kiếm việc làm. Trong ảnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội chủ động kết nối trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Ảnh nhandan.com.vn |
Các anh chị công nhân mất việc, giãn việc, nghỉ việc luân phiên mỗi người một tâm trạng. Những người có việc cũng nơm nớp lo sợ sẽ đến lượt mình. Mỗi người có lẽ sẽ phải tìm một việc mới để kiếm sống hoặc chuẩn bị gì đó nếu mình thất nghiệp. Một câu hỏi đau đáu hiện ra chưa có lời giải đáp: Bao giờ dịch bệnh hoàn toàn kết thúc?
Dù sao, tôi cũng thấy vui với bạn công nhân đã phỏng vấn thành công, chuẩn bị đi làm. Niềm vui dù nhỏ vẫn còn hơn không, bạn nhỉ?
Bộ Y tế cảnh báo rất nhiều người lớn mắc bạch hầu |
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 10/7 |
Nghệ An: Hàng nghìn người lao động chờ đợi đi làm việc ở nước ngoài |